Karaoke đi về đâu?

Lưu Văn Dân

clip_image002Trên thế giới ngày nay có ai không biết đến karaoke? Từ một thú tiêu khiển phát sinh tại Nhật bản, nó đã biến thành một cái «mốt», một phong trào lan rộng khắp nơi, trên tất cả các lục địa, và đi sâu vào sinh hoạt đời sống mọi người, trong khắp hang cùng ngõ hẻm. Có thể nói đây là một loại giải trí lành mạnh, độc đáo, dành cho những người thích ca hát.


NGUỒN GỐC KARAOKE

Danh từ karaoke bắt nguồn từ hai chữ Nhật: Kara do chữ karappo có nghĩa là trống không (vide), còn chữ oke (nguyên chữ : okesutura) có nghĩa là ban nhạc. Hai chữ nhập lại có thể chỉ định một ban nhạc không có ca sĩ, hoặc một bản đàn đệm. Ngày nay, karaoke (có thể viết karaoké như người Pháp, hoặc ka ra ô kê như người Việt) vừa chỉ định thú tiêu khiển, vừa có nghĩa máy móc liên quan đến loại giải trí này, hoặc các phòng ốc, nhà hàng được trang bị máy móc để thu hút giới thích ca hát.

Theo nhiều người thì karaoke phát xuất từ những quán nhậu (bar) tỉnh Kobé, nằm về phía tây Nhật bản. Người ta đồn rằng có một ông chủ nhà hàng nọ thường mời quan khách lên sân khấu hát mỗi khi ban nhạc thiếu người. Họ thay ban nhạc bằng nhạc máy để đệm cho những ca sĩ bất đắc dĩ này. Có người lại quả quyết rằng mỗi lần thiếu ca sĩ, chủ nhà hàng lại mời khách lên máy vi âm để hát thế. Dù sao chăng nữa thì họ cũng gặt hái được thành quả không ngờ.

Cho đến bây giờ, trò tiêu khiển này vẫn thịnh hành trong xã hội Nhật, vì những lý do văn hóa và lịch sử. Ngày trước, sau bữa tiệc họ thường bắt đầu cuộc vui bằng một bài hát. Một người trong bàn tiệc đứng lên và đi quanh bàn tiệc, vừa đi vừa hát hò, dĩ nhiên bài hát phải vui, phải dí dỏm, đôi khi trắng trợn, trong khi các ẩm thực viên khác vỗ tay đánh nhịp. Ngoài vấn đề vui đùa, karaoke đối với người Nhật còn là một phương thức giải tỏa ưu phiền, bớt căng thẳng sau một ngày làm việc. Đó cũng là cách giúp họ bớt mặc cảm, bớt sợ đám đông, và dễ hòa đồng với mọi người.

Ta có thể suy rộng ra rằng ở bất cứ nơi nào trên trái đất, ở bất cứ thời đại nào, cũng có một hình thức tương tự như karaoke để giúp vui cho bữa tiệc, buổi lễ, mà mục đích là nối chặt tình thân hữu trong bầu không khí cởi mở vui tươi. Thí dụ trong các hội hướng đạo thường có những mục sinh hoat và văn nghệ quanh lửa trại. Hồi còn là sinh viên Đại học Dalat, các đoàn công tác xã hội của viện cũng thường tổ chức ăn uống quanh lửa trại như thế sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Karaoke dưới dạng thức bây giờ, xuất hiện trong thập niên 60. Lúc đầu chỉ dành riêng cho hạng người có tiền, lần lần phổ biến rộng rãi, không còn trong phạm vi hàng quán, phòng trà nữa. Qua thập niên 70, máy móc đặc biệt cho karaoke bắt đầu xuất hiện và từ đó phong trào này phát triển mạnh mẽ. Vào giữa thập niên 80, máy hát karaoke dùng trong gia đình càng ngày càng được cải tiến, giúp cho người nào hay e lệ, sợ khán giả chê cười cách mấy chăng nữa, cũng có thể cầm micro mà ê a những giòng nhạc mà mình ưa thích.

