Hoa Và Nhạc, Ký Ức Của Mùa Xuân

Nguyễn Anh Điện, K 10

Mỗi năm khi mùa Xuân về trên quê hương, tôi lại bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng cũ, có tuổi xuân đời còn in đậm những kỷ niệm từ khi cõi lòng non nớt biết xôn xao chờ Tết. Chiều nay, ngồi đếm những mùa Xuân qua đi trong cái không gian cô tịch của mùa Đông hải ngoại, tôi nhận được bộ ảnh "Mai Anh Đào - Đà Lạt" của người bạn gởi qua lưới. Ôi! Đẹp quá! Cảm ơn bạn đồng song đã san sẻ Xuân nhà cho những người viễn xứ. Đã lâu lắm rồi tôi mới được nhìn lại những cội đào nhuộm thắm cả bầu trời cũ. Nhưng! Ước gì ngày cũ đã không trôi!... Bởi vì chiều nay, những cánh hồng đào lại buồn như những giọt mực tím rơi vào cõi lòng đang đầy ắp những kỷ niệm tuổi thanh xuân, để tràn ra dòng ký ức này - Ký ức của ngày Xuân với hoa và nhạc.

Ngày xưa, ngay từ lúc còn thơ, tôi đã thích ngắm hoa và nghe nhạc. Nhạc thì hiếm hoi lắm. Những năm đầu thập niên 60, cả xóm không nhà nào có máy hát. Nguồn nhạc duy nhất mà tôi thỉnh thoảng được nghe, phát ra từ cái lô-cốt của trại lính ngay cạnh nhà. Nhưng, hoa thì bốn mùa. Mùa nào hoa ấy. Hoa nở trong vườn nhà, trong sân trường. Hoa nở bên bờ suối hay trong cánh rừng chồi mênh mông quanh năm đổi sắc. Riêng mùa Xuân tôi biết mỗi hoa mai. Hoa đào đối với tôi chỉ là một sự tưởng tượng, linh thiêng như nỗi buồn của mẹ tôi trong những câu chuyện kể về đất Bắc.

Hơn bốn mươi năm trước, tôi nhớ mãi cứ vào độ trước Tết mươi ngày, khi nắng vàng hanh toả ấm trước sân nhà vào buổi sáng, tôi lại giúp thầy tôi lau sạch những cánh cửa sổ lá chớp đầy bụi bặm để đón mừng năm mới. Ấn tượng đầy thắc mắc trong lòng tôi ngày ấy là tại sao Tết đến cái gì cũng mới, cũng sạch? Ngày thường, khi mẹ tôi bắt quét nhà lau cửa, thì anh em tôi phải chia phiên, lần lượt thay nhau như lính canh ở trên cái lô-cốt bên kia con suối nhỏ. Nhưng, vào những ngày này, nhất là từ lúc thầy tôi mang về nhà dăm ba cành mai lấm tấm nụ chặt từ cánh rừng gần nhà, thì phiên trực của anh em tôi về những chuyện nấu cơm, quét nhà, rửa chén...bắt đầu được tạm xóa bỏ. Cái không khí nhộn nhịp cuối năm như một phép mầu làm trẻ con phấn khởi, chăm chỉ hơn. Vì thế, chẳng phải thúc giục mà mọi việc đều tươm tất.

Hồi mới di cư, sau vài năm xuôi ngược, chẳng biết vì cơ hội nào mà thầy mẹ tôi lại định cư trong một xóm đạo ở Biên Hòa sát với hai làng Nam cổ kính, được vây quanh bởi hai dòng suối Cả và suối Con mùa nắng nước trong veo. Bên kia suối Cả là khu vườn rau rồi đến cánh rừng hoang bạt ngàn. Những ngày Tết đến, dù là Nam hay Bắc, nhà nào cũng đầy hoa mai, nhưng chỉ nhìn vào khóm mai vàng, khách lạ cũng có thể nhận ra nhà nào là Bắc di cư, nhà nào của người Nam bản xứ. Bạn hỏi tại sao ư? Xin mời bạn về khung trời thơ ấu của tôi ngày xưa, nơi chỉ đi non trăm bước đã đến bìa rừng.

