Đôi Giòng Hồi Ký

GS VŨ QUỐC THÚC

Cựu Khoa Trưởng trường Luật Sài gòn

clip_image002Nhân cuộc Hội ngộ xuân Bính Tuất của các cựu sinh viên và giáo chức trường Luật Khoa Đại Học Sài gòn, tôi muốn thuật lại một số kỷ niệm về những cơ duyên đã khiến cho tôi "bỗng dưng" trở nên giáo sư đại học và gắn bó 25 năm hoạt động nhất của đời tôi (từ 01.01.1951 đến 30.04.1075) với trường Luật Hà nội rồi với hậu thân thân của nó là trường Luật Sài gòn.

Tôi đậu Tú Tài, ban Triết Học, khóa tháng 6 năm 1939. Trong buổi gặp gỡ chia tay ông Rossignol giáo sư Triết của tôi ở Trường Trung Học Albert Sarraut, Hà nội, hỏi tôi: "Anh định làm gì?". Khi tôi trả lời "Có lẽ tôi học Luật!", ông ta nói: "Ngành Luật có thể đưa Anh tới mọi địa vị và cũng có thể không đưa Anh tới đâu cả!" (Le Droit peut mener à tout et à rien!). Lời khuyên này khiến tôi hoang mang: tôi quyết định ghi danh vào ban Toán Lý Hóa ( P.C.B.) với hy vọng sau đó sẽ học Y Khoa , như vậy còn có thể "làm chủ" tương lai của mình hơn là với bằng cử nhân Luật. Nhưng số Trời đã định: học được hai tuần tôi chịu không nổi! Vào lớp học chỉ ngáp dài: lời thầy giảng chẳng khác chi nước đổ đầu vịt, thế là tôi vội vã bỏ ban PCB vã ghi danh học Luật vì chỉ còn vài ngày là hết hạn. Vào trường này tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều, lĩnh hội dễ dàng, do đó tốt nghiệp cử nhân luật đúng kỳ hạn 3 năm (1939-1942).Cũng như đa số bạn đồng học khác, ưu tư của tôi sau khi tốt nghiệp là làm sao kiếm được kế sinh nhai để khỏi nhờ vả gia đình. Trong hoàn cảnh chính trị của nước ta vào thời điểm ấy (Quân đội Nhật chiếm đóng, Toàn Quyền Decoux theo chính phủ Vichy nên vẫn tiếp tục cai trị, các tổ chức ái quốc của ta thì chỉ có thể hoạt động ở Trung Hoa, trong những vùng do quân đội Tưởng Giới Thạch kiểm soát, hoặc hoạt động bí mật trong nước để đợi thời) lối thoát đương nhiên của các tân cử nhân luật là làm công chức hay dạy học ở các trường trung học tư thục. Làm luật sư ư? Nghề này mặc nhiên là một độc quyền của những tiến sĩ hay cử nhân luât có Pháp tịch, do đó tôi không dám nghĩ tới! Thay vì thi Tri Huyện để rồi làm quan như hầu hết các bạn đồng khoa, tôi thi Biên Tập Viên hành chánh là một ngạch mới được Chính quyền Thuộc địa Pháp đặt ra để chuẩn bị cho người Việt thay thế dần dần công chức Pháp trong các công sở trực thuộc Pháp. Tôi thành thực thú nhận rằng lý do "thầm kín" của tôi chỉ là để có thể kiếm tiền mà vẫn ở lại các thành phố lớn như Hà nội, Huế hay Sài gòn. Tâm trạng của tôi dễ hiểu: Tôi hãy còn là một thanh niên độc thân nên tha thiết với nếp sống thành thị, không muốn vùi thân ở một huyện lỵ nơi thôn quê ...Đây lại là một cơ may nữa cho tôi vì đúng lúc ấy Trường Luật Hà nội đặt thêm hai bằng Cao Học: Cao học Tư Pháp ( Droit Privé) và Cao Học Kinh Tế Chính Trị (Economie Politique). Với hai bằng Cao học này, sinh viên có thể xuất trình một luận án để lấy học vị Tiến sĩ Luật. Trước đó, sau khi tốt nghiệp cử nhân, sinh viên nào muốn học Tiến sĩ phải sang Pháp. Tại sao chỉ có 2 chuyên khoa Tư Pháp và Kinh Tế? Lý do: Nhà trường chỉ có 2 giáo sư thực thụ còn hiện diện ở Hà nội: G.s. Camerlynck (Tư Pháp) và G.s. Kherian (Kinh Tế). Dĩ nhiên , tôi đã ghi danh theo học ban Tư Pháp để năm sau sẽ học Kinh Tế. Số sinh viên có thể đếm trên đầu ngón tay: ngoài tôi còn có bạn thân của tôi là anh Nguyễn Cao Hách.