Một giàn máy karaoke bao gồm một máy truyền hình, một máy vi âm, một máy đọc và băng hoặc dĩa hát. Mới đầu karaoke được truyền hình qua các băng magnétophone, sau đó người ta sáng chế ra nhiều thể loại như CD-G, VCD, DVD, Dvix, MP3, I-Pod v.v…Tại sao có máy trổi nhạc đệm rồi lại còn phải có máy truyền hình? Bởi vì phần đông thích hát nhưng không thuộc lời. Không thuộc lời thì có nhạc cũng như không. Dĩa hát vừa cho nghe nhạc vừa in chữ lên màn ảnh. Đèn nổi lên ở chữ nào, người hát cứ thế mà hát theo.

TỪ KARAOKE TRONG GIA ĐÌNH

Dĩ nhiên người hát, dù là hát karaoke, cũng phải chú ý đến giọng hát và nhịp điệu. Thông thường thì người ta chọn những bài dễ hát, đã nghe qua nhiều lần, và nhịp phải chậm để còn lấy hơi đuổi kịp những câu hát hiện trên màn ảnh. Hát không phải là đọc. Cho nên nhiều người tập hát bằng cách hát nhái theo ca sĩ; khi nào thành thuộc rồi mới dám tắt tiếng hát trong máy để chỉ còn nhạc đệm. Có rất nhiều gia đình giải trí cuối tuần bằng karaoke, cha mẹ con cái cùng nhau mở máy ra hát, thậm chí ông nội bà ngoại cũng tranh đua thử giọng với đám con nít. Ở ngoại ô phía nam Paris, có một vài gia đình thường luân phiên tổ chức ăn uống và hát karaoke. Đôi khi tranh nhau hát, tranh giành cả bài hát và thứ tự để được hát, khiến nhiều cụ già tức khí, hờn giỗi, mất cả tác phong.

Những năm đầu, nếu bài hát trong dĩa do một nữ ca sĩ hát thì phải là một phụ nữ hát theo mới đúng giọng, chứ nam giới mà hát một bài hát giọng nữ thì hỏng bét, vì giọng nữ thấp hơn giọng nam. Sau này máy móc tân kỳ hơn, có thể đổi “ton” nữ ra nam hoặc ngược lại, làm cho ai thích bài nào cũng chọn được “ton” thích hợp cho giọng ca của mình. Nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng nhiều loại máy được chế tạo và biến đổi luôn luôn. Mấy năm gần đây, người ta thấy xuất hiện mấy loại micro trong đó chứa đựng 18 000 bài hát. Chỉ việc cắm micro đó vào máy truyền hình là có thể hát theo. Năm nay loại máy này càng tối tân hơn nữa. Đó là loại micro không giây, chứa được 60 000 bài hát, bằng 6 thứ tiếng. Bài hát được xếp thứ tự a b c và đánh mã số. Hát đúng giọng và đúng nhip sẽ được chấm điểm cao (cao nhất là 100 điểm), giống những loại máy thường thấy trong các phòng karaoke chuyên nghiệp.

ĐẾN KARAOKE TRƯỚC CÔNG CHÚNG

Hát ở nhà mãi rồi cũng chán. Không lẽ cứ “mèo khen mèo dài đuôi”, hay là “mẹ hát con khen hay” mãi? Thành thử nhiều người muốn “thử phổi” trước đám đông, để xem mình hát có hay thật không, có tiến bộ tí nào không. Lúc đầu thì mạnh dạn “lên” micro trong các bữa tiệc, dần dà rủ nhau đi đến phòng trà, nhà hàng, nói chung là những nơi có nhạc karaoke.

Tại Á châu, như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn quốc v.v…trong các tiệm ăn lớn người ta thường bắt gặp những phòng karaoke chứa đến 20 người, trang bị máy móc hảo hạng, ánh sáng êm dịu, âm thanh tuyệt vời. Tại Pháp, Hoa kỳ, những nhà hàng có nhạc do người Việt làm chủ, chỉ hoạt động mạnh vào cuối tuần. Lý do là vì trong tuần ai cũng phải đi làm, nên không dám ăn chơi xả láng. Để lôi cuốn khách hàng, chủ tiệm phải chen vào chương trình ca nhạc “sống” bằng những giây phút dành cho karaoke.

