Đại Học Đà Lạt Trong Sương Mù Kỷ Niệm

Phạm Văn Lưu

clip_image002Mỗi lần tháng 4 về, ký ức về viện Đại Học Đà Lạt hiện ra trong tâm trí tôi thật rõ nét, như một dấu ấn không thể phai mờ được. Có lẽ những kỷ niệm về nơi tôi đã theo học, làm việc và giảng dạy, sẽ còn là một ám ảnh suốt trong những ngày còn lại của đời tôi. Hồi ức này là những gì hết sức riêng tư, cá biệt và thầm kín liên quan đến những tâm tình của những người lãnh đạo, phương cách làm việc và chương trình phát triển cùng những ngày cuối cùng đầy khó khăn của Viện mà ít người biết đến. Nhiều lần, tôi muốn dấu kín và không muốn ghi lại, sợ làm phật ý những người trong cuộc. Nhưng rồi nghĩ, đây cũng là một thứ gia sản tinh thần của Viện, không biết gọi như vậy có đúng không? Tôi có bổn phận phải viết lại để những thành viên trong đại gia đình Thụ Nhân, biết rõ hơn về gia phả của ngôi trường đã đào tạo họ nên người. Những ý nghĩ đó, đã thôi thúc tôi cầm bút ghi lại những sự việc này. Tôi sợ mai này thời gian sẽ xoá nhoà tất cả, nó sẽ vượt thoát khỏi trí nhớ ngày càng già nua của tôi.

Bài này không được viết như một tài liệu nghiên cứu, nhưng được ghi lại như những thoáng kỷ niệm ở nơi trường cũ, bất chợt hiện về trong tâm trí tôi, lan man như màn sương mù phủ đầy trên núi đồi Đà Lạt. Không thứ tự, không lớp lang, không bố cục.nhưng đó lại là những gì rất thật, mà người viết từng chứng kiến hay trực tiếp tham dự vào, với tất cả sự hăng say nồng nhiệt của tuổi trẻ, nhưng đôi khi cũng trộn lẫn với những giọt nước mắt chua xót, u hoài.

Do đó, tôi xin cáo lỗi trước về hình thức trình bày luộm thuộm cũng như nội dung của bài viết có thể gây nên những ngộ nhận hay bất như ý cho một vài người nào đó. Từ ý nghĩ này, rất mong được sự thông cảm của quí bạn đọc.

Danh Chính Ngôn Thuận

Có một sự nhầm lẫn tôi thấy cần phải minh xác trước khi bắt đầu bài viết này. Thông thường, một số không ít người cứ cho rằng ai dạy ở đại học cũng là giáo sư. Nhưng thực tế, không phải như vậy. Có người dạy ở đại học suốt đời cũng không bao giờ lên được chức giáo sư. Trong giới đại học, không ai có thể chấp nhận sự sai lầm về danh xưng như vậy. Do đó, trong bài viết này, tôi chỉ gọi là giáo sư những ai đúng theo qui chế và chức vụ mà viện đại học chính thức phong cho họ, còn các nhân viên giảng huấn khác, tôi chỉ gọi họ bằng Ông mà thôi. Tôi thiển nghĩ, đây là những đòi hỏi trí thức tối thiểu của những ngưới viết về các vấn đề đại học.

Cuộc Cách Mạng Dở Dang

Tôi còn nhớ vào năm 1973:

* Lm. Gs. Nguyễn Văn Đời làm Khoa Trưởng và Lm. Gs. Nguyễn Hữu Toản làm Phó Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học;

* bên Sư Phạm, Lm. Gs. Vũ Minh Thái là Khoa Trưởng và Lm. Gs. Mai Văn Hùng là Phó Khoa Trưởng;

* bên Đại Học Văn Khoa, Gs. Nguyễn Khắc Dương và Gs. Nguyễn Hồng Giáp đảm nhận chức vụ Khoa Trưởng và Phó Khoa Trưởng.

Những vị này, dưới sự lãnh đạo của Cha Vũ Minh Thái, với sự hỗ trợ của Đức Giám Mục Nguyễn Ngọc Quang. Địa Phận Cần Thơ và Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Điạ Phận Nha Trang, toan tính làm một cuộc cách mạng để thay đổi toàn bộ cơ cấu của Viện.

Để thực hiện cuộc cải tổ này, từ cuối năm 1973, Cha Thái đã đi Hoa Kỳ, Âu Châu và một số quốc gia Á Châu như Phi Luật Tân, Đài Loan và Nam Hàn trong hơn 6 tháng. Tại Hoa Kỳ, cha Thái đã vận động được hơn 100 giáo phận và các đại học công giáo, đặc biệt là Đại Học Công Giáo Georgetown ở Hoa Thịnh Đốn và Đại Học Forsdam ở Nữu Ước, là nơi cha Thái từng theo học ở đây, xin họ cấp học bổng cho sinh viên và giúp đỡ về tài chánh để cải tổ Viện Đại Học Đà Lạt. Trong khi đó, tại Âu châu, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục cũng đã vận động được một số các đại học công giáo hỗ trợ cho công trình cải tiến chương trình giảng dạy và nâng cấp cơ sở vật chất của Viện. Toàn bộ chương trình cải cách này dự trù lên đến hơn 6 tỷ bạc tiền Việt Nam, thời giá lúc đó.

Để thực hiện kế hoạch cải tổ đó, Cha Thái đã nhờ Cơ Quan Văn Hóa Á Châu (Asian Foundation), nghiên cứu và hoạch định rất chi tiết về chương trình giảng dạy tại các phân khoa và công trình tái xây cất các cơ sở vật chất của Viện. Và cũng theo sự giới thiệu của cơ quan này, sau khi rời Hoa Kỳ, Cha Thái đã ghé Hán Thành, để gặp hai kiến trúc sư ở đó, yêu cầu họ giúp thực hiện sơ đồ về toàn bộ cơ sở vật chất cũ và mới của Viện. Sơ đồ này sau đó đã được đắp thành mô hình và được trưng bày ở tầng trệt, gần cầu thang, bên phải của toà nhà văn phòng Viện Trưởng, cơ sở Đà Lạt.

Thực sự, người viết được Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập cho biết, không phải đợi đến năm 1974, khi Cha Thái yêu cầu, Cơ Quan Văn Hoá Á Châu mới thực hiện dự án nghiên cứu này. Trong thực tế, chương trình này đã được Cơ Quan Văn Hoá Á Châu đề nghị với Cha Lập từ năm 1968. Trước hết họ xin phép được khảo sát và nghiên cứu về phương cách điều hành cũng như chương trình giảng dạy của Viện. Sau đó, họ đề nghị và hoạch định chương trình cải cách về phương diện quản trị, điều hợp tổ chức và sau hết là cải tiến chương trình giảng dạy cho sinh viên. Nhưng những để nghị này đã không được cha Lập chấp nhận.

Ví dụ:

* Về phương diện tổ chức, việc mời các giáo sư thỉnh giảng từ Sài Gòn lên Đà Lạt giảng dạy, mỗi tháng Viện phải trả khoảng 3,5 triệu đồng. Họ đề nghị sẽ biếu không cho Viện một chiếc phi cơ Cessna nhỏ, để chuyên chở giáo sư từ Sài Gòn lên Đà Lạt và ngược lại, với diều kiện cho họ được đặt một ban cố vấn bên cạnh ngài. Cha Lập trả lời: "Tôi nghĩ khi những vị thượng cấp của tôi đề cử cá nhân tôi vào chức vụ này, các ngài đã tin rằng tôi có đủ kiến thức và năng lực để hoàn thành trách nhiệm đó, mà không cần phải có một ban cố vấn bên cạnh. Vì vậy, tôi rất tiếc phải nói rằng, để khỏi phụ lòng tin của thượng cấp của tôi, tôi xin được từ chối đề nghị này".

* Về việc ấn hành các bài vở để phát cho sinh viên học tập như SIVIDA lúc đó, Cơ Quan Văn Hoá Á Châu đề nghị, để giải quyết việc này cũng như giúp việc xuất bản các sách giáo khoa cũng như một tạp chí nghiên cứu chính thức của Viện, họ sẽ trang bị cho Viện một nhà máy in tối tân nhất, mà ngay cả những cơ sở in ấn lớn nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ cũng chưa có. Cha Viện Trưởng Lập cũng từ chối vì cho rằng, việc ấn hành các giảng khóa cho các sinh viên không nhiều lắm. Còn xuất bản sách, báo cũng vậy, Viện không có nhu cầu cao. Do đó, mỗi lần xuất bản, đưa về Sài Gòn, thuê in còn rẻ hơn. Vì chi phí bảo trì nhà máy, trả lương cho nhân viên quản lý và các công nhân kỹ thuật hằng năm sẽ vượt xa số tiền thuê in.

* Sau hết là chương trình giảng dạy, Cơ Quan Văn Hoá Á Châu đề nghị Viện nên hủy bỏ những chứng chỉ nào có ít hơn 10 sinh viên theo học, để tránh tình trạng lỗ lã về tài chánh cho Viện. Cha Lập sau khi xem xét lại các chứng chỉ theo tiêu chuẩn này, thấy rằng tất cả đều là những chứng chỉ Pháp văn. Vì thế, Cha Lập cũng từ chối với lý do, Viện Đại Học là một cơ sở giáo dục và phát triển văn hóa, chứ không phải là thuần túy là một cơ sở kinh doanh, nên không thể để khía cạnh tài chánh quyết định mọi mục tiêu của Viện.

Đó là những điểm chính trong bản phúc trình vào năm 1968 do Cơ quan Văn Hóa Á Châu thực hiện. Nhưng đến năm 1974, bản phúc trình này đã được sửa đổi gần như toàn diện, không những về chương trình giảng huấn mà còn cả về phương diện thiết kế, tân trang và kiến trúc các cơ sở vật chất cũ cũng như mới, cho một cuộc cải cách toàn diện và hết sức qui mô của Viện Đại Học Đà Lạt.

Dự Án Xây Cất

Nhân dịp Đức Cha Nguyễn Ngọc Quang, Chưởng Ấn của Viện Đại Học Đà Lạt từ Cần Thơ lên Đà Lạt dự lễ phát bằng tốt nghiệp cho các sinh viên vào ngày 31. 12. 1974, nhóm cải cách do Cha Thái lãnh đạo, đã họp kín với Đức Cha Quang. Điều đáng ghi nhận là Cha Viện Trưởng Lê Văn Lý không hiện diện trong buổi họp này, có lẽ Cha Lý nghĩ Cha sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào cuối năm 1975, nên Cha có ý để cho Cha Thái hoàn toàn tự do điều động công cuộc cải tổ. Theo quyết định của phiên họp, vào khoảng tháng 6. 1975, Cha Thái sẽ hướng dẫn một phái đoàn đi Hoa kỳ và các quốc gia Âu Châu, để nhận những ngân khoản viện trợ mà các cơ quan, các viện đại học và các giáo phận đã hứa hiến tặng trước đây, để bắt đầu các dự án xây cất và cải tổ chương trình giáo dục.

Thật vậy, về cơ cấu tổ chức, Viện sẽ không phát triển thêm về số lượng, nhưng cải tiến về phẩm chất, nghiã là Viện sẽ duy trì sĩ số sinh viên tối đa là khoảng 10.000 (mười ngàn) người, như mô hình tổ chức của Đại Học Harvard thời đó. Với sự hỗ trợ của một số đại học Hoa Kỳ và Âu Châu, Viện sẽ tiếp nhận một số các giáo sư ngoại quốc từ các nơi này đến giảng dạy. Đồng thời, Viện sẽ tuyển thêm một số nhân viên giảng huấn và gởi họ đi tu nghiệp tại các đại học đó, để sau này Viện có một ban giảng huấn có đầy đủ khả năng và có uy tín nhằm hoạch định một chương trình giảng dạy thích nghi với đà tiến của khoa học kỹ thuật hiện đại.

Về cơ sở, Viện sẽ xây lại toàn bộ cơ sở. Trước hết là xây một thư viện mới, trong đó có thể chứa đến 2000 sinh viên tham khảo cùng một lúc và trên lầu 2 sẽ có một phòng để sinh viên cao học và tiến sĩ đệ trình các luận án, có một bục cao dành cho ban giám khảo, bên dưới có chỗ cho 250 sinh viên tham dự các buối bảo vệ luận văn này. Tất cả đồ án xây dựng đều do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đảm trách. Riêng đồ án thư viện với đầy đủ chi tiết (Working Plan) này, KTS Ngô Viết Thụ đã hoàn tất vào tháng 4 năm 1975 và chính người viết đã trình ngân phiếu 500 ngàn đồng cho Cha Viện Trưởng ký, trước khi Sài Gòn sụp đổ vào cuối tháng 4. 1975, để trả tiền cho văn phòng kiến trúc sư dù biết rằng Viện sẽ không bao giờ sử dụng hoạ đồ ấy nữa.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, nếu Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập có nhiều công lao trong việc khai sáng và gầy dựng Viện Đại Học trong giai đoạn đầu thành lập, thì Cha Vũ Minh Thái là người đã góp phần rất lớn trong việc kiện toàn guồng máy điều hành và cơ cấu tổ chức của Viện. Thật vậy, từ năm 1972, Cha Thái đã thực hiện được các công trình như sau:

* Hoàn thành qui chế cho các nhân viên giảng huấn của Viện.

