Giọt Nắng Cuối Ngày

Linh Đắc

Ngày còn đi học, những buổi sáng là những phút thần tiên, vì với tôi, lúc ấy còn ngây thơ và vô tội. Ôm sách vở đến trường lòng tôi thấy vui vui. Lòng hớn hở khi cùng bạn bè đi hết quãng đường dài để đến trường.

Chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện trong nhà, chuyện của mình để rồi cười khúc khích, hay chung buồn với nhau khi những giọt sương mai còn đọng trên ngọn cỏ lấp lánh như kim cương và ngà ngọc. Những buổi sáng đó trong chiếc áo len và chiếc khăn quàng cổ ấm áp, tôi và người bạn gái cùng lớp đi hết dốc sân Cù, qua cổng Viện Đại Học Đà Lạt, rẽ xuống một ngã ba rồi đến trường học của chúng tôi.

Ngày tháng trôi qua, những con đường quen thuộc đó vẫn mù sương trong buổi sáng, nắng ban mai vẫn lung linh trên ngọn cỏ, cái lành lạnh nhưng ấm áp trong chiếc áo len và chiếc khăn quàng cổ. Buổi chiều khi giọt nắng cuối ngày như ru hồn tôi vào giấc mộng, êm dịu và mơ màng qua hàng thông cao vút vẫn im lìm không thay đổi trong tâm hồn tôi của tuổi mười bảy, mười tám đi qua ...Cuối dốc sân Cù trong vườn Bích Câu đầy hoa, tôi đã tập làm thơ và mơ mộng. Những ngọn thông già vẫn vun vút khoảng trời trong xanh, hồ Xuân Hương vẫn in bóng chiếc cầu sắt nhỏ, gió vẫn vi vu qua cành lá, lùa vào tóc tôi mùi hương thoang thoảng hoa hồng và giọt nắng cuối ngày vẫn đẫm màu trong trái tim tôi.

Những nét hồn nhiên cũng thay đổi bằng cái bẽn lẽn khi đi ngang qua trường Đại Học. Các anh thường tụ tập trước cổng trường để trêu ghẹo chúng tôi. Tôi bước nhanh, sự hồn nhiên cũng làm tôi hốt hoảng nhưng thích thú và những giọt nắng lung linh sao dễ thương chi lạ!

Năm tháng dần trôi, tôi xa Đà Lạt vì sinh kế. Tôi trở thành cô giáo nhỏ dễ thương của đám học trò cũng dễ thương và nhí nhảnh. Tôi ngước nhìn đời với một niềm hãnh diện và tự hào. Đám học trò nhỏ của tôi đưa tôi vào thực tế. Có đứa không còn tình thương ấp ủ của Mẹ; có đứa không được nhìn thấy Bố lần cuối vì chiến tranh, vì bom đạn ...Có đứa không biết Bố là ai, chỉ biết Mẹ nuôi nấng lo cho ăn học. Những khuôn mặt thiên thần đó làm tôi thương xót cho quê hương mình, thương xót cho đám học trò, và tôi thương xót với chính tôi.

Tôi đứng trên bục cao nhìn đám học trò chăm chú nghe giảng bài, hay viết bài trong im lặng, hay tinh nghịch đùa với nhau, tôi chỉ mỉm cười và tự hứa với lòng làm hết phận sự. Lòng tôi trĩu xuống, tôi nhìn qua hàng rào dâm bụt đỏ hoa và những giọt nắng cuối ngày vẫn chan hòa, êm dịu; vẫn lung lay trong gió và trong phút suy tư trái tim tôi rung động nhẹ nhàng.

Ngày mai, ngày mốt mình sẽ về đâu? Sẽ làm gì? Không lẽ suốt đời với nghề dạy học? Sẽ làm cô giáo già như bà giáo của tôi ngày xưa! Sẽ lập gia đình? Nhưng với ai? Tôi không muốn con tôi không có cha như những đứa học trò vô tội của tôi. Tôi không muốn mình ở góa với con thơ. Tôi không muốn quấn vành khăn tang đi lặng lẽ sau chiếc quan tài mà tóc vẫn còn xanh .... Tôi chỉ muốn mình có hạnh phúc, dù cái hạnh phúc rất tầm thường và nhỏ nhoi. Tôi chỉ muốn có một nụ cười không tàn phai cùng đám học trò. Tôi chỉ muốn có một tương lai xán lạn cho quê hương, cho dân tộc, dù tương lai đó rất mong manh ...

Nhưng rồi những ý nghĩ đó lại qua đi, và những giọt nắng cuối ngày vẫn âm thầm rơi trên nóc nhà trường.

Năm tháng trôi qua ... Chiến tranh vẫn còn kéo dài trên mảnh đất thân yêu. Nhà cửa hư hao, lửa đạn vẫn còn dầy xéo trên những con đường vào làng, vào xóm. Tôi vẫn còn là cô giáo tận tụy với đám học trò cũ, mới.

