Ông Thầy Tài Tử

GS NGUYỄN KHẮC DƯƠNG

Sau khi đã ở lại Pháp tìm kiếm mọi dạng thức tu trì mà không đi đến kết quả nào, tôi thấy rằng đã đến lúc trở về Việt Nam. Về miền Bắc, như tôi đã trình bày, là điều không thể thực hiện được, thì chỉ còn về miền Nam thôi. Trong tâm tư tôi, đó không phải là một sự lựa chọn chế độ, vì như trên đã nói, đối với Hội Thánh Việt Nam, trong lòng dân tộc Việt Nam, trên đất nước Việt Nam này, thì vấn đề Nam-Bắc, hai chế độ là vấn đề trần thế. Ở đâu cũng là con người với những mâu thuẫn, có khía cạnh cao thượng, có khía cạnh tầm thường, thậm chí có khía cạnh tồi tệ, cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, mà Hội Thánh là thừa tác viên, phải có mặt ở mọi nơi mà phục vụ. Về miền Nam năm 1965 chỉ là do có điều kiện thực tế thực hiện được, chứ nếu được lựa chọn thì tôi đã về miền Bắc với giáo dân Vinh là nơi tôi đã rời bỏ để theo ơn gọi đi tu, nay hoàn tục thì về chỗ xuất phát, về nơi nguyên quán, về nơi có gia đình mà năm 1950 tôi rời bỏ cũng chỉ vì lý do tu hành. Vì đối với tôi, việc chính của đời tôi là thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ trong lòng Hội Thánh, mà Hội Thánh thì phải có mặt bất cứ đâu. Trên thực tế, tôi đã về Nam ấy là vì do có điều kiện thực hiện được, còn Vinh là nơi nguyên quán xuất phát, chứ yếu tố chế độ thì không ảnh hưởng chút nào. Ở đâu tôi cũng chỉ phục vụ trong lòng Hội Thánh mà thôi. Tôi là kẻ chèo thuyền, thuyền là Hội Thánh, còn chế độ chỉ là con sông cho thuyền chèo đi qua mà thôi: nước sâu thì chèo, nước cạn thì chống, thì nhảy xuống đẩy, thuận gió thì căng buồm. Tôi không chọn sông nào cả, chỉ tùy Ý Chúa đưa vào sông nào thì tùy tiện góp phần nhỏ nhen, là giúp cho thuyền đi tới đích. Làm chứng về Thiên Chúa Tình Yêu. Tin ở sự quan phòng phù trợ của Ngài, chỉ sợ làm trái ý Ngài mà thôi.

Thế là cuối năm 1965, tôi trở về miền Nam Việt Nam. Lúc ấy anh Viện tôi cũng đã về miền Bắc năm 1964. Có điều buồn cười là một số anh em ở miền Bắc nghi ngờ cho tôi là người của anh Viện tôi gài trở về miền Nam với nhiệm vụ gì đó do miền Bắc giao cho. Một vài bạn cũ giữ chức vụ cao ở miền Nam tránh né không muốn gặp lại tôi, mãi đến khi thấy tôi phục vụ cho Hội Thánh, mới hết nghi ngờ cho tôi là cộng sản nằm vùng (có một người thú thật với tôi như vậy). Và đó là lý do khiến anh Nguyễn Văn Trung muốn đưa tôi vào dạy tại Đại học Văn khoa Saigon mà không được.

