Cái Duyên Với Đà Lạt

GS TÔN THẤT DIÊN

(Giáo sư Tôn Thất Diên dậy môn Anh Văn từ khoá 8 đến khoá 11 trường Chánh Trị Kinh Doanh)

Bài viết này đề cập đến cái ‘tôi’ hơi nhiều, nhưng không tránh được. Bạn nào thường ghét cái tôi thì xin vui lòng bỏ qua, đừng đọc. Nội dung bài viết liên quan đến những kỷ niệm với thành phố Đà Lạt và nguyên nhân đưa đến cuộc sống nơi này trong gần mười năm trời trước khi di tản…)

Ngoái nhìn lại từ cái tuổi đã quá ‘thất thập cổ lai hy’, tôi thấy cuộc đời sao mà rắc rối quá. Đức Phật dạy đời là vô thường, là bể khổ, trong khi Chúa lại chịu đóng đinh để gánh hết mọi tội lỗi của con người. Đời không đáng sống như vậy mà thiên hạ vẫn tiếp tục sinh con đẻ cái như một cái máy, đối với một số người thì cho đó là bổn phận, đối với một số người khác thì đó là vinh dự. Đa số phụ nữ xem việc mang nặng đẻ đau là một niềm vui; con lọt lòng mẹ mà khóc la thì dù vừa trải qua những cơn đau khủng khiếp vẫn mỉm cười sung sướng. Mà nghĩ cho cùng thì tiếng khóc của hài nhi chắc chắn không phải là sự biểu lộ của vui mừng, không phải như người lớn một đôi khi cảm thấy hân hoan quá đến nỗi bật khóc. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ như vậy, trên thế gian này, có thể nói mà không sợ sai lầm là tiếng khóc chỉ là hệ lụy của một sự đau đớn, tuyệt vọng, một nỗi khổ đang chịu đựng. Hài nhi khóc có lẽ là vì nó không hài lòng với sự ra đời của nó. Nó có muốn hiện diện trên cõi đời này không? Không ai biết, vì có ai hỏi ý kiến nó đâu. Từ cái mốc sơ khởi trong cuộc đời nó là sinh ra, nó đã không có được cái quyền tự do quyết định cho bản thân về giới tính, về chủng tộc và giai cấp của những người sẽ nuôi dạy nó, và về bao nhiêu thứ phức tạp, rắc rối mà khi lớn lên nó phải đương đầu để sinh tồn, không thể trốn tránh đâu được.

Ấy vậy mà riêng tôi đến giai đoạn sắp rời bỏ cuộc đời đầy đau khổ này để trở về với cát bụi, với hư vô, tôi cảm thấy không ân hận lắm. Bảo là không ân hận gì cả hay ân hận vô cùng thì hơi ngoa. Tôi đã trải qua thời niên thiếu nghèo khổ, qua những năm dài tù tội trong các trại tập trung cải tạo, nhưng so với bao nhiêu người khác, tôi thật tình nhận ra tôi đã được Trời ưu đãi ban cho nhiều may mắn (bạn nào không tin ở Trời thì xin bỏ qua những điều suy nghĩ ‘vớ vẩn’ của tôi). Tôi xin cám ơn Trời và cám ơn cha mẹ tôi đã sinh ra tôi, nuôi dưỡng và dạy dỗ tôi được như ngày nay. Dĩ nhiên tôi không quên cám ơn tất cả những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều hoặc ít, tích cực hay tiêu cực, ảnh hưởng đến cuộc đời tôi mà tôi không sao kể hết được, luôn cả các bạn đang đọc bài viết ‘lẩm cẩm’ này của tôi.