* Ấn định hình thức, điều kiện và thủ tục để các sinh viên nhận lãnh văn bằng tốt nghiệp.

* Chuyển đổi chương trình học tập theo từng chứng chỉ của ban cử nhân theo kiểu cũ của Pháp tại Đại học Văn Khoa và Đại Học Khoa Học, sang hệ thống tín chỉ (credit) được phân chia đồng đều trong chương trình học 4 năm để lấy văn bằng cử nhân theo lối giáo dục mới của Hoa Kỳ.

* Vận động với Bộ Quốc Gia Giáo Dục mở thêm Ban Sư Phạm Trung Học Sắc Tộc dành cho vùng Cao Nguyên Trung Phần.

Và sau hết là nghiên cứu để thực hiện một chương trình cải cách qui mô và toàn diện như vừa trình bày ở trên.

Nhưng dự án cải tổ này đã ngưng lại, khi toàn bộ Hội Đồng Viện di tản về Sài Gòn vào đầu tháng 4. 1975. Khi về Sài Gòn, các Cha đã yêu cầu các nhân viên giảng huấn đến làm việc tại văn phòng Cao Học Chính Trị Kinh Doanh, ở lầu 2 Thương Xá Tax, và yêu cầu tất cả các sinh viên đến đăng ký tại văn phòng này. Sau hai tuần đăng ký, tổng số sinh viên ghi tên đã lên tới hơn 1.000 người. Căn cứ trên danh sách này, Cha Vũ Minh Thái đã xin Asia Foundation cho được một ngân khoản. Sau đó, Cha và văn phòng Sinh Viên Vụ đã cấp phát cho mỗi sinh viên 10 ngàn đồng để sinh viên tạm giải quyết các khó khăn khi phải di tản về Sài Gòn.

Sau Ngày Di Tản Về Sài Gòn

Khi bắt đầu làm việc lại tại Sài Gòn, Hội Đồng Viện đã được cải tổ lại như sau:

Viện Trưởng: Lm. Gs. Lê Văn Lý

Phó Viện Trưởng:

Lm. Gs. Nguyễn Văn Đời.

Tổng Thư Ký: Lm Lê Công Chuyển

Chánh Văn Phòng Viện Trưởng:

Ô. Phạm Văn Lưu

Khoa Trưởng Văn Khoa:

Lm. Gs. Thiện Cẩm.

Khoa Trưởng Sư Phạm:

Lm. Gs. Vũ Minh Thái

Phó Khoa Trường Sư Phạm:

Lm. Gs. Mai Văn Hùng.

Khoa Trưởng Khoa Học:

Lm. Gs. Nguyễn Văn Đời.

Phó Khoa Trưởng Khoa Học:

Lm. Gs. Nguyễn Hữu Toản.

Khoa Trưởng CTKD:

Gs Phó Bá Long,

Phó Khoa Trưởng CTKD:

Ô. Tạ Tất Thắng,

Tổng Thư Ký Ban Cao Học CTKD: Ô. Đỗ Văn Thành,

Sinh viên Vụ: Gs. Ngô Đình Long

Ngay sau khi Hội Đồng Viện được cải tổ, các Cha, đặc biệt là Cha Thái, đã gấp rút thương lượng để mua lại khách sạn Imperial, trên đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Sài Gòn để tăng cường cho cơ sở của Viện. Khách sạn này gồm 150 phòng. với giá 150 triệu và người chủ khách sạn chỉ cần Viện ứng trước 1/3 số tiền để ông xuất ngoại, phần còn lại có thể trả sau ở ngoại quốc.

Các Cha đã dự định sửa sang cơ sở này thành các giảng đường và văn phòng các phân khoa để tiếp tục hoạt động. Kế hoạch này được thiết kế và hoạch định một cách khẩn cấp, nhằm mục đích giúp sinh viên có thể hoàn tất đúng thời hạn chương trình của niên khoá 1974- 1975. Nhưng rồi ngày 30. 4, xảy ra quá đột ngột, ngoài dự tính của mọi người. Dự án này cũng đành bỏ dở.

Ghi chú của BBT: Sở dĩ có việc cơ.cấu.điều hành của Viện chuyển về Sài Gòn và có những thay đổi khẩn cấp để thích ứng với tình thế mới vì Đà Lạt rơi vào tay CSBV sớm hơn Sài Gòn và cho đến khi ấy vẫn không ai hình dung được cả nước sẽ mất vào tay CS sớm đến như thế.

Đi Hay Ở Lại

Những ngày cuối tháng 4. 1975, vấn đề Đi hay Ở là một mối ưu tư hàng đầu cho những người dân cả Miền Nam nói chung và cho nhân viên của Viện Đại Học Đà Lạt nói riêng. Lúc đó trên cương vị là Chánh Văn Phòng Viện Trưởng, mỗi buổi chiều, tôi thường điện thoại để tường trình với Cha Lý về những công viêc của Viện trong ngày. Lúc đó, Cha Lý trú ngụ và làm việc trên lầu 2, cơ sở phiá sau Nhà Sách Xuân Thu và Ciné Mini Tự Do trên đường Tự Do, chứ Cha không đến làm việc ở Văn Phòng Viện ở lầu 2, Thương Xá Tax như các Cha khác.

Trong thời gian này, có hai điều tôi nghĩ là đáng ghi lại ở đây là: trước đó Cha Lý đã liên lạc với Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, thảo luận về việc đi hay ở của toàn thể các vị trong Hội Đồng Viện và có lẽ Đức Cha Bình cũng có liên lạc với Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền để tham khảo về tình hình chính trị, nhằm quyết định nên đi hay ở lại. Do đó, một hôm văn phòng tôi nhận đươc điện thoại từ Thượng Nghị Sĩ Huyền, muốn nói chuyện với Cha Lý, nhưng tôi nói Cha Lý hiện không có ở văn phòng và nếu ông không thấy trở ngại, ông có thể nói chuyện với tôi và tôi sẽ báo lại cho Cha Viện Trưởng ngay khi có thể. Ông bảo tôi theo yêu cầu của Đức Tổng Bình, Ông báo cho Viện Đại Học biết việc quyết định đi hay ở hoàn toàn thuộc về Cha Viện Trưởng và các vị trong Hội Đồng Viện và ông không có ý kiến. Tuy nhiên, nếu hỏi về tình hình chính trị, ông nghĩ rằng đi hay ở lại không quan trọng lắm, vì tình thế không đến nỗi bi đát. Vì với sự bảo đảm của quốc tế, Miền Nam sẽ là một quốc gia trung lập ít nhất trong vòng vài năm, để những người muốn ra đi, có đủ thì giờ quyết định.

Chiều hôm đó, tôi báo lại với Cha Viện Trưởng (tôi không nhớ rõ ngày nào). Trong dịp này, Cha Viện Trưởng cũng cho tôi biết thêm rằng, đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình không đồng ý để Hội Đồng Viện của một Viện Đại Học Công Giáo chính thức di tản, vì làm như thế, Giáo Hội sau này sẽ mất uy tín và khó làm việc với chính quyền mới, nếu có một sự thay đổi thể chế chính trị tại Miền Nam sau này. Nhưng sau đó, có lẽ, với sự khuyến cáo của Cơ quan Viện Trợ Công Giáo Hoa Kỳ cho rằng, trong Hội Đồng Viện gồm những người đã học tập và làm việc lâu năm tại các quốc gia tây phương như Cha Thái, Cha Đời, Cha Toản và Thầy Phó Bá Long đều ở Mỹ nhiều năm, Cha Lý, Cha Hùng, Cha Cẩm và Gs. Giáp cũng nhiều năm sống tại Pháp; tính mạng của các vị này chắc hẳn sẽ bị nguy hiểm, nếu một chính quyền Cộng Sản được hình thành tại Miền Nam. Từ ý nghĩ đó, Đức Tổng Giám Mục Bình đã báo cho Cha Lý biết các vị trong Hội Đồng Viện có thể Đi hay Ở Lại tuỳ theo quyết định lương tâm của mỗi ngườì. Nhưng sau cùng, có thể thấy tình hình chính trị và quân sự diễn biến quá tệ hại cho miền Nam nên Đức Cha Bình, với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Viện Đại Học Đà Lạt, đã đi đến một quyết định mạnh mẽ hơn, khuyến cáo toàn thể Hội Đồng Viện nên di tản, vì Đức Cha không muốn gánh chịu những trách nhiệm lương tâm về những hiểm nguy có thể xảy đến cho các vị trong Hội Đồng Viện một khi chính quyền Miền Nam sụp đổ.

Vì khuyến cáo này của Đức Cha Bình, Cha Viện Trưởng Lý đã yêu cầu Cha Đời, Phó Viện Trưởng triệu tập Hội Đồng Viện họp tại thư viện của Ban Cao Học CTKD, trên Lầu 2, Thương Xá Tax. Tôi không hiện diện trong buổi họp đó nhưng sau này Cha Đời nói lại với tôi là Thầy Phó Bá Long đề nghị Hội Đồng Viện nên ở lại để tiếp tục giúp đỡ sinh viên trong thời buổi hỗn loạn, họ đã từ tứ phương chạy về Sài Gòn tá túc. Do đó, Hội Đồng Viện chính thức quyết định ở lại, nhưng mỗi cá nhân có quyền quyết định Đi hay Ở tuỳ theo lương tâm và hoàn cảnh của mình. Mặc dù, lúc đó Cơ Quan Viện Trợ Công Giáo Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ phương tiện để đưa các cha rời khỏi Việt

Nam. Không biết kế hoạch này đã được dự trù thực hiện như thế nào nhưng ít ra là Cha Lý, Cha Đời, và Cha Hùng đã nói với tôi như vậy.

Sau phiên họp này, cha Đời mời tôi vào văn phòng riêng của Cha. Cha Đời buồn rầu nói với tôi, với một giọng khá nghiêm trọng mà tôi chưa bao giờ thấy, đại ý: "Bây giờ Hội Đồng Viện quyết định ỏ lại, vì tình hình Việt Nam quá xấu, không thể bỏ rơi sinh viên trong hoàn cảnh khốn khổ này... Các Cha một thân một mình, nếu có chuyện gì xãy ra, cũng không sao cả, còn con có gia đình, vợ và đặc biệt là con nhỏ. Biến động chính trị chắn chắc sẽ xảy ra trong những ngày sắp đến, hậu quả không thể nào lường trước được. Con cũng biết rõ, trong văn phòng Viện, con là người hiểu rõ tình hình chính trị Việt Nam hơn các Cha, lúc này con cũng biết Cha thực sự cần đến con. Nhưng không phải vì thế mà các Cha muốn con ở lại để con và gia đình phải chịu những hỉểm nguy về sau. Cha đã trình với Cha Viện Trưởng rồi, là để con ra đi, Cha sẽ tìm người khác thay tthế. Nếu con ngại ra đi trong lúc này mà về sau, nếu tình hình yên tĩnh trở lại, con sẽ khó làm việc vì bị sinh viên lên án là đã trốn chạy trong lúc hiểm nguy. Vì thế Cha và Cha Viện Trưởng cũng trù tính rồi, sẽ làm giấy cho con đi tu nghiệp ở ngoại quốc trong vòng 6 tháng, để sau này hoàn cảnh thay đổi, con có thể trở về mà không ai có thể trách cứ được con cả".

Tôi suy nghĩ một lúc và trả lời với Cha đại ý như sau:

"Như Cha biết đó, các Cha ở ngoại quốc quá lâu, không hiểu rõ tình hình chính trị Việt Nam như con, đặc biệt trong lúc này, tình hình biến chuyển quá nhanh chóng và đầy nguy hiểm. Nay vì trách nhiệm với sinh viên, các Cha chấp nhận ở lại. Còn con, vì sự tự trọng và trách nhiệm tối thiểu, con cũng không thể trốn chạy trong khi để thượng cấp, thuộc cấp và sinh viên ở lại gánh chịu hiểm nguy, tai biến của thời cuộc. Cha cho con được quyết định ở lại để chia sẻ trách nhiệm và những khốn khó chắc chắn sẽ xảy ra cho các Cha và tập thể sinh viên của Viện".

Sau đó, cha Đời có vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi nói với tôi:

"Nếu con quyết định như vậy, về phương diện tình cảm, Cha rất e ngại cho gia đình con. Nhưng trên bình diện công việc của Viện, Cha cảm thấy yên tâm hơn để đối phó với những biến chuyển của tình thế trong những ngày tới.

Và chiều hôm ấy, khi tôi gọi điện thoại báo cáo tình hình của Viện cho Cha Viện Trưởng như thường lệ, Cha Viện Trưởng cũng đề nghị những điều mà Cha Đời đã nói với tôi. Tôi cũng lặp lại quyết định mà tôi đã trình bày với Cha Đời. Cha Viện Trưởng cảm ơn tôi đã chấp nhận ở lại cộng tác với Viện trong những giờ phút hiểm nguy nhất. Rồi Cha nói đại ý: Chính sách của Viện cũng như trong thâm tâm Cha, Cha không muốn những người đã hết lòng làm việc cho Viện phải chịu thiệt thòi trong những hoàn cảnh khó khăn....

Nhưng bây giờ tôi đã tự nguyện ở lại làm việc, thật sự Cha cảm thấy hài lòng và an tâm hơn bao giờ hết.