Tháng 5 năm 1944 , tôi đậu song song 2 bằng Cao học và bắt đầu nghĩ tới việc soạn thảo luận án tiến sĩ mặc dù chưa biết bao giờ mới có thể sang Pháp xuất trình! Chính lúc này, quân đội Đồng Minh đổ bộ ở Normandie và công cuộc giải phóng lục địa Âu Châu bắt đầu.

Tôi đang tòng sự ở Phủ Toàn Quyền Hà nội: nếu Chế độ Vichy sụp đổ tất nhiên Toàn Quyền Decoux sẽ mất chức! Tôi đệ đơn dự kỳ thi Tri Huyện tổ chức tháng 9 năm ấy, không phải vì tiên đoán sẽ có biến cố chính trị: sự thực là tôi chẳng biết chi hết, chỉ nghĩ đến tình trạng riêng tư của mình thôi! Tôi muốn về một vùng quê để thu thập dữ kiện cần thiết cho cuốn luận án tôi đang soạn: ở chức vụ huyện trưởng tôi hy vọng có thể thu thập dễ dàng những dữ kiện ấy, có thế thôi! Nhìn lại quá khứ, tôi không khỏi nhận định là mình vô cùng khờ khạo! Nếu hồi đó tôi có một kiến thức sâu sắc hơn về chính trị, có lẽ tôi đã hành động khác hẳn và cuộc đờì cũng đã khác hẳn! Âu cũng là Định Mệnh và biết đâu "thánh nhân" chẳng đã "đãi kẻ khù khờ"!

Thế rồi các biến cố đã dồn dập xẩy ra: cũng như nhiều dân Việt khác, tôi bị lôi cuốn theo cơn lốc chính trị. Sau khi đậu thủ khoa kỳ thi Tri Huyện tôi được bổ nhiệm tập sự ở Phủ Tổng Đốc Hà Đông - nghĩa là ngay cạnh thành phố Hà nội. Tháng 5 năm 1945, tôi được cử làm Huyện Trưởng ở Hà Nam. Nơi đây, cuối tháng 8 năm 1945, tôi đã "hân hoan" chuyển giao quyền hành cho Ủy Ban Cách Mạng Việt Minh để trở về Hà nội làm Luật sư tập sự ở Toà Thượng Thẩm. Sau cuộc đột biến quân sự đêm 19 tháng 12 năm 1946, tôi tản cư ra Chiến Khu 3 và tới mùa thu 1947 thì được cử làm Ủy Viên Hành Chính trong Ủy Ban Kháng Chiến tỉnh Hưng Yên. Chính nhờ ở chức vụ này mà tôi đã biết rõ thực chất của Mặt Trận Việt Minh: đó chỉ là một bình phong để Đảng Cộng Sản Đông Dương thao túng cuộc kháng chiến chống Pháp với mục đích không còn che dấu nữa là thực hiện cuộc cách mạng vô sản trên toàn cõi Đông Dương. Cũng nhờ ở chức vụ này mà tôi đã có thể theo sát các cuộc vận động để đưa Cựu Hoàng Bảo Đại lên ngôi vị Quốc Trưởng của nước Việt Nam tái thống nhất. Một khi biết rõ tình hình là như vậy, tôi đã không ngần ngại trở về Hà nội cùng toàn thể gia đình vào tháng 7 năm 1948. Đây quả thực là một hành động táo bạo, nếu không muốn nói là liều lĩnh. Nhưng lúc đó, lòng tôi đã quyết... Tháng 8 năm 1948 , tôi gửi một lá đơn lên Thủ Tướng của Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam, mới thành lập, để xin cấp một học bổng sang Pháp trình luận án tiến sĩ Luật. Sau khi nhận được đơn, Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân mời tôi tới, cho tôi hay rằng trong tình trạng của tân chính phủ lúc ấy, ông chưa thể cấp học bổng nhưng đề nghị tôi làm việc trong văn phòng ông với tư cách Công Cán Ủy Viên và hứa rằng sau 6 tháng ông sẽ phái tôi sang Pháp làm việc: như vậy tôi vừa có cách sinh sống vừa soạn thảo luận án tiến sĩ. Tôi đã nhận lời. Cơ may này đối với tôi hoàn toàn bất ngờ: phải chăng là số Trời?