Trong hơn năm mươi năm trưởng thành, thời gian sống ở Đà Lạt là thời kỳ đáng nhớ nhất của tôi. Tôi đã được sống ở một thành phố rất đặc biệt của quê hương với cái lạnh dễ chịu trong một đất nước nằm trong vùng nhiệt đới, một thành phố mà rất nhiều người Việt Nam và ngoại quốc thường mơ ước đến sinh sống, trong đó có tôi. Nhờ Trời, tôi đã may mắn đạt được ý nguyện, một phần lớn nhờ … tiếng Anh! Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật. Những năm ở trung học phổ thông trường Khải Định Huế, tôi thuộc loại học trò giỏi Toán và Pháp văn, nhưng về khả năng Anh văn thì chỉ ở mức trung bình. Sau khi xong lớp Đệ Tứ, tôi phải bỏ học đi làm để giúp cha mẹ đang vất vả kiếm sống. Chưa được một năm thì lệnh động viên đi Thủ Đức được gửi đến nhà (vì không còn đi học nên không được hoãn dịch) cùng lúc có thông báo rộng rãi về cuộc thi tuyển vào Trường Võ Bị Liên quân ở Đà Lạt. Nghe nói đến Đà Lạt là tôi nghĩ đến ước mơ lâu nay. Thấy đằng nào cũng phải đi lính và cuộc chiến chống Việt Minh không có vẻ sẽ sắp chấm dứt nên tôi nộp đơn thi vào Đà Lạt, chấp nhận mặc áo ‘nhà binh’ suốt đời. Ngày tôi báo tin xa nhà để đi Đà Lạt trong tâm trạng buồn nhiều hơn vui, cha tôi thẫn thờ còn mẹ tôi thì khóc ràn rụa, mất ăn mất ngủ. Bà chỉ cười tươi khi tôi trở về sau 9 tháng vắng mặt. Vì thuộc mạng hỏa nên tôi mê cái lạnh của Đà Lạt (lẫn đôi má hồng của ai đó) và có thể xin ở lại làm huấn luyện viên, nhưng tôi không đành để mẹ tôi buồn rầu vì mất con. Tôi may mắn (số phận Trời cho) được đóng đồn cách xa Huế khoảng 15 đến 20 cây số, tương đối an toàn, hàng tuần có thể về nhà. Sau Hiệp định Genève tháng 7-1954, tôi được chuyển về làm việc ngay trong thành phố nhưng chỉ ít lâu thì được gọi theo học một lớp quân sự bổ túc 3 tháng tại Đà Lạt. Lại Đà Lạt! Lần này tôi thân thiết hơn với Đà Lạt vì được tự do hơn, thoải mái hơn, tuy thời gian có ngắn ngủi. Tôi có linh tính là thế nào tôi cũng sẽ trở lại nữa, dù chưa biết chắc sẽ trở lại như thế nào. Về Huế chờ đi đơn vị mới, tôi tự học ráo riết để thi Tú Tài 1 và được tin vui đã đậu chỉ một ngày trước khi vào Saigon học Anh văn tại Hội Việt-Mỹ trong 3 tháng. Cuộc đời tôi bắt đầu dính liền với tiếng Anh kể từ đó. Tôi được chuyển về làm thông dịch viên cho Phòng Cố vấn Mỹ ở Huế, lại ráo riết tự học thi Tú tài 2, và mấy tháng sau được chọn đi học một lớp quân sự tại Fort Benning, Georgia. Được yêu cầu ở lại làm thông dịch viên nhưng tôi xin hồi hương, vì muốn gần cha mẹ, thật ra là muốn gần bà xã tương lai. Về lại Huế làm việc trong mấy năm, tôi lại được chọn đi học Văn Khoa Saigon để lấy bằng Cử nhân Giáo khoa Anh văn trong kế hoạch đào tạo giáo sư cho chương trình huấn luyện 4 năm của Trường Võ Bị Quốc Gia. Tôi rời Saigon lên Đà Lạt để phụ trách Khoa Anh văn của Khối Văn Hóa Vụ (phân biệt với Khối Quân Sự Vụ lo việc huấn luyện quân sự) để giảng dạy môn Anh văn, song song với các môn học của các Khoa khác theo đúng chương trình cấp Cử nhân do Bộ Giáo dục ấn định. Thành phần giáo sư nòng cốt của Văn Hóa Vụ, do đó, được gửi qua Mỹ học để lấy bằng Master về các lãnh vực chính của đại học. Tôi nằm trong số này, và sau 2 năm học tại UCLA (University of California, Los Angeles), tôi hoàn tất bằng M.A. in TESL (Master of Arts in Teaching English as a Second Language). Về lại Đà Lạt với Khoa Anh văn được mấy tháng, tôi được Giáo sư Phó Bá Long, Khoa trưởng Trường Chánh Trị Kinh Doanh (CTKD) tiếp xúc và đề nghị tôi thành lập Ban Anh văn cùng phụ trách mời giáo sư trong chương trình phát triển môn Anh văn cho trường. Tôi đã huy động nhiều giáo sư của Văn Hóa Vụ để giúp giải quyết số lượng sinh viên đông đảo của Trường, theo tiêu chuẩn tối đa 30 sinh viên cho mỗi lớp, mỗi tuần học 4 giờ. Vì là sinh viên chính trị và kinh doanh nên sách giáo khoa cũng được soạn riêng cho họ để tập trung giúp sinh viên nhanh chóng và dễ dàng tham khảo rất nhiều sách bằng tiếng Anh do các trường đại học Mỹ gửi tặng. Sự thành công của phần lớn các sinh viên CTKD Khóa 8 và các khóa kế tiếp tại Mỹ (sau năm 1975) có lẽ có sự đóng góp của Ban Anh văn. Rất tiếc là ngày cuối cùng của tháng 3-1975 cũng là ngày cuối cùng của sự liên hệ gắn bó của tôi và bao nhiêu người khác với Đà Lạt mến yêu mà riêng trường hợp của tôi thì không còn hy vọng gì nối lại. Cho dù nay mai đất nước được tự do, Đà Lạt cũng không còn là Đà Lạt dễ thương của những năm trước 1975. Cuộc đổi đời khủng khiếp đã xóa tan tất cả, còn chăng chỉ là những kỷ niệm trong trái tim và trong ký ức. Tiếng Anh thì trái lại, càng ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam vì nhu cầu thực tế, và đó có thể là triển vọng cho một tương lai tốt đẹp của đất nước .

Cuộc đời của bất kỳ người Việt Nam nào kể từ năm 1940 cũng 'ba chìm bảy nổi', không nhiều thì ít; được trở về với cát bụi thì yên ổn, còn sống thì còn khổ, cách này hay cách khác. Như đã ghi ở trên, tôi tự xét thấy mình gặp được nhiều may mắn chứ thật sự chẳng có tài cán gì. Số phận đưa đẩy, ngay cả lúc nằm xuống cũng chẳng biết sẽ ra sao; đi nhanh, êm thấm... hay dây dưa, đau đớn... tùy trời. Tôi mang ơn rất nhiều người, và riêng đối với sự nghiệp dạy Anh văn (thật ra chỉ tầm thường) và nơi cư trú thoải mái (là Đà Lạt), tôi vẫn ghi nhớ mãi công ơn của ông thầy nhà binh đầu tiên của tôi ở trường Võ bị, người đã thương mến và âm thầm nâng đỡ tôi, cho tôi bước qua những ngã rẽ sáng sủa để được hưởng những năm tháng rất đáng quý.

Xin muôn vàn cảm tạ Thầy K.