Bài Học Thầy

Phan Văn Song

Anh bạn Lưu Văn Dân, đồng môn Lycée Yersin nhắc lại lần này là lần thứ ba phải viết một bài để nhớ lại Cha Nguyễn Văn Lập và Thầy Nguyễn Ngọc Huy.

Số là vào lần giỗ Cha Lập, anh em Chánh trị Kinh Doanh Đà Lạt ra một tập san kỷ niệm vị Thầy kính yêu của các cựu sinh viên trường. Trong một buổi gặp gỡ cùng gia đình Marie và Dân, tôi vui miệng kể mình có dịp gặp và hầu chuyện cùng Cha Lập. Vào những năm 1972, 73, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, người mà anh em đồng chí Đại Việt Quốc Dân Đảng và Tân Đại Việt thường gọi bằng “Anh Ba” có ý định mở một trường đại học. Và trường đại học đó sẽ giao cho tôi, Phan Văn Song, tổ chức và điều hành.

Sau khi quyết định, tham khảo sắp đặt nhơn sự, Thầy Huy bảo tôi phải sửa soạn cùng thầy đi hầu vài vị đàn anh trong giới giáo chức gọi là ra mắt trình làng.

Trong số các vị ấy có Cha Lập. Danh sách khá dài nhưng không thực hiện được hoàn toàn một phần vì Thầy Huy rất bận rộn vì lo tổ chức Đảng, củng cố Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, tiếp xúc những bạn bè chánh trị. Cuộc chiến Việt Nam đã qua thời kỳ rất gay go: Mỹ đã rút khỏi Việt Nam. Mùa hè đỏ lửa đã đi qua, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chứng minh có thể tự mình đảm đang được nhưng phải được sự ủng hộ bằng phương tiện của Mỹ và đồng minh.

Mặt khác phải nghĩ đến tương lai, hậu chiến, xây dựng. Mặc dù đã cảm thấy đồng minh Mỹ cố ý “đem con bỏ chợ” nhưng vẫn nghĩ rằng “con bài quốc gia” vẫn còn sáng gía trong chiến thuật be bờ chống bành trướng Cộng sản.

Vả lại, chả nhẽ công trình xây dựng từ 20 năm nay, nỡ nào nhẫn tâm vứt bỏ. Thế là thầy trò vẫn lao đầu vào giấc mơ giáo dục, giấc mơ xây dựng một tương lai cho Việt Nam. Trường đại học tư thục được đặt tên là Trường Cao Đẳng Thương Mãi MINH TRÍ.

Cao đẳng thương mãi là tầm nhìn của chúng tôi lúc bấy giờ. Mặc dù tốt nghiệp ở Viện Chánh Trị Học và Đại Học Luật Khoa nhưng trong những lúc đi làm và thực tập tôi đã được huấn luyện ở Ngân hàng và điều hành các cơ sở thương mãi của Pháp lúc bấy giờ (những năm 1967, 68, 70) như Crédit Lyonnais, Publicis, IBM...

Nếu cao học I là một cao học chuyên về tổ chức chánh trị và luật học về quốc tế công pháp thì cao học II của chúng tôi thuộc về cao học hành chánh. Tôi tốt nghiệp Viện Cao học Hành Chánh (Institut de l’Administration des Entreprises, gọi tắt là IAE) của đại học Luật Khoa Toulouse. Cũng nhờ vậy nên tôi được huấn luyện về marketing tức là tiếp thị. Do đó, qua năm 1973 tôi được hãng BGI thâu dụng vào làm Chánh Sở Marketing (Tiếp Thị) của Nha Thương Mãi và sau này làm giám đốc thương mãi.

Chúng tôi vẫn ước ao làm sao đào luyện được những chuyên viên thương mãi kiểu một Ecole Supérieure de Commerce như Pháp. Chương trình và tổ chức cũng tương đương như vậy và sẽ thực dụng hơn. Chúng tôi mong sẽ tạo ra những cán sự với chương trình hai năm học một cách thực dụng với những xưởng thực tập (workshop), mong sao sau hai năm các em có thể đi làm ngay, biết đánh máy, biết cơ cấu hành chánh, viết một đơn đặt hàng, làm một tờ trình.

Lớp sáng học bài giảng, chiều thực tập. Lớp chiều thực tâp buổi sáng, học bài giảng buổi chiều. Lớp tối cho các nhơn viên tư chức, công chức hay quân đội đã biết làm việc rồi, chỉ học lý thuyết thôi.

