Lịch Sử Đang Rảo Bước Trong Vùng Đông NamÁ

GS Vương Văn Bắc

BBT: Bài này Giáo sư Vương Văn Bắc viết từ ngày 04 tháng 12 năm 2005 nhưng nay mới ra mắt độc giả. Xin chân thành cáo lỗi cùng Giáo Sư và tất cả đồng môn về sự chậm trễ ngoài ý muốn này.

Dù không chuyên chú theo dõi thời sự bang giao quốc tế, chúng ta cũng phải nhận thấy là trong khoảng thời gian ngắn chưa đầy hai tháng vừa qua, rất nhiều sự cố chính trị liên quan đến vùng Đông Á - Thái Bình Dương đã diễn ra: Tổng Thống Mỹ George W. Bush viếng thăm Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Quốc, Mông Cổ; Tổng Thống Nga Vladimir Putin viếng thăm Nhật Bản; Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam, sau khi Thủ Tướng chính quyền Hà Nội được tiếp đón ở Hoa Thịnh Đốn; đại hội toàn thế giới của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (W.T.O) nhóm họp tại Hồng Kông, sau khi hội nghị thượng đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu và Thái Bình Dương (A.P.E.C) vừa bế mạc tại Pusan (Đại Hàn) . . .

Rõ ràng Lịch Sử đang rảo bước đi nhanh trong vùng này. Nhịp gia tốc làm chóng mặt này khác hẳn với mức chậm chạp, trì trệ của biến thiên chính trị trong thời chiến tranh lạnh, khi người ta phải chờ 23 năm từ ngày đảng Cộng Sản Trung Hoa giành được chánh quyền trên Hoa Lục (1949) đến ngày Tổng Thống Mỹ Nixon sang viếng thăm Trung Quốc (1972), rồi còn chờ thêm sáu năm nữa mới thấy Nhật Bản và Trung Quốc ký kết bản hiệp ước hòa bình và thân hữu (12 - 08 -1978), theo đó đôi bên cam kết sẽ không xướng xuất và sẽ chống lại mọi mưu đồ giành bá quyền trong vùng Đông Thái Bình Dương.

Bài viết ngắn này không tham vọng tường thuật và phân tích đầy đủ những biến diễn chính trị mới đây có liên quan và ảnh hưởng tới vùng Đông Nam Á. Người viết chỉ có một mục đích khiêm tốn hơn nhiều, đó là thẩm lượng ý nghĩa và chiều hướng chung của sự cố ấy, rồi ước định thách đố và đòi hỏi của những biến cố ấy đối với Việt Nam.

Ý NGHĨA THỰC VÀ CHIỀU HƯỚNG CHUNG

Trước hết, thiết tưởng không cần gán quá nhiều quan trọng cho những biến cố, tuy tạo ra nhiều hình ảnh đẹp hay nhiều ấn tượng mạnh, như cảnh Tổng Thống Bush đứng trong một nhà thờ Tin Lành ở Bắc Kinh với vị mục sư bản xứ và đoàn hợp xướng thánh ca, hay cảnh Tổng Thống Brush cùng hai mươi vị nguyên thủ khác lụng thụng trong bộ áo lễ hanbok Cao Ly trong hội nghị A.P.E.C ở Pusan. Nói theo thuật ngữ của chuyên viên, đó chỉ là những dịp tốt để chụp ảnh đẹp (photo ops), ngõ hầu gây phản ứng thuận lợi trong dư luận trong nước cũng như ngoài nước. Trong trường hợp Tổng Thống Bush là cho dân chúng nước ngoài thấy rằng Hoa Kỳ quý trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của nước họ, cho thành phần dân chúng Mỹ thiên hữu và sùng đạo thấy rằng vị lãnh đạo của mình tận lực bênh vực tự do tín ngưỡng cũng như vị thế của Hoa Kỳ trong khi công cán ở nước ngoài.

Nếu không quá chú trọng đến những toan tính chính trị thông thường ấy, ta sẽ nhận thấy chủ đích của những hành động chính trị nhắc ở trên là củng cố, tăng cường địa vị chiến lược của nước sở quan trong cuộc tranh chấp - chính trị hay võ trang - có nhiều khả năng diễn ra trong vùng Đông Á và Thái Bình Dương để định đoạt ngôi vị bá chủ, ngôi vị siêu cường số một trong thế kỷ hai mươi mốt. Các sự cố nhắc trên cho thấy chiều hướng chung để nhằm thực hiện chủ đích ấy là phát huy hơn nữa tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc ngay trong nước mình, hơn là giành thêm đất đai, lập thêm căn cứ quân sự, tuyên truyền chủ nghĩa, hoặc mộ thêm đồng minh.

