Con Vích


Lê Bá Dũng

Bầu trời xanh thẫm, cồn cát trắng xóa, những hàng phi lao và hàng dừa nghiêng ngả đón chào mặt biển trong vắt, đây là bãi Bích Đàm ở Nha Trang. Đã chín giờ tối, những ngọn đèn tù mù được thắp lên trên những chiếc ghe chài. Các ngư phủ đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi để đánh bắt cá. Tôi dừng chân trước một người đàn ông đang bới dưới đống cát để lượm trứng của một con vích đẻ và dấu dưới đó. Ông ta giải thích rằng loại vích này có đặc tánh rất lạ, là hàng năm, dù bặp trở ngại đến đâu, nó cũng tìm mọi cách quay về nơi nó đã sinh ra. Nơi đây có vẻ yên tĩnh, tuy rằng xa xa vẫn nghe có tiếng súng nổ ì ầm vọng về từ dãy Trường Sơn.

Dưới cơn mưa phùn, chiến thuyền của tôi từ từ trôi đến Vũng Rô. Tôi im lặng ngắm nhìn Đèo Cả hùng vĩ mờ mờ hiện ra trước mặt. Non sông gấm vóc quê hương tôi làm bừng dậy trong tôi một niềm kiêu hãnh. Nhìn những vách núi sừng sững, trong cơn gió lạnh nhè nhẹ từ biển mơn trớn thổi trên mặt, tôi thả hồn phiêu lãng, thầm cầu nguyện cho quê hương tôi sớm được thanh bình.
Trên đường về, tầu tôi cập bến ở Đại Lãnh để từ đó, tôi sẽ đi đường bộ để về Nha Trang. Qua đèo Rù Rì, tôi gặp từng đoàn người lê thê lếch thếch từ Ban Mê Thuộc chạy về. Trên đường chạy loạn, họ mang theo nào gạo thóc, nào gà vịt, cùng với những vật dụng cần thiết. Đôi khi tôi thấy họ mang theo cả thi thể của thân nhân thiệt mang trên đường trốn chạy.

Vài ngày sau, chúng tôi được lệnh di tản Nha Trang. Trước căn cứ Tư Lệnh Hải Quân, trong đám người tụ tập chờ đợi dưới ánh nắng chói chang, tôi chợt nhận ra Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương, lúc đó đang là Khoa Trưởng Trường Văn Khoa Đà Lạt, và anh phụ khảo Trường Đại Học Khoa Học Đà Lạt là Bồ Bạch Mai; họ vừa trên Viện Đại Học Đà Lạt di tản xuống đây. Tôi không kịp đến để chào đón họ thì đoàn người dầy đặc của nhóm di tản đã đẩy lùi tôi vào trong căn cứ. Lệnh di tản đã được truyền ra. Ngày 01 tháng 4 năm 1975 tôi tới Cam Ranh. Nơi đây sao vắng lạnh quá đối với với một căn cứ quân sự khổng lồ trọng yếu của Việt Nam Cộng Hòa.

Cam Ranh là một bán đảo thiên nhiên dài hơn 28 cây số, chỗ rộng nhất là 9 cây số, nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 60 cây số. Đây là một hải cảng thiên nhiên chỉ đứng sau hải cảng Sydney của Úc, hơn hẳn hải cảng Rio de Janero của Ba Tây. Vịnh Cam Ranh trông ra hải lộ Malacca, đây là hải lộ chuyên chở nguyên vật liệu từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại, nên thuyền bè đi lại tấp nập suốt ngày đêm.