Chương trình đầy tham vọng. Giấc mơ được sự ủng hộ của Thầy Nguyễn Ngọc Huy, Thầy Nguyễn Văn Ngôn là hai vị cộng tác với tôi và đỡ đầu cho tôi đứng mũi chịu sào, lái con thuyền, tạo một Trường Cao Đẳng Thương Mãi tại Việt Nam.

Một sáng đẹp trời mùa xuân năm 1974, Thầy Huy và tôi được Cha Bạch Văn Lộc, Viện trưởng Viện Đại Học Minh Đức cho biết là Cha Nguyễn Văn Lập sẽ ghé thăm Sài gòn, và Cha Lộc sẽ tổ chức cho thầy trò chúng tôi gặp Cha Lập ở chủng viện Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng.

Cha Bạch Văn Lộc là chỗ quen biết với ba mẹ tôi, đã gặp nhau ở Paris vào những ngày ba tôi đi chữa bệnh mù mắt và học chữ Braille ở Paris vào những năm 56, 57 gì đó. Cũng vào khoảng thời gian ấy, cha mẹ tôi vào đạo Thiên chúa. Cả gia đình ba mẹ và các anh em tôi cũng đã được rửa tội theo Chúa vào những năm ấy. Nhưng về sau, tôi chọn con đường của Eglise Réformée de France, tạm dịch là Nhà Thờ Cải Cách, gọi chung là nhóm Tin Lành, Evangeliste, do chữ Evangile là Tin Lành hay là Protestant (protestant được hiểu lầm là chống đối nhưng thực ra protester là làm chứng sự hiện hữu của Chúa).

Trở lại Cha Bạch Văn Lộc. Cha Bạch Văn Lộc quen với ông cụ, bà cụ chúng tôi trong những năm 57, 58 ở Paris, quen cả với GS Nguyễn Ngọc Huy lúc ấy còn đi học Sciences Politiques và ông bà Nguyễn Tôn Hoàn đang tị nạn tại Paris. Cha Lộc tổ chức cho Cha Lập từ Bình Triệu lên Sài gòn gặp thầy trò chúng tôi.

Chúng tôi đến đường Kỳ Đồng vào khoảng 10 giờ sáng. Lúc ấy tôi đang làm việc ở Département Marketing, sau khi được nhận vào làm ở Direction Commerciale tôi được giữ những chức vụ như Chánh Sở Nước Đá, Chánh Sở Phân Phối Ngoại ô, Chánh Sở Phân Phối Đô Thành Bia và Nước Ngọt và nay tôi trở về sở Marketing do tôi thành lập, đầu năm 1975, tôi được BGI bổ nhiệm làm giám đốc thương mãi.

Vì làm ở Sở Tiếp Thị nên việc đi lại của tôi cũng khá tự do. Cái nghề marketing không cần phải có những hiệu quả trong ngày nhưng phải theo một lịch trình rõ ràng về sản xuất. Chúng tôi làm việc trong một đất nước chiến tranh, chậm tiến...mọi việc phải sáng tạo cả. Một thí dụ: Để nghiên cứu thị trường, những tài liệu thống kê thị trường chúng tôi phải tự tạo lấy, như tự lập ra bảng danh sách 100 món hàng cần thiết. Sau đó lựa chọn thành một bảng thống kê như cái giỏ của bà nội trợ với 40 món hàng cần thiết (gạo, củi, dầu hôi, diêm quẹt, cá, thịt, mỡ, đường, muối...) cái túi quần của thầy thông (phở, thuốc lá, xăng...) là 20 món, túi quần của ông thợ, anh nông dân, anh lính...và cuối cùng là quỹ gia đình: Học phí con trẻ, sách vở, bút, hớt tóc người lớn, hớt tóc trẻ con.

Với bảng ấy chúng tôi đưa các anh tài xế bán hàng, các anh trưởng kho trong các vùng thương mại khác nhau lượm lặt về để kiểm kê sanh hoạt và giá sanh hoạt. Giá la-ve, giá nước ngọt, giá tiêu thụ bị cạnh tranh không phải do những xa xỉ phẩm khác mà do ba cái giỏ bà nội trợ có đủ cung ứng túi quần thầy thông thầy ký không? Với quan niệm ấy, chúng tôi có một văn phòng lượm tin, săn tin ở bốn vùng chiến thuật của Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.