Trường Hợp Nhật Bản

Trường hợp Nhật Bản là một minh chứng rõ rệt nhất cho chiều hướng này. Khi cho phát hành những bộ sách giáo khoa sử ký làm nhẹ bớt tính cách độc ác của cuộc xâm lăng Trung Quốc và nhiều nước vùng Đông Nam Á của quân đội Phát Xít Nhật trong những thập kỷ 30 và 40 của thế kỷ trước, cũng như khi đích thân đi lễ đền thờ liệt sĩ (trong đó có thờ những tội phạm chiến tranh), Thủ Tướng Junichiro Koizumi không phải không tiên đoán được là những cử chỉ ấy sẽ tạo ra những phản ứng chống đối mạnh ở những quốc gia nạn nhân, như Trung Quốc, Đại Hàn, Bắc Triều Tiên… Tuy vậy, Thủ Tướng Koizumi vẫn làm những việc ấy, có thể vì ông nghĩ rằng nhu cầu cấp bách là hâm nóng lại tình tự dân tộc, lòng tự hào dân tộc, vốn là truyền thống của xã hội Nhật, nhưng đã bị nguội lạnh phần nào sau nửa thế kỷ văn minh vật chất. Thực tế là sau khi có những hành động ấy, nhiều cuộc biểu tình bạo động quy mô đã xẩy ra ở Trung Hoa, làm cho nhiều cơ sở kinh doanh của Nhật bị thiệt hại. Mặc dù vậy, ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Thủ Tướng Koizumi lại đến làm lễ tại đền thờ liệt sĩ nói trên. Không những thế, ông lại còn bổ nhiệm vào nội các mới hai nhân vật nổi tiếng là có tinh thần quốc gia chủ nghĩa cao độ: Ông Shinzo Abe làm Tổng Bí Thư Nội Các và ông Taro Aso làm Bộ Trưởng Ngoại Giao. Quan trọng hơn nữa, Đảng Tự Do Dân Chủ, đảng cầm quyền ở Nhật Bản, đã đưa ra dự án tái võ trang Nhật để tiến tới một quân lực xứng đáng với địa vị cường quốc của nước này. Những biến chuyển mới ấy, cộng với những mối tranh chấp hiện hữu về mỏ dầu khí, về ranh giới lãnh hải, về chiếc ghế thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc… khiến cho viễn tượng một cuộc khủng hoảng lớn trong bang giao Trung Nhật ngày càng trở thành hiện thực.

Trường Hợp Trung Quốc

Ngoài những hành động bang giao quốc tế vừa kể, như đón tiếp Tổng Thống George W. Bush của Hoa Kỳ, như Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào công du Việt Nam và Bắc Triều Tiên, như khai mạc đại hội Tổ Chức Thương Mại Thế Giới tại Hương Cảng, rõ rệt nhằm xác định vai trò lớn của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế, ta còn có thể để ý đến những thành tựu kỹ thuật xuất sắc mới đây của nước này, đặc biệt là vụ phóng thành công phi thuyền Thần Châu VI có người lái lên không gian trong sáu ngày, rồi vụ hoàn thành tuyến đường sắt Thanh - Tạng đi từ Thanh Hải đến thủ đô Tây Tạng, trên những đỉnh núi cao chót vót khoảng bốn nghìn thước. Những công trình tốn kém hàng chục tỷ Mỹ kim ấy được tạo ra với mục đích gì? Theo thiển ý người viết, dụng tâm của việc xây dựng đường sắt Thanh - Tạng rõ rệt là chính trị, nhằm thắt chặt hơn nữa Tây Tạng vào cộng đồng Trung Quốc và ngăn ngừa một xu hướng ly tâm và đòi độc lập, tự chủ của nhân dân Tây Tạng. Còn việc phóng phi thuyền Thần Châu VI vào vũ trụ với hai «thái không gia» (Taikonautes) ngồi trong, thiển nghĩ sau bao nhiêu lần phóng phi thuyền có người lái của Hoa Kỳ và của Nga, rất ít khả năng là chuyến bay ấy mang lại được nhiều khám phá khoa học mới mẻ và hữu ích. Như vậy mục đích duy nhất - nhưng rất đáng kể - trong giả thuyết có một cuộc đấu tranh chiến lược, là phát huy gấp bội niềm tự hào dân tộc trong đầu óc của hơn một tỷ người dân Trung Hoa, khi họ thấy nước họ tiến lên ngang hàng với Nga Mỹ, vượt trước Nhật Bản và các nước thuộc cộng đồng Âu Châu. Ngoài ra thành công trong việc phóng phi thuyền Thần Châu và sau sáu ngày bay vòng quanh trái đất, đem phi thuyền ấy trở lại mặt đất an toàn, cách địa điểm dự kiến không đầy một dặm, đã là lời cảnh báo, gián tiếp nhưng rõ rệt, cho các đối thủ tương lai của Trung Quốc là nước này đã tiến vượt bực trong khoa đạn đạo (ballistique) và có khả năng tấn công chính xác vào những mục tiêu cách xa hàng ngàn cây số, bằng tên lửa có đầu đạn hạt nhân.