Trong cuộc chiến, Cam Ranh đã lừng danh trên thế giới là một căn cứ không quân và hải quân vĩ đại. Nơi đây có thiết trí một hệ thống ra đa và hệ thống hỏa tiễn phòng không thật tối tân. Căn cứ này đã đóng một vai trò thật trọng yếu về chiến lược trên toàn cõi Việt Nam và có thể nói cả vùng biển Đông. Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã lần lượt dòm ngó một cách thèm thuồng vì nó là vịnh thật sâu, từ 18 đến 30 thước, và thật khuất gió vì có núi và những hải đảo trước mặt khiến nó thành một bến cảng trú ẩn bão tố thật tuyệt vời. Một cứ điểm quân sự thật lý tưởng về mặt quân sự mà cũng thật tuyệt vời về phong cảnh với những bãi cát đẹp dài hằng cây số. Sân bay ở đây được trang thiết bị vào loại hạng nhất với phi đạo rộng và có chiều dài hơn 3 cây số. Khi khẩn cấp, máy bay B52 đã từng đáp xuống thật dễ dàng. Quân đội Mỹ đã biến nó thành căn cứ quân sự, một hải cảng cho Hạm Đội Đội 7 thường xuyên ra vào.
Nhưng hôm đó, lúc tôi bước vào căn cứ, tất cả sự nhộn nhịp hùng tráng không còn nữa. Chúng ta khó có thể kiểm soát được lãnh thổ của chúng ta nữa rồi. Tuy nhiên tôi vẫn còn nuôi hy vọng về Nha Trang, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, giống như con vích trên bờ cát trắng ở Nha Trang.
Lệnh rút khỏi Cam Ranh đến thật vội vã, nằm ngoài sự mong đợi của tôi. Mọi sự xẩy ra dồn dập, thật hối hả, tàu bè càng lúc càng đông người di tản. Cảnh tượng diễn ra thật hỗn loạn, người ào ào như nước vỡ bờ.

Ngày 01 tháng 5 năm 1975, tôi phải nghẹn ngào rời xa quê hương. Từ Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi ra đến Côn Sơn, để rồi chua xót trao tầu lại cho một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ. Trước thực tế quá bất ngờ, quá phũ phàng, toàn thể thủy thủ trên tầu đã đồng ca bản Quốc Ca Việt Nam. Khi đến đảo Guam, các sĩ quan đồng binh chủng Hải Quân người Mỹ đều khuyên tôi nên định cư tại Hoa Kỳ. Nhưng sau vài ngày suy nghĩ đắn đo, tôi đành phải từ chối lời khuyên mà chọn định cư tại Pháp.

Sau một thời gian đến Paris, tôi tình cờ gặp lại anh Nguyễn Quốc Vọng, tại Bộ Ngoại Giao Pháp. Vọng học khóa 1 Trường Chánh Trị Kinh Doanh, mà khi còn đi học và cả sau này, chúng tôi vẫn thường gọi anh bằng hỗn danh Vọng Voi. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày mồng 02 tháng 8 năm 1975. Trong những lần gặp gỡ sau đó, chúng tôi thường ngồi buồn ôn lại những kỷ niệm trong thời đi học tại Viện Đại Học Đà Lạt và quyết định đi tìm Cha Ngô Duy Linh mà chúng tôi nghe được tin là Cha đang ngụ tại Paris. Về sau tôi lại gặp được anh Nguyễn Văn Vĩnh và Lưu Văn Dân đều là dân khóa 1 Chánh Trị Kinh Doanh. Sau nhiều lần bàn bạc, chúng tôi quyết định thành lập Hội Cựu Sinh Viên Dalat.

Nguyễn Quốc Vọng đặt tên cho Hội là ‘‘Thụ Nhân’’, và Lưu Văn Dân nhận trách nhiệm lo mọi thủ tục xin giấy phép lập Hội. Cha Ngô Duy Linh làm Hội Viên Danh Dự. Chúng tôi cũng cố gắng ra được một bản tin để liên lạc, thông báo tin tức. Thuở đó chưa có máy vi tính cá nhân thông dụng như ngày hôm nay, nên bài vở viết xong là Nguyễn Quốc Vọng dùng máy chữ cổ điển ngồi lọc cọc gõ từng chữ; Lưu Văn Dân lo việc trình bày và sau đó ra tiệm để làm photocopie. Dần dần chúng tôi tìm ra được nhiều bạn bè bên Pháp và dần dần biết được tin tức của những anh chị bên Âu Châu, Hoa Kỳ và cả Úc Châu.