Một Quyết Định Sinh Tử

Khi nói đến quyết định Đi hay Ở Lại vào những ngày cuối của Sài Gòn vào tháng 4. 1975, tôi không thể không nhắc đến Ls. Trần Văn Tuyên, một giáo sư thỉnh giảng của Viện về môn ‘Các Vấn Đề Chính Trị’. Trong những ngày đó, tôi nhận được điện thoại của Ls. Tuyên, bảo tôi thuyết phục các Cha bên Viện nên ở lại. Lúc bấy giờ, tôi thiển nghĩ, đây là vấn đề hết sức quan trọng, tôi chỉ im lặng nghe Ls. Tuyên nói, tôi không có ý kiến và chẳng bao giờ tôi trình ý kiến này lại cho các Cha cả. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng. Ls Tuyên, năm 1945-1946, đã có kinh nghiệm liên hiệp với chính phủ Hồ Chí Minh và bị phản bội, phải bỏ trốn sang Trung Hoa để thoát chết. Tháng 4. 1975, cũng nghĩ rằng với những bảo đảm của quốc tế, Miền Nam sẽ có hoà bình và trung lập. Ls. Tuyên, lúc đó là Dân Biểu của Hạ Nghị Viện, là một trong những người tích cực nhất thuyết phục Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho tướng Dương Văn Minh để Miền Nam có hoà bình, để cho mọi người VN đều có cơ hội xây dựng đất nước. Nhưng khi Cộng Sản vào Sài Gòn, cơ hội để góp phần xây dựng Tổ quốc chỉ dành cho những người Miền Bắc, còn những chính khách Miền Nam như Ls Tuyên phải đi trình diện học tập cải tạo, nói khác đi đó là việc bắt người cầm tù khổ sai mà không cần xét xử. Điều cay đắng đó đã được Ls. Tuyên phát biểu trong buổi thu hoạch trong chương trình học tập cải tạo như sau:

"Tôi có một tội lớn nhất với Tổ Quốc, không thể tha thứ được, đó là không Chống Cộng đến cùng, để đất nước rơi vào tay Cộng Sản và dân chúng phải khốn cực và điêu linh như hiện nay".

Ls. Tuyên chỉ nói được tới đó. Người cán bộ quản giáo quát to: "Anh phản động, ngồi xuống". Và không cho Ls. nói thêm câu nào nữa. Một thời gian sau, Ls. Tuyên bị đưa ra Bắc, bị đứt gân máu nhưng không đươc đưa đi cấp cứu và đã chết vào ngày 16. 10. 1976.

Người kế tiếp tôi muốn nói đến là ông Võ Văn Hải. Trước năm 1963, ông là Tổng Thư Ký Văn Phòng Đặc Biệt của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và sau đó ông làm Tổng Giám Đốc Đại Á Ngân Hàng tại Sài Gòn. Trong thời gian này, ông cũng là giáo sư thỉnh giảng của Trường CTKD. Ông đã có kinh nghiệm bị tù với Cộng Sản khi theo ông Ngô Đình Diệm từ Sài Gòn ra Huế vào 1945. Sau đó, Ông xuất ngoại du học ở Đại Học Geneva và đỗ cao học chính trị học tại đây. Trở về nước 1954, phục vụ trong chính quyền của Tổng Thống Diệm. Theo kinh nghiệm của tôi khi tiếp xúc với ông Hải, tôi nghĩ rằng ông không phải là người sâu sắc về chính trị, nhưng ít ra sau nhiều năm làm việc với ông Diệm và ông Nhu, tôi nghĩ ông Hải cũng có ít nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản. Vì thế, vào những ngày cuối tháng 4. 1975, khi gặp ông Hải, tôi hỏi: Thầy dự định đi hay ở lại? Đại ý Thầy cho biết "vớí sự sắp xếp của Hoa Kỳ và Pháp, tướng Dương Văn Minh sẽ lên làm tổng thống và Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia trung lập". Tôi hỏi, Thầy không nhớ kinh nghiêm liên hiệp với Cộng Sản hồi năm 1945 sao? Thầy nói: "Vous còn trẻ, sao cứ muốn nhìn về quá khứ, hãy mạnh dạn nhìn về tương lai, hãy đón chào đất nước Hoà Bình Trung Lập và gắng sức kiến tạo lại đất nước sau hơn 30 năm chíến tranh...."

Thầy còn hăng hái và tin tưởng nói với tôi nhiều điều khác nữa. Sau khi tôi tỏ ra rất dè dặt về khả năng lãnh đạo của tướng Minh, Thầy bảo tôi "Minh không có tài, nhưng ông ta chịu nghe mình. Vì thế, moi cần ở lại để làm cố vấn cho tướng Minh".

Tôi không rõ sự thật về chuyện này ra sao? Sau 1975, tôi gặp Thầy rất nhiều lần, tôi biết Thầy rất ân hận về quyết định sai lầm của mình, nhưng lúc nào, trên gương mặt của Thầy, cũng tỏ ra bình tĩnh và vui tươi. Rồi đến đầu năm 1977, Thầy bị công an đến nhà bắt và đem đi học tập và Thầy bị chết trong tù, chính quyền không cho gia đình biết chết vì lý do gì.

Sau Ngày Sài Gòn Sụp Đổ

Sáng ngày 1. 5. 1975, khoảng 10 giờ sáng, tôi đến khách sạn Impérial chỉ còn gặp Cha Đời, Cha Toản và Cha Lê Công Chuyển, Tổng Thư Ký của Viện. Trong khoảnh khắc ấy thật là ngỡ ngàng và hoang mang, tôi hội ý với các Cha rất nhanh và tạm quyết định sẽ tham khảo ý kiến của Cha Viện Trưởng về các công việc trong tương lai.

Sau đó, Viện quyết định làm việc lại vào ngày thứ hai 5. 5. 1975.

Khi đến văn phòng tôi gặp lại mọi người, ai cũng đều hết sức hoang mang và buồn rầu. Bề ngoài, tôi cố gắng tạo cho mình một vẻ mặt thật điềm tĩnh và đầy tự tin, để trấn an họ, nhưng trong thâm tâm, tôi cũng buồn rầu không kém gì họ. Tuy nhiên, thực sự mà nói, tôi có thể bình tĩnh hơn họ, vì gần 2 tuần trước đó, khi quyết định ở lại, tôi đã chuẩn bị tâm lý để chờ đón mọi biến cố có thể xảy ra, mà trong đó, tình trạng tệ hại nhất là Sài Gòn sẽ hoàn toàn sụp đổ. Chỉ có một điều khá bất ngờ, là sự sụp đổ xảy ra quá mau lẹ, ngoài sự ước tính của mọi người.

Giữa không khí ảm đạm đó, khoảng 9 giờ sáng, vị khách đầu tiên đến gặp tôi ở văn phòng Viện là ông Phạm Như Hồ, tốt nghiệp cao học ở Trường Chính Trị Học tại Paris, lúc đó đang là giảng viên cơ hữu của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nhưng đồng thời là giáo sư thỉnh giảng của Viện chúng ta. Ông trạc tuổi tôi. ông báo cho Viện biết luật sư Trần Chánh Thành, trước đây cũng là giáo sư thỉnh giảng của Viện, đã tự vận trong ngày 30. 4 vừa qua. Ls. Trần Chánh Thành, là một luật gia lão luyện về chính trị, thầy dạy về Các Vấn Đề Chính Trị Hiện Đại tại Ban Chính Trị của Trường CTKD. Trước năm 1954, thầy là Ủy Viên Tuyên Vận của Liên Khu 4 của CS. Sau đó, thầy bỏ về hợp tác với phe quốc gia và trở thành Bộ Trưởng Thông Tin đầu tiên trong chính quyền ông Diệm. Sau này thầy trở thành Thượng Nghị Sĩ, rồi Bộ Trưởng Ngoại Giao. Nhưng 1975, cũng như một số chính khách Miền Nam lúc đó, Thầy tin rằng với sự đảm bảo của quốc tế, Miền Nam sẽ trung lập và mọi người sẽ có cơ hội đóng góp để xây dựng đất nước. Nhưng cuối cùng CS bác bỏ mọi giải pháp trung lâp, quyết dùng bạo lực để cưỡng chiếm Miền Nam. Có lẽ Thầy cảm thấy những dự kiến của mình đã trở thành ảo tưởng, Thầy quyết định quyên sinh tại nhà riêng, trước khi bị CS bắt giam. Lúc đó, mọi người trong văn phòng Viện đều rất bùi ngùi và vô cùng xúc động trước hung tin này.

Sau đó, Hội Đồng Viện được sắp xếp lại và gồm các thành phần như sau:

Viện Trưởng: Lm Lê Văn Lý

Phó Viện Trưởng:

Lm Nguyễn Văn Đời

Chánh Văn PhòngViện Trưởng:

Ô. Phạm Văn Lưu

Khoa Trưởng Văn Khoa:

Lm. Thiện Cẩm

Khoa Trưởng Sư Phạm:

Lm. Mai Văn Hùng

Khoa Trưởng Khoa Học:

Lm. Nguyễn Văn Đời

Phó Khoa Trưởng Khoa Học:

Lm. Nguyễn Hữu Toản

Khoa Trưởng CTKD:

Ô Nguyễn Lâu

Tổng Thư Ký Ban Cao Học CTKD: Đỗ Văn Thành

Sinh viên Vụ: Ô. Mai Kim Đỉnh

Liên Lạc Với Ủy Ban Quân Quản Đại Học

Công việc đầu tiên của tôi sau khi trở lại làm việc là liên lạc với Ủy Ban Quân Quản Đại Học. Tôi đến văn phòng Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, ở số 3 Công Trường Chiến Sĩ, găp vị Trưởng Ban tiếp quản Viện Đại Học Sài Gòn là Tiến Sĩ Nguyễn Tấn Lập, ông là người nhỏ con như Gs Trần Long của chúng ta, trạc tuổi 55. Và theo như lời ông nói với tôi, ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Toán Học ở Đại Học Sorbonne (1), Paris và Ông đã nghe tiếng Cha Lý, từ ngày còn ở Pháp và ông cũng đã đọc luận văn của Cha Lý: Le Parler Vietnamien. Ông ngỏ ý muốn gặp gỡ và nói chuyện với Cha Viện Trưởng. Ngày hôm sau, tôi đã sắp đặt để Cha Viện Trưởng gặp ông ở văn phòng của ông. Tiếp đến, Uỷ Ban này đã gởi 2 nhân viên giảng huấn một người tên là Phan Văn Dật, và người kia tôi không còn nhớ tên, đến Viện Đại Học Đà Lạt trên lầu 2, Thương Xá Tax để trình bày đường lối của chính quyền mới cho các giáo chức của Viện chúng ta. Điều đặc biệt là họ mặc quân phục và đeo súng lục, và nói là đại diện cho Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, nhưng rồi cũng theo lời họ nói, họ không phải là những quân nhân mà là giáo chức thực thụ của Đại Học Hà Nội, được gởi vào đây công tác !!!

Sau đó, là thủ tục trình diện, tại Viện Văn Hóa Goethe, trực thuộc Toà Đại Sứ Tây Đức, tại số 49, đường Hồng Thập Tự. Dĩ nhiên, lúc đó toàn bộ nhân viên ở đây đã di tản về Đức cả rồi. Mỗi giáo chức của chúng ta phải đến làm thủ tục đăng ký, nghiã là làm bản tự khai lý lịch và mỗi người lên gặp một cán bộ để họ vừa đọc lý lịch của mình vừa hỏi những điều họ muốn biết thêm về mình, trung bình mỗi người phải trả lời phỏng vấn khoảng 30 phút nhưng cũng có thể dài hơn tuỳ theo lý lịch của từng người. Trong buổi đăng ký này, tất cả gồm những người có tên trên danh sách như tôi vừa kê trên, còn có thêm các Ô. Lê Văn Khuê, Đậu Quang Luận, Đỗ Hữu Nghiêm bên Đại Học Văn Khoa. Ô. Nguyễn Bào, Phan Nam bên Đại học Khoa Học. Ô. Nguyễn Văn Thân, ban Cử Nhân CTKD. Ô. Nguyễn Chính Đoan, Nguyễn Đình Quế, Ban Cao Học Chánh Trị Kinh Doanh. Về việc đăng ký này, tôi có một kỷ niệm buồn về trường hợp của Anh Mai Kim Đỉnh. Lúc đó anh là Giám Đốc Sinh viên Vụ của Viện, thay thế cho Gs Ngô Đình Long đã di tản, đồng thời cũng là Giám Đốc Tuyên Nghiên Huấn của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam.