Năm 1975 và tháng Tư oan nghiệt, bầu trời vẫn lặng lờ những đám mây trôi, ánh nắng ban trưa vẫn im lìm trên lối cỏ. Nhưng trong sân trường náo loạn vì đạn pháo kích của Việt cộng. Khói đen bay mù mịt, tiếng trẻ khóc, tiếng gọi nhau hòa lẫn những tiếng nổ kế tiếp. Những mảnh đạn xé không gian bay tung tóe. Tôi ôm những học trò đứng gần tôi, kéo chúng xuống gầm bàn để tránh đạn. Lúc ấy tôi không nhớ là mình có cầu nguyện hay không? Nhưng Phật, Trời đã che chở chúng tôi. Có lẽ chỉ sau nửa tiếng đồng hồ, nhưng thời gian lúc ấy tựa dài hơn một thế kỷ, mọi người nhốn nháo tìm nhau. Các phụ huynh đến tìm con em mình, và đưa những em bị thương vào nhà thương Cộng Hòa gần đó. Hình ảnh một em bị gẫy một cánh tay, nằm bất động, một em khác trúng đạn nằm thê thảm gần đó. Những tiếng khóc la hỗn loạn, khiến tôi không biết phải làm gì. Nhìn quanh ai cũng đen vì khói, tôi ngồi bất động và bắt đầu khóc ...

Đó là ngày 23 tháng Tư năm 75. Sau khi hội họp với vị Hiệu Trưởng khả kính, chúng tôi được giải tán và chờ khi có lịnh mới. Trường tạm đóng cửa, con em được cha mẹ đón về, những vách tường đổ nát nằm ngổn ngang trong đám gạch vụn, khói lửa vẫn cháy chung quanh, tôi nhìn qua cái hàng rào dâm bụt gẫy nát nhưng ánh nắng cuối ngày vẫn chói chang qua kẽ lá xác xơ ...

Những ngày sau đó là những ngày sợ hãi và bồn chồn trong dạ. Tôi đến trường để nghe tin tức và hiệu lệnh của ông Hiệu Trưởng. Nhưng tôi không làm được điều đó vì nửa chặng đường đến trường, tôi bị những người lính gác dọc đường không cho bất cứ một ai đi qua. Tôi không biết đó là lần cuối cùng của cuộc đời làm cô giáo của tôi. Khắp nơi, cộng quân đã tràn vào thành phố, chúng pháo kích, bắn phá và không tha bất cứ một ai, kể cả trẻ thơ vô tội như đám học trò nhỏ bé và dễ thương của tôi. Hai ngày sau tôi tìm đến trường. Sân trường vắng lặng, vách tường không còn, mái ngói sụp đổ và trong lớp học của tôi còn một vách tường với tấm bảng đen treo lệch lạc và dòng phấn trắng vẫn còn ghi ngày tháng những ngày khổ nạn. Sách vở, giấy tờ bay ngổn ngang trong sân trường. Những chiếc dép nằm văng úp xuống trong những mảnh vụn của chiến tranh. Tôi ngậm ngùi cho đời tôi, cho những người lính đã bỏ mình cho quê hương để mong đem lại thanh bình cho hậu phương. Cho con em có phương tiện đến trường và cho mọi người giây phút ấm no. Tôi xếp vội những giấy tờ cần thiết, rồi rời mái trường thân yêu của tôi lần cuối. Tôi bước thật nhanh qua cái cổng sắt, nhìn lại cảnh điêu tàn trong sân vắng nhưng giọt nắng cuối ngày vẫn im lặng trên ngọn cây cao.

Ba mươi năm trên đất mới, đôi lúc băn khoăn tôi tự nhủ đời mình như một chiếc lá trôi trên dòng nước. Có lúc lặng lờ, có lúc nổi trôi. Có lúc chòng chành quanh ghềnh đá, có lúc dập vùi trong thác lũ khúc quanh. Khúc quanh quan trọng đó là những ngày sống trên xứ lạ, quê người. Ngôn ngữ khác nhau, nếp sống khác nhau, phong tục khác nhau …. nhưng tâm hồn của những người bạn mới đầy nhân ái, đùm bọc và giúp đỡ nhau trong những lúc tôi cần nhất. Tôi thương đám cỏ xanh trước sân nhà, tôi thích những con đường tráng nhựa lướt êm. Tôi mơ mộng khi thấy những mái trường đầy trẻ em chơi đùa trong sân rộng, tôi chợt nghĩ đến những đứa học trò của tôi ngày xưa, giờ này chắc chúng đã có gia đình, có con để dắt đến trường? Không như chúng ngày xưa tan trường không có cha đến đón!

Ba mươi năm trôi qua, khúc quanh của cuộc đời tôi cũng thay đổi khá hơn. Tôi xung phong đi dạy học tiếng Việt cho con em của những gia đình người Việt tị nạn trên đất Mỹ. Tôi đem niềm hy vọng của tôi vào những mầm non để con trẻ không quên tiếng Mẹ đẻ, không quên mình là người Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến ....Tôi đã hy sinh những buổi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật để làm việc đó và tôi đã thành công ít nhiều trong công việc này... Tôi lập gia đình và các con tôi đến trường có tôi đưa đón. Những tháng ngày bận rộn làm tôi quên mất những nỗi khó khăn, phiền muộn. Các con của tôi đã thành nhân và có gia đình riêng.

Bàn tay đẹp ngày xưa không còn nữa, nhưng trong tôi, bàn tay ấy đã một thời góp phần xây đựng quê hương, tuy ngắn ngủi nhưng dài nguyên thế kỷ.Ngồi trong vườn đầy hoa và trái, tôi cầu nguyện cho đất nước Việt Nam tôi một ngày tươi sáng hơn, mọi nghèo khó không còn, mọi đàn áp, bị chà đạp và bạo quyền của Việt Cộng không còn, để dân chúng Việt Nam an bình trong hạnh phúc và no ấm. Gió vẫn hiền hòa trên ngọn cam đầy trái và giọt nắng cuối ngày vẫn rạng rỡ trong đôi mắt tôi

Georgia đầu Xuân 2006