Hòa Đàm Paris: Niềm Đau Nhược Tiểu

GS NGUYỄN NHƯ CƯƠNG

clip_image002Năm 2005, để kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức, cựu phụ tá về ngoại vụ Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã xuất bản tại Hoa kỳ tác phẩm thứ 2 về liên hệ của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam: "Thương Thuyết hòa bình Việt Nam: Trần thuật của phía Sài Gòn". (1)

Mục đích của tác giả nhằm tố cáo Hoa Kỳ đã gửi quân sang tham chiến tại VN dưới lá cờ chính nghĩa hỗ trợ Nam Việt Nam bảo vệ tự do chống xâm lược của Cộng sản Bắc Việt. Nhưng Hoa Kỳ lại đã ỷ thế mạnh siêu cường dành quyền điều khiển chiến tranh trực tiếp đối đầu với địch, đã "Mỹ hóa chiến tranh" (2) khiến Bắc Việt gán cho Hoa Kỳ là "Thực dân mới" xâm lăng Việt Nam không khác Đế quốc Pháp, nhằm động viên tinh thần yêu nước của toàn dân miền Bắc quyết chịu đựng bom đạn, gian lao khổ cực để trường kỳ chống Mỹ cứu nước khiến Hoa Kỳ không thủ thắng phải tìm thương lượng hòa bình.

Đúng lý, Hoa Kỳ phải để Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đứng ra thương thuyết với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) trên căn bản Hội nghị Genève vì Hoa Kỳ chỉ là đồng minh hỗ trợ nhưng Hoa Kỳ đã dành lấy vai trò chính tự đứng ra thương thuyết hòa bình. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ vì muốn mau kết thúc chiến tranh đã lựa chọn định thức "hòa đàm song phương" với VNDCCH, đã Mỹ hóa hòa bình lại đơn phương giải kết rút quân bỏ rơi VNCH ở giữa cuộc chiến đang còn tiếp diễn.

Tiến sĩ Đức chủ ý dành tác phẩm này cho công chúng Hoa Kỳ và ngoại quốc để họ được đọc một cuốn trần thuật đầy đủ, trung thực, khách quan về Hòa đàm Paris do chính một chứng nhân đã thu thập đủ các văn liệu liên hệ viết thuật, để họ có nhãn quan đúng đắn về một cuộc chiến tranh không chút hào quang của Mỹ. Sau chuyến thăm Hoa Kỳ để phát hành tác phẩm, Tiến sĩ Đức gửi tặng tôi một cuốn. Khi điện thoại cám ơn, tôi hứa viết ít trang nhận định và cảm nghĩ đăng Đặc san Thụ nhân Âu châu, diễn đàn chung của Hội .

I. Trải trên gần 600 trang sách, tác giả đã ghi thuật diễn tiến của Hòa đàm Paris từ ngày 31.3.1972 Tổng thống Johnson lên tiếng kêu gọi thương thuyết hòa bình được Bắc Việt nhận thuận ngày 3.4.1968 đến ngày 30.4.1975 kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngay khi được tin hai bên đồng thuận hòa đàm, VNCH tự hiểu đã lâm vào một tình thế khó khăn phải tranh đấu cho sự sống còn của miền Nam trước một đồng minh chán nản đã Mỹ hóa cuộc chiến giờ đây lại định Mỹ hóa hòa bình để đơn phương giải kết với bất cứ giá nào nên vấn đề khẩn thiết là "giải Mỹ hóa cả chiến tranh và hòa bình". (3)

Theo từ ngữ cụ thể:

* Về quân sự: Phải chuyển nhiệm vụ chính điều khiển cuộc chiến sang quân đội VNCH bằng cách tăng cường quân số, huấn luyện và trang bị vũ khí đạn dược để thay thế quân đội Hoa Kỳ triệt thoái dần dần theo một nhịp độ thích ứng.

* Về thương thuyết hòa bình: Phải theo định thức thương lượng giữa hai miền Nam Bắc để bình thường hóa liên lạc giữa hai bên và dần dần tiến đến tái thống nhất qua bầu cử dân chủ ở cả hai miền.