Theo qui định lúc đó, những người trong quân đội từ cấp đại úy trở lên, những giám đốc trong các phủ, bộ của chính phủ và những người lãnh đạo trong các đảng phái chính trị phải đi học tập trong vòng 1 tháng. Trước khi anh Đỉnh đi học tập theo diện cải tạo của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, anh có đến Văn Phòng Viện từ biệt tôi. Tôi đề nghị anh Đỉnh, để tôi làm hồ sơ anh đi học tập chung với giáo chức của Viện tại Sài Gòn và rồi về làm việc với anh em cho vui. Đỉnh cảm ơn đề nghị tốt của tôi và nói để anh ấy đi học tập theo diện nặng nhất, lâu nhất sau đó sẽ thanh thản trở về làm việc với anh em thì vui hơn. Tôi rất ái ngại về quyết định của Đỉnh, nhưng tôi không dám nói gì thêm. Cuối cùng anh đề nghị tôi tìm một quán cà phê nào để tán dóc trước khi từ biệt. Nhưng hôm đó, tôi có hẹn không thể đi được. Anh Đỉnh chở tôi ra bến xe buýt ở Chợ Cũ Sài Gòn bằng chiếc xe đạp Đỉnh mới mua, để tôi về Gia Định. Từ đó đến nay, tôi chưa gặp lại anh. Mặc dù, sau đó, tôi biết anh Đỉnh không những đi học tập một tháng như chính quyền đã hứa, mà hình như anh còn phải ở trong trại học tập đến gần 8 năm, một vài người bạn ở chung trại với anh kể lại cho tôi như vây. Sau này, tôi nghe nói anh làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế tại Tân Gia Ba rồi Luân Đôn, cũng như thỉnh thoảng có nghe giọng nói của anh trả lời phỏng vấn trên các đài phát thanh.

Phương Pháp Làm Việc Rập Khuôn

Tiếp theo đó, ngày 19. 5 là ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh, các giáo chức đại học phải đi tham dự buổi họp theo các đại học của mình. Vì Đại Học Đà Lạt là đại học tư thục nên chúng tôi phải đi tham dự cùng các đại học tư khác như Đại Học Phương Nam, Đại Học Minh Đức, Đại Học Cao Đài, Đại Học Hòa Hảo... đến một giảng đường của Đại Học Minh Đức hình như ở đường Trần Quốc Toản để dự lễ tưởng niệm. Sở dĩ tôi muốn nói đến sự việc này vì có một sự kiện hơi khôi hài! Buổi sáng hôm đó, tôi tham dự lễ, một vị giáo chức cán bộ lên đọc diễn văn, khi đến đoạn "chúng ta vô cùng tiếc thương bác Hồ kính yêu", ông lấy kính trắng xuống rồi lấy khăn tay lau nước mắt. Đến 7 giờ tối hôm đó, tôi xem Đài Truyền Hình Sài Gòn, chiếu lại quang cảnh buổi tưởng niệm ở Đại Học Sài Gòn dành cho các giáo chức đại học công lập, một giáo chức khác cũng đọc một câu như vậy và cũng lấy kính trắng xuống lau nước mắt giống hệt như cảnh tượng tôi đã chứng kiến buổi sáng tại Đại Học Minh Đức. Lúc đó, tôi hết sức ngỡ ngàng, nhưng sau này tôi hiểu đó là phương cách làm việc theo tiêu chuẩn của người Cộng Sản!

Trong thời gian này, các Cha trong Hội Đồng Viện còn gặp một khó khăn khác với chính quyền mới là việc đăng ký hộ khẩu. Vì trước đây tờ khai gia đình của các Cha đều ở Đà Lạt, nay chạy về Sài Gòn các Cha không có giấy thường trú. Theo nguyên tắc, các Cha phải trở về Đà Lạt đăng ký thường trú, rồi sau đó, xin di chuyển xuống Sài Gòn, và nếu các quận trong đô thành chấp thuận, các Cha mới vào được hộ khẩu, nếu không phải về sống tại Đà Lạt. Đây là việc vô cùng khó khăn lúc đó, vì liên quan đến lãnh vực an ninh nội chính. Tôi phải lo công việc này cho các Cha. Nhưng rất may, đang cơn bối rối này, tôi nhận được điện thoại của một nữ giáo sư thỉnh giảng bên Khoa Học bảo tôi rằng, nếu bên Viện Đại Học Đà Lạt có gặp khó khăn gì, bà có thể giúp cho, vì ông Cao Đăng Chiếm, Giám Đốc An Ninh Nội Chính Sài Gòn Gia Định, là chỗ thân tình. Sau đó, vấn đề hộ khẩu của các Cha được giải quyết mau chóng. Cha Lập cũng gặp khó khăn tượng tự và tôi cũng tìm cách giải quyết theo đường lối này.

Học Tập Chính Trị

Theo chỉ thị của Ủy Ban Quân Quản các Đại Học Tư, giáo chức nào muốn tiếp tục giảng dạy phải tham dự các buổi học tập chính trị kéo dài khoảng 4 tháng tại Sài Gòn. Sau đó, nhà nước sẽ quyết định bố trí công tác, sau khi cứu xét lý lịch từng cá nhân. Trên nguyên tắc, họ tuyên bố như vậy, nhưng trong thực tế sau khi học tập xong những khóa chính trị này, không một giáo chức nào của các đại học tư tại Sài Gòn được tiếp tục việc giảng dạy, vì một lý do đơn giản, không có một đại học tư nào được cấp giấy phép để hoạt động.

Thành phần của Đại Học Đà Lạt đi tham dự học tập chính trị gồm có:

Văn Phòng Viện có các cha như Cha Đời, Cha Toản và cá nhân tôi. Trường CTKD có Ô. Vũ Thiện Vinh, Ô. Võ Văn Hải, Ô. Nguyễn Chính Đoan, Ô. Nguyễn Lâu, Ô. Nguyễn Văn Thân và Ts. Lương Hữu Định. Bên Văn Khoa có Ô. Đậu Quang Luận, Ô. Lê Văn Khuê và Ô. Đỗ Hữu Nghiêm, có thể có thêm một vài người nữa, tôi không nhớ rõ lắm.

Còn Cha Thiện Cẩm, Khoa Trưởng Văn Khoa và Cha Mai Văn Hùng, Khoa Trưởng Sư Phạm quyết định không xin dạy học nữa, nên không tham dự các khoá học này. Còn các Ô. Nguyễn Bào, Phan Nam bên Khoa Học, Ô. Nguyễn Văn Mầu, bên Sư Phạm, Ô. Nguyễn Thanh Châu bên Văn Khoa đã trở về lại Đà Lạt

Đăng Ký Chương Trình Giảng Dạy

Và cũng theo chỉ thị của chính quyền, để chuẩn bị việc mở lại Đại Học Đà Lạt ở Sài Gòn, yêu cầu văn phòng Viện làm hồ sơ đăng ký. Trong hồ sơ này, có phần quan trọng nhất là phải đăng ký nội dung các môn học (syllabus). Tôi được Cha Viện Trưởng cũng như các Khoa Trưởng ủy nhiệm đảm trách công việc đó.

Để xúc tiến phần vụ này, tôi đã xin Cha Viện Trưởng triệu tập một phiên họp tất cả các giáo sư cơ hữu và thỉnh giảng của Viện đang có mặt ở Sài Gòn đến họp tại thư viện Ban Cao Học CTKD trên lầu 2, Thương Xá Tax. Tôi còn nhớ những người tham dự gồm những nhân viên giảng huấn cơ hữu của Viện như tôi vừa kể trên, ngoài ra, còn một số giáo sư thỉnh giảng như Ô. Phạm Như Hồ, Gs. Lê Thành Trị, Lm. Ts. Nguyễn Hưng, Ts Nguyễn Huy, Ts. Bửu Lịch, Ô. Võ Văn Hải, Ts. Lương Hữu Định và Ô. Vũ Thiện Vinh.

Lấy ý kiến của tất cả mọi người, tôi soạn lại nội dung các môn học, sau gần một tháng hồ sơ này hoàn tất. Sau khi trình và lấy chữ ký của Cha Viện Trưởng Lê Văn Lý, tôi gởi hồ sơ này cho Ủy Ban Quân Quản Đại Học Tư, nhưng rồi chẳng bao giờ được hồi âm.

Tiếp Xúc Với Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ?

Tiếp tục nỗ lực để vận động cho Viện Đại Học Đà Lạt được mở cửa lại, Cha Lý, đã nhờ Ô. HHBá, Ủy Viên Trung Ương Công Giáo trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, sắp xếp một cuộc gặp mặt với Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ. Sau đó, Cha Viện Trưởng nhận được giấy mời đến văn phòng Chủ Tịch Thọ, và tôi với tư cách là Chánh Văn Phòng đã đi theo Cha Viện Trưởng trong cuộc họp này. Tôi không còn nhớ rõ ngày, có lẽ vào cuối tháng 11. 1975, vì quyển nhật ký của tôi mang theo đã phải hủy bỏ trên đường vượt biển. Buổi họp khoảng 8 giờ tối, tại dinh của Chủ Tịch Thọ, tức điạ điểm cũ của Phủ Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, trên đường Thống Nhất. Đến nơi, chỉ có vị Đại Tá Chánh Văn Phòng tiếp chúng tôi chứ không có Chủ tịch Nguyễng Hữu Thọ như đã được thông báo. Cha Viện Trưởng bảo tôi trình bày công việc của Viện đã làm, như chấp hành mọi chỉ thị của chính quyền: các giáo chức đã đi học tập chính trị và cũng đã hoàn tất hồ sơ đăng ký, nhưng vẫn chưa được trả lời. Viện chỉ mong muốn một điều duy nhất được biết sớm ý định của chính quyền, có còn cho phép duy trì các đại học tư nữa không? Nếu không, xin cho Viện biết sớm, để thông báo cho các nhân viên giảng huấn của Viện tìm ngành nghề khác để kiếm sống, vì các giáo chức đã chờ đợi quá lâu, gia đình của họ đã phải đối phó với quá nhiều thử thách. Ông Đại Tá này, ghi rất kỹ những điều tôi trình bày vào một cuốn sổ tay, và hứa sẽ trình với Chủ Tịch Thọ tìm cách giải quyết thoả đáng, trong một tương lai thật gần. Sau cuộc gặp gỡ này, Văn phòng Viện không còn nhận được văn thư nào nữa của văn phòng Chủ Tịch Thọ, cho đến khi văn phòng này giải tán vào khoảng tháng 6. 1976.

Suốt trong thời gian làm Chánh Văn Phòng cho Cha Viện Trưởng, tôi có cảm nhận sâu sắc rằng, Cha Lý không giao thiệp rộng, không năng động, không cởi mở như Cha Lập, nhưng trong thâm tâm Cha Lý cũng có những quyết tâm không kém là luôn tìm mọi cách để duy trì và phát triển Viện theo những chiều hướng tốt đẹp nhất, mà Cha có thể làm được. Nhưng rồi thời cuộc đã cuốn trôi tất cả.

Sau những cố gắng để xin mở cửa Viện Đại Học Đà Lạt bất thành, Cha Viện Trưởng và các cha trong Viện bảo tôi hãy tổ chức, dưới một hình thức nào đó, để có thể tạo công ăn việc làm cho các công nhân viên của Viện và giúp ổn định đời sống gia đình họ. Vì nay Viện không thể tiếp tục giảng dạy phục vụ cho giới trẻ nữa không lẽ Viện đành giải tán để mỗi người đi một nơi, trong khi chính quyền chưa chịu đến tiếp quản cơ sở của Viện!

Để thực hiện ý định này của các cha, tôi bàn với các Ô. Lê Văn Khuê, Văn khoa và Ô. Nguyễn Chánh Đoan, bên Cao Học CTKD. Sau đó, chúng tôi đưa ra dự án thành lập Cơ Sở Sản Xuất Thụ Nhân, dưới hình thức một công ty nặc danh, gồm nhiểu cổ phần và mọi người có thể góp vốn bằng cách mua cổ phần. Cơ sở này chuyên sản xuất văn phòng phẩm như phấn viết bảng, compa, bút bi và các loại đồ chơi trẻ em.

Chúng tôi được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người, trước hết là các cha trong Hội Đồng Viện, như Cha Lý, Cha Đời, Cha Hùng, Cha Cẩm và Cha Toản. Nhưng người tích cực nhất và góp nhiều cổ phần nhất vẫn là Cha Lập, Cựu Viện Trưởng của chúng ta, lúc đó đang ở Bình Triệu. Tiếp đến là các giáo chức trong Viện như các ông Nguyễn Đình Quế, Võ Văn Hải, Lương Hữu Định, Nguyễn Lâu và vợ của ông Lê Hữu Hiếu (lúc đó ông còn đang đi học tập cải tạo) bên CTKD, ông Đậu Quang Luận bên Văn Khoa. Một số giáo chức của các Đại Học khác như Đại Học Tây Ninh và Minh Đức cũng hưởng ứng bằng cách mua cổ phần và đưa thân nhân đến tham gia lao động sản xuất.

Về cơ cấu tổ chức, tôi được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm nhiệm chức Giám Đốc Ban Điều Hành, nhưng lúc đó gọi là Tổ Trưởng, Ông Nguyễn Chánh Đoan là Tổ Phó, ông Lê Văn Khuê là Tổng Thư Ký của cơ sở sản xuất này. Đến đầu năm 1977, ông Đoan đi vượt biên, ông Khuê trở thành Tổ Phó và Tiến Sĩ Lương Hữu Định làm Tổng Thư Ký.

Với những kiến thức quản trị chuyên môn đã thủ đắc được từ những sách báo chuyên môn Âu Mỹ, chúng tôi đã tổ chức cơ sở này rất thành công, và chính quyền đã dành cho chúng tôi một sư tuyên dương đặc biệt như đưa chúng tôi làm đại diện cho 50 hợp tác xã lớn sản xuất đồ chơi trẻ em trong TP HCM.