Thủ Tướng Xuân đã giữ đúng lời hứa: tháng 4 năm 1949 tôi được phép sang Pháp cùng vợ bằng đường bể. Lợi dụng thời gian hiện diện ở Paris, tôi soạn thảo một luận án về chủ đề "Ảnh hưởng của định chế làng xã trong sự tiến hóa của nền kinh tế và xã hội Việt Nam" (Tựa Pháp ngữ vắn tắt là L'Economie communaliste du Viêtnam). Tháng 5 năm 1950, tôi được phép xuất trình luận án và được cấp học vị Tiến sĩ Luật. Đồng thời tôi thi và đậu bằng Cao Học mới thiết lập ở Pháp là CaoHọc Kinh Tế Học (Diplôme d'études supérieures de Science Economique): với bằng Cao Học Kinh Tế Chính Trị tôi đã có, tôi được phép đổi học vị Tiến sĩ Luật thành học vị Tiến sĩ Kinh Tế vì luận án của tôi liên can đến kinh tế và chính trị nhiều hơn là với Tư Pháp. Cũng trong thời gian này, Chính phủ Việt Nam chấm dứt công tác của tôi ở Pháp và cho phép tôi hồi hương bằng đường bể (như khi ra đi). Trong khi đợi tầu (khởi hành vào tháng 12 năm 1950), ngẫu nhiên tôi thấy một bản thông cáo ở trường Luật Khoa Đại Học Paris loan tin là vào trung tuần tháng 9 năm 1950 sẽ có kỳ thi tuyển giáo sư thạc sĩ kinh tế học chung cho các trường đại học trong Liên Hiệp Pháp. Muốn dự thi, phải có học vị Tiến sĩ Kinh Tế và 3 bằng Cao Học (Luật hay Kinh tế) và phải là công dân Pháp hay công dân Liên Hiệp Pháp. Nhận thấy tôi hội đủ điều kiện nên nảy ý kiến: Tại sao mình không thử thời cơ nộp đơn dự thí? Biết đâu... không ngáp được ruồi! Vả chăng, đàng nào cũng phải ở Pháp cho tới tháng 12: như vậy có mất gì đâu.