* Nhưng Chính phủ Johnson và Chính phủ Nixon kế vị đều quyết theo định thức thương thuyết song phương với VNDCCH (Bắc Việt) lại còn bác bỏ đề nghị tăng cường lực lượng quân sự VNCH để dần dần thay thế quân đội Hoa Kỳ triệt thoái, tài giảm kinh phí chiến tranh, xoa dịu phong trào phản chiến.

* Chính phủ Johnson ngoài sự bác bỏ chương trình Việt Nam hóa chiến tranh lại còn chủ trương thuận cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) tham dự Hòa đàm với tư cách một thực thể riêng biệt gây nên sự bùng nổ phẫn nộ của VNCH đưa đến việc từ chối không ký thông cáo chung ngày 31.10.1968 ngưng oanh tạc trên toàn lãnh thổ Bắc Việt khiến Phó Tổng thống Humphrey thất cử .

* Chính phủ Nixon lại khiến cho Chính phủ VNCH thất vọng nhiều hơn bằng lối thương thuyết tay đôi và bí mật giữa H. Kissinger và Lê Đức Thọ và đẩy VNCH xuống ngang hàng với MTGPMN để hai bên Hoa Kỳ và Bắc Việt mặc cả về tương lai chính trị Nam Việt Nam, thêm nhiều hành vi dối trá, hứa hẹn, lừa gạt.

* Đau buồn nhất là chính Tổng thống Nixon đã dọa giảm cắt viện trợ buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cuối cùng phải cam tâm uống liều độc dược đặt tay hạ bút phúc đáp "vì tình đoàn kết giữa hai dân tộc Mỹ-Việt" nhận ký bản Hiệp định đưa VNCH đến sụp đổ vào ngày 30.4.1975 chỉ vì sợ bị cắt vòi sữa nuôi 20 triệu quân dân miền Nam dù chính Nixon cũng biết và nhận đúng: chưa ký Hiệp định Quốc hội Hoa Kỳ chưa dám cắt viện vì còn phải lấy lại tù binh bị Cộng sản bắt giữ làm con tin, ký Hiệp định rồi, đương nhiên Quốc hội cắt ngay.(4) Đó là "niềm đau nhược tiểu". Nước mình nghèo chậm tiến phải nhờ vả ngoại nhân.

* Tổng thống Johnson nôn nao tìm kiếm hòa bình đã như "bắt được vàng" khi Bắc Việt đáp nhận Hòa đàm chỉ 3 ngày sau khi ông kêu gọi. Trong khi đó từ 3 năm trước (1965) ông đã nhiều lần tuyên bố cầu hòa lại trực tiếp biên thư đến Hồ Chí Minh lời lẽ nhã nhặn cầu hoà nhưng bị bác bỏ thẳng tay. Ông không biết đã sa vào cạm bẫy của Bắc Việt khi đề nghị thương thuyết song phương với VNDCCH nên ngay từ phiên họp khai mạc Hòa hội tại Trung tâm Hội nghị quốc tế đại lộ Kleber Paris, phái đoàn VNDCCH đã gán cho Hoa Kỳ là Đế quốc xâm lăng còn Bắc Việt Cộng Sản thì chống xâm lăng bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Từ đó Bắc Việt ngoan cố giữ vững lập trường, yêu sách Hoa Kỳ phải nhượng bộ cho đến khi kết thúc Hòa đàm với một thỏa ước Hoa Kỳ phải nhận trách nhiệm đã lỗi lầm trong quá khứ:

* Trong thời hạn 60 ngày sau khi ngưng bắn Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác phải hoàn toàn triệt thoái khỏi Nam Việt Nam cùng tháo gỡ mang theo mọi dụng cụ chiến tranh.

* Hoa Kỳ phải cam kết tự hậu không trở lại can thiệp vào nội bộ Nam Việt Nam và phải nhận trả bồi thường chiến tranh để tái thiết Bắc Việt và hai nước Đông Dương khác.

