Thụ Nhân Âu Châu vừa phát hành "Đặc San Thụ Nhân Âu Châu 2008". Xin chuyển đến các anh chị lời giới thiệu sau đây của anh Trần Văn Lương. Mặc dù ở tại Âu Châu (Đức) nhưng tôi cũng như nhiều anh chị Thụ Nhân Âu Châu và các anh chị trong Ban Biên Tập ĐS cũng chưa nhận được món ăn tinh thần quí giá này vì Đặc San đang hiện trên đường về cùng với anh CT Trần Văn Bảng.
Giới Thiệu
Đặc San Thụ Nhân Âu Châu 2008
Cầm trong tay quyển Đặc San Thụ Nhân Âu Châu 2008 còn thơm mùi mực, tôi chợt thấy mình may mắn. Vì nhờ quý anh chị Thụ Nhân Âu Châu quyết định in Đặc San ở Nam California, nên tôi đã có cái hân hạnh là một trong những người đầu tiên được đọc quyển Đặc San này. Lật từng trang giấy mà lòng bùi ngùi nhớ đến trường xưa và những khuôn mặt đáng kính, đáng mến của quý Cha, quý Thầy đã một thời cặm cụi hy sinh cho lý tưởng giáo dục và cho thế hệ con em của các ngài, cũng như hình bóng của bạn bè đã phai dầ n theo ngày tháng.
Viện Đại Học Dalat, mặc dù hiện diện chỉ có vỏn vẹn 17 năm ngắn ngủi ( 1958 - 1975 ), nhưng đã để lại cho hậu thế một gia tài tinh thần đồ sộ và quý giá được gìn giữ trong tâm hồn của mỗi cựu sinh viên Thụ Nhân hiện đang tản mác khắp thế giới, nổi trôi theo vận mệnh bi đát của dân tộc . Và những tâm hồn Thụ Nhân lưu lạc đó lâu lâu lại có dịp "gặp gỡ" nhau để hàn huyên, tâm sự, hồi tưởng, nuối tiếc và thương nhớ qua những dòng chữ được vắt từ con tim già cỗi của mình và trải dài trên từng trang giấy của những Đặc San .
Trong chiều hướng đó, Đặc San Thụ Nhân Âu Châu một lần nữa đã trở lại với chúng ta, sau nhiều tháng ngày truân chuyên trắc trở. Nhờ sự hy sinh vượt bực và tấm lòng tha thiết của quý anh chị Thụ Nhân Âu Châu mà Đặc San này đã được ấn hành trước ngày giỗ (ngày 19 tháng 12) của Cha Lập, vị Cha già kính yêu của tất cả chúng ta . Có lẽ ở trên cao, Cha đã chúc phúc và phù hộ cho Đặc San được ra đời dù đã gặp nhiều trở ngại . Và bây giờ chúng ta hãy cùng nhau trở về khung trời Dalat xưa cũ để nhìn lại những hình ảnh thân yêu của một thời vàng ngọc đã không còn nữa .
Bố cục của Đặc San, với tựa đề rất dễ thương "Ngày Xưa Hội Hữu", thật là độc đáo và gồm có bốn phần chính: Ngày Xưa Hội Hữu (tâm tình và kỷ niệm), Hội Luận Thượng Hiền (biên khảo), Vườn Thơ Kiêm Ái (sáng tác văn nghệ) và Thụ Nhân Đó Đây (những mảnh đời Thụ Nhân khắp năm châu) . Bốn phần này tương ứng với bốn sinh hoạt chính của con người Thụ Nhân ngày nay: con tim (hoài niệm), khối óc (lý luận), lời ca tiếng hát (văn nghệ sáng tạo) và đôi chân (bước đường lưu lạc) . Xin được nắm tay nhau lần lượt đi qua từng phần của khu vườn Thụ Nhân này, hy vọng tìm lại được một chút hơi ấm cho những tháng ngày còn lại .
Không phải là một sự tình cờ mà phần I của Đặc San được đặt tên trùng với Đặc San. Theo thiển ý, đây là phần quan trọng nhất của Đặc San, chiếm hơn phân nửa số trang (210 trang so với 392 trang của toàn thể Đặc San), gồm những bài viết có tính cách tâm tình, gợi lại những kỷ niệm thân yêu . Ngày xưa, khi François Ier thua trận Pavie, đã gửi thư cho mẹ là bà duchesse d' Angoulème, nói rằng: "Tout est perdu, fors l'honneur". Bây giờ chúng ta cũng có thể lập lại câu nói trên với một chút sửa đổi: "Tout est perdu, fors les souvenirs"! Quả thật, chúng ta cò n lại gì ngoài những hoài niệm ? Hãy đọc bài viết của Vũ Sinh Hiên và Đỗ Hữu Nghiêm để biết rõ hơn về Cha Lập và Cha Lý, hai vị Viện Trưởng tài ba, hai nhà giáo dục siêu đẳng và hai người cha nhân ái với tình thương bao la dành cho con cái hai ngài . Chúng ta cũng biết thêm một số chi tiết về những vị Thầy đáng kính của chúng ta như Thầy Vũ Quốc Thúc, Thầy Vương Văn Bắc, Thầy Trần Thanh Hiệp, Thầy Nguyễn Khắc Dương, Thầy Tôn Thất Diên... Ngoài ra, chúng ta cũng có cơ hội ngậm ngùi nhìn lại những mảnh vụn của khung trời Đại học qua các bài viết của các cây bút Thụ Nhân quen thuộc như : anh Lê Đình Thông, anh Huy Văn, chị Trần thị Diệu Tâm, anh Trần Văn Bảng, chị Phạm Phong Nhã, anh Nguyễn Anh Điện, anh Phạm Ngọc Lân, anh Nguyễn Minh Kính, anh Nguyễn Đức Trọng, anh Lưu Văn Dân ... Tổ ng cộng có khoảng 30 tác giả đóng góp vào góc vườn này . Một điều hơi đáng tiếc là không có một bài nào viết về Frère Pierre Trần Văn Nghiêm, một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Việt Nam và là cây cổ thụ của Trường Sư Phạm của Viện Đại Học Dalat.
