Hội Ngộ Về Nguồn

Quản Mỹ Lan

Sư Phạm

Một ngày đẹp trời vào cuối tháng 4-2007, anh Dương Tấn Hải tự Hải Kiến Lửa không biết từ đâu và tại sao lại ngỏ ý nhờ tôi phụ làm "Đặc San Thụ Nhân Âu Châu (ĐSTNAC) " với anh!

Tôi hơi khựng lại vì đang phải lo đám cưới cho cháu vào cuối tháng 6 và một số việc cho hội từ thiện của chúng tôi tại Dallas TX. Tôi chợt nhớ rằng đáng lẽ Đặc San này đã phải ra mắt Thụ Nhân toàn thế giới vào dịp Đại Hội tại Vancouver đầu tháng 7 năm 2006 mà nay còn nhờ làm chắc các anh chị đã cố gắng mà chưa hoàn tất nên mặc dù rất bận rộn, tôi đã nhận lời anh Hải mà không biết chút gì về Ban Biên Tập hoặc bài vở ra sao! Trước đó tôi cũng đã nghe phong thanh rằng ĐSTNAC gặp trở ngại nên mãi chưa xong, nay anh Hải chỉ nhờ sửa dấu hỏi ngã để anh layout thì tôi thấy có thể cáng đáng được.

Đâu ngờ khi nhận bài mới thấy rằng tất cả bài vở đều dưới dạng "nguyên thuỷ" ... Thế là ban ngày lo chạy việc cho con, lo trăm công ngàn việc, đêm đêm ngồi biên tập (edit) bài vở cho Đặc San... Đọc bài của các thầy, các bạn quả thật là một niềm vui vì qua đó cảm nhận được tình cảm thân thiết thầy trò, bạn bè đối với nhau dù cho sau bao năm rời trường xa bạn... Hơn 30 năm rồi mà những kỷ niệm còn như đầy ắp trong lòng mọi người: người còn, người mất, người góc bể, kẻ chân trời, người ở, người đi... biết bao vật đổi sao dời nhưng tâm tình Thụ Nhân vẫn là sợi dây gắn bó bền chặt nhất. Rõ ràng là chúng ta có cái Tình-Thụ-Nhân như tôi vẫn mơ hồ cảm nhận mà không sao lý giải được!

Và tôi đã tìm được câu trả lời khi đọc những bài viết trong ĐSTNAC kỳ này.

Qua mấy trăm trang sách, tôi vỡ lẽ ra rằng cái Tình-Thụ-Nhân đó đã được người Cha yêu quý của Thụ Nhân gây dựng nên, cố ý gây dựng nên chứ không phải bỗng nhiên mà có! Tôi nói cố ý vì chính là cái "nhân" mà Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập đã gieo vào lòng mỗi giáo sư, mỗi sinh viên khi lên Cao Nguyên để dạy học hoặc theo học ở các phân khoa thuộc Viện Đại Học Đà Lạt của chúng mình từ gần 40 năm trước để hôm nay. Cái "quả" gặt hái được là một khối những con người dù không học cùng thầy, không ngồi cùng lớp, ngay cả cách xa nhau cả thời gian lẫn không gian mà hôm nay vẫn có tình thân đối với nhau, giúp đỡ nhau cả về tinh thần lẫn vật chất mà không cần biết người kia là ai, chỉ biết đó là một Thụ Nhân! Đã gọi là Tình thì có tính toán bao giờ!

Đọc các bài viết về Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập của chúng ta, tôi thấy bồi hồi một cách kỳ lạ! Tôi có thể đoan chắc rằng tình cảm của anh chị em đối với Cha vẫn còn nguyên như mới, tuy bao nhiêu nước đã chảy qua cầu mà tình cảm ấy vẫn như đang hiện hữu, cứ như tối nay đọc bài viết thì sáng mai ngủ dậy, chúng ta sẽ lên trường, sẽ gặp Cha đang đứng ở trước cửa văn phòng Đôn Hoá đón các sinh viên đến lớp và mình có thể "Thưa Cha" khi đi ngang trước mặt Người. Có lẽ chưa ở đâu và không ai đã để lại một tình cảm sâu đậm như Cha Viện Trưởng đã để lại trong lòng các cựu sinh viên của Cha! Tôi không biết những người khác khi đọc những bài viết về Cha, về Trường cũ họ có cảm giác thế nào nhưng riêng tôi, sau khi nghiền ngẫm những bài viết liên quan đến thời còn đi học thì tự nhiên tôi đâm ra... thương hết mọi người!

Chúng tôi làm việc qua e mail, điện thoại, dùng yahoo messenger để chat với nhau cho đỡ tốn tiền... Với tất cả những phương tiện đó mà vẫn không đủ vì có rất nhiều điểm tế nhị mà chỉ có thể nói thẳng với nhau chứ không thể viết qua e mail... Tôi quyết định mời nguyên Ban Biên Tập tụ họp ở tại Dalat en Provence để làm việc!

