Lê Đình Thông
Ban biên tập đặc san gồm có mấy người, mỗi người là bốn phương trời, mười phương Phật. Chúng tôi làm việc với nhau là nhờ internet, một người ‘‘phu xướng’’, anh em ‘‘phụ tùy’’. Không chậm trễ chút nào.
Làm việc bằng internet tiện lợi, nhanh chóng, lại không tốn kém gì. Cách làm việc này dần dà kết chặt tình thân. Tạm đặt tên tình bạn mới mẻ này là ‘‘Thụ Nhân net’’.
Cũng nhờ tình thân này mà cả nhóm nhận được đúng vào ngày ‘‘quatorze juillet ’’ (14 tháng 7) món quà của anh Thạch Lai Kim, không phải là bài thơ của Goethe, mà là Hoàng Hạc Lâu, nguyên tác chữ Hán của Thôi Hiệu, kèm theo các bản dịch của Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Ngô Tất Tố, Nguyễn Quảng Tuân, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, TN Nguyen.
Thơ giao duyên cùng nhạc dân gian của Trung Quốc và hình ảnh Vũ Hán, nơi chôn nhau cắt rốn của Hoàng Hạc Lâu.
Thuở xưa Phí Văn Vĩ thường cưỡi hạc bay về Hoàng Hạc Lâu. Còn ngày nay, bạn bè Thụ Nhân cưỡi Boeing tha phương khắp chốn.
Thơ của Thôi Hiệu thật là thấm thía, như đi guốc vào bụng sĩ tử Thụ
Nhân. Tôi nhận được ‘‘Hoàng Hạc Lâu’’ vào chặp tối. Tuy không có hạc vàng nhưng có nắng vàng. Nắng gợi nhớ nắng chiều trên nương đồi Đà Lạt thuở xưa. Hoàng Hạc Lâu của Đại Học Đà Lạt là Năng Tĩnh. Các môn sinh năm xưa đi rất xa về khắp nẻo. Anh Thạch Lai Kim thì ở tận bên Đức. Anh Dương Tấn Hải và chị Quản Mỹ Lan chia nhau miền xuôi Địa Trung Hải. Còn chúng tôi ở Paris phía Bắc nước Pháp.
Thôi Hiệu làm thơ viết rằng:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
昔 人 已 乘 黃 鶴 去,
此 地 空 余 黃 鶴 樓.
có khác nào nhắc nhở các sĩ tử Đại Học Đà Lạt cưỡi máy bay màu vàng, màu xanh đi viễn phương. Còn lại chỉ còn Năng Tĩnh trơ trọi một mình, cây thánh giá lẻ loi cũng bị người ta che mất.
Hai câu thực và trạng là cảm hoài tiếc nuối:
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
黃 鶴 一 去 不 復 返,
白 云千 載 空 悠 悠。
Ngày nay, mỗi sĩ tử Thụ Nhân là một Kinh Kha:‘‘nhất khứ bất phục phản’’, như Cửu Long nhấp nhô, như Gougah gập ghềnh. Một khi đã bỏ trường trôi dạt viễn xứ, ta không còn hy vọng trở về chốn xưa. Năng Tĩnh còn đây. Mây trắng còn đó. Nhưng môn sinh thì cách xa biền biệt. Không ai về lại lầu Năng Tĩnh để thơ thẩn ngắm mây trắng nổi trôi đến tận chân mây Trại Hầm, cuối núi Lâm Viên.
Anh Thạch Lai Kim nói rất là chí lý. Chỉ vì viết hấp tấp nên tôi bỏ sót chưa nói gì về hai câu luận. Trật thì phải sửa, thiếu phải thêm vào cho đủ. Chất liệu hai câu 5 và 6 là dòng sông hiện tại và chốn cũ ngọn cỏ rầu rầu :
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹,
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。
Dòng sông hiện tại có thể là sông Seine, hoặc bất cứ dòng sông nào, cuốn trôi bao hoài niệm tiếc nuối. Hán Dương thụ là cây Thụ Nhân trồng trước cửa văn phòng Đôn Hóa. Phương thảo thê thê là đồi cỏ sân Cù. Hai câu luận réo rắt cung đàn. Thôi Hiệu gieo điệp ngữ ‘‘lịch lịch’’ đối lại với ‘‘thê thê’’. Lịch lịch là đi qua, đi qua, giống như thần chú chữ Phạn: gate gate, pàragate, pàrasamgate (Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia). Điệp ngữ cố tình (répétition voulue) bao giờ cũng tràn đầy nhạc tính, khiến lòng ta trăn trở thao thức, giống như mấy nốt nhạc lập lại của bài giao hưởng số 5 mà Beethoven từng thổ lộ: ‘‘Đó là tiếng gõ cửa của định mệnh’’ (C’est le destin qui frappe à la porte). Nguyễn Công Trứ cũng rót trầm nhập thanh: lịch (dấu nặng) rơi vào bài hát nói:
Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các cho người biết tay.
Thi nhân chơi chữ thật là đài các. Lịch lịch là trôi đi trôi đi, đồng âm với lịch lịch: chim hót trên cành. Thê thê là cỏ xanh, cỏ xanh. Thê thê của Thôi Hiệu làm ta chạnh lòng nhớ đến Cỏ non xanh tận chân trời của Nguyễn Du. Thôi Hiệu ở bên Tầu vẫn còn thiếu một cành lê. Cỏ non của Nguyễn Du là tiền đề để thi nhân chấm phá cành lê hao gầy: Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Theo chú thích của anh Thạch Lai Kim. Thôi Hiệu sinh năm 704, mất năm 754, cùng thời với Lý Bạch (701-762). Nhà thơ họ Lý ở đất Tứ Xuyên trước tác bài tứ tuyệt nghẹn ngào tiễn bạn ở lầu Hoàng Hạc:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
故 人 西 辭 黄 鹤 樓,
煙 花 三 月 下 楊 州。
孤 帆 遠 影 碧 空 盡,
惟 见 长 江 天 際 流。
Xin tạm dịch như sau:
Bạn bè Hoàng Hạc xa nhau,
Dương Châu khói sóng ruột đau chín chiều.
Cánh buồm trôi dạt cô liêu,
Trường Giang nước cuốn tiêu điều nhớ thương
«««
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
日 暮 鄉 關 何 處 是,
煙 波 江 上 使 人 愁.
Ôi thôi, câu hỏi của ông Thôi Hiệu sao mà da diết quá, khiến ta nghẹn ngào không biết trả lời sao cho đặng. Vì không còn quê nhà để nương náu, ta gửi gấm tâm sự vào mấy vần lục bát Hoàng Hạc, nghe như có tiếng xạc xào thở than:
Người xưa cưỡi hạc bay đi,
Chơ vơ Hoàng Hạc chốn ni một mình.
Hạc Vàng kiếp sống ba sinh,
Ba chìm bẩy nổi hành trình gió mây.
Hạc Vàng biền biệt chốn đây,
Hán Dương xanh lá sông đầy chiếu soi.
Cỏ thơm Anh Vũ một thời,
Quê nhà chập tối đôi lời hỏi han,
Trên sông buồn bã khói tàn,
Sóng buồn tê tái lệ tràn xót xa.