Trên một bình diện khác, tại một đại hội mới đây của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào đã vạch rõ chính sách phát triển mới của Trung Quốc nhằm tiến tới một cộng đồng hài hòa, giảm bớt chênh lệch giữa quốc nội và quốc ngoại, vùng duyên hải và vùng nội địa, thành thị và thôn quê, rõ rệt là để chống lại những khuynh hướng chia rẽ, phân ly, nhằm củng cố tình đoàn kết dân tộc.

Trường Hợp Hoa K

Nếu chỉ xét qua những lời tuyên bố chính thức của các nhân vật hữu trách Hoa Kỳ và nhất là qua bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng Thống George W. Bush, ta có cảm tưởng là quốc sách hàng đầu của Hợp Chủng Quốc là chống khủng bố và binh vực phong trào đòi tự do dân chủ trên toàn thế giới. Nhưng nếu xét kỹ, ta thấy đó không phải là mục tiêu ưu tiên của chuyến công du sang Châu Á vừa rồi của tổng thống Mỹ. Quả vậy, Tổng Thống Bush đã viếng thăm Nhật Bản và Đại Hàn, hai nước đồng minh cốt cán của Mỹ trong vùng Đông Á và Thái Bình Dương, mà cũng là hai nước có quân đội Hoa Kỳ còn đang đồn trú. Tổng Thống Bush viếng thăm Trung Quốc, vừa là đồng minh khách quan, vừa là địch thủ dự kiến của Hoa Kỳ trong mọi cuộc tranh chấp mai hậu ở vùng này. Sau hết, Tổng Thống Bush viếng thăm Mông Cổ, một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong viễn ảnh một cuộc xung đột vị lai với Trung Quốc, với Nga, hay với cả hai. Hiển nhiên chuyến công du vừa qua sang Á Châu của Tổng Thống Hoa Kỳ có mục đích đầu tiên là củng cố vị thế chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng này, chứ không phải cổ võ và hỗ trợ những phong trào đòi dân chủ, đòi tự do trong vùng. Nếu có những cuộc thương thuyết ráo riết ở Bắc Kinh nhân dịp này, thì chắc đó là những cuộc thảo luận về cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, về hối suất của đồng nhân dân tệ với đồng Mỹ kim, về sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ (nói khác đi là sự bảo vệ các nhãn hiệu và các bằng sáng chế)... chứ chắc chắn không phải về số phận của tự do dân chủ ở Trung Hoa hay ở Á Châu nói chung.

Trường Hợp Nga

Sau hết, chuyến công du sang Nhật vừa qua của Tổng Thống Vladimir Putin hiển nhiên mang một mục đích chiến lược và kinh tế. Ta cũng không quên rằng, Nga cũng là một cường quốc Á Châu và Thái Bình Dương, với miền Tây Bá Lợi Á (Sibérie) rộng mênh mông nhưng ít dân cư và ít khai thác. Ông Putin sang Nhật để thảo luận vấn đề cung cấp dầu lửa và khí đốt cho Nhật Bản, vấn đề chủ quyền cho bốn hòn đảo trong quần đảo Kuril mà Nga đã chiếm cứ trong thời kỳ Thế Chiến II, nhưng nhất là để đề nghị Nhật Bản hợp tác với Nga khai thác mở mang miền Tây Bá Lợi Á, một công cuộc vĩ đại có khả năng thay đổi cán cân so sánh lực lượng và tương quan chiến lược trong vùng Thái Bình Dương. Trước thái độ càng ngày càng đối nghịch của Trung Quốc và Cao Ly, Nhật Bản có thể siêu lòng trước viễn tượng này.

HẬU QUẢ VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Những biến chuyển dồn dập và nặng ý nghĩa ấy có thể ảnh hưởng gì và đặt ra bài toán nào cho Việt Nam?