VNCH qua trên 3 năm đã nhiều lần đề nghị với Hoa Kỳ chương trình "Việt Nam hóa" để khi Hoa Kỳ triệt thoái ra đi miền Nam còn có cơ hội tồn tại. Nhưng cuối cùng VNCH chỉ được cùng Mặt Trận Giải Phóng làm đối tượng mặc cả giữa Mỹ và Bắc Việt, kết quả thành hai "bên" ở miền Nam Việt Nam và được họp nhau thành Chính phủ liên hiệp đặng một thời gian sau sẽ tái thống nhất với miền Bắc. Tiến sĩ Arthur Dommen người đề tựa tác phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức đã tóm tắt: “Chuyện thương thuyết hòa bình Tiến sĩ Đức viết là một chuyện về dối trá, hứa hẹn, thất vọng và hăm dọa và cuối cùng phản bội, trích từ các văn liệu trao đổi giữa người Việt miền Nam và người Mỹ, nhiều văn liệu do chính Tiến sĩ Đức đã soạn thảo". (5).

Vì tác giả nhắm vào công chúng Hoa Kỳ và quốc tế nên ông mô tả đầy đủ chiến dịch Hồ Chí Minh đưa Bắc Việt Cộng Sản tới toàn thắng ngày 30.4.1975. Tác giả kết luận chua chát là khi Cộng Sản Bắc Việt mở chiến dịch mùa xuân 1975 họ đã có ưu thế về quân số tại Nam Việt Nam thêm tại Miên Lào và nhất là về vũ khí Liên Xô tăng viện trợ rất nhiều từ 1973 đến 1975, còn VNCH viện trợ Mỹ bị cắt 1/2 nên thắng bại đã phân rõ vì Hoa Kỳ chẳng giúp đỡ gì thêm (6).

II. Đọc xong Tác phẩm "lớn" của Tiến sĩ, tôi cảm thấy như có chất đắng ở đầu môi, mặc dù chuyện Hòa đàm đã gần như đi vào quên lãng và các nhân vật chính trong cuộc chiến 20 năm giữa hai miền Nam-Bắc như Cựu Hoàng Bảo Đại, Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng đã qua đời.

Chất đắng đó do tình thế đau buồn của nước nhỏ phải nhờ vả, lệ thuộc vào nước lớn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải nén lòng căm hận đặt bút nhận ký thỏa ước giao nạp miền Nam vào tay Bắc Việt. Lúc ấy chắc ông đắn đo suy nghĩ hơn 20 triệu quân dân VNCH đang phải nhờ vào viện trợ của Hoa Kỳ để có súng đạn chống quân thù, bảo vệ bờ cõi tự do. Nhưng ông đâu ngờ chỉ một thời gian ngắn gọi là khoảng thời gian "decent interval" để Hoa Kỳ đỡ bẽ mặt với thế giới khi phải giải kết rút quân.

Tác giả trách Hoa Kỳ "cạn tàu ráo máng", "bán đứt" (sell out) VNCH cho Bắc Việt Cộng Sản nhưng nghĩ kỹ thấy Hoa Kỳ cũng ở trong một tình trạng oái oăm, phải chịu nhục nhã đắng cay của một cường quốc nhận lỗi xâm lăng, phải cam kết tự hậu không dám can thiệp vào nội bộ Nam Việt Nam, bồi thường chiến tranh và cuối cùng phải phản bội bán nốt đồng minh VNCH. Tất cả chỉ vì trong quá khứ đã oanh tạc thị oai dữ dội để đưa đến kết quả là trên 500 phi công ưu tú bị địch cầm giữ làm con tin hòng đổi lấy vận mạng VNCH. Bắc Việt Cộng Sản đình huỳnh hạch sách Hoa Kỳ ở bàn Hội nghị như H. Kissinger thuật ở Hồi ký: Y phải tay cầm mũ đến họp bàn và phải có hẹn trước. Cộng sản đâu cần phải vội vàng, nhưng gia đình 500 tù binh ngày ngày trông đợi Chính phủ trả thân nhân họ về đoàn tụ.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đề nghị Hoa Kỳ điều đình riêng với Bắc Việt Cộng Sản, VNCH giúp 10.000 tù binh Cộng Sản trao đổi lấy lại 500 tù binh Mỹ tức là 20 đổi 1 đã tưởng Tổng thống Nixon thuận nhận. Nhưng ông đã từ chối vì đã hiểu rõ 10.000 tù binh Cộng Sản hay hơn nữa 20.000, 30.000, Bắc Việt Cộng Sản đâu có thuận. Cái giá phải trả là Nam Việt Nam! Nghĩ đến lời khuyên của cổ nhân "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" thì thấy rằng những người lãnh đạo VNCH phải chịu một phần trách nhiệm về sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Tiến sĩ Đức hơi "cường điệu" khi hoàn toàn đổ tội bại trận cho Hoa Kỳ đã "Mỹ hoá cuộc chiến".