Trên cánh rừng chồi gần nhà vào những mùa lá xanh, chỉ có người lớn khi đi chặt củi mới nhận ra cây nào là mai, cây nào là ... củi để biết mà chừa lại. Nhưng mỗi năm cứ đến cữ này, nhất là những ngày giáp Tết, thì trẻ con cũng nhận ra được vì mai vàng hé nụ khắp chốn. Chỗ nào cũng có những nụ con con lấm tấm vàng, như đua sắc cùng hoa cải đang nở rộ trong vườn. Mai hé nụ trong rừng, trong sân nhà người Nam và trên những cành nặng trĩu những nụ xanh màu mạ non, được cắm trong lọ đặt trên bàn nhà người Bắc. Những ngày mới vào Nam, có thể dân Di Cư chúng tôi bị người bản xứ nhìn ra nhiều thứ ... khác thường: Từ giọng nói, từ cách xưng hô, nhất là cách gọi ba má là "thầy u" và lối sống cần kiệm khi còn chân ướt chân ráo. Những khác biệt ấy đã khiến đám bạn học người Nam gọi chúng tôi là "Bắc Kỳ" với cái giọng trề dài ra, mà mãi tới khi lên lớp Nhất, tôi mới biết tiếng "kỳ" ấy có dụng ý khác.

Đấy! Ngày xưa quả đất lớn làm sao, Nam Bắc cùng một dải mà văn hóa hai miền đã tạo ngỡ ngàng cho nhau như đến từ hai châu lục. Chỉ riêng về cách thưởng mai ngày Tết đã thấy khác nhau rồi: Mai của người Nam nở trên sân, của người Bắc được cắm trong lọ. Bạn lấy làm lạ ư? Dễ hiểu thôi vì mai vàng nở đầy rừng, người Bắc chỉ cần đem dao mác ra lựa cành nào nhiều nụ, chặt mang về là Xuân nở ngay trên bàn, bên những hộp bánh kẹo được gói bằng giấy bóng kính màu, cùng với bánh chưng, dưa hấu. Khi mới di cư vào Nam, vì chưa an cư, nên người Bắc xem việc trồng hoa gần như là một thứ xa xỉ chỉ dành cho lúc đã lạc nghiệp. Vào được đất miền Nam đầy sữa và mật, mọi nhà tranh thủ trồng ngay những cây ăn quả, gọi là "cây nhà, quà vườn" đỡ tốn tiền chợ; cho nên dạo đó ở xóm tôi, ngày Tết trong sân nhà người Nam có những cội mai già đầy hoa, còn sân nhà người Bắc, chỉ thấy mít, xồi, na, ổi và những khóm chuối xanh um.

Những mùa Xuân thuở trước êm đềm quá! Thời gian chờ Tết đến hồi hộp từng ngày từng giờ như lúc đếm những nụ mai hé nở. Tơi nhớ mãi buổi sáng chờ Tết năm ấy, có lẽ đó là lúc mà trí non nớt của tôi bắt đầu biết nhận ra sự khác thường. Hơm ấy, thầy mẹ tôi chẳng ai đi làm, cả nhà tấp nập vào việc trang hòang nhà cửa. Gió sớm se se lạnh. Lúc mặt trời vừa chiếu những tia nắng trên sân, thầy tôi đã bưng mấy lọ hoa mai ra trước hè phơi nắng ấm để kịp nở vào đúng Tết. Trời cuối năm không một gợn mây. Nắng sớm xuyên ngang qua hàng ổi trước nhà. Nắng đọng trên những màng nhện tam sắc còn vương sương sớm, hắt lên những tia tím đỏ long lanh trong kẽ lá. Trường học đã bắt đầu cho nghỉ Tết. Với tuổi thơ, chẳng còn ngày nào vui hơn những ngày này trong cuộc đời.

Năm ấy, sau hơn sáu năm trường bôn ba trên bước đường di cư, thầy mẹ tôi mới chịu chôn chân một chỗ và chắc là đã dành dụm được ít vốn liếng, nên mới trang hòang nhà cửa. Ngay từ lúc sáng sớm vừa đi lễ về, mẹ tôi và chị cả đã soạn những bức tranh để treo lên vách. Một bên là những bức tranh Đông Hồ - Tranh Gà tranh Chuột. Còn vách đối diện, bên kia bộ bàn ghế mới mua kê giữa nhà, là bộ tranh thơ Tứ Thì. Có lẽ đây là những bức tranh đầu tiên thầy mẹ tôi mua kể từ ngày vào Nam. Cho nên, ngòai bức hoạ mùa Xuân của đất trời trên cánh rừng đầy hoa bên kia suối, những bức tranh treo trên vách đất này đã in đậm nét vẽ đầu tiên trong đời, và mãi để lại trong tôi một ấn tượng không phai về ngày Tết.

Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hồng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi

Cũng buổi sáng hôm ấy, thầy tôi bắt đầu sơn nhà cửa. Đúng ra phải nói là sơn bộ cửa ra vào và những cửa sổ mà gỗ đã thâm xì, còn vách đất đã quét vôi. Anh em trai tôi chẳng biết làm gì. Nhà cửa mấy hôm nay lúc nào cũng sạch, chén bát đã rửa. Chúng tôi những muốn đi chơi lắm, nhưng thầy tôi bắt phải ở nhà và không cho chạy nhảy. Ngày ấy, đố ai mà biết được tại sao chỉ vì mấy hộp sơn mà chúng tôi bị cấm ngặt đến thế. Thấy chúng tôi bị bó chân một chỗ cũng tội nghiệp, thầy tôi đã mấy lần thử tập cho chúng tôi cầm panh-sơ (người Nam gọi đơn giản là cái cọ) để sơn cho đỡ chán, nhưng mãi cũng chẳng được, chỉ mất thêm công lau sơn rơi vãi, nên chúng tôi đành phải ra chơi với những lọ mai để chờ sai vặt.

Bên những lọ mai phơi trong nắng Xuân, anh em tôi thi nhau đếm từng nụ. Thỉnh thoảng lại thấy thêm vài nụ xanh bé tí nứt ra từ những đốt nhỏ trên cành màu nâu nhạt. Từ ngày ấy, tôi đã mơ hồ hiểu rằng trong nắng ấm của mùa Xuân có cái gì như phép lạ. Trong nhà, chị cả vẫn nói cười tíu tít với mẹ tôi. Dường như hôm ấy chị tôi bắt đầu biết làm đỏm, nên mới để ý đến chuyện trang hòang nhà cửa và nghỉ chơi với anh em tôi như thế. Bên ngoài, mặt trời đã nhú lên khỏi khóm chuối vài đòn gánh. Thầy tôi vẫn cặm cụi sơn. Anh tôi đã phải vào bếp để nhóm lửa nấu cơm. Tuổi này, anh đến lượt phải tập. Chị tôi vừa qua khỏi để lên cấp cao hơn là tập nấu thức ăn. Cứ lần lượt, chẳng đứa nào được ngoại lệ, chúng tôi ai cũng được lên cấp như thế.

Ngồi trên cành ổi nhìn xuống gia đình chuẩn bị đón Tết, lòng tôi thấy xôn xao. Một cảm giác trống vắng khó chịu chợt đến vì mọi người dường như chẳng hiểu cho tôi, rằng tôi cũng đang cần được làm điều gì đó khi mùa Xuân đến. Tôi nằm trên cành ổi nhìn lên bầu trời lấp lánh tia nắng chui qua kẽ lá, chờ những ngày cuối Đông chậm chạp trôi mà trong lòng sôi lên những háo hức. Những đồng tiền mừng tuổi và con lợn đất cứ lởn vởn mãi trong đầu. Mặt trời đã lên cao. Giờ này mấy người lính chắc sắp thay phiên gác. Tôi lim dim ngủ, lòng thầm mong hôm nay người lính có cái máy hát lại đến phiên.

Chợt có tiếng người nói chuyện và tiếng nhạc vang trên lô-cốt. Nhắm mắt lại tôi cũng biết chú lính già lúc nãy đã đi. Mấy hôm nay, dường như người lính mới đến phiên đã cố tình mở lớn bản nhạc cho ai đó ở bên này giòng suối nghe cùng: "Anh cho em mùa Xuân, mùa hoa vàng mới nở, chiều Đông nào nhung nhớ...". Tuy chẳng hiểu gì mấy, nhưng tôi biết chắc đây là bài hát của ngày Tết, cũng quý giá như cành mai đầy nụ hàm tiếu dưới nắng xuân. Chẳng biết chị tôi có để ý đến không? Riêng tôi, nghe mãi cũng thuộc và in sâu trong lòng, để bây giờ mỗi lần nghe lại, tôi vẫn còn cảm thấy buồn vời vợi, nhớ đến hương vị của những mùa Xuân còn ít tiếng súng trên quê hương hiền hòa. "Đất mẹ gầy cỏ lúa. Đồng ta xanh mấy mùa. Ngòai đê diều căng gió....". Ôi! Những lời nhạc đẹp như thơ, dẫn tôi về xóm cũ trên những con đường "lao xao lá gầy", những chiếc lá Thu còn vương vấn với đất quê, để chờ ngày được cùng gót nhỏ xôn xao mừng đón mùa Xuân mới, những mùa Xuân có hoa mai vàng nở rộ.