Doanh thu mỗi quí (3 tháng) của Cơ Sở Thụ Nhân lúc đó, là khoảng 1triệu 200 ngàn đồng tiền mới, tức là 600 triệu đồng tiền của VNCH trước năm 1975. Nhờ sự thành công của Cơ Sở Thụ Nhân, cá nhân tôi được Toà Đại Sứ Liên Xô tại Hà Nội mời tham dự Hội Chợ Triển Lãm tại Mạc Tư Khoa 1981. Khi tiếp xúc với nhân viên Sứ Quán Liên Xô tôi đã tìm mọi cách để từ chối vì cần phải về Sài Gòn sớm để sửa soạn chương trình vượt biên.

Về cơ sở sản xuất này sẽ được trình bày chi tiết trong một dịp khác.

Tôi xin lược thuật lại một vài kỷ niệm tôi còn giữ được với các Cha trong Viện như sau:

Cha Nguyễn Văn Lập

Gia đinh bên nội tôi quen biết rất mật thiết với Cha Nguyễn Văn Lập, nhưng khi lên ghi danh học tại Viện, sau khi tôi phải rời khỏi trường Đại Học Y Khoa Huế vì tình hình chính trị, tôi đã không đến gặp Cha để đưa thư giới thiệu cuả Cha Trinh, thuộc Toà Tổng Giám Mục Huế cho Cha biết. Mãi đến hơn 2 tháng sau ngày nhập học, khi Ông Bùi Tuân, Cựu Tổng Thư Ký của Quốc Hội Lập Hiến Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, từ trần tại Huế. Gia đình ông đánh điện tín cho Cha, nhờ Cha thông báo tin cho tôi. Cha gọi tôi lên văn phòng và hỏi về gia đình tôi. Lúc đó, Cha mới nhận tôi như là chỗ thân quen trong gia đình. Nhưng sau đó, rất ít khi tôi đến gặp Cha hay xin Cha điều gì. Mãi đến năm 1968, sau trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, lúc đó tôi đang học năm cuối của ban Sử Địa bên Văn Khoa và đồng thời học Năm Nhiệm Ý Bang Giao Quốc Tế của Chính Trị Kinh Doanh.

Trong thời gian này, tôi cũng là Chủ Tịch của Hội Nghiên Cứu Sử Địa, Viện Đại Học Đà Lạt. Một trong những sinh hoạt thường lệ của Hội là ấn hành bản tin hàng tháng. Vì vấn đề tài chánh rất hạn chế, nên tôi thường bảo anh Lâm, Tổng Thư Ký của Hội phải cắt bỏ những bài quá dài hoặc thu ngắn lại cho đúng số trang qui định. Tôi không ngờ, anh đã tiết lộ những khó khăn này trên bản tin, nên sau đó có một số giáo sư đã ủng hộ tài chánh cho Hội. Nhưng trong thâm tâm, tôi không bao giờ nghĩ rằng Cha Lập cũng quan tâm đến điều này. Rồi khoảng tháng 3 năm 1968, khi Nhóm Sử Địa Viện Đại Học Sài Gòn ấn hành quyển Hiện Tình Kinh Tế Thế Giới, nhờ Hội chúng tôi phát hành ở Đà Lạt, cũng trong mục tiêu hỗ trợ tài chánh cho Hội. Khi các poster quảng cáo cho việc phân phối sách này được dán trong khuôn viên của Viện, Cha bảo một người tùy phái mời tôi đến văn phòng gặp Cha. Trong cuộc gặp gỡ này, Cha nói với tôi, Cha biết các con đang cần tiền để thực hiện một số công việc của Hội, nhưng việc bán sách giúp cho các giáo sư của Viện Đại Học Sài Gòn, theo Cha, chắc chắn sẽ không thu được bao nhiêu, lại mất thì giờ, tốt hơn là các con nên chú tâm vào việc nghiên cứu chuyên môn của mình. Cha đề nghị, từ nay, việc ấn phí bản tin, Viện sẽ tài trợ cho Hội nên chúng tôi không còn phải lo về tài chánh cho khoản mục này nữa. Ngoài ra, Cha nói với tôi rằng, khi Cha đến Mỹ, Cha được mời vào Toà Bạch Ốc, người ta đã biếu Cha một quyển Sách Chỉ Dẫn in thật đẹp và thật đầy đủ, Cha có thể đi bất cứ chỗ nào ở nước Mỹ, mà không sợ bị lạc. Rồi Cha đề nghị, Hội Sử Địa có thể soạn cho Cha một cuốn Địa Phương Chí (Monography) về Đà Lạt, trong đó có phần Lịch Sử, Địa Lý Hình Thể, Nhân Văn, Kinh Tế và phần Chỉ Dẫn Du Lịch thật chi tiết, để biếu cho các vị khách của Viện. Khi tác phẩm này hoàn thành vào đầu năm 1970, lúc đó Cha Lập sắp rời Viện. Cha bảo Cha không còn nhiều thời giờ để xuất bản và Cha để lại cho vị Viện Trưởng kế nhiệm tùy nghi sử dụng. Sau này, không thấy viện xuất bản, tôi gởi phần Lịch Sử cho Tập San Sử Địa của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đăng tải. Phần Địa Lý Hình Thể, gồm phần Thổ Nhưỡng và Thảo Mộc sau đó được đăng tải trên Tập San Địa Dư do Nha Địa Dư Quốc Gia Đà Lạt ấn hành. Phần Lịch sử do tôi phụ trách, Phần Địa Lý Hình Thể gồm có Phần Thổ Nhưỡng do Anh Nguyễn Thanh Lâm nghiên cứu và trình bày và Phần Thảo Mộc do Gs. Thái Công Tụng biên soạn. Nhưng một sự kiện không mấy vui và đáng tiếc xảy ra, khi bài nghiên cứu này xuất hiện trên Tập San Địa Dư.

Ghi chú: Một cách chi tiết. tác phẩm Địa Phương Chí Đà Lạt đươc soạn thảo với thành phần như sau:

Phần Lịch Sử: Phạm Văn Lưu

Phần Địa Lý Hình Thể,

Thổ Nhưỡng: Nguyễn Thanh Lâm

Thảo Mộc Gs. Thái Công Tụng

Phần Điạ Lý Nhân Văn: Nguyễn Thanh Lâm và Nguyễn Định

Phần Chỉ Dẫn Du Lịch: Lưu Thi Lệ Dung và Phạm Văn Lưu.

Khi gởi Phần Địa Lý Hình Thể để đăng trên Tập San Địa Dư, tôi chỉ viết khoảng 5 giòng để giới thiệu bài nghiên cứu này với tư cách là Chủ Tịch Hội Nghiên Cứu Sử Địa Viện Đại Học Đà Lạt và là Trưởng Ban biên soạn tác phẩm này. Sau đó, tôi có ghi rõ phần nào là của Anh Nguyễn Thanh Lâm và phần nào là của Gs. Thái Công Tụng biên soạn. Nhưng có lẽ vì sơ sót về kỹ thuật, người phụ trách tập san này, chỉ ghi tên tôi và tên anh Lâm nhưng lại bỏ sót tên Gs. Thái Công Tụng. Khi Tập San ấn hành, Kỹ Sư Hoàng Ngọc Cưởng, Phó Giám Đốc Nha Địa Dư và là Chủ bút của Tập San có gởi cho tôi một ấn bản. Nhưng tôi chỉ đọc lướt qua, không để ý điều này. Mãi hơn 2 năm sau, tôi nghe một số sinh viên trong Ban Sử Địa kể lại với tôi, Gs Tụng có phàn nàn về việc sử dụng bài viết của Gs. Tụng, nhưng Hội Sử Địa đã không ghi tên của Giáo sư như là tác giả của bài viết. Tôi cảm thấy rất ân hận về sự việc này và gọi điện thoại ngay cho Kỹ Sư Cưởng để xin Anh đính chính trên báo. Nhưng rất tiếc lúc đó Tập San này đã đình bản, không còn cơ hội chính thức và công khai đăng bài đính chính và cáo lỗi. Nay đã hơn 30 năm rồi, tôi không còn dịp gặp lại Gs. Tụng để xin tạ lỗi về chuyện đáng buồn này. Nếu giờ này ở một phương trời nào đó, Gs Tụng đọc những giòng chữ này, xin nhận nơi đây lời tạ lỗi chân thành của cá nhân tôi về sự việc đáng tiếc ngoài ý muốn đó.

Lúc Cha Lập rời Đà Lạt để về làm Tổng Đại Diện cho Địa Phận Huế, tôi không còn liên lạc với Cha, và dĩ nhiên tôi cũng không kỳ vọng là Cha còn quan tâm về những sinh hoạt của tôi nữa. Vì thế tôi hết sức ngỡ ngàng, khi Cha hỏi tôi về những hoạt động sau này của tôi ở Viện Đại Học Đà Lạt, ví dụ như vào giữa năm 1974, khi chuẩn bị cho bộ môn Á Châu Học sẽ thành lập tại Viện Đại Học, chúng tôi, gồm một số người trong Ban Giảng Huấn của Viện thành lập Hội Nghiên Cứu Đông Nam Á trong đó có Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Giáp làm Chủ Tịch, ông Lê Văn Khuê làm Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ và ông Võ Sĩ Khải làm Phó Chủ Tịch Nội Vụ và cá nhân tôi làm Tổng Thư Ký. Mục đích đầu tiên của Hội là dịch một ít sách về lịch sử, văn minh và văn hóa của các quốc gia Á Châu để chuẩn bị tài liệu tham khảo cho các sinh viên. Và Hội cũng định xuất bản một tập san định kỳ, nhưng chưa khởi sự được thì biến cố chính trị và quân sự dồn đập xảy ra rất bất lợi cho Miền Nam. Mọi người đều hoang mang, nên Hội chưa có những hoạt động nào đáng kể.

Sau ngày 30. 4. 1975, khi gặp lại Cha Lập ở Bình Triệu, Cha hỏi tôi về hoạt động của Hội trước đó ra sao. Tôi hơi ngạc nhiên và tò mò hỏi lại Cha, sao Cha biết về những sự việc đó? Cha bảo tôi, dù Cha rời Viện nhưng Cha vẫn lưu tâm những gì xảy ra ở đó cũng như việc của các con làm. Tôi hết sức cảm động về những tình cảm cao đẹp này của Cha đã dành cho chúng tôi.

Mời Giáo Sư Giảng Dạy

Có một vài việc Cha đã thực hiện hết sức đặc biệt, ít người biết đến, tôi muốn thuật lại như những kỷ niệm khó quên về Cha. Chẳng hạn, khi mời một giáo sư ở Sài Gòn lên dạy ở Đà Lạt, Cha đích thân đến nhà vị giáo sư đó, nhưng Cha bảo người tài xế phải đậu xe cách nhà chừng 100m, Cha đi bộ vào nhà. Và khi vị giáo sư đó tiễn Cha ra cổng thấy xe Cha đậu xa, hỏi lý do tại sao? Cha trả lời, ngày xưa Lưu Bị đi mời Khổng Minh phải tam cố thảo lư. Bây giờ tôi đậu xe xa có 100m, đâu có gì khó nhọc so với công lao mà giáo sư sẽ giúp cho Viện sau này. Nhưng nếu có vị gíáo sư nào từ chối lời mời của Cha lần đầu, Cha sẽ trở lại lần thứ hai, cha bảo người tài xế đậu xe cách nhà khoảng 200m. Khi vị giáo sư đó tiễn Cha ra cổng lấy làm lạ tại sao Cha cho đậu xe xa hơn lần trước, Cha cũng trả lời tương tự như lần vừa rồi. Trong thực tế, cũng có vị từ chối đến lần thứ hai, Cha sẽ quyết định trở lại lần thứ ba, lần này Cha đậu xe xa hơn 300m và cuối cùng vị giáo sư đó thực sự cảm động về tình cảm sâu đậm của Cha nên đã nhận lời.

Không những Cha Lập ưu đãi đối với những giáo sư đang dạy ở Viện, mà Cha còn đối xử hết sức nhiệt tình với những người chưa được mời dạy hay thân nhân trong gia đình của các giáo sư. Thật vậy, có những người còn đang học ở Pháp hay ở Mỹ chưa tốt nghiệp, nghỉ hè về Việt Nam chơi, lên Đà Lạt ở khách sạn Palace, nếu Cha biết được Cha cũng đích thân đến khách sạn mời về Viện ở trên Năng Tĩnh và ăn ở chung với các giáo sư khác, khiến họ rất cảm kích tình cảm quí báu đó của Cha. Khi họ về nước, cha mời họ, thì họ không thể nào từ chối được.

Ngay cả đến thân nhân của các giáo sư cũng vậy, Cha cũng đối xử thật hết tình, thí dụ một phu nhân của một bác sĩ, em ruột của một giáo sư dạy trong Viện, có quen biết với Cha từ trước ở Huế. Khi bà lên Đà Lạt ở trong Viên, và một buổi sáng bà cần xe của Viện đưa bà đi chơi thác Cam Ly. Ông Hoà, người phụ trách nội dịch lên báo với Cha, trong Viện không còn xe nào để đưa bà đi, nhưng không dám kêu taxi, vì sợ phật lòng vị khách này. Cha bảo lấy xe riêng của Cha đưa bà đi chơi. Dù sau đó, chính Cha phải đi xe taxi đến dự lễ khai giảng của Trường Trung Học Bùì Thị Xuân gần đó. Về sau gia đình của vị giáo sư biết chuyện, họ hết sức cảm động về nghĩa cử đầy thâm tình này của Cha.