Nếu nhìn lại tình hình VNCH sau đảo chánh lật đổ Chính phủ Ngô Đình Diệm trong 4 năm liền nào tướng lãnh tranh quyền, nào phe nọ phái kia, đạo này đạo khác chống đối tị hiềm nhau, không một chính phủ dân sự nào vững được một tháng. Hiến chương Vũng Tàu mới thảo ra đã bị sinh viên quá khích xé nát. Bắc Việt Cộng Sản lại nhân VNCH có loạn, phá vỡ ấp chiến lược xây dựng thời đệ nhất cộng hòa, đưa thêm quân và vũ khí xâm nhập miền Nam, thì Đại tướng Tư lệnh Westmoreland dù không muốn cũng phải đứng ra gánh vác hoàn toàn trách nhiệm điều khiển chiến tranh. Sách lược Việt Nam hóa chiến tranh có tính cách trường kỳ, nên vào thời điểm 1968-1969 không còn kịp nữa vì Hoa Kỳ mong mau rút ra khỏi bãi lầy Việt Nam, đến cung cấp đủ đạn dược còn không thực hiện được như Đại tướng Cao Văn Viên thông báo ở phiên họp Hội Đồng An Ninh ngày 20.10.1968 sau phiên họp với H. Kissinger.

Sách lược của Chính phủ VNCH để ứng phó với thương thuyết hòa bình có chút nặng phần trình diễn, nào tuyên bố lập trường, nào thông cáo sau họp thượng đỉnh, nào đề nghị nên chiếu theo Hiệp định Genève làm khuôn khổ cho hòa đàm, hoặc Hoa Kỳ lưu quân lại Nam Việt Nam như ở Nam Triều Tiên, đều không đem lại một ích lợi nào vì Hoa Kỳ đâu có lưu tâm. Nhìn thẳng vào cách ứng phó cụ thể VNCH đã hành động sai lầm tai hại, ầm ĩ biểu diễn show-down không ký thông cáo chung với Tổng thống Johnson ngày 31.10.1968 khiến Phó Tổng thống Humphrey thất cử, đáng lẽ phải nhất quyết ủng hộ ứng cử viên dân chủ đặng sau này đảng Dân chủ của Tổng thống Johnson vẫn tiếp tục nắm hành pháp và đa số ở Quốc hội, có thể giúp Việt Nam nhiều hơn, ít nhất cũng không đến nỗi bị Tổng thống Nixon hăm dọa và dụ dỗ Quốc hội cắt viện trợ nếu không ký Hiệp định nhưng ông sẽ đề nghị tăng viện được nhiều nếu thuận ký. May ra lại có thể được một Hiệp định mà theo đó Hoa Kỳ còn lưu lại một lực lượng giám sát như ở Nam Triều Tiên, hay Bắc Việt cũng phải đồng thời với Hoa Kỳ rút quân về Bắc như Tổng thống Johnson đã từ chối đề nghị triệt thoái "làm quà" của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Quân đội Mỹ phải lưu lại Nam Việt Nam đến khi ký kết Hiệp định hòa bình để làm áp lực cho Hòa đàm và nếu hòa đàm tan vỡ sẽ tấn công và oanh tạc trở lại".