Và bây giờ đến phần hai của Đặc San, một phần nặng về khảo cứu và biện luận, đòi hỏi người đọc phải cố gắng suy nghĩ nhiều . Ở đây, chúng ta cũng gặp lại những tên tuổi quen thuộc như Thầy Nguyễn Như Cương, Thầy Vương Văn Bắc, Thầy Trần Thanh Hiệp, Thầy Tôn Thất Thiện, anh Lê Đình Thông, anh Phạm Văn Bân, anh Phạm Văn Lưu, chị Thụy Khanh, chị Ai-Cơ Hoàng Thịnh... Những bài viết công phu này không ít thì nhiều làm giàu thêm kho tàng kiến thức của người đọc trong nhiều lãnh vực .
Rời khu vực thông thái, chúng ta lại bước chân vào khu vực mộng mơ, nơi những nhà thơ Thụ Nhân thả hồn theo bóng mây cánh bướm, dẫn dắt người đọc về lại khung trời Dalat xưa, nơi chỉ có màu xanh của thông và tuổi trẻ, chỉ có màu hồng của của đôi má và ánh mắt của những chàng trai và những cô gái vừa mới lớn . Xin cám ơn những nhà thơ Thụ Nhân : Tiêu Sa, Ai Cơ, Quản Mỹ Lan, An Trinh, Trà Sinh, Quỳnh Mai, Linh Đắc, Thầy Vương Văn Bắc...
Trong phần cuối nhưng không kém phần quan trọng, phần Thụ Nhân Đó Đây, chúng ta có cơ hội biết đến hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại của một số anh chị em Thụ Nhân đang tản mác khắp các phương trời . Hy vọng qua phần này, chúng ta có thể nối lại được mối dây liên lạc với những người bạn tưởng chừng sẽ không bao giờ gặp nữa .
Đọc xong Đặc San, người đọc không khỏi bùi ngùi cảm thán:
Lòng trần chợt thấy nao nao,
Bốn trăm trang giấy, biết bao nhiêu tình .
Bốn trăm trang giấy, hơn 50 cây bút, bao nhiêu tâm tình và kỷ niệm, đây là một thành quả không nhỏ . Mặc dù vẫn còn một vài trục trặc kỹ thuật nhỏ khi lên khuôn bài vở (chẳng hạn như vài lỗi chính tả hoặc một số chữ trích dẫn của một vài tác giả đáng lẽ phải được in nghiêng ...), nhưng Đặc San NXHH, tâm huyết của quý anh chị Thụ Nhân Âu Châu, là một món quà quý giá đáng được mọi người trân trọng gìn giữ .
Sau năm 1975, Viện Đại Học Dalat không còn nữa, nhưng lý tưởng Thụ Nhân vẫn mãi tồn tại trong tâm hồn của những người đã một thời bước chân qua cổng Viện . Chúng ta hãy đọc lại lời của Thầy Vũ Quốc Thúc (trang 7,8):
" ... Ta cần gạt bỏ ngay một quan niệm trồng người mới xuất hiện từ ba, bốn chục năm nay trong ngôn ngữ nước nhà ...
... Trồng người, đối với Ban Giảng Huấn Viện Đại Học Đà Lạt ...
là giáo dục các sinh viên để họ thành những người "xứng đáng làm người"...
Tinh thần thụ nhân trở nên mẫu số chung, một tình nghĩa thắm thiết kết nối các cựu sinh viên cũng như các cựu giáo sư, hàng mấy chục năm sau khi từ biệt nhà trường và tản mác khắp thế giới .
... "
Hãy cùng nhau đọc Đặc San Thụ Nhân Âu Châu 2008 để thấy mình "giữ mãi trong lòng những hình ảnh đẹp của Đà Lạt ngày xưa" (Lê Bá Dũng, trang 193), để thương tiếc "Viện cũ trường xưa đã bị đánh mất từ lâu rồi, từ cái ngày đất nước bị cơn " lụt đại hồng thủy 75" tràn vào" (Nguyễn Minh Kính, trang 131), để "có quyền lựa chọn một bình mình ngời sáng trên quê hương" (Lê Thị Hảo, trang 367), và để thương nhớ Ngày Xưa Hội Hữu.
Trong thân phận lưu vong, chúng ta, những người đã được hấp thụ một nền giáo dục Thụ Nhân chân chính, chỉ còn biết tìm đến nhau qua những trang giấy đầy ắp tình người, tình thầy trò và tình bạn, để cùng nhau ngậm ngùi theo câu thơ của Thi hào Nguyễn Du: "Chữ trinh còn một chút này..." (Kiều) .
Xin cám ơn quý anh chị Thụ Nhân Âu Châu đã gửi đến mọi người một món quà vô cùng quý giá. Xin trân trọng giới thiệu đến toàn thể quý anh chị Thụ Nhân khắp năm châu Đặc San Thụ Nhân Âu Châu 2008 với chủ đề: Ngày Xưa Hội Hữu.
Trần Văn Lương
California, tháng 12, 2007