Thế là hẹn hò nhau dành ra 3 ngày 26, 27, 28 tháng 8 để làm việc chung tại Les Pennes Mirabeau: anh Lê Đình Thông Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút, anh Trần Văn Bảng Chủ Tịch Thụ Nhân Âu Châu, Chị Nguyễn Ngọc Thương, Thủ Quỹ (muôn đời) có phu quân của chị là anh Kinh tháp tùng, anh Dương Tấn Hải, phụ trách kỹ thuật và Quản Mỹ Lan, biên tập. Chỉ thiếu anh Lưu Văn Dân Paris, anh Thạch Lai Kim cư ngụ tại Đức là bận việc không đến được.

Chắc các bạn thắc mắc là từ xưa đến nay chỉ nghe Aix en Provence chứ chưa ai nghe Dalat en Provence cả... Trong Thụ Nhân mình ngoại trừ Đức Em và anh Hải chỉ có bạn Phạm Phong Nhã, anh Nguyễn Huỳnh Tân và chị Việt là biết Dalat en Provence ở đâu thôi! Nay lại thêm anh Thông, chị Thương (tên tiền định!) và anh Bảng biết nữa! Les Pennes Mirabeau là một thị trấn của Aix en Provence, thành phố nên thơ, nơi hơn nửa thế kỷ trước Cha Viện Trưởng của chúng ta đã từng theo học! Và tôi đã mang Đà Lạt của chúng ta về đây để nơi này trở thành Dalat en Provence. Các anh chị và các bạn có dịp ghé chơi sẽ đồng ý với tôi về danh xưng thân thương này. Dalat en Provence có núi đồi, có thung lũng, có rừng thông, có dòng nước róc rách, có sương mù khi thu về và cả hoa cỏ như Đà Lạt xưa của chúng mình.

Và qua những bài viết chúng ta sẽ biết được rất nhiều chi tiết về quãng đời 11 năm Cha Viện Trưởng đã sống ở Pháp và đặc biệt tại vùng Aix en Provence nay đã trở thành Dalat en Provence là nơi những đứa con Thụ Nhân của Cha tụ tập nhau để làm quyển Đặc San không thiếu phần long đong này! Sau 5 lần tìm mọi cách để thực hiện phần kỹ thuật sau khi đã quy tụ tương đối đầy đủ bài vở, các anh chị Thụ Nhân Âu Châu đi vào ngõ bí vì không tìm được người làm layout vì một vài trục trặc nhỏ làm cho việc ra mắt sách trễ nải hơn một năm trời! Nhất là khi Houston đã nhận lời ra Đặc San Thụ Nhân cho Đại Hội 2008 tại Washington DC và An Trinh Phạm Thị Dịu đã đưa ra lời kêu gọi gửi bài cho DS 2008! Trong khi đang ạch đụi chưa biết đến bao giờ mới xong thì anh Hải lại nhận được thư anh Tạ Duy Phong (Houston, TX) rút lại các bài của anh, của anh Châu Văn Chính, của thầy Trần Long và thầy Ngô Đình Long để đưa vào DS 2008! BBT hơi lo lắng nhưng đành phải hoàn lại cho anh vì sách của mình chưa biết bao giờ ra thì làm sao giữ bài cho được và vì đây cũng là những bài do anh Phong đã xin hộ! Đúng là cảnh "hoạ vô đơn chí"!

Rất may là anh Thông quen nhiều nên liên lạc ngay với các anh Đỗ Hữu Nghiêm (Hoa Kỳ), Phạm Văn Lưu (Úc) và Vũ Sinh Hiên (VIỆT NAM) để xin bài nhưng chắc rằng anh không dám hứa là bao giờ thì Đặc San được in!. Thật là may mắn cho TNAC là bài vở nhận được rất mau sau khi anh Thông ngỏ lời và bài đến cuối cùng ngay trước ngày hẹn nhau là bài cuả anh Vũ Sinh Hiên (anh Thông nhận được ngày 24, anh chuyển cho tôi và anh Kim ngày 25 và chúng tôi cùng làm việc với nhau ngày 26!). Bài anh Hiên thật xuất sắc vì là bài ghi lại những buổi tâm tình của cha Lập với anh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá ra rất nhiều điều thật sự đã xảy ra cho Cha, cho Viện và bao nhiêu mơ ước của Cha dành cho đàn con của mình! Anh Hiên đã may mắn được Cha kể cho nghe cả quãng đời gần 90 năm trời từ lúc còn bé thơ cho đến khi lớn lên đi học tại Aix en Provence, trở về nước làm việc tại nhiều nơi, nhất là tất cả những buồn vui trong suốt 9 năm nhận trọng trách Viện Trưởng, điều khiển VĐHĐL và cả những khó khăn chung và riêng trong bối cảnh tang thương của đất nước sau ngày 30 tháng 4 năm1975.

