TỰA

Tinh thần Thụ nhân

Trong buổi họp mặt mừng xuân Bính Tuất (2006) ở Paris, bạn Lê Đình Thông có yêu cầu các giáo sư hiện diện "đánh giá" sự đóng góp của Viện Đại Học Đà Lạt (cũ) cho nền giáo dục nước nhà. Tôi đã trả lời như sau: "Theo thiển ý của tôi, sự đóng góp quý giá nhất của Viện không phải là những kiến thức chuyên môn đã được ban giảng huấn truyền thụ cho sinh viên, trong giảng đường, phòng thực tập hay phòng thí nghiệm vì thực ra sinh viên có thể thâu thập những kiến thức này ở nhiều nơi khác, và nếu không có giáo sư hướng dẫn thì họ vẫn có thể tự học với các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Nhìn lại sự việc trong hơn 30 năm vừa qua, tôi thấy phần đóng góp quý giá nhất và độc đáo nhất của Viện chính là lý tưởng hay đúng hơn là “tinh thần thụ nhân”.

Tinh thần thụ nhân là gì? Như ta biết, hai chữ thụ nhân trích từ câu: Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân nghĩa là kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa; kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người. Câu này là sách lược làm cho dân giầu nước mạnh do Quản Trọng đệ trình Tề Hoàn Công trong thời Xuân Thu (722 - 481 trước C.N). Đức Ông Nguyễn Văn Lập, cố Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, đã có sáng kiến dùng hai chữ Thụ Nhân để gọi giảng đường lớn nhất của Viện, ngụ ý nói lên tham vọng của Ban Sáng Lập là thực thi một kế hoạch lâu dài, đặt trọng tâm trên công cuộc đào tạo nhân tài trong nhiều thế hệ. Trồng người, đó là mục đích cao cả của Viện Đại Học Đà Lạt.

Ta cần gạt bỏ ngay một quan niệm trồng người mới xuất hiện từ ba, bốn chục năm nay trong ngôn ngữ nước nhà. Theo quan niệm này, trồng người có nghĩa là gài một «điệp viên» (hiểu theo nghĩa rộng không ẩn ý miệt thị) vào trong một cơ quan, một tổ chức, hay một cộng đồng. Phải dùng một người không ai dám nghi ngờ, được đưa vào một lúc hoàn toàn vô sự, rồi nuôi dưỡng, "vun trồng" người đó để y dần dần chiếm được một địa vị có quyền thế ngõ hầu lợi dụng y, khi có thời cơ, để lũng đoạn toàn thể cơ quan, tổ chức hay cộng đồng.

Trồng người, đối với Ban Giảng Huấn Viện Đại Học Đà Lạt không phải chỉ là huấn luyện những chuyên viên, những kỹ thuật gia khả dĩ phục vụ trong chính quyền, các công sở nhà nước, hay các xí nghiệp tư. Trồng người là giáo dục các sinh viên để họ thành những người "xứng đáng làm người". Như vậy dù đỗ đạt hay không có một bằng cấp nào hết, họ vẫn làm vinh danh Viện Đại Học Đà Lạt nhờ ở tác phong và cách xử thế của họ. Tinh thần thụ nhân trở nên mẫu số chung, một tình nghĩa thắm thiết kết nối các cựu sinh viên cũng như các cựu giáo sư, hàng mấy chục năm sau khi từ biệt nhà trường và tản mác khắp nơi trên thế giới...

Những cuốn đặc san được xuất bản hàng năm, từ nhiều năm nay, ở Mỹ cũng như ở Âu Châu, là sự góp sức của nhiều cựu sinh viên và một số cựu giáo sư. Tính cách đa thể, đa dạng, tạp biên của các văn phẩm tập thể này chứng tỏ sự bền bỉ và sống động của những người dân Việt mà Viện Đại Học Đà Lạt đã có công vun trồng.

Paris tháng 2 năm 2006
Vũ QuốcThúc

Ảnh ngày họp đầu năm