Mạn Đàm Ngày Tết

Lê Đình Thông

‘‘Gần nhà xa ngõ’’. Trong phần mạn đàm trước bữa tiệc tân niên tổ chức tại Le Palanquin Chiếc Cáng, (Kiệu - Vang Bóng Một Thời) của Cô Từ Dung là hiền nội của GS Trần Văn Ngô, thầy Niên Trưởng Vũ Quốc Thúc nhắc câu thành ngữ thể hiện rất đúng buổi họp mặt hôm ấy. Bởi vì, xa ngõ ngách quê hương đến ngàn dặm, thầy trò Thụ Nhân ở gần căn nhà Đại Học.

Một khi quay về căn nhà Thụ Nhân, hoài niệm Thụ Nhân nung nấu tâm can lâu nay chợt bùng dậy. Đặc San Thụ Nhân gợi lại cơ duyên dẫn đến Đại Học Đà Lạt.

Đặc San Thụ Nhân: Thưa Thầy Vũ Quốc Thúc,Thầy đã đến với Đại Học Đà Lạt như thế nào?

GS Vũ Quốc Thúc: Nói đến Đại Học Đà Lạt, tôi nhớ đến hai nhân vật. Nhân vật thứ nhất là giáo sư Phó Bá Long. Giáo sư Long là người giới thiệu tôi và yêu cầu tôi một cách tha thiết góp phần vào việc giảng huấn và xây dựng trường CTKD. Chúng tôi đã chung liên danh ứng cử Thượng Viện VNCH năm 1967. Sự liên hệ không chỉ thu hẹp trong Đại Học Đà Lạt. Nhânvật thứ hai ghi dấu ấn sâu đậm là Linh Mục Viện Trưởng, nay là Đức Ông Nguyễn Văn Lập. Nhờ sự giới thiệu của GS Long, tôi có ngay lòng quý mến, thông cảm với Cha Lập. Tôi nhớ mãi những buổi lên Đà Lạt giảng dạy, hàng ngày được ăn cơm chung, và qua đàm đạo, tôi nhận thấy Cha Lập có cái nhìn xa trông rộng, không riêng gì ở cương vị Viện Trưởng. Ngài tạo mối dây tình cảm bền chặt gắn bó giữa các giáo sư với Viện Đại Học. Tôi mong lời nói hôm nay đến với Ngài.

Đặc San Thụ Nhân: Thưa Thầy Vương Văn Bắc, Thầy đã đến với Đại Học Đà Lạt như thế nào?

GS Vương Văn Bắc: Thay vì trả lới từng câu hỏi, tôi xin nói cảm tưởng của tôi đối với trường cũ. Tôi đã nói nhân tang lễ Cha Viện Trưởng. Tôi muốn thêm ở đây là sau năm học, tất cả hợp chung thời kỳ giảng dạy trở thành khối kỷ niệm quý báu, vì tổng hợp giữa không gian thanh tịnh của Đà Lạt và sự tiếp xúc niềm nở và sự đón nhận tin cậy của sinh viên. Nếu cần gợi riêng một kỷ niệm chính là lúc giảng day môn chính trị học. Có những buổi chiều lạnh mát, tôi cùng cha Viện Trưởng và các bạn đồng nghiệp uống ly cà phê để dìm mình trong cuốn sách, gợi lại thời kỳ 40, 50 để trình bày trước các sinh viên hôm sau. Với sự thấm nhuần đó, tôi cùng các sinh viên đàm đạo về đề tài trong ngày. Tôi không đưa ra giáo án trước, vì phương pháp khẩu truyền thích hợp với đại học. Tôi nhớ lại các bậc hiền triết, thầy trò cùng nhau đàm luận, tìm hiểu sự thật. Tôi theo lối giảng dạy phù hợp với truyền thống khẩu truyền. Sau này tôi thắc mắc về việc đưa trước bố cục và tóm lược. Sau nhiều năm tôi rất thắc mắc cho đến một hôm, một sinh viên kể lại trong thời sinh viên còn đang chọn trường, một hôm ghé lại giảng đường tình cờ nghe tôi diễn giảng đã quyết định ghi danh học CTKD. Lời phát biểu đó khiến tôi quan tâm. Không làm phí thì giờ của các sinh viên. Tôi vẫn quý Đại Học Đà Lạt, mỗi khi có buổi họp Thụ Nhân tôi đều đến dự. Tôi rất trân quí tình cảm của các bạn dành cho chúng tôi. Tôi xin cám ơn.