Những quan niệm lãnh đạo (management), tổ chức hành chánh, những sơ đồ sản xuất áp dụng tại Hãng của chúng tôi sẽ giúp rất nhiều vào suy nghĩ giáo dục của Trường Cao Đẳng Thương Mãi tương lai.

Quan niệm của Cha Lập đối với thầy trò chúng tôi rất quan trọng. Ở Việt Nam lúc bấy giờ, tổ chức đại học chỉ chuyên dạy những ngành để nghiên cứu hiểu biết: Văn học, luật học, y học, khoa học, kỹ nghệ...chứ không có trường đào tạo người ưu tú và lãnh đạo (les élites dirigeants). Trường Chánh trị Kinh Doanh Dalat là trường đầu tiên có một chương trình đào tạo những người ưu tú và lãnh đạo. Lãnh đạo trong nghĩa Leadership, tương đương với quan niệm một Institut des Sciences Politiques của Paris, Pháp. Giấc mơ của chúng tôi là Cao Đẳng Thương mãi (École Supérieure de Commerce) cũng thế. Chúng tôi sẽ đào tạo những người lãnh đạo, những người chỉ huy. Phía chánh quyền đã có những trường Quốc Gia Hành Chánh hay các trường của quân đội. Nhưng khi phát triển kinh tế phải có những trường đào tạo lãnh đạo những cơ sở doanh nghiệp.

Cha Lập và Giáo sư Huy vui vẻ gặp nhau. Thầy Huy giới thiệu tôi với Cha Lập. Trước đó, Cha Lập đã được Cha Lộc nói đến ba mẹ tôi và tôi rồi. Sau khoảng mười lăm phút hai vị kể lại chuyện xưa, những ngày hai vị làm việc với nhau tại Đà Lạt, Thầy Huy bắt đầu phác họa chương trình dự án Trường Cao Đẳng Thương Mãi, sau đó, tôi trình bày những tư tưởng của chúng tôi.

“Táo bạo, sáng tạo” Cha Lập xác nhận, vì thầy trò chúng tôi nghĩ đến sử dụng những cao ốc không hoạt động để làm trường học. Chúng tôi sẽ thuê lại trường trung học Văn Lang ở Tân Định, sẽ thuê một khách sạn gần đấy để có phòng học, sẽ thuê những rạp chiếu bóng để làm những đại giảng đường trong khi chờ đợi có đủ điều kiện thuê hoặc cất cao ốc làm trường. Quan niệm một đại học không tường (une université sans murs) cha cho là táo bạo. Chúng tôi sẽ mời các ca sĩ để dạy nhạc với lời Anh và Pháp để luyện giọng các sinh viên nói đúng ngoại ngữ, sử dụng một nốt nhạc để luyện âm thanh, v.v…

Dĩ nhiên với những quen biết của chúng tôi, (tôi là đại diện hãng BGI; làm tổng thư ký hai Phòng Thương Mãi Việt Nam và Pháp Việt), tôi sẽ nhờ các hãng Pháp giúp đỡ cho sinh viên tập sự mùa hè: CARIC, Michelin, BGI, Bastos, MIC, LUCIA, SHELL...Và đã nghĩ đến cho các sinh viên được ăn lương trong khoảng thời gian tập sự ấy.

Tôi đã nghĩ đến con số 20 000 đồng V.N. lúc bấy giờ. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng sẽ giúp sinh viên phấn khởi tập sự. (Lương giảng viên đại học Luật của chúng tôi chỉ có 35 000 đồng thôi. Lương chánh sở Marketing BGI là 250 000 đồng). Các công ty Pháp sẵn sàng giúp đỡ Trường Cao Đẳng Thương Mãi và sẽ nhờ TCĐTM đào tạo nhơn viên của mình thêm. Một chương trình trao đổi doanh nghiệp/trường học đã được viết thành dự án.

Nhưng Cha Lập cũng đã nêu ra ngay từ đầu khuyết điểm của chúng tôi là thiếu cao ốc. Trường Chánh trị Kinh Doanh được lập ngay tại Đà Lạt, các sinh viên thường là nội trú, tạo ra một không khí biệt lập, như một chủng viện. Không khí ấy Trường chúng tôi không có, vì tối, sinh viên về với gia đình. Không có cả campus. Vì vậy, sinh viên không sống với nhau được. Phải cố gắng tạo ra không khí ấy.