Tôi nói thử thời cơ vì việc dự thi của tôi có thể coi là liều lĩnh, 10 phần chắc hỏng đến 9. Theo thường lệ, để chuẩn bị kỳ thi, các ứng viên phải thực tập thuyết trình và tranh luận cả năm dưới sự hướng dẫn của những giáo sư lão thành, phải có những công cuộc khảo cứu đã được công bố, và nhất là phải lập thành những nhóm thí sinh gồm 3, 4 .. người để giúp đỡ nhau trong việc tìm kiếm tài liệu. Kỳ thi thạc sĩ mở hàng năm nhưng chia ra bốn chuyên ngành: Tư Pháp, Công Pháp, Pháp Chế Sử và Kinh Tế Học. Hai ngành Tư Pháp và Pháp Chế Sử thi những năm lẻ còn hai ngành Công Pháp và KinhTế Học thì thi những năm chẵn: do đó nếu rớt thì phải đợi 2 năm mới có thể thi lại. Dĩ nhiên, tôi đã phải dự thí "đơn phương độc mã" vì mới đậu tiến sĩ được mấy tháng nên không thể gia nhập những nhóm đã có sẵn. Hành động liều lĩnh của tôi không ngờ đã là một cơ may vì trong số hơn năm chục thí sinh chỉ có một mình tôi là ngoại quốc, được phép dự thi với tư cách công dân Liên Hiệp Pháp: nhờ vậy mà ai nấy đều hiếu kỳ xem "thằng da vàng mũi tẹt" này khả năng ra sao mà dám đơn thương độc mã ứng thí giáo sư giảng dạy Kinh tế học bằng tiếng Pháp. Khóa thi này chỉ có 4 người trúng tuyển, trong đó có ông Raymond Barre, đến năm 1976 được cử làm Thủ Tướng Pháp. Dĩ nhiên, tôi đã rớt nhưng được vào tới kỳ thuyết trình chót (admissible), như vậy cũng là một thành tích bất ngờ đối với một kẻ vừa đậu tiến sĩ được mấy tháng lại thi trong hoàn cảnh cô đơn không bạn bè nào giúp đỡ. Chính vì vậy mà sau kỳ thi, ban gíám khảo muốn giúp tôi, đề nghị cho tôi ở lại Pháp để làm việc trong Trung Tâm Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học (C.N.R.S) với tư cách nghiên cứu sinh. Nhưng tôi từ chối vì đã quyết định trở về nước. Cơ may của tôi là nhờ vậy mà 27 năm sau kỳ thi, ông Raymond Barre còn nhớ tên tôi, can thiệp với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng để tôi được di cư sang Pháp ... Âu cũng là Định Mệnh!

Chiếc tầu chở tôi hồi hương lại cũng chính là chiếc André Lebon đã chở tôi sang Pháp. Tầu đi thẳng tới Hải Phòng nhưng ghé bến Sài gòn. Lợi dụng cơ hội này tôi tới thăm ông Khérian, giáo sư cũ của tôi ở Hà nội, lúc đó giữ chức Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa. Nên biết rằng sau cuộc đảo chính Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945 Phân khoa Luật của Viện Đại Học Hà nội ngưng hoạt động, tới đầu năm 1947 mới hoạt động trở lại. Phân khoa gồm 2 trung tâm, trung tâm chính ở Sài gòn nơi ông Khérian, Khoa Trưởng, cư ngụ, trung tâm thứ hai ở Hà nội giao cho một nhóm giáo sư được gửi từ Pháp sang công tác. Thời gian công tác giới hạn trong một niên học, từ tháng11 năm trước tới tháng 6 năm sau. Lý do: Hà nội bị coi là một nhiệm sở ở tiền tuyến vì đang có chiến tranh với Việt Minh. Ông Khérian gặp tôi vui mừng khôn xiết vì lúc đó trung tâm Hà nội không có ai phụ trách 2 môn kinh tế toàn niên (ở lớp Cử nhân 1 và Cử nhân 2): ông Khérian mời tôi làm giảng sư (chargé de cours) để phụ trách cả hai môn kinh tế ở Hà nội. Như vậy sự hồi hương của tôi thật đúng lúc, chẳng khác chi có một bàn tay vô hình (main invisible) sắp đặt trước! Riêng đối với tôi thì đúng câu tục ngữ "buồn ngủ gặp chiếu manh": Vì tôi cũng đang băn khoăn chưa biết sẽ kiếm việc gì khi về tới Hà nội .