Mãi đến ngày bước chân vào đại học, tôi mới được nhìn thấy hoa đào và được ngắm những chùm mai anh đào tuyệt đẹp. Ngay từ lần đầu tiên, tôi đã cảm thấy một sự khác biệt giữa mai và đào - chỉ cảm thấy thôi, chứ chẳng hiểu tại sao. Tôi cũng chẳng biết vì sao tôi lại thương hoa đào nhiều hơn; có thể, vì trong lòng đã dành sẵn một nỗi riêng, bên nỗi lòng của mẹ tôi nhớ về hoa đào đất Bắc, hay là ngày ấy khi làn gió nhẹ làm xôn xao những đóa hoa, gió đã vô tình lùa cả vào lòng tôi. Chẳng thế mà mỗi mùa Xuân, tôi thường ngồi dưới cội mai anh đào trước sân cư xá, nhìn ra bầu trời Đà Lạt trong ánh rực hồng của cội hoa để nghe gió xuân lùa xôn xao trong lòng.

Cả hai lòai hoa, mai và đào tuy đều của mùa Xuân, nhưng mai vàng đã chào đón tôi ngay từ những mùa Xuân của thơ ngây, từ những ngày mầm non nhú lên đón nắng ấm để vươn sức sống vào đời. Đối với riêng tôi, hoa mai là sức mạnh, là hy vọng, là nhựa sống và sự vô tư của tuổi trẻ; cho nên, dù cho tuổi xuân đã qua đi thật xa, nhưng mỗi lần Xuân về, nhìn cành mai vàng tôi lại ước gì được quay lại năm tháng cũ, để làm lại tất cả những gì từ thời thơ ấu đã bỏ lỡ. Hoa đào không đến ngay với tôi từ lúc còn thơ, nhưng chờ đón tôi vào tuổi đôi mươi trên miền cao nguyên mù sương, nơi thành phố có ngã rẽ để chấm hết thời hồn nhiên, bắt đầu đoạn đường đời có hoa đào in bóng trong tâm hồn. Như thế, đều là hoa của tuổi xuân, nhưng hoa mai là sức sống, là đôi vai của tuổi trẻ, còn hoa đào chính là sự rung động, là tâm hồn hay nói khác hơn, là màu hồng nhuộm những trái tim tuổi xanh, để rồi đến một ngày như chiều nay, sẽ ngả sang màu xám buồn khi biết cuộc đời đã vào Thu, lúc tuổi Xuân chỉ còn là sự nuối tiếc.

Chẳng còn bao lâu nữa lại Tết! Thế là hai mươi mốt mùa Xuân sắp qua nhanh trong u tịch của mùa Đông viễn xứ.

Giờ này trên quê hương, mai đào đang chờ để nở đúng Tết. Những bài hát của mùa Xuân lại vang lên khắp xóm. Có khúc hát của tuổi trẻ vô tư, của sự sang giầu; và, có cả những bài hát chỉ mang lại nỗi niềm ngậm ngùi khi mùa Xuân đến: "Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng. Xuân đến rồi đây nào ai biết không?". Ôi! Nghe buồn làm sao khi mùa Xuân cứ lặng lẽ trôi, để "mang những hòai mong đi vào ngày tháng". Nhưng dù tuổi xuân có còn hay mất, dù sang hèn giầu nghèo gì, thì đón Xuân trên quê hương đã là một hạnh phúc.

Riêng ở đây, chốn tha hương không có mai vàng nở. Tìm lại mùa Xuân của tuổi thơ chỉ thấy mênh mang buồn. Tết đến hoa đào cũng không! Cội đào trong niềm nhớ đã chết rũ từ ngày trời đất theo người vào Thu. Hơn bốn mươi năm qua mỗi lần Xuân về, tôi đã hát bao lần bài hát "Anh Cho Em Mùa Xuân"; hát từ những ngày thơ dại nghêu ngao trên cành ổi để đến hôm nay, mới biết rằng Nguyễn Hiền - Người nhạc sĩ tài hoa, một chiều ngồi nhớ về khung trời "Hoa Bướm Ngày Xưa", đã cùng mang với tôi hai nỗi buồn: Nỗi mất tuổi xuân và nỗi nhớ quê hương.

"Cho nhớ thương về quê xưa, mùa Xuân không còn nữa. Muôn cánh hoa đào phai úa, lối cũ rơi hững hờ. Nơi ấy bao ngày xanh qua, hồn thơ mơ màng quá....".

Lại thêm một mùa Xuân xa xứ!

clip_image002