Chúng ta thường nhắc đến cha Lập mà ít khi nhắc đến cha Lý thì đây, trong ĐSAC kỳ này có bài của anh Đỗ Hữu Nghiêm nói về vị Viện Trưởng thứ 2 của Đai Học Đà Lạt, linh mục Lê Văn Lý, người đã đứng mũi chịu sào điều khiển con thuyền VĐHĐL trong một hoàn cảnh bất thường của đất nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Chúng tôi làm việc trong nắng sớm trên bàn điểm tâm, nhìn qua cửa kính là hoa; làm việc dưới nắng chiều bên hồ nước róc rách với từng đàn cá lội tung tăng. Chuyển động dịu dàng của những cái đuôi tha thướt, những cái vi, cái kỳ mong manh làm cho chúng tôi cảm thấy thật bình yên. Nhìn hồ cá này lại nhớ tới hồ nước xưa trước nhà Đôn Hoá, nhớ tới dòng nước bên cầu Văn Khoa. Chiếc cầu nhỏ xíu màu đỏ tươi làm tôi hăng hái bước leo "lên cầu" để vài bước sau hơi rụt rè "xuống cầu" khi đi giầy cao gót! Mỗi lần "qua cầu" tôi hay thầm trách Cha sao không làm cầu thẳng mà làm chi cầu cong, cứ như có thuyền bè qua lại dưới gầm cầu ấy! Có bạn nào nhớ xem trường mình có mimosa không nhỉ, đào thì nhiều nhưng mimosa chắc không có? Riêng ở Dalat en Provence thì không thiếu loài hoa sắc vàng thơm ngát này. Rất tiếc là mùa hoa cũ đã qua mà mùa hoa mới thì chưa đến nên các anh chị không được thưởng thức mùi mimosa thoang thoảng như khi còn ở quê nhà! Nhưng chưa có mimosa thì chúng tôi có hương hoa quất bù vào để cho làn không khí trong lành, thanh thoát, không ô nhiễm, được tràn đầy vào những bộ phổi còn tràn đầy nhựa sống cho dù tuổi đời cũng đã để lại ít nhiều dấu ấn. Những Thụ Nhân A, Thụ Nhân B sau những bước đường thử thách nay có thể nhường bước cho lũ trẻ Thụ Nhân C tiếp nối công trình mà chúng ta không nhiều thì ít đã vạch ra.

Chúng tôi bàn về những tin hay, tin mới (cả những tin cũ!) trong những bài viết của các bạn! Những bài thơ ngắn dài trang trải tâm tình, những bài viết mà đọc lên sao nghe như có cái gì sờ sợ len lén sẽ lướt qua cửa sổ vào phòng làm cho đêm xuống không dám ra vườn! Bài viết nghiêm túc của các giáo sư Trần Thanh Hiệp, Vũ Quốc Thúc bên cạnh bài viết dí dỏm, duyên dáng của thầy Vương Văn Bắc, thế mới biết trên khuôn mắt đạo mạo, nghiêm trang kia ẩn chứa một đầu óc cực kỳ nhậy cảm, rất tinh tế, nghệ sĩ không thua gì các học trò mơ mộng của thầy!

Đã có lần tôi nói trong một buổi họp mặt Thụ Nhân là khi chúng ta còn cha mẹ, còn thầy cô thì tự nhiên tâm lý chúng ta tự cảm thấy mình như còn trẻ lắm, còn có thể đùa nghịch như trẻ thơ. Ngày xưa đi học, sợ thầy một phép! Thế mà nay học trò còn dám đùa cả với thầy vì chính thầy cũng đã thay đổi vì nay không còn cần đến sự xa cách nữa mà trái lại trò thấy thương thầy mà thầy cũng thấy thương trò – có khi còn hơn xưa! Thầy thì thế mà hai cha Viện trưởng cũng thế, người thì nghiêm trang như dè dặt, người thì cởi mở, vui vẻ với sinh viên nhưng dù sao chúng ta vẫn thấy qua những bài viết là tình cảm thương yêu của các cha, các thầy dành cho sinh viên của mình và ngược lại.

Cũng từ những bài viết đó, chúng ta được biết cả hai cha Viện trưởng đều tốt nghiệp tại các đại học Pháp, cha Lý học tại Paris còn cha Lập thì học chỉ cách nhà chúng tôi từ 20 đến 25 phút lái xe! Đó là trường đại học Văn Khoa tại Aix, nơi tôi có dịp may tham dự hai lần hội thảo về VIỆT NAM. Khi băng qua chiếc sân sỏi hay ngồi trong những giảng đường, tôi tự nhủ cha Lập ngày xưa khi theo học ở đây đâu nghĩ rằng một ngày kia cha sẽ phục vụ cho tương lai của một đàn con mấy ngàn đứa! Cuộc hội ngộ hôm nay của chúng tôi có phải là một hành trình trở về nguồn, nơi dòng sông tri thức đã khởi đầu từ đây, đã đào luyện nên một con người như cha Viện trưởng!