Những ngày tháng đầu tiên nơi đất khách, lòng tôi hằng nhớ tới quê hương đến đau xót. Một buổi tối, tôi đưa cha Linh về chỗ cha ở, một nhà thờ nhỏ nằm trên đường Traversière, thuộc quận 12 Paris, gần nhà ga Lyon. Chúng tôi đi dọc bức tường mà văn hào Victor Hugo đã tả trong quyển tiểu thuyết danh tiếng của ông: Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables). Ngay lúc đó, tôi có cảm giác mình bơ vơ như cô bé Cosette. Tôi mường tượng sẽ có ngày trở về Nha Trang, như con vích ngày xưa trên cồn cát trắng.

Ngày tháng cứ nặng nề lặng lẽ trôi đi, niềm tin về một ngày trở lại quê hương cũng tắt ngấm trong lòng tôi. Tôi ngậm ngùi hiểu rằng, chế độ Cộng Sản đã hoàn toàn thiết lập trên quê hương tôi. Tôi phải từ bỏ giấc mơ của tôi! Tôi đã thực hiện một chuyến đi mà không bao giờ có ngày trở về chốn cũ.

Riêng tôi, tôi cũng không hề nghĩ đến một ngày trở về Đà lạt để thăm lại Trường Xưa, nhất là tham dự bất kỳ một lễ hội nào dự định sẽ tổ chức sau ngày 30 tháng 4 / 75. Tôi sẽ giữ mãi trong lòng những hình ảnh đẹp của Đà Lạt ngày xưa; những hình ảnh, những kỷ niệm của một thành phố dễ thương với một hồ Xuân Hương thơ mộng, với những đồi thông, đồi sim vây quanh con đường Tình Ái, với sân Cù óng ả. Tôi sẽ nhớ mãi những hàng cây mimosa trước cổng Viện, nơi có căn nhà nhỏ của ông gác cổng, nhớ hàng thông xanh tươi, cao vút trước Văn Phòng Viện, quanh nhà Cha Viện Trưởng. Hình ảnh này càng đẹp hơn khi đến mùa Giáng Sinh.

Cũng như bạn Lưu Văn Dân, trong bài ‘‘Tôi Còn Nhớ’’, và tôi không bao giờ quên hàng triệu người miền Nam vô tội, bị sát hại một cách vô nhân đạo, hay bị xua đuổi một cách tàn nhẫn khỏi những bệnh viện, hay trục xuất khỏi căn nhà do chính mồ hôi nước mặt họ tạo ra. Những hình ảnh ấy vẫn tiếp tục ám ảnh tôi. Nếu Chúa cho tôi sống, tôi sẽ kết thúc những chuỗi ngày còn lại ở nơi xa quê hương, thay vì ở nơi có cồn cát trắng. Ba phần tư của những ngày còn lại của đời tôi, tôi sẽ ngắm nhìn những tảng đá lởm chởm trong vịnh Morbihan và những hòn đảo thơ mộng mà vào những ngày đẹp trời, có đầy rẫy những mỹ nhân ngư nằm tắm nắng.

Bên song cửa sổ, tôi sẽ ngắm mặt trời lặn trên Đại Tây Dương, đang nhuộm đỏ chân trời. Tôi ở rất xa, xa Nha Trang dưới ánh mặt trời mọc bên bờ Thái Bình Dương. Tôi vẫn thường tự hỏi con vích ngày xưa có còn sống để trở về bến cũ, hay đã chết trong bão tố ngoài biển cả.
Tôi nhớ mãi hình bóng cũ của Việt Nam ngày xưa.

Pháp quốc, cuối thu 2005.