Giải Quyết Các Vấn Đề Tế Nhị Giữa Các Giáo Sư

Tôi suy nghĩ thật nhiều trước khi ghi lại những sự kiện này, vì đây là những chuyện quá riêng tư và cá biệt giữa các giáo sư trong Viện và những vị này đã cộng tác lâu đời với Viện. Nhưng cũng chính vì vậy tôi nghĩ rằng, việc làm của Cố Viện Trưởng cũng là một chính sách của Viện, nên tôi muốn nêu lên cho các thành viên của Viện đều biết. Nếu các vị giáo sư liên hệ, không hài lòng về sự kiện này, người viết xin được thứ lỗi trước.

Chuyện Gs. T. N. T.

Một lần, Gs T. N. T, lên dạy ở Trường Đại Học Khoa Học. Gs. T. chỉ đi có một mình, nhưng Gs bảo phòng Nội Dịch của Viện sắp xếp cho Gs. ở phòng đôi. Nếu Viện hết phòng đôi, thì Gs. sẽ ra ở khách sạn Palace, sáng mai sẽ lấy taxi vào Viện dạy học, chẳng có việc gì phải lo. Phòng Nội Dịch rất lúng túng, vì Gs. T., ngoài uy tín trong giới khoa học gia, còn là nhân vật rất có thế lực trong Hội Đồng Quản Trị của Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín vì Gs. là người có nhiều cổ phần nhất trong ngân hàng này. Lúc đó, ở khu Năng Tĩnh không còn phòng đôi nào nữa hết. Chỉ có Học giả Ph. V. D. đang ở phòng đôi. Nhưng nếu bây giờ yêu cầu thầy D. dời sang phòng chiếc, để thầy T. ở phòng đôi thầy D. sau này biết được, hẳn phải tức giận lắm. Lúc đó, nhân viên nội dịch chạy lên cầu cứu Cha Viện Trưởng. Cha đề nghị lên mời thầy D. xuống ở phòng ngủ bên cạnh phòng ngủ của Cha tối nay, để Cha nhờ thầy D. giải nghĩa những câu thơ chữ Hán cho Cha. thầy D. khi được Cha Viện Trưởng mời xuống giải nghiã thơ văn chữ Hán như vậy dĩ nhiên thầy D. rất vui vẻ và hãnh diện xuống nhà Đôn Hóa để ngủ. Đây là một trong những cách giải quyết rất khôn khéo, tế nhị và hết sức đặc trưng của Cha Viện Trưởng.

Ân Huệ Dành Cho Sinh Viên.

Trước khi nói đến những ân huệ mà Cha đã dành cho sinh viên, tôi muốn trình bày về những thương mến vô bờ bến của Cha đã dành cho các bạn trẻ trong Viện. Mỗi buổi sáng Cha Viện Trưởng đều đứng trước văn phòng Viện để chào đón các sinh viên, trước khi họ vào các giảng đường. Và mỗi buổi chiều, Cha cũng đứng đó để tiễn đưa các sinh viên ra về. Và trên văn phòng của cha Viện ở lầu 2, bàn làm việc của Cha nhìn ra cửa sổ, có thể nhìn thẳng xuống cổng Viện. Vì thế, bất cứ lúc nào Cha cũng có thể nhìn thấy các sinh viên ra vào Viện. Chính vì các sự việc này, cộng thêm trí nhớ rất tốt của Cha, Cha thuộc hầu hết tên các sinh viên trong Viện và đăc biệt Cha biết rõ những mối tình của các cặp sinh viên trong Viện thời đó như cặp Tân & Việt, Nho & Xuân Lang v.v. mà ngay cả sau này, khi không còn ở Viện nữa, đôi lúc Cha cũng nhắc lại với tôi trong các buổi trò chuyện. Về sau, khi trốn thoát khỏi Việt Nam, tôi có dịp đi học lại, nghiên cứu, làm việc và giảng dạy ở khá nhiều các Đại Học trên thế giới, nhưng chưa thấy có một Viện Trưởng nào dành những cảm tình sâu đậm như vậy cho sinh viên của họ. Hầu như những sinh viên tại các Đại học ở Úc hay ở Mỹ, chỉ biết mặt ông Viện Trưởng vào ngày mãn khóa, khi ông đến chủ tọa lễ phát văn bằng tốt nghiệp cho họ mà thôi.

Trong khoảng thời gian từ Lễ Giáng Sinh cho đến Tết âm lịch, các nhóm sinh viên thường tổ chức party thâu đêm suốt sáng. Đó là nét đặc trưng nhất của Đại Học Đà Lạt. Điều này chỉ có thể thực hiện được là do sự giúp đỡ tài chánh của Cha Lập. Thật vậy, trong Viện lúc đó có rất nhiều nhóm, như nhóm Rong Biển Nha Trang, Nhóm Bông Bưởi Biên Hoà, Nhóm Huế, Thanh Niên Thiện Chí, Thanh Niên Chí Nguyện... Thời đó, ít nhất cũng từ 30 đến 40 nhóm. Mỗi nhóm khi tổ chức party, tất cả đều lên xin tiền Cha Viện Trưởng. Thông thường câu chuyện diễn ra như thế này:

Trưởng nhóm:

-Nhóm chúng con muốn tổ chức party mừng Giáng Sinh (hoặc Tết), xin Cha giúp cho chúng con một ít tiền.

Cha bảo:

- Các con tổ chức, con phải tự đóng góp trước đã.

-Thưa Cha, chúng con cũng đã cố gắng đóng góp nhưng không đủ, nhất là tụi con ở xa nhà không có nhiều tiền.

Cha bảo:

- Như vậy party dự định bao nhiêu người?

-Thưa Cha khoảng 100 người, chúng con đã đóng góp mỗi đứa 5 đồng, Tổng cộng được khoảng 500 đồng. Xin Cha cho thêm một ít, để party thêm xôm tụ.

-Bây giờ Cha cho 2 ngàn rưởi được chưa?

-Xin Cha cho chúng con thêm một ít nữa.

Cha bảo:

-Thôi Cha cho 4 ngàn đó. Cầm giấy này, qua phòng kế tóan ký giấy nhận tiền.

Sau chuyện liên hoan, phải kể đến chuyện sinh viên về ăn Tết. Ai cũng biết Đại Học Đà Lạt nghỉ Tết đặc biệt hơn các Đại Học khác, là nghỉ đến 1 tháng. Trước Tết, các sinh viên (đa số là các nữ sinh viên) hay đến mượn tiền Cha mua vé máy bay về nhà ăn Tết, thường với lý do bưu phiếu gởi lên chưa kịp. Nhưng sau khi mua được vé máy bay rồi, các anh chị này còn trở lại gặp Cha và thường nói rằng: "Cám ơn Cha rất nhiều đã cho con mượn tiền mua vé máy bay, nhưng bây giờ đi xa về nhà mà không có quà cáp cho gia đình thì kỳ quá. Xin Cha cho con mượn thêm một ít tiền nữa để mua quà cáp cho bố mẹ và các em trong gia đình".

Thế rồi Cha cũng đành bấm bụng cho các anh chị này mượn thêm tiền. Nhưng có một điều đáng nói, là số sinh viên mượn tiền mà trả lại sòng phẳng cho Viện ít lắm. Đến năm 1970, lúc Cha Lập rời chức vụ Viện Trưởng để về Huế, danh sách các sinh viên còn thiếu tiền khá dài. Cha đã bảo phòng kế toán xé bỏ đi, trước khi bàn giao sổ sách lại cho người kế nhiệm.

Bênh Vực Cho Sinh Viên

Sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, chính quyền lập ra chương trình huấn luyện quân sự học đường cấp tốc cho các nam sinh viên. Do đó, cha Lập đã yêu cầu Trường Võ Bị Quốc Gia sang đảm trách chương trình huấn luyện cho sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt. Trường Võ Bị đã cử Thiếu Tá Hạnh, tôi không nhớ họ của ông ta, làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Khóa Sinh và các sinh viên năm thứ 4 của Trường Võ Bị làm huấn luyện viên.

Thường ngày, các sinh viên của Viện và các sinh viên trường Võ Bị hay theo đuổi các nữ sinh viên trong Viện. Không hiểu vì lý do gì, các chị sinh viên thường khoái các anh sinh viên của Viện hơn là các anh bên Võ Bị. Do đó, khi qua huấn luyện quân sự cho sinh viên của Viện, đây là cơ hội bằng vàng cho các sinh viên Võ Bị dằn mặt chúng tôi. Cơ hội đó đã đến, khi chúng tôi tập đi diễn hành ngang qua một nhóm nữ sinh viên đang tụ tập trước thư viện, một số anh đã vẫy tay và la ó để chọc ghẹo các chị. Chiều hôm đó, các huấn luyện viên đã tập họp tất cả liên đoàn khoá sinh trong sân khu Năng Tĩnh. Rồi các sinh viên Võ Bị dạy luân lý chúng tôi. Sau đó họ bảo ban chiều ai đã chọc ghẹo các nữ sinh viên, nên tự giác ra nhận lỗi và chịu phạt hoặc ai biết người nào phạm lỗi nên báo cáo lên để bắt người đó ra phạt. Nếu không sẽ bắt tất cả khóa sinh phải chịu phạt hít đất và nhảy xổm. Không có ai nhận lỗi hoặc tố cáo. Các huấn luyện viên này nói những câu xúc phạm đến chúng tôi. Một số anh, trong đó có người viết, đã đứng lên phản đối. Chúng tôi lập luận rằng ai có lỗi, phải bị phạt. Đó là điều cần phải làm để duy trì trật tự và sức mạnh của quân đội. Nhưng chúng tôi phản đối, không thể dùng hình phạt như một phương cách để hành xác và lăng nhục tất cả tập thể sinh viên được. Sau đó, toàn thể sinh viên khóa sinh đã vỗ tay tán đồng, rồi la ó phản đối, nên các huấn luyện viên phải nhượng bộ và cho giải tán.

Tối hôm đó, các huấn luyện viên này báo cáo với Thiếu Tá Hạnh và yêu cầu phải áp dụng kỷ luật nghiêm khắc với chúng tôi. Thiếu Tá Hạnh đến gặp Cha Viện Trưởng, xin Cha cho ông được nghiêm phạt các sinh viên, vì kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Nếu lời thỉnh

cầu này không được chấp thuận, Trường Võ Bị sẽ ngưng chương trình huấn luyện.

Cha Viện Trưởng bảo:

«Các ông đừng nóng giận, các ông không phải là nhà giáo dục, nên các ông mới hành xử như vậy. Các ông nên hiểu rằng, khi các sinh viên tụ họp thành đám đông thì hay phá phách chọc ghẹo các nữ sinh viên như vậy, cũng như khi đi dự các buổi liên hoan đông người, các sinh viên cũng nghịch nghợm lấy confetti ném lên tóc, lên áo các cô gái. Nhưng nếu giao một cô gái cho một nam sinh viên nó cũng biết gallant, biết chiều chuộng, tiếp đãi lịch sự, tử tế và ân cần săn sóc cô gái đó. Trong số những sinh viên chiều nay, chỉ vài tháng nữa thôi, chúng nó tốt nghiệp ra trường, chúng sẽ làm ông này, bà nọ, cũng là giáo sư, là giám đốc, phó giám đốc của các cơ quan, xí nghiệp. Chúng ta không thể áp dụng những hình phạt như con nít đó với chúng nó ».

Cuối cùng, Thiếu Tá Hạnh phải nhượng bộ và chương trình huấn luyện được tiếp tục như cũ. Điều này chứng tỏ Cha Lập luôn thông cảm và hiểu biết sâu sắc về tâm lý của sinh viên, Cha luôn đứng về phía sinh viên để ủng hộ và bảo vệ.

Đó là những kỷ niệm của những ngày Cha còn làm Viện Trưởng.

Sau này, trong thời gian Cha ở Bình Triệu, chúng tôi thành lập Cơ Sở Sản Xuất Thụ Nhân, Cha là người đã đóng cổ phần nhiều nhất và dành cho chúng tôi một sự ủng hộ tinh thần hết sức nồng nhiệt vào những ngày đầu khai trương. Trong thời gian này tôi thỉnh thoảng lên dự thánh lễ vào chiều chúa nhật ở Bình Triệu, và ghé thăm Cha sau thánh lễ. Cha con thường nói chuyện rất thân tình và nhắc lại quá khứ của Viện cùng những khuôn mặt sinh viên quen thuộc của những khoá học đầu tiên của Viện. Rồi đến giữa tháng 6 năm 1981, khi tôi chuẩn bị vượt biên, chiều cuối cùng ở Sài Gòn tôi lên thăm và chào tiễn biệt Cha. Cha con nghẹn ngào chỉ nói chuyện với nhau một ít câu. Tôi vội vã tóm lược cho Cha biết kết hoạch vượt biên và các phương cách Cha có thể cứu giúp tôi, nếu chẳng may tôi bị bắt. Cha tỏ ra quan tâm rất nhiều về sự an nguy của chúng tôi khi vượt đại dương. Cha không tiễn chúng tôi ra bãi đậu xe như thường lệ. Cha chỉ nói cầu mong các con đi bằng yên và Cha sẽ cầu nguyện cho các con. Cha đưa chúng tôi đến cửa rồi Cha đóng cửa lại thật nhanh. Nhìn qua khung cửa kính, tôi thấy Cha cúi đầu thật sâu và tay phải đưa lên ôm ngực, hình như Cha xúc động nhiều. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi còn giữ về người Cha chung và đầy nhân từ của Viện Đại Học chúng ta.