Đặc San Thụ Nhân: Thưa Thầy Vũ Quốc Thúc, Thầy nghĩ gì về tinh thần Thụ Nhân của Đại Học Đà Lạt?

GS Vũ Quốc Thúc: Tôi đã nói về giá trị của việc trồng người đúng với tên Thụ Nhân. Không phải là kiến thức truyền bá ở giảng đường mang lại kết quả, quan trọng là tinh thần. Tôi còn nhớ trong lễ ra trường, các sinh viên đều mặc lễ phục của từng ban một. Ở Việt Nam dù sau nhiều năm dạy học, tôi thấy đó là một việc làm rất mới, rất độc đáo. Chính nhờ ở những việc như vậy mà sinh viên Đại Học Đà Lạt cảm thấy thuộc về một cộng đồng liên đới với nhau. Trong khi đó, tôi từng là khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Saigon. Sau khi từ giã nhà trường không ai nhớ đến ai, vì trước kia ở trường Luật thiếu sự thắm thiết.

»Thành quả đẹp đẽ của Viện Đại Học Đà Lạt chính là tinh thần Thụ Nhân. Thụ Nhân không khép lại cùng biến cố 1975 chỉ trong khuôn viên Đại Học Đà Lạt. Tinh thần đó vẫn còn tiếp nối, mở rộng ra khắp chốn và trải dài theo tháng năm.«


Có trường nào cựu sinh viên có hoạt động như Viện Đại Học Đà Lạt đâu? Cái đó là thành quả nổi bật nhất. Đại Học không chỉ ban bố kiến thức? Việc tiếp thu kiến thức còn nhiều phương cách khác. Nhưng tinh thần Thụ Nhân mới là quý. Tôi luôn đến dự các buổi họp của Thụ Nhân Paris. Chính vì tinh thần đó ràng buộc rất mật thiết.

Đặc San Thụ Nhân: Thưa Thầy Vương Văn Bắc, Thầy nghĩ gì về tinh thần Thụ Nhân của Đại Học Dalat?

GS Vương Văn Bắc: Thầy Thúc đã diễn đạt đầy đủ. Ngay từ khi gặp các bạn trong giảng đường, tôi rất quý tinh thần của tập thể sinh viên Đại Học Đà Lạt. Trong giảng đường các bạn luôn phát biểu, biện luận mới mẻ. Uy tín mà Thầy Thúc nói đến là uy tín có thật. Tôi muốn nói lên điều này để các bạn cùng mừng.

Đặc San Thụ Nhân: Anh chị nghĩ sao về kỷ niệm Thụ Nhân?

Chị Quản Mỹ Lan: Mỹ Lan xin nói mấy lời sau hơn chín năm mới gặp lại thầy cô và các bạn. Các buổi gặp gỡ như thế này không phải trường nào cũng có, nó thể hiện tình liên đới nâng đỡ nhau, quan tâm rất nhiều đến các thầy cô, đến các bạn đồng học khác. Thế hệ thứ hai (Thụ nhân C) cũng được lưu ý và truyền thụ lại những nét hay đẹp mà thế hệ chúng ta đã hấp thụ được khi còn ở nhà trường. Nhiều người nhắc nhở nhau: Một ngày là Thụ Nhân một đời là Thụ Nhân. Câu này rất đúng. Tình cảm Thụ Nhân rất lạ lùng, đi đến những nơi xa lạ mà khám phá ra có mặt một Thụ Nhân thì ta có cảm tưởng như là gặp được người thân rồi. Như anh Thông vừa nói, những năm học ở Đà Lạt là thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Mỹ Lan có nhiều kỷ niệm sâu đậm với nhà nguyện Năng Tĩnh, giảng đường Hội Hữu, giảng đường Minh Thành, Thư Viện vv... Viện Đại Học Đà Lạt mang nét thơ mộng mà các trường khác hình như không có. Đến nay chúng ta đã qua lứa tuổi 50, 60 nhưng kỷ niệm Thụ Nhân là thân thương nhất. Những cuộc họp mặt như thế này khiến ta có cảm tưởng vẫn còn là sinh viên bên các thầy các cô (vỗ tay).

(Lê Đình Thông ghi lại cuộc mạn đàm ngày Tết)