Tôi khởi sự dạy học từ trung tuần tháng 01 năm 1951, nghĩa là chỉ mươi ngày sau khi về Hà nội. Đối với một kẻ "chân ướt chân ráo" vào nghề dạy đại học mà phải phụ trách hai môn toàn niên - mỗi ngày 1 giờ - quả thật là vất vả vì muốn giảng 1 giờ cần soạn bài cả một buổi, có khi lâu hơn nữa. Tôi dạy hơn 2 tuần thì nhận được quyết định của ông Viện Trưởng Viện Đại Học bổ nhiệm tôi làm giảng sư với số lương tháng 5.000$ IC (đồng bạc Đông Dương) trong khi một đồng sự khác của tôi ở trường Luật Hà nội, người Pháp, có bằng Tiến sĩ Luật, được trả 17.000$ IC. Tôi lập tức tới gặp G.s. Heyraud, Giám Đốc Trung Tâm Hà nội, cho ông ta biết rằng tôi không nhận quyết định và ngừng dạy học kể từ hôm sau vì lý do Viện Đại Học Hà nội không tôn trọng một nguyên tắc cơ bản của ngành đại học là "làm việc như nhau thì thù lao như nhau (A travail égal salaire égal). G.s. Heyraud hoảng sợ, yêu cầu tôi hoãn từ chức để ông ta gặp ông Viện Trưởng đã. Ông Viện Trưởng lúc đó mới hiểu là đã bị văn phòng của ông "đánh lạc hướng": Điều khiển văn phòng này là một nhóm công chức người Việt, làm việc ở Nha Học Chính Pháp từ thời Toàn Quyền Decoux, đầu óc còn nặng tinh thần "dân thuộc địa": họ tưởng rằng một giảng sư Việt Nam thì phải thù lao giống như mọi công chức Việt Nam tòng sự ở các công sở trước năm 1945 chứ không thể trả lương như người Pháp. Phản ứng mạnh mẽ của tôi bắt buộc Viện Đại Học phảỉ xét lại toàn diện vấn đề thù lao. Rút cục Viện đề nghị trả các giảng sư người Việt 10.000$, tức 10/17 số thù lao của giảng sư người Pháp vì số sai biệt là tiền phụ cấp ly hương (indemnité d'expatriation) từ lâu được ấn định là 7/10 lương căn bản. Tôi chấp nhận đề nghị này vì thấy hợp lý: tôi là người Việt làm việc ở nước mình, đâu có phải dân Pháp ly hương! Cuối tháng 5 năm 1951, toàn thể nhóm giáo sư người Pháp ở Trường Luật Hà nội trở về Pháp vì hết hạn công tác: tôi được ủy quyền xử lý thường vụ. Tới tháng 9 năm đó, không thấy một giáo sư nào được Paris gửi sang trong khi giáo sư Khoa Trưởng Khérian bận việc ở Sài gòn, tôi đành phải tự mình tổ chức khóa thi mùa thu: Lợi dụng cơ hội này tôi đã mời một số nhân vật Việt Nam có bằng Tiến sĩ Luật tham gia ban giám khảo như quý vị Luật sư Vũ Văn Hiền, Luật sư Bùi Tường Chiểu, Luật sư Nguyễn Huy Chiểu, cùng một số thẩm phán cao cấp Pháp thuộc toà Thượng Thẩm Hà nội. Các vị này đều vui vẻ hưởng ứng lời mời của tôi: Ông Khérian chỉ cần ra Hà nội một tuần lễ để chủ tọa. Khóa thi diễn tiến rất đẹp đẽ. Sau đó tôi đã ngỏ ý mời các nhân vật trên tiếp tục cộng tác với trường Luật Hà nội, để dạy một số môn luật. Ai nấy đều nhận lời, coi đó là một công tác thích thú mặc dù thù lao chẳng được bao nhiêu. Nhờ vậy Niên khóa 1951-1952 có thể khởi sự mặc dù nhóm giáo sư của Paris vẫn chưa sang như đã hứa! Mãi tới tháng 12, một giáo sư thực thụ có nhiều kinh nghiệm về Đông Dương là Le Breton mới được cử tới Hà nội để phụ trách việc giảng huấn: ông này tưởng rằng với ngạch trật khá cao của mình, thì đương nhiên có quyền điều khiển Trung Tâm và tôi phải "khúm núm" lãnh chỉ thị của ông. Ông ta nói thẳng với tôi: "Trong Đại học, một vị giáo sư thực thụ có thể coi như một tướng lãnh còn một kẻ đang thi thạc sĩ thì ngang với một chuẩn úy. Như vậy Anh thừa biết bổn phận của Anh ra sao rồi". Tôi trả lời ngay: "Tôi hiện diện trong trường này là để thực thi Thỏa Ước về Văn Hóa Giáo Dục ký kết giữa nước Pháp và Quốc giaViệt Nam năm 1950 theo đó nếu Khoa Trưởng là một ngưới Pháp thì phải có một Phó Khoa Trưởng người Việt. Khoa Trưởng của Phân Khoa Luật Học là ông Khérian, người Pháp, hiện điều khiển Trung Tâm Sài gòn: như vậy tôi có trách nhiệm điều khiển trung tâm Hà nội với tư cách Phó Khoa Trưởng mặc dù tôi chỉ mới dự tuyển Thạc sĩ ". Ông ta dọa tôi: "Anh còn dự định thi thạc sĩ nữa không?" Tôi nổi sùng trả lời: "Je me fous pas mal de votre agrégation!" ( Tôi bất cần học vị thạc sĩ của các ông!). Trước thái độ cứng cỏi của tôi, ông ta đành nhượng bộ nhưng tôi cũng đề nghị là ông ta dùng chung với tôi văn phòng giám đốc cũng như chiếc công xa: tôi dùng buổi sáng, ông ta buổi chiều. Cách xử sự của tôi được ban lãnh đạo Viện Đại Học Hà nội (trong đó có G.s. Huard, Khoa Trưởng Y Khoa) rất tán thưởng: tuy nhiên tôi không khỏi e ngại là Le Breton sẽ thuật lại vụ này cho Bộ Giáo Dục Pháp và tôi sẽ không còn hy vọng gì trúng tuyển Thạc sĩ nếu sang Pháp thi lần thứ 2 vào năm 1952 .