Tôi hiểu rõ và hứa sẽ cố gắng vì tôi thuở trung học được học nội trú ở Lycée Yersin và vì vậy hiểu thế nào cái Esprit trường. Cha Lập lấy thí dụ của Cambridge hay Oxford của Anh quốc. Tuy sinh viên sống ngoại trú nhưng cả thành phố đều là một viện đại học khổng lồ nên sinh viên được một esprit Cambridge hay Oxford. Không có campus nhưng không khí nhà trường đã biến nhập vào không khí thành phố. Ở Mỹ một MIT, một Harvard đều có không khí ấy. Cha Lập tự hào tạo được không khí CTKD Đà Lạt, không khí Thụ nhân, “esprit Thụ Nhân”.

Trường ra đời ngày 25 tháng 11 năm 1974 và chết ngày 30 tháng 4 năm 1975 cùng với đất nước.
Chúng tôi đồng ý đặt tên trường là MINH TRÍ sau buổi gặp gỡ ấy. MINH TRÍ để trả lễ với hai vị Linh mục Lập và Lộc với đại học MINH ĐỨC.

Thoạt tiên chúng tôi chỉ nghĩ đến tên trường Cao Đẳng Thương Mãi SAIGON vì đấy là trường duy nhứt của Saigon.

Cha Lập nói rất nhiều. Mặc dù Cha đã về hưu rồi nhưng giấc mơ vẫn còn. Cha rất thích cái tổ chức “xưởng làm việc” (workshop) của tôi, nghĩ rằng đấy là một phương pháp có thể đem áp dụng cho Đà Lạt. Thầy Huy và Cha Lập cũng muốn có một sự hợp tác tương lai giữa ba Đại học ĐÀ LẠT, MINH ĐỨC và MINH TRÍ. Mong có những cái cầu qua lại để tạo những chuyên môn ngành. Lạ quá! Nay ngồi viết những dòng này, tôi có cảm tưởng chúng tôi kể lại một chuyện trong một giấc mơ.

Tháng hai 1973, trong hiệp định Paris, Mỹ đã bỏ Việt Nam Cộng Hòa. Thế mà vào mùa xuân 1974 vẫn còn bốn người ngồi nói chuyện tổ chức một trường đại học. Cha Lập người Huế (Quảng trị thì đúng hơn) giọng Trung, Cha Lộc, giáo sư Huy và tôi giọng Nam. Thoạt đầu, tôi nể nang lễ phép, bẩm Cha, bẩm Thầy, dạ, thưa, nhưng sau một hồi say máu ngà, tôi nói cộc lốc, không còn thưa bẩm gì cả.

Kỷ niệm của tôi đối với Cha Lập chỉ có thế, một buổi nói chuyện về tổ chức Đại học, ngắn ngủi chỉ vào khoảng hai tiếng đồng hồ.

Giờ cơm đã đến. Cha Lộc có nhã ý giữ thầy Huy và tôi ở lại ăn cơm ở chủng viện. Nhưng thầy Huy bận việc, còn tôi phải trở về sở làm. Tôi có đem biếu hai vị Linh mục bốn chai BIA ĐEN. Lúc ấy chúng tôi đang nghiên cứu một loại BIA mới, màu đen giống như PELFORTH của Pháp hay GUINESS của Anh đang thử trên thị trường Việt Nam.

Lúc bấy giờ ở miền Nam chúng ta gọi BIA là LA DZE. Trên tấm lịch LARUE màu vàng có con cọp màu đen và đề LA VE LARUE (đọc là LA DZE LARUE). Khi ấy vì muốn ra BIA ĐEN, sở Marketing của chúng tôi đi cầu chứng tên BIA LA RUE (Bière Larue) để sẽ ra BIA ĐEN con cọp. Test chữ BIA được chấp thuận. Lịch năm 1975 có hình con cọp đen và được đề tên là BIA LARUE. Thế là mất nước năm ấy, cả nước nói tiếng Bắc kỳ. LA DZE từ đấy cũng mất tên trở thành BIA.
Âu đó cũng là cái điềm!

Cuộc gặp gỡ hôm đó cho chúng tôi một bài học nhớ đời. Cám ơn ba thầy: Cha Lập, Cha Lộc và Thầy Nguyễn Ngọc Huy.

Nước mất nhà tan, trường cũng mất, thân xác trôi nổi...nhưng những lời giáo huấn năm nào vẫn còn văng vẳng bên tai.
Cám ơn các Thầy.

Tết Bính Tuất 2006