Có lẽ Chính phủ VNCH ưa thích đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ nên nghĩ show-down sẽ giúp Nixon thắng cử và sẽ có lợi hơn cho mình. Nhưng thực tế như đã biết, do Nixon thắng cử, VNCH mới bị H. Kissinger dấu nhẹm chuyện thương thuyết và bị Nixon hăm dọa tàn tệ khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải chịu nhận ký bản Hiệp định bán đứng VNCH cho Cộng Sản. Chưa kể vì Hiệp định bị Nixon không trình Thượng Viện phê chuẩn nên không hiệu lực, do đó về sau Tổng thống Ford chẳng xin được sự giúp đỡ nào của Hoa Kỳ năm 1975.

Để kết luận bài “trước đèn đọc sách’’ này tôi thành thật cảm phục Tiến sĩ Đức đã nhẫn nại chờ đợi 30 năm trở lại Hoa kỳ tặng cho các thế hệ “con cháu chú Sam“ một cuốn sử liệu phơi trần sự thật phũ phàng cuộc thương thuyết hòa bình Paris: Hoa kỳ đã phải nhượng bộ tới bỏ rơi cả tiểu quốc đồng minh ở giữa cuộc chiến để lấy lại 500 chiến sĩ bị Bắc Việt Cộng Sản cầm tù và rút lui khỏi Nam Việt Nam như một đế quốc xâm lăng bại trận, với lời cam kết không bao giờ dám can thiệp trở lại để giúp đồng minh và nhận chịu bồi thường có thể tới cả 100 tỷ đô la về các thiệt hại đã gây ra cho Bắc Việt và 2 nước Miên Lào. Như vậy, Tiến sĩ đã thực sự góp phần vào lịch sử và để lại một cái gì cho hậu thế.

Thiết tưởng ông nên tự thoả mãn và tìm sự thanh thản của tuổi cao niên, quên đi truyện trên 30 năm cũ, bởi vì giòng lịch sử cứ trôi trôi mãi như hai câu thơ trích tựa đề truyện Tam Quốc chí:

“ Cổn, cổn trường giang đồng thệ thủy

Thị, phi, thành, bại chuẩn đầu không“./.

Chú thích

1.The Viet-Nam Peace Negotiations: Saigon's Side of

the Story (Dalley Book Service, V.A. USA, 2005)

2.Vietnam: Pourquoi Les Etats Unis ont-ils perdu la guerre (Godefroy de Bouillon, Paris,

1996)

3. Deamericanization of the war and the peace

4. Tiến sĩ kể lại: Về rút quân, Tổng thống Thiệu đã “làm quà’’ thiện chí của Việt Nam Cộng Hòa khi đề nghị tại Hội nghị Thượng Đỉnh Midway Hoa Kỳ rút sớm đợt đầu 25000 quân, còn các đợt sau tùy thuộc vào tiến bộ của Hòa hội Paris và tăng cường quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng sau đợt này Tổng thống Nixon triệt thoái tiếp mấy đợt sau đến cuối năm 1971 gần hết quân Mỹ nhưng không thông báo cho Tổng thống Thiệu

* về vai trò của Mặt Trận Giải Phóng,

* Tổng thống Johnson thuận cho tham dự Hòa đàm với tính cách một thực thể riêng. Tổng thống Nixon tiến xa hơn thuận cho Mặt Trận Giải Phóng qui chế chính trị hợp pháp.

* Tuy biết là Hiệp định phải được Thượng Viện phê chuẩn mới có hiệu lực nhưng Tổng thống Nixon lờ đi chỉ gửi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mấy bức thư hứa sẽ trừng phạt nặng nề Bắc Việt nếu vi phạm mà hiển nhiên chính ông đã thấy quân xa Bắc Việt ào ào xâm nhập Nam Việt Nam nhưng ông lại nói vi phạm chưa quan trọng.

5. The Story as Dr. writes, is one of deceptions half-truth and outright lies threats promise and finally betrayal. It is derived from documents exchanged between the South Vietnameses (GVN) and Americans many of which were drafted by Dr. Duc himself

6. Giáo sư Lê Xuân Khoa viết rất khôi hài "Ngày 01.05.1975 Hạ viện Hoa Kỳ mới họp và quyết định bác bỏ đề nghị của Tổng thống Ford xin viện trợ thêm cho Việt Nam Cộng Hòa 219 triệu Mỹ kim" (Vietnam 1949-1999, tập 1, trang 313)