Trong bài viết của anh Vũ Sinh Hiên còn có một chi tiết rất mới về ước nguyện của cha đó là một ngày kia anh Lê Đình Thông sẽ nối nghiệp cha làm Viện trưởng! Tôi đã hỏi anh Thông và được anh cho biết là cha đã nói với anh câu ấy từ rất lâu rồi nhưng anh không dám tiết lộ, vì anh sợ rằng mình không xứng đáng! Nay thì điều này trở thành như là một trong những điểm được ghi trong di chúc của cha; đã được gửi lại sau khi cha nói với anh Hiên chứ không phải nói với ... đương sự nữa! Nay cha không còn, bổn phận của con cái cha là làm theo lời cha căn dặn, âu đó cũng là một cách trả ơn cha.

Cha chỉ nói một câu như thế nhưng đã gợi lên biết bao điều khó khăn chúng ta cần tìm hiểu, phân tích, tìm giải pháp và cuối cùng là vượt qua tất cả những trở ngại đó!

Trước hết là làm cách nào chúng ta có thể đòi lại từ chính quyền hiện hữu cơ ngơi của VĐHĐL?

1/ Nếu họ không trả lại thì chúng ta phải làm gì? Trong trường hợp đó, hy vọng tập thể Thụ Nhân có mặt trên toàn thế giới sẽ đứng lên vận động cho đến khi chúng ta đạt được mục đích cuối cùng.

2/ Nếu họ đồng ý trả lại cơ sở hiện nay thì chúng ta sẽ tổ chức VĐHĐL như thế nào?

Vấn đề tài chánh được đặt ra ngay từ bây giờ nghĩa là lấy tiền ở đâu để điều hành một trường sở lớn như thế! Trước đây chúng ta có cả khối Công Giáo giúp đỡ, nay thì sao? Chúng ta có hy vọng vẫn có nguồn tài trợ ấy không?

Các bộ môn giảng dạy sẽ gồm những gì?

Thành phần ban giảng huấn sẽ gồm những ai?

3/ Nếu họ chỉ đồng ý cung cấp cho chúng ta một miếng đất trống ở đâu đó tại Đà Lạt để xây dựng một trường sở mới thì chúng ta có chấp nhận hay không?

Tiền đâu để xây trường mới?

Có trường rồi thì làm sao có thầy?

Có những môn học nào, điều kiện học tập ra sao để cho những sinh viên ở những vùng khác đến đây có thể theo học một cách dễ dàng.

Chúng ta có chấp nhận nhà nước hiện nay nhúng tay vào việc điều hành VĐHĐL mới này hay không? vv... và vv..

Nghĩa là có rất nhiều vấn đề được đặt ra, phải tìm cho được những giải pháp khả thi và áp dụng những giải pháp ấy một cách hữu hiệu. Chúng tôi mong nhận được phản hồi từ anh chị em để chúng ta có thể phần nào đáp ứng lời trăn trối của cha Viện Trưởng và làm đẹp lòng người. Mọi đóng góp ý kiến xin gửi về địa chỉ quanmylan2005@yahoo.com hoặc thong.ledinh@gmail.com , sau thời gian 1 năm từ khi gợi ý này được gửi đến các bạn Thụ Nhân trên toàn thế giới qua Đặc San Thụ Nhân Ấu Châu và qua địa chỉ e mail của các bạn, chúng ta sẽ đúc kết ý kiến của toàn thể anh chị em và hy vọng sẽ đưa đến một cái gì cụ thể về một "project " lớn như project này.

Một điều nữa chúng tôi cũng muốn trình bày để các anh chị, các bạn lưu ý nữa, đó là các thầy dạy của chúng ta nay đa số tuổi hạc đã cao, chúng ta càng xúc tiến việc này sớm ngày nào thì chúng ta còn có nhiều hy vọng các thầy có thể chỉ dẫn cho chúng ta những kinh nghiệm, truyền thụ cho chúng ta những sở đắc của các thầy ngày ấy.

Chúng tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta cùng có chung một ý nguyện thì việc dù khó đến đâu chúng ta vẫn có thể đạt được kết quả viên mãn, nhất là lại có sự phù hộ của hai cha Viện Trưởng, các thầy đã quá cố, những người đã từng thương yêu, lo lắng cho chúng ta từ những ngày xa xưa.

QML

Dalat en Provence,

tháng 9-2007