Mặc dù vậy, tháng 6 năm 1952, tôi vẫn xin từ chức giám đốc Trung tâm Luật Khoa Hà nội để sang Paris dự kỳ thi Thạc sĩ Kinh Tế Học: tôi muốn chứng tỏ rằng tôi muốn vào ngành giáo chức đại học "bằng cửa chính", không phải "bằng cửa ngách"! Ra đi một mình tôi đã định tâm nếu thi rớt, tôi sẽ bỏ nghề dạy học để ghi danh làm luật sư!

Đến đây tôi phải thẳng thắn công nhận rằng Ban Giám Khảo kỳ thi Thạc sĩ năm 1952 đã có thái độ rất "quân tử": trong số 7 người được tuyển tôi được xếp thứ 6 nghĩa là có quyền làm việc ở trường Đại Học Bordeaux trên đất Pháp chứ không bắt buộc phải đi Hà nội. Dĩ nhiên, không chút do dự, tôi tình nguyện đi Hà nội. Trước khi hồi hương, tôi đích thân tới chào vị Cao Ủy của Quốc Gia Việt Nam đương nhiệm ở Pháp là Hoàng Thân Bửu Lộc. Ông này cũng là Tiến sĩ Luật. Khỏi nói là ông ta rất mừng thấy tôi về nước phục vụ.

Các bạn đồng sự của tôi đồng thanh bầu tôi chính thức làm Phó Khoa Trưởng Phân Khoa Luật Học, phụ trách điều khiển Trung tâm Hà nội. Đầu năm 1954, Hoàng Thân Bữu Lộc được cử làm Thủ Tướng: ông đã mời tôi tham gia Nội các với chức vụ Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên. Ngoài tôi còn một số nhân vật từ trước vẫn ở Pháp như Giáo sư Nguyễn Quốc Định, Luật sư Nguyễn Đắc Khê ... Từ 1/1/1954 tới cuối tháng 6 /1954, tôi nghỉ dạy học, nhưng lại hồi ngạch, ngay sau khi Nội Các Bửu Lộc từ chức.

Sau khi Hiệp định Genève ngày 20.07.1954 được ký kết, toàn thể Viện Đại Học Hà nội, dưới sự điều khiển của Giáo sư Y Khoa Trần Quang Đệ, di chuyển vào Sài gòn và trả lại chính quyền Quốc Gia: Phân Khoa Luật Học được Việt hóa, điều này có nghĩa là chuyển ngữ chính thức là tiếng Việt và chương trình giảng huấn phải thay đổi cho phù hợp với các mục tiêu của quốc gia Việt Nam. Các môn kinh tế tài chính vì có tính cách quốc tế nên không phải đổi nhiều: như vậy tinh thần cũng như nội dung có thể duy trì nguyên vẹn.