Ở Viêt Nam, karaoke là một thú tiêu khiển thịnh hành nhất từ mười năm nay. Nếu trước 1975 người ta thường đến khiêu vũ trường để giải trí thì ngày nay, tuy cũng có phòng trà “nhảy đầm”, nhưng khuynh hướng chung là muốn hát. Vui cũng hát, buồn cũng hát, không vui không buồn nhưng có dịp là rủ nhau đi hát. Hát hay hát dở không thành vấn đề. Miễn là giành được micro để phô trương tài nghệ, không cần ai khen cũng chẳng sợ ai chê. Mỗi cuối tuần phòng karaoke nào cũng có người thuê. Đã thế, trong tuần, sau giờ tan trường, tan sở, các địa điểm karaoke nổi tiếng của Sài Gòn không bao giờ vắng khách.

Có hai loại phòng karaoke: một loại dành cho sinh viên học sinh, còn lại dành cho tầng lớp đi làm hoặc dư dả. Có nơi còn hạ giá cho đám còn đi học, chỉ tính tiền giờ, vì các cô cậu dành dụm không được bao nhiêu, hơn nữa đôi khi còn phải góp lại mới đủ trả tiền phòng. Vì thế nên mới có những trường hợp tiết kiệm thời giờ như sau: Cô cậu nào cũng có bài hát “tủ”, lại còn thuộc lòng mã số của bài hát đó. Vừa vào phòng karaoke, họ không mất công lật sách tìm bài hát. Họ chỉ việc bấm vào télécommande đúng mã số là bài của họ hiện ra. Người nào có điện thoại di động thì lưu mã số bài hát vào đó và như thế đỡ thêm thời gian lục lọi. Người đi làm thì ăn chơi cuối tuần, hoặc nhân cơ hội này nọ, chẳng hạn sinh nhật, hội họp. Cách giải trí của họ cũng khác sinh viên học sinh. Giới trẻ thường tranh giành, khiêu khích hoặc cá độ, còn dân đi làm điềm đạm hơn, thích hát đôi hoặc ba, nhiều khi song ca nam nữ. Tuy thế, họ cũng thích chia phe để xem bên nào hát hay hơn; cặp nào hát kém điểm sẽ phải trả tiền thuê phòng chẳng hạn.

ĐI XA HƠN NỮA

Có một dạo trong vùng ngoại ô Paris, phong trào karaoke lên đến cao độ, đến nỗi nhiều nhóm được thành lập để tổ chức ca hát mỗi tuần. Nhóm của anh Võ Ngọc Hưng K3 có lúc tập họp đến hơn trăm người, gồm đủ thành phần trong giới Việt Nam hải ngoại, từ bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đến kỹ sư, tư chức, doanh nhân…Vì đông như thế nên họ phải tổ chức mỗi tuần một nhà mới có đủ thời gian để mọi người có cơ hội trổ tài. Anh Hưng còn có sáng kiến dàn dựng những màn nhạc cảnh với y phục thích ứng cho nhiều người trình diễn. Những mục đặc biệt này rất “ăn khách” trong các buổi tiệc hay đại nhạc hội vùng Paris.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, có phong trào thâu giọng hát vào CD. Người thì làm album cá nhân, người thì góp tiền để làm album hợp tuyển các giọng ca. Thu được vài trăm CD để tặng bạn bè, vừa rẻ vừa hay, vừa lưu lại giọng hát “để đời”.

Anh Nguyễn Quang Tùng K7-dân đi chơi biết anh qua tên Michel Tùng- chơi nhạc mỗi tuần cho các phòng trà và tại tư gia nhân dịp hội hè, cho nên có rất nhiều kinh nghiệm về dân tình hát xướng. Anh cho biết có nhiều người hát karaoke rất “phê”, có lẽ còn hay hơn ca sĩ thực thụ vì một lý do đơn giản là họ chỉ hát có một bài mà thôi; hát tới hát lui chỉ có một bài thành thử giọng ca nghe như “có tâm sự”. Anh còn nói bây giờ dân chúng vào phòng trà chỉ chờ được lên hát, chỗ nào không có karaoke thì không chịu đi.