Cha Nguyễn Văn Đời.

Nếu với Cha Lập là người dành cho tôi những tình cảm thật thân thương, thì với Cha Đời là người có nhiều dịp tôi được làm việc chung và được chia sẻ nỗi buồn khổ với Ngài trong những nghịch cảnh của tình hình sau 1975 và Ngài cũng đã dành cho tôi những tình cảm sâu đậm không kém.

Có một điều cho đến nay, ít người biết về những tình cảm đầy u uẩn của Cha trong cuộc sống tinh thần, vì Cha không thể nói được tiếng Việt thông thạo và lưu loát. Điều này rất dễ hiểu, khi đọc kỹ tiểu sử của Cha. Cha Đời rời Việt Nam từ lúc mới lên 5 tuổi, sang Cao Miên học tiểu học chương trình Pháp đến khi đậu tiểu học lúc 12 tuổi. Cha rời xứ Chùa Tháp sang Pháp du học. Đậu tú tài vào năm 19 tuổi, Cha ở lại Pháp thêm vài năm nữa thụ phong chức Linh Mục rồi sang Mỹ du học, cho đến khi đậu Ph. D. Sau khi tốt nghiệp, làm việc ở Mỹ thêm vài năm nữa, đến năm 38 tuổi mới về lại Việt Nam. Cha Đời làm tuyên úy cho quân đội Mỹ tại Mỹ Tho khoảng 2 năm, lên Đà Lạt làm Khoa Trưởng Khoa Học thay thế Cha Hoàng Quốc Trương vào năm 1972. Có lẽ tiếng Việt là thứ tiếng mà Cha Đời kém nhất, Cha ít đọc sách báo Việt ngữ, Cha nói tiếng Việt với ngôn ngữ của người bình dân, không phải cách nói văn hoa, trau chuốt của lớp người thượng lưu trí thức hay của giới học giả. Khi phải viết thông báo cho các sinh viên thi cuối năm Cha thường nhờ tôi viết hộ và đọc lại các đề thi cho Cha. Cha xem tôi như một người rất thân tình với Cha. Sau năm 1975, khi gặp những khó khăn với chính quyền mới, tối nào Cha cũng đến nhà riêng của chúng tôi trên Thương Xá Tax , để tâm sự.

Sau đó, Cha Đời và Cha Toản cũng đăng ký đi học tập chung trong nhóm anh em giảng huấn của Viện Đại Học Đà Lạt trong vòng 4 tháng, với hy vọng sẽ được tiếp tục đi dạy lại. Nhưng rồi sau đó, các giáo chức Viện Đại Học Đà Lạt ở Sài Gòn, không ai được phép đi dạy lại cả, chỉ có bộ phận ở Đà Lạt là được tiếp tục hành nghề nếu muốn. Mỗi ngày, Cha với tôi cùng lấy xe buýt, đi từ đường Nguyễn Huệ đến Đại Học Y Khoa Minh Đức trên đường Nguyễn Văn Tráng để đi học tập với các giáo chức đại học tư khác. Đến năm 1978, sau khi bàn giao Viện Đại Học cho Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, Cha Đời về Cần Thơ và tìm cách vượt biên. Nhưng không may cho Cha, chuyến đi bị lộ, công an biên phòng đuổi theo và bắn vào thuyền vượt biên làm 2 người chết và nhiều người bị thương. Cha Đời bị bắt và Cha khai thành thật, Cha là linh mục và là giáo sư của Viện Đại Học Đà Lat, nên họ giam Cha rất lâu. Đến giữa năm 1980, cha vượt trại giam và trốn về Sài Gòn, sau đó Cha di chuyển đến một vùng quê cách Sài Gòn 10 km về phía Nam

Một chiều gần cuối năm 1980, khi đi làm về, con gái đầu lòng của tôi bảo tôi, có một người mặc đồ nông dân đội nón lá cũ và rách đến tìm tôi, nhưng cháu bảo tôi: nhưng con biết chắc đó là Ông Cố Đời, và Ông dặn khoảng 6 giờ sẽ trở lại. Sau đó, Cha Đời đến gặp tôi, Cha con gặp nhau vừa vui mừng vừa lo sợ cho sự an toàn của Cha. Rồi Cha bảo tôi lâu quá không được uống bia, Cha thèm lắm, nhưng Cha sợ tôi không đủ tiền, Cha bảo cứ vào nhà hàng Quốc Doanh nào đó uống cho rẻ tiền. Tôi nghĩ không tiện vì nhà hàng Quốc Doanh thời đó có nhiều cán bộ, công nhân viên nhà nước. Nên tôi quyết định đưa Cha đến một nhà hàng khá sang trọng trên đường Hai Bà Trưng ở quận 1, gần nhà tôi cư ngụ để Cha uống bia và một ít đồ nhậu cho bõ những ngày cực nhọc trong tù. Tưởng cũng nên nhắc lại, Cha Đời lúc còn ở Viện Đại Học Đà Lạt, Cha không bao giờ uống nước lạnh hay nước trà, mỗi sáng khi thức dậy Cha uống cà phê, nếu mùa hè, suốt ngày Cha chỉ uống bia (lade). Mùa đông, Cha uống toàn Johnny Walker. Cho nên những ngày trong tù là những ngày đầy thử thách đối với Cha. Ngồi nói chuyện với Cha Đời, tôi thầm cảm phục Cha. Tôi nghĩ suốt đời Cha chỉ được đào tạo để trở thành linh mục, một nhà nghiên cứu, một giáo sư. Cha đâu có được chuẩn bị để sống lặn lội trong cuộc sống đầy gian khổ và hiểm nguy của chiến tranh loạn lạc. Thế mà giờ này, Cha tỏ ra hết sức xuất sắc để thích nghi với xã hội mới. Cha đã vượt trại giam an toàn, giờ đây điềm tĩnh ngồi nói chuyện với tôi, không sợ sệt, không than van, không trách móc một ai.

Điều tốt nhất mà tôi học được ở các Cha như cha Đời, Cha Toản và Cha Hùng trong những tháng ngày đó, là chúng tôi rất trân quí những giờ phút gặp gỡ nhau. Trong các lần gặp mặt, chúng tôi chỉ hỏi tin tức những người thân và cầu mong cho họ được mọi điều an lành. Các Cha luôn bình tĩnh, an nhiên tự tại, luôn tươi cười, không than thân trách phận, không hận đời hay hận người. Chúng tôi chỉ nói những chuyện vui cho nhau nghe và bàn kế hoạch phải làm gì để có thể sử dụng thời gian trong tương lai một cách hữu ích, mặc dù lúc đó chúng tôi ý thức sâu sắc rằng chính quyền, đang tìm đủ mọi cách để đầy đoạ, nhằm loại trừ chúng tôi ra khỏi cuộc sống của xã hội. Đặc biệt, tôi biết trong thâm tâm, Cha Toản cảm nhận hết sức chua xót về quyết định ở lại. Thực vậy, trước đó, Cha nghĩ vì trách nhiệm với sinh viên buộc Cha phải ở lại và ước muốn đem hết khả năng và tâm huyết của mình để góp phần xây dựng và tái thiết đất nước sau nhiều năm bị tàn phá vì chiến tranh. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, Cha ở lại cũng không cứu được sinh viên và cũng chẳng ai cho Cha cơ hội đem khả năng của mình phục vụ tổ quốc. Chính quyết định lầm lẫn này, đã huỷ diệt tương lai và cả cuộc sống của Cha. Trong thời gian đó, chính sách nhà nước là dứt khoát không chấp nhận những người trí thức và các nhà khoa học được đào tạo ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhưng Cha không bao giờ tỏ ra ân hận hay bực tức về sự nhầm lẫn này. Cha không để nỗi bực dọc đó làm vẩn đục tâm hồn mình, Cha luôn cố giữ trí óc được thảnh thơi trong sáng, luôn tin tưởng và hy vọng vào tương lai để sống, mặc dù đang đứng trước một cuộc sống đầy nghịch cảnh và vô vọng. Thực tế, cuộc sống kinh tế của tôi cũng tạm đủ. Nhưng các Cha luôn quan tâm đặc biệt đến gia đình tôi, có lẽ, các Cha nghĩ các Cha có một thân một mình, mà còn khốn đốn, huống chi tôi còn có vợ và 3 con nhỏ phải lo chuyện ăn học... Cha Hùng đã cố gắng liên lạc với vài gia đình quen biết của Cha ở Thụy Sĩ để tìm cách bảo trợ cho các con của tôi, mặc dù lúc đó, việc làm này rất nguy hiểm, vì chính quyền có thể bắt giam Cha vì tội liên lạc với người nước ngoài. Cha cũng đã tìm người dạy tiếng Anh và tiếng Pháp cho các con tôi mỗi ngày, chuẩn bị cho gia đình tôi, nếu sau này vượt thoát khỏi Việt Nam, các cháu sẽ không bị thiệt thòi. Đó có lẽ là những bài học cao quí về triết lý sống và tình thương yêu trong sáng, bao la và đằm thắm nhất của những thành viên trong gia đình Thụ Nhân, mà tôi đã học được từ các Cha.

Trở lại chuyện Cha Đời, trong thời gian này, thường 2 tuần một lần, vợ chồng tôi lại đến thăm Cha và tiếp tế cho Cha một ít trái cây tươi và một chút tiền tiêu vặt. Cho đến tháng 4. 1981, hôm đó tôi đi làm về trễ, khoảng 9 giờ tối. Con gái lớn tôi bảo ông nông dân lần trước đến gặp tôi, nhưng không có tôi ở nhà, ông nhắn lại, nếu tôi về phải đến gặp ông trong đêm nay vì ngày mai ông phải đi xa. Tôi quyết định mang một ít tiền cho Cha làm lộ phí và lấy xe Honda cùng vợ tôi đi đến gặp Cha. Nhưng khi ra khỏi Sài Gòn, đường vắng quá. Vợ tôi sợ rằng nếu giữa đường bị cướp thì không những không giúp được Cha mà còn hại thân mình nữa. Vợ tôi bàn nên trở về nhà để sáng mai đi thật sớm thì chắc ăn hơn....

Năm giờ sáng hôm sau, tôi và vợ tôi lại lấy xe Honda ra đi, nhưng đi nửa đường, mưa lớn quá, trời đất mịt mù không thấy đường đi nữa. Chúng tôi phải tìm chỗ trú mưa và độ nửa giờ sau, mưa nhẹ hạt hơn, chúng tôi tiếp tục hành trình. Nhưng khi đến nơi Cha cư ngụ thì Cha đã ra đi trước đó khoảng 15 phút rồi, để về Cà Mau chuẩn bị vượt biên lần nữa. Người nhà cho tôi biết Cha đã chuẩn bị cho tôi cùng đi với Cha, nên Cha có ý định chờ tôi mãi từ tối hôm qua cho đến sáng nay, nhưng không nhận được tin tức của tôi, Cha đành phải ra đi một mình cùng với người hướng đạo. Tôi rất ân hận về chuyện này, vì tôi biết rằng vượt biên có rất nhiều hiểm nguy chờ đợi và cần phải có tiền để giải quyết, tôi lại không đến kịp lúc để trợ giúp Cha trên bước đường đầy chông gai Cha sẽ gặp phải.

Sau đó, tôi được tin Cha lại bị bắt, nhưng lần nầy Cha kinh nghiệm hơn lần trước, khi vào thẩm vấn Cha khai Cha làm thợ hớt tóc ở Sài Gòn, vợ con trốn đi Mỹ từ lâu, nên bây giờ phải tìm cách vượt biên để tìm gặp lại vợ con. Nhờ khai như vậy và người nhà chạy tiền cho công an, nên chỉ bị giam hơn 2 tuần là Cha được thả. Khoảng trung tuần tháng 6 năm 1981, Cha vượt biên thành công đến Mã Lai và đến tháng 12 năm 1981, Cha được chính quyền Úc cho định cư tại Sydney.

Khi Cha Đời đi rồi, tôi cũng tìm đường vượt biên. Ngày 24. 6. 1981, tôi rời Sài Gòn xuống Sóc Trăng và tối hôm sau lên ghe vượt biên. Sau hơn 4 ngày 5 đêm trôi dạt trên biển cả vì ghe chết máy, cuối cùng chúng tôi được một tàu Panama vớt đưa vào Indonesia tạm cư tại trại Galang 1. Chúng tôi được chính quyền Úc nhận cho định cư tại Darwin vào ngày 17. 12. 1981. Khi vừa đến Úc, tôi đọc báo Việt Ngữ thấy có đăng tin linh mục Dominic Nguyễn Văn Đồi, đến định cư tại Sydney cùng ngày với tôi. Tôi băn khoăn không biết có phải Cha Đời hay không? Tại sao là Đồi mà không phải là Đời? Tôi điện thoại xuống Sydney nhờ một người bà con xác nhận, họ cho biết Cha Đồi này trước là Khoa Trưởng của Trường Đại Học Khoa Học Đà Lạt. Tôi vui mừng khôn cùng, vì hết sức ngẫu nhiên, Cha con được đến Úc cùng một ngày, dù là khác tiểu bang.

