LỜI NGỎ

LỜI NGỎ


Đặc San Âu Châu 2008 là sân trường và lớp học:

Ø Nơi sân trường, nhiều tác giả thuật lại những kỷ niệm xưa và cuộc sống hiện nay. Những nhân vật đều rất gần gũi thân thương. Đặc San khiến ta có cảm giác vẫn còn quanh quẩn bên nhau như ngày nào.

Ø Trong lớp học để nghe bài giảng của giáo sư. Độc giả có cảm tưởng đang ngước mắt nhìn lên bục cao giảng đường, chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Khác chăng là khi đọc Đặc San, mỗi người nhìn xuống trang giấy in đầy chữ viết để cảm nghiệm sức công phá của thời gian thật là khủng khiếp.

Sân trường hẳn sẽ mất vui nếu vắng bóng người. Và lớp học cũng sẽ buồn bã nếu thưa thớt môn sinh. Với Đặc San, khuôn viên Đại Học Đà Lạt mở rộng cánh cửa. Thì xin mời Thầy, mời Bạn bước vào, lần lượt ghé thăm các phần:

Ø Hội Hữu: Ngày xưa, Hội Hữu là tên một giảng đường, cách Thư Viện bằng con dốc dẫn lên nguyện đường Năng Tĩnh. Trong Đặc San, Hội Hữu chỉ đơn giản là « dĩ văn hội hữu »: Văn chương Đặc San giúp bạn bè tìm lại nhau. Vì số bài vở nhận được phần nhiều thể hiện tâm tình hội hữu nên chủ đề của Đặc San là « Ngày Xưa Hội Hữu ».

Ø Thượng Hiền: Là giảng đường, lớp học. Đó là những bài biên khảo về những vấn đề đất nước và một số « luận văn » của các cựu môn sinh.

Ø Kiêm Ái (thương yêu mọi người): Là vườn thơ văn Thụ Nhân. Ta tìm thấy trong phần Kiêm Ái những sáng tác đại học, có trăng sao thắp sáng, giấy lụa là tâm hồn sĩ tử, giọt mực là sương sớm bịn rịn trên cây cành Thụ Nhân.

Ø Thụ Nhân: Ghi lại tin tức, sinh hoạt Thụ Nhân đây đó.

Ban Biên Tập xin bày tỏ lòng biết ơn quý thầy cô và quý anh chị Thụ Nhân khắp nơi đã gửi bài thể hiện « Tinh Thần Thụ Nhân ».

Chúng tôi chân thành cám ơn nhiếp ảnh gia Bảo Bườn đã thực hiện trang bìa và các phụ bản nhiếp ảnh đặc sắc tái tạo không gian « Ngày xưa Hội hữu ».

Và bây giờ, kính mời quý thầy cô và các anh các chị bước vào giang sơn Thụ Nhân.

Lê Đình Thông.



Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc,
Bách niên chi kế mạc như thụ nhân.