KHUYNH HƯỚNG MỚI

Nhờ karaoke nên nhiều người trở nên dạn dĩ với sân khấu, và “thừa thắng xông lên” muốn hát với nhạc “sống”. Sự thực thì tuy rằng hát karaoke có vẻ dễ vì có lời sẵn trên màn ảnh, nếu khớp thì vẫn không sợ quên. Nhưng máy móc lúc nào cũng là máy móc. Nếu người hát bị trật nhịp hay hát sai “ton” thì máy đâu có thể sửa được. Ngược lại, người đàn, nhất là người đàn có kinh nghiệm, thì dễ dàng theo kịp hoặc đánh theo người hát. Dù muốn dù không, karaoke cũng giúp nhiều người bớt ngại ngùng khi phải bước lên sân khấu. Karaoke chỉ là bước khởi đầu cho sự mê thích ca hát. Nhiều người thấy người khác hát dễ dàng quá, hát hay quá, nên thuê thầy về dạy hát (chỉ học hát thôi chứ không cần học ký âm pháp). Người thì học với thầy đàn, người thì học với ca sĩ đã vang bóng một thời. Một bà nọ ở Gia Nã Đại, sau môt bữa tiệc, nói với chồng rằng bà muốn ghi tên học hát. Ông chồng suy nghĩ ba phút rồi nhỏ nhẹ nói: “ Em học đàn có lẽ hay hơn em ạ”. Ông này thật tế nhị nên không muốn nói bà vợ hát tệ quá.

Ở đây xin mở dấu ngoặc. Cách đây vài tháng, chị Nguyễn Thiện Nhiên K1 có kể trên diễn đàn Thụ Nhân 1-2 một mẩu chuyện vui “Thọc néc mới cười” hay “Đàn gảy tai trâu”, và chị cam đoan chuyện này thật 100%:

“Ông xã Thiện Nhiên có một cái hồ cá vàng nuôi ở trong nhà. Một hôm, ông ấy gọi Thiện Nhiên và nói:

-“Em à! Anh chẳng hiểu sao từ ngày em đi học đàn piano đến giờ, cá của anh nó chết nhiều quá!”

Thiện Nhiên tức quá, bèn đem câu chuyện này mách với ông thầy dạy đàn để cầu cứu:

- “Thưa thầy, hôm nay em có một chuyện cần nói với thầy“.

-Chuyện gì? Có quan trọng không?

Ông thầy hỏi.

- Thưa thầy, quan trọng lắm.

Thiện Nhiên trả lời:

- “Thầy xem, em đánh đàn hay như thế đấy mà ông xã em bảo em đàn đến đâu thì cá của ông ấy chết đến đó. Có tức không?

Sau vài giây ngẫm nghĩ, ông thầy bèn trả lời:

- Theo thầy thì em về nhà nói với ông xã rằng đừng nuôi cá nữa, mà mua trâu về nuôi. Thầy bảo đảm chắc ăn 100%, nó không bao giờ chết.

Một lý do khác khiến nhiều người không thích karaoke là vì đứng hát mà nhìn vào màn ảnh thì thiếu tự nhiên, hát không hồn. Dĩ nhiên nếu chỉ biết môt bài hát, khi đã thuộc bài rồi thì đâu cần nhìn vào chữ hiện trên télé nữa. Cứ thả hồn theo tiếng nhạc mà ngân nga. Khi đã thuộc bài cũng không cần máy, có thể hát với ban nhạc được rồi. Những nhạc sĩ này được gọi là one-man-band (ban nhạc một người). Còn hát karaoke mà có người đàn là “karaoke live”. Những nhạc sĩ này thường chơi synthétiseur (gọi tắt là synthé) hay keyboard, một loại đàn nhái được đủ loại đàn khác, nên một người gõ nốt nhạc mà nghe như cả một ban nhạc đang chơi. Lúc hứng khởi, người đàn có thể chơi xuất hồn và người ca được lôi cuốn theo đôi khi hát nghe cũng “tâm trạng” lắm.