Khuôn khổ bài viết này chỉ cho phép đưa ra mấy nhận xét sau đây để thử trả lời câu hỏi ấy:

Các biến cố dồn dập kể trên rất có thể báo trước một cơn khủng hoảng, một tranh chấp nghiêm trọng trong vùng Đông Á, giữa hai hay nhiều cường quốc vùng này. Dĩ nhiên trên đây chỉ là một lời dự đoán chứ không phải là một khẳng định: khi trời kéo mây đen và nổi

gió lạnh, rất có thể là sẽ có mưa bão tiếp theo, nhưng cũng có thể là có trời quang mưa tạnh.

1/ Trong trường hợp có khủnghoảng hay tranh chấp, có nhiều khả năng là Việt Nam sẽ bị lôi cuốn vào cuộc khủng hoảng tranh chấp ấy. Đây cũng chỉ là một lời dự đoán, nhưng điều dự đoán này dựa trên nhiều cơ sở đáng tin cậy.

Quả vậy:

* Về mặt địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Đông Nam Á vì nằm trên các trục lộ giao thông thiết yếu, lại có dân số tương đối đông đảo, nên tự nhiên được (hay bị) các cường quốc lưu ý khi có tranh chấp trong vùng này.

* Về mặt kinh nghiệm lịch sử, Việt Nam thật sự đã bị các nước khác cố ý lôi cuốn vào những cuộc tranh chấp trong vùng: Trung Hoa đã đòi mượn đường đi qua Việt Nam để tấn công Chiêm Thành; thực dân Pháp thời cực thịnh đã sử dụng lưu vực sông Hồng để xâm nhập Vân Nam và Hoa Nam; quân đội Nhật đã đòi sử dụng các căn cứ miền Bắc Việt để tiến hành chiến tranh chống Trung Quốc; Nga Hoàng đã cho hạm đội buông neo ở Cam Ranh trước khi đi giao chiến với hạm đội Nhật ở eo biển Đối Mã (Tsushima); Hoa Kỳ đã nhẩy vào cuộc chiến Việt Nam hồi giữa thế kỷ hai mươi ngõ hầu ngăn chận bước Nam tiến của Trung Cộng.

* Thời sự gần đây, như việc ông Phan Văn Khải được đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc (Hoa Thạnh Đốn); việc nhân viên cấp cao của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đến Hà Nội để bàn chuyện hợp tác huấn luyện quân sự; việc ông Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam và hứa hẹn cấp tín dụng... cũng nêu lên ý đồ lôi kéo Việt Nam vào những cuộc tranh chấp vị lai trong vùng.

1. Để chống lại những áp lực nhằm lôi cuốn Việt Nam vào những cuộc tranh bá đồ vương giữa các đại cường (những cuộc tranh chấp này không có liên hệ nào tới sự sống còn của nước mình), Việt Nam phải rất mạnh để cho các cường quốc hữu quan e nể và tôn trọng sự lựa chọn đứng ngoài cuộc của mình. Sức mạnh tối đa ấy có thể tìm thấy ở đâu?

2. Để trả lời nghiêm chỉnh câu hỏi trên, ta phải thành thật nhìn nhận Việt Nam không phải là một cường quốc nhờ những điều kiện tự nhiên: Nước ta không có dân số hàng tỷ người; không có diện tích hàng triệu cây số vuông; không có tài nguyên thiên nhiên đầy ắp trên mặt đất hay dưới lòng đất. Nước ta cũng không có hàng loạt vũ khí hiện đại có tầm rất xa và có sức tàn phá rất mạnh. Trong lịch sử độc lập của nước mình, sức mạnh lớn nhất - có thể nói là độc nhất - là lòng yêu nước và tình đoàn kết của toàn dân, nối liền thành phần thống trị và thành phần bị trị, nói tắt một lời là ‘‘Tinh Thần Diên Hồng’’. Ngày nay, để làm sống lại tinh thần Diên Hồng ấy, không có cách nào khác hơn là thiết lập một chánh thể thật sự dân chủ, thật sự tôn trọng tự do, không có chỗ cho độc tôn, độc quyền và độc đảng. Chuyện ấy không dễ thực hiện, nhưng là giải pháp duy nhất để đối phó những vấn đề cam go của thời đại, chẳng những mối lo phương Bắc mà còn bao nhiêu đe dọa khác, như tệ nạn tham nhũng, nguy cơ chia rẽ, đe dọa ô nhiễm, bệnh tật, rủi ro tụt hậu kinh tế, nhịp suy đồi của đạo đức phong hóa v.v.

Lịch sử đang rảo bước trong vùng Đông Á, Việt Nam cũng phải làm gấp việc phải làm để khỏi bị bỏ lại bên đường./.

Paris, ngày 04 tháng 12 năm 2005

clip_image002