Tôi chưa kịp dạy học trở lại thì được Tân Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cử tham gia phái đoàn Việt Nam sang Paris họp Hội Nghị Tứ Phương (Pháp, Việt, Miên, Lào) nhằm thanh toán các định chế chung của Liên Hiệp Đông Dương cũ như: Viện Phát Hành (đồng bạc Đ.D), Viện Hối Đoái, Tổng Nha Ngân Khố, Tổng Nha Quan Thuế, Cơ Quan Quản Lý Thương Cảng Sà igòn ...). Hội nghị kéo dài từ tháng 8 tới ngày 29 tháng 12/1954 mới kết thúc. Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam lấy lại chủ quyền tiền tệ và tài chánh. Về tới Sài gòn ngày 31 tháng 12, tôi được bổ nhiệm Phó Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia để cùng ông Thống Đốc Dương Tấn Tài, ngay ngày hôm sau 1/1/1955, lãnh nhận Viện Phát Hành và Viện Hối Đoái do Pháp chuyển giao.

Tháng 7/1955, tôi được cử làm Thống Đốc thay ông Dương Tấn Tài để thực hiện công tác đổi toàn thể giấy bạc Đ.D đang lưu hành bằng giấy bạc của Ngân Hàng Quồc Gia Việt Nam. Đồng thời tôi đã cùng một số chuyên gia kinh tế du học ở Pháp và ở Mỹ về thiết lập Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín ngõ hầu yểm trợ giới doanh nghiệp Việt Nam.

Một lần nữa tôi lại phải xin nghỉ giả hạn ở Viện Đại Học để đảm nhiệm các chức vụ mới. Rất may là bạn đồng sự của tôi, Gíáo sư Vũ Văn Mẫu, sau khi trúng tuyển Thạc sĩ ngành Tư Pháp cuối tháng 12/1953, đã hồi hương đảm nhiệm chức vụ Khoa Trưởng Trường Luật. Dưới sự điều khiển khéo léo của G.s. Mẫu, công việc Việt hóa trường Luật Sài gòn đã hoàn thành mỹ mãn.

Tháng 9 năm 1956, tôi thôi làm Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia và được bổ nhiệm làm Cố Vấn cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm: tôi thỉnh cầu ông Diệm coi đó chỉ là một danh hiệu để tôi có thể dành toàn thời gian vào công cuộc dạy học. Sau khi G.s. Vũ Văn Mẫu được bổ nhiệm Bộ Trưởng Ngoại Giao (1957) tôi được anh em đồng sự bầu làm Khoa Trưởng trường Luật Sàigỏn và giữ chức vụ này tới ngày 1/11/1963. Sau ngày này tôi tiếp tục dạy học ở Trường Luật và còn nhận làm giảng viên ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh cũng như ở Trường Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng Nhóm Nghiên Cứu Kế Hoạch Hậu Chiến (1967) rồi làm Quốc Vụ Khanh (1968 - 1971) tôi vẫn không ngừng giảng dạy vì tôi luôn luôn coi đó chỉ là những công tác nhất thời .

Duyên nợ của tôi với trường Luật Sài gòn chỉ thực sự chấm dứt vào tháng 5 năm 1975. Tôi còn nhớ mãi cái ngày "trời đẹp lên cao"* ấy! Sài gòn mới thất thủ: chế độ Việt Nam Cộng Hoà không còn nữa. Trường Luật Sài gòn sửa soạn đổi thành Trường Kinh Tế cho phù hợp với chế độ mới. Thủ Trưởng nhà trường là một người miền Bắc hình như đã từng du học ở Pháp. Anh ta mời tôi tới văn phòng, báo cho tôi biết rằng tôi không còn làm việc nữa và đưa cho tôi một bao thư, nói là tiền bồi thường. Trong bao thư có một số tiền tương đương với 2 tháng lương của tôi. Tôi chợt nhớ lại câu thơ của Thế Lữ cảm đề tiểu thuyết Đoạn tuyệt:

Anh đi đường anh , tôi đường tôi,

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi !

* trích ở câu thơ :

" Hôm nay trời đẹp lên cao,.

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn" !

Ba Lê

một ngày quý đông năm Ất Dậu