Tại các thành phố đông người Việt bên Hoa kỳ, những nhạc sĩ này được thưởng tiền “boa” (pourboire) mỗi khi có khách lên hát. Tiền này do chính người khách hay bạn bè kín đáo bỏ vào một hộp giấy mà người MC đi mời mỗi bàn. Đây là một hình thức cảm ơn người nhạc sĩ đã đàn đệm cho mình. Ở Sài gòn, có tiệm Marco Polo- anh em gọi tắt là Polo- do anh Phạm Chí Thành và anh Cao Đình Phúc cùng khóa 1 làm chủ. Tiệm ăn dưới nhà, còn trên lầu dành cho những người yêu nhạc. Tại đây ban nhạc có ba người, có một cô ca sĩ thường trực. Thực khách muốn hát thì kèm tiền “boa” vào tờ giấy ghi tựa bài hát và một bông hồng để sẵn trên bàn, trao cho ban nhạc. Vừa tế nhị vùa kín đáo. Tập quán này chưa thấy ở Paris.

TƯƠNG LAI KARAOKE

Xem ra hát trước công chúng, dù dưới một dạng thức nào đi nữa, cũng tốn tiền không ít. Tuy đã yêu thì không tính toán (quand on aime, on ne compte pas) nhưng lực bất tòng...hầu bao cho nên nhiều người phải “liệu cơm gắp mắm”, đành phải trở về thú vui ít tốn kém nhất. Dù đã biến dạng nhưng karaoke vẫn còn nhiều ngày đẹp trời trước mắt. Ngày nay, karaoke có thể coi như một món ăn tinh thần cho mọi giới và nhất là những người yêu thích ca hát.

Ngoài khía cạnh thanh lịch và hấp dẫn, karaoke còn có tác dụng bổ ích cho sức khỏe. Theo bác sĩ, tiếng hát khiến chúng ta thoải mái là vì nó làm cho ta hô hấp dễ dàng. Dễ thở theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tập thở là trọng tâm của sự luyện hát. Mục đích của sự luyện tập này giúp cho ta thở bằng bụng, chậm và sâu, khác hẳn cách thở phiến diện thông thường. Phương thức này giúp ta điều động hơi thở theo ý muốn, đưa đến khỏe khoắn và thoải mái, chống lại căng thẳng của đời sống hằng ngày. Nếu giọng hát đặt đúng cách, thần kinh sẽ giãn ra, tình cảm biểu lộ dễ dàng hơn. Các nhà bác học khám phá rằng hát làm cho óc phía bên phải làm việc nhiều hơn. Được biết, óc bên phải nhậy cảm và sáng tạo, còn óc bên trái chuyên lý luận và suy nghĩ. Vậy thì hát nhiều sẽ tái lập quân bình, rất thuận lợi cho sự phát triển nhân tính. Hát bổ ích cho tinh thần cũng như cho cơ thể. Đặc biệt nó rất hữu ích cho gân cốt. Những động tác cần thiết cho giọng hát đúng âm điệu giúp cho bắp thịt trên mặt giữ được sự dẻo dai, đàn hồi. Thế đứng trong khi hát cũng bắt buộc cả thân hình làm việc. Người tập hát còn nhận thấy nhiều biến đổi khác: buồng phổi nở hơn, bụng cứng hơn. Và cuối cùng, một điều quan trọng không kém là không khí hít vào trong phổi sẽ gia tăng dưỡng khí trong huyết quản, trong óc.

Ta có thể tạm kết luận là nhờ tính cách bổ ích, thanh lịch và hấp dẫn, ngày nào con người còn thích ca hát, ngày nào tiếng hát còn làm vơi được tâm sự, ngày đó karaoke còn tồn tại.

Paris, 24 tháng 6, 2006