Sống một thời gian ở Darwin, tôi không tìm được việc làm và cũng không có Viện Đại Học có cấp Cao Học để tôi có thể tiếp tục học thêm. Vợ tôi bàn là nên thu xếp để về miền Nam nước Úc để chúng tôi có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Và vợ tôi tình nguyện đi trước về Melbourne, để thu xếp chuyện nhà cửa, nơi ăn chốn ở. Rồi 2 tuần sau, tôi dắt 3 con nhỏ về và chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới tại vùng Sunshine của tiểu bang Victoria. Khoảng tháng 9. 1982, gần 10 giờ tối, cả gia đình tôi đang ngồi xem truyền hình nghe tiếng có người đập cửa thật lớn và tiếng người la to: Có ông bà chủ ở nhà không? Tôi hơi bực mình về cách xử sự này. Nhưng không ngờ khi mở cửa, Cha Đời hiện ra trước mặt. Cha con gặp nhau mừng khôn xiết. Vào nhà, cha con hàn huyên những chuyện đã qua. Con gái tôi nói đùa với Cha: Giờ Ông Cố Đời ngon lành quá, không còn làm nông dân nữa. Rồi tất cả chúng tôi cùng cười thật thoải mái, như để quên đi những ngày thật gian truân trong quá khứ.

Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi xuống Sydney, đều ghé lại thăm Cha. Cha thường mời chúng tôi dùng cơm với Cha. Có lẽ Cha đã nhờ các bổn đạo của Cha nấu ăn cho chúng tôi thật thịnh soạn, nhưng Cha luôn bảo với chúng tôi: Tụi bay xuống Sydney là 'tau' phải đích thân nấu ăn cho tụi bay ăn , như vậy được chưa?

Và mặc dù, sau này các con của tôi đã lớn và đi làm có tiền cả, nhưng lần nào ghé thăm Cha, Cha cũng cho mấy cháu một ít tiền, các cháu không muốn nhận, nhưng tôi bảo cứ nhận để Cha khỏi buồn lòng. Đặc biệt có một lần, chúng tôi xuống Sydney, chỉ báo cho Cha vài tiếng đồng hồ, trước khi đến thăm, Cha không đủ thời giờ nhờ người làm thức ăn. Cha lấy xe ra chợ mua một ít thịt trừu, thịt gà, và bò về làm BBQ. Cha bảo, phải biết ăn theo kiểu thiên nhiên của Úc, không ướp, không gia vị gì hết, như vậy mới ngon và bổ dưỡng! Chúng tôi đều cười thoải mái, vì biết rõ là Cha không biết ướp thịt. Sau đó, Cha con nói chuyện vui vẻ với nhau một lúc, rồi Cha sực nhớ ra, chiều nay có thánh lễ và Cha phải giảng. Cha bảo:

Tụi bay ngồi chơi, tau soạn bài giảng một lúc, rồi đưa tụi bay đi viếng Sydney.

Tôi nói đùa: Cha để con soạn cho Cha.

Cha nói: Mày soạn bài giảng, bổn đạo mất linh hồn hết.

Chiều hôm đó, chúng tôi đi dự thánh lễ do Cha cử hành, Cha rất lúng túng trong bài giảng. Sau thánh lễ, chúng tôi gặp lại Cha, để từ giã trở lại Melbourne.

Con gái tôi lại bảo: Chúng con đến phá ông Cố hôm nay, nên ông Cố không giảng được.

Cha cũng lại đùa: Im đi, tau đánh chết Cha mày.

Có lẽ có hai điều làm cho Cha Đời buồn khổ nhất:

1. Hội Thụ Nhân Sydney, không công nhận Cha Đời là Giáo Sư của Viện Đại Học Đà Lạt, một anh đã nói với tôi, không biết Cha có dạy ở Đại Học Đà Lạt hay không? Và các Ban Chấp Hành không bao giờ mời Cha tham dự các buổi họp của Hội. Tôi không rõ sự việc cho lắm. Nhưng một cách tổng quát, trước đây có sự tranh chấp giữa một số các linh mục Việt Nam ở Sydney. Cha Đời luôn đứng về phía Toà Tổng Giám Mục Sydney, không chấp nhận quan điểm thành lập Giáo Hội Việt Nam tự trị tại Tiểu Bang NSW. Nhưng có lẽ điều đáng tiếc là Thụ Nhân Sydney lại rơi vào cuộc tranh chấp đáng buồn đó, rồi xa lánh Cha Đời. Ngay cả đến khi, Cha Đời vĩnh viễn ra đi. Thụ Nhân trên toàn thế giới đều có lời phân ưu, riêng Thụ Nhân Sydney vẫn im

lặng. Tôi muốn minh xác ở đây, tôi không hề có ý chỉ trích hay phiền hà gì các anh chị em Thụ Nhân Sydney cả. Đối với cá nhân tôi, trong tận cùng của trái tim, tôi muốn luôn luôn dành một sự kính trọng và thân tình đặc biệt đến mỗi cá nhân trong gia đình Thụ Nhân Sydney. Tuy nhiên, tôi vô cùng ân hận để nói rằng cho phép tôi được bày tỏ niềm thất vọng và nỗi bất bình sâu xa nhất của tôi đối với cách hành xử của các bạn với Cha Đời, vì các bạn đã để những vấn đề tôn giáo và chính trị xen lấn vào tình cảm của gia đình Đại Học chúng ta. Đó là một điều Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập đã luôn nhắc bảo, chúng ta nên tránh để khỏi làm sứt mẻ tình yêu thương trong gia đình Thụ Nhân. Mặt khác, trong văn hóa Việt Nam, nghĩa tử là nghĩa tận, nghĩa là những người còn sống phải cố gắng hết sức mình để chu toàn bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với người chết -bổn phận của những học trò đối với thầy, không lẽ chúng ta không thể đến nghiêng mình trước linh cữu để giã biệt thầy cũ của mình và phân ưu cùng thân nhân của thầy?

2. Vụ Cha Đời bị điều tra về những cáo buộc thâm lạm tài chánh và bị yêu cầu từ chức. Khi Đức Giám Mục George Pell từ Melbourne được thuyên chuyển về Sydney, để làm Tổng Giám Mục cho Tổng Giáo Phận này. Ngài đã thực hiện những cải tổ sâu rộng, và lợi dụng những sự không hiểu biết đầy đủ của của Vị Tân Gìám Mục về tình hình giáo hội địa phương, một số người đã làm đơn tố cáo Cha Đời đã lạm dụng tài chánh trong việc sử dụng quĩ của cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney. Mặc dù những lời tố cáo này, không trưng dẫn được bằng chứng cụ thể, Cha Đời đã bị giáo quyền yêu cầu từ chức và lập Ủy Ban Điều Tra. Trong thời gian điều tra, Đức Hồng Y Pell đã điều một linh mục Việt Nam khác, Cha Nguyễn Khoa Toàn, từ tiểu bang Queensland về làm Tuyên Úy Trưởng cho Ban Tuyên Úy Công Giáo tại Sydney. Và sau khi Ủy Ban hoàn tất công cuộc điều tra, xác nhận Cha Đời hoàn toàn không có gì sai trái trong công việc chi tiêu ngân sách. Nhưng bản phúc trình này, không được công bố một cách rộng rãi trên báo chí hay đài phát thanh, khiến cho dư luận vẫn còn hiểu lầm về Cha Đời. Ngoài ra, để đền bù những ngộ nhận của giáo quyền đối với Cha Đời, cũng như để thanh minh cho việc làm của Cha Đời, các cố vấn của Đức Giám Mục George Pell đề nghị phong chức Đức Ông cho Cha Đời nhưng Cha cương quyết từ chối. Đứng về phương diện xã hội bình thường, quyết định không nhận chức Đức Ông của Cha Đời là một sự sai lầm. Vì tai tiếng mà những người chống đối đã rêu rao để bêu xấu Cha Đời không được giải tỏa và nhiều người vẫn tiếp tục hiểu lầm về Cha. Nhưng đối với cá nhân Cha Đời, Cha là một người hết sức giản dị, Cha không muốn nhận bất cứ một ân huệ nào từ Đức Hồng Y Pell, môt người đã đối xử không mấy tế nhị với Cha (???). Một cách tổng quát, sự việc này đã gây cho Cha Đời một chấn động tinh thần sâu xa nhất. Cha trông già hẳn đi và sức khỏe suy sụp trông thấy rõ, cuối cùng chứng bệnh đau tim của Ngài trở nên trầm trọng hơn.

Đối với tôi là người luôn tin tưởng ở sự thánh thiện và trong sạch của Cha, nên trước dư luận không tốt về Cha, tôi không bao giờ để ý. Nhưng tôi sợ gợi lên hay hỏi Cha về những chuyện này, có thể làm Cha buồn, nên trong những dịp gặp gỡ Cha, tôi không bao giờ đề cập đến. Có lần Cha hỏi tôi, có nghe những tiếng đồn về Cha không? Tôi nói có và còn biết nhiều chuyện khác nữa, nhưng Cha hiểu, con không bao giờ tin những tin đồn nhảm đó. Rồi, Cha chậm rãi nói: Có lẽ, mày là người hiểu tau nhiều nhất. Cha ngẫm nghĩ một lúc, thở dài và nói tiếp:

- Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Rồi đến ngày 22. 4. 2006, lúc đó tôi đang ở Sydney vì công việc. Sắp tới giờ lên máy bay về lại Melbourne, tôi được tin Cha Đời bị đột qụy, tôi định hủy chuyến bay ở lại vào thăm Cha ở bệnh viện. Nhưng khi điện thoại cho bệnh viện, mới biết rằng Cha đang ở phòng cấp cứu, nên không thể vào thăm được.

Khoảng 10 ngày sau, từ Melbourne tôi gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của Cha. Có lẽ, Cha còn mệt nhiều, nhưng vẫn cố gắng để nói đùa với tôi.

- Tau vẫn còn sống đây, chưa chết đâu, mày đừng có lo.

Nhưng qua giọng nói của Cha, tôi cảm thấy hơi thở của Cha quá ngắn và yếu lắm..

Ngày 18. 5. 2006, Cha Đời vĩnh viễn ra đi. Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực từ trước, tôi chỉ được biết tin giờ động quan vào 22giờ đêm, mà tang lễ cử hành vào 10giờ sáng hôm sau, nên dù cố gắng hết sức, tôi vẫn không lấy được vé máy bay để đến đưa tiễn Cha về nơi an nghỉ cuối cùng. Thật vô cùng ân hận.

Có một điều an ủi cho Cha Đời là tang lễ của Cha được cử hành hết sức trọng thể do chính Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn, từ Việt Nam đến Úc để chủ tế, với sự tham dự của Đức Hồng Y Edward Clancy, Đức Giám Mục Julian, điạ phận Sydney và hơn 40 linh mục Việt Nam từ khắp các tiểu bang trên đất Úc về cùng đồng tế trong thánh lễ an táng.

Lm. Mai Văn Hùng & Lm Nguyễn Hữu Toản,

Hy vọng sau này, tôi sẽ có dịp viết về hai Cha, những người đã vĩnh viễn ra đi trong tức tưởi. Các Cha là những thượng cấp nhưng đồng thời cũng là bằng hữu thân thiết nhất của tôi, sau ngày Sài Gòn sụp đổ.

Để kết luận bài này, tôi muốn ghi lại câu nói hết sức mộc mạc, chân tình nhưng đầy ấp Tình Người mà Cha Lập đã luôn dặn dò chúng ta, khi ra trường:

"Mong rằng sau này, trên những bước xuôi ngược của đường đời, trong khi bỡ ngỡ trước những bất trắc của cuộc sống, trong khi lo ngại trước những khó khăn của chức vụ, các bạn sẽ nhớ đến mái trường cũ, nhớ đến tình thầy nghĩa bạn và biết đâu những kỷ niệm của viện Đại Học Đà Lạt khiêm tốn nhưng đầy thương yêu sẽ đem lại cho các bạn một vài phấn khởi.. "

Bây giờ, ngồi trong căn phòng làm việc ở một đất nước cách xa Đà Lạt hàng vạn dặm, nhưng tôi cảm thấy Viện Đại Học của tôi thật gần gũi và thân thương hơn bao giờ hết, tôi có thể hình dung được cả một chân trời đầy những kỷ niệm êm đềm, diệu vợi của những tháng

ngày đã mất. Ở đó, tôi được trang bị những kiến thức căn bản để vào đời, nhưng điều trân quí nhất là tôi đã tìm thấy nơi đây những mảnh đời mẫu mực và cao quí về ý chí và tình người, để tôi có thể tin, để yêu và để sống trong ý nghĩa đích thực của một con người./.

Melbourne 30. 4. 2007

(1) Ghi chú của Lê Đình Thông: Tôi học và tốt nghiệp Đại Học Sorbonne. Với sự hiểu biết về Đại Học này, tôi xác nhận từ trước đến nay, Đại Học Sorbonne (nay được gọi là Paris IV) không giảng dạy và cấp phát văn bằng về toán học. Trước 1975 không có bộ môn này. Hiện nay, Đại Học Paris 1 mượn trụ sở tại Sorbonne mở chuyên khoa toán nhưng giảng dạy ở ngoài trường sở Sorbonne : Université Panthéon-Sorbonne (Paris I) UFR de Mathématiques et Informatique Maison des Sciences Économiques 106-112, bd de l’Hôpital - 75013 Paris.

clip_image004