Tôi về Viêt Nam, lúc đầu có ý sẽ dạy học tại một tư thục công giáo do các linh mục thuộc địa phận Vinh di cư phụ trách. Tôi có nghĩ đến trường trung học Chính Tâm ở Phan Thiết. Thế nhưng bấy giờ anh chị em trí thức công giáo ở Saigon có ít nhiều sinh hoạt. Linh mục Nguyễn Bình An khuyên tôi ở lại Saigon, xem xét tình hình để nếu có thể, thì cùng với các anh chị em ấy làm việc, thành ra tôi nhận lời dạy triết học chương trình Pháp, tại các trường nữ tu dòng Phaolô ở đường Cường Để. Một mặt tôi trao đổi đi lại với một vài anh em tìm một dạng thức tu ở giữa đời. Nhưng sau một năm ở Saigon, tôi thấy đều chẳng đem lại kết quả gì. Đầu năm 1966, linh mục Nguyễn Văn Lập, Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt đề nghị tôi lên làm việc với ngài. Thế là niên học 1966-67 tôi lên Đà Lạt nhận dạy một số giờ triết tại Đại học Văn khoa Đà Lạt, ăn ở ngay trong trường với cộng đoàn giáo ban gồm các linh mục và tu sĩ. Bấy giờ khoa trưởng Văn khoa là linh mục Lê Văn Lý, trưởng ban triết là linh mục Lê Tôn Nghiêm. Tôi không phải là linh mục hay tu sĩ gì cả, nhưng tôi sống với Cộng đoàn Giáo ban tại Đại học cũng gần như một nhà tu: chỉ lo chu toàn bổn phận chức nghiệp dạy học. Tôi ít lưu tâm đến vấn đề chính trị bên ngoài, trao đổi với anh em đồng nghiệp cũng chỉ ở mặt chuyên môn dạy học và văn hóa mà thôi. Những năm đầu, Đại học Đà Lạt cũng gần như chỉ là chỗ tôi dung thân trong cuộc sống tạm gọi là ‘‘lạc buớc vào Nam’’ do sự trật đường rầy trên con đường tìm một dạng thức tu trì mà phải bị ném ra giữa cuộc đời thế tục, chứ lòng tôi chẳng hề dính bén về mặt danh lợi và tình duyên. Cuộc sống của tôi có chăng như là một ký túc viên cao cấp: chẳng cần sắm sửa gì, chẳng có ý định gây dựng gì cả. Ai giao việc gì thì làm việc ấy, lương bổng đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Ai cần thì cho mượn, có thì trả, không cũng chẳng đòi (nhất là một số sinh viên nghèo), chẳng dành dụm gì cả. Có khi còn phải vay mượn thêm để cho những người cần, túng tìm đến. Tôi cũng không chủ trương giúp đỡ ai lâu dài, vì không muốn ràng buộc ân nghĩa với ai. Tôi tự xem như một quán nước bên đường, thấy khách bộ hành đi ngang qua, thì mời uống bát nước chè xanh, ăn củ khoai lang qua loa thôi. Hết đợt sinh viên này qua đợt sinh viên khác, như vậy ai nhớ trở lại thăm thì vui vẻ, ai đi thẳng thì cũng không nhớ là ai. Tôi dạy học tương đối có kết quả, dần dần được các đồng nghiệp chấp nhận như là đủ trình độ, và được mời đi dạy một số giờ tại Đại học Saigon và Đại học Huế. Tuy là tận tâm, nhưng hơi ‘‘tài tử’’. Tự xem mình như một phụ khảo, một trưởng tràng giúp đỡ anh em sinh viên, chứ không tự coi như một giáo sư, bởi vì về học vị tôi mới chỉ có bằng cử nhân mà thôi. Đó là lý do khiến tôi không có giáo trình hay cho in sách vở báo chí gì cả. Bài giảng cho sinh viên, có ai ghi chép lại mà muốn nhân lên phục vụ anh em cùng lớp, tôi chỉ sửa chữa vài chỗ, rồi tùy ý họ làm gì thì làm.

Giữa hàng ngũ sinh viên, tôi như một người anh cả hơn là một vị giáo sư, do đó tương đối rất gần gũi, thân mật rất đậm tình người. Sinh viên vào phòng tôi trọ đêm, hay là ngược lại tôi ngủ ở phòng trọ của họ là thường. Ngoài giờ học thày trò quây quần quanh quán phở, cà phê cũng thường, không tổ chức thường xuyên, nhưng tôi cố gắng thực hiện cung cách của con người cùng với anh em trẻ đi tìm Chân Lý, như tôi học được nơi các thày ở Sorbonne, chứ giáo trình của tôi thì cũng xoàng thôi. Tôi có quan niệm rằng: không có ai dạy triết cho ai, không có ai học triết với ai được cả. Chỉ là kẻ trước người sau trên đường đi tìm triết lý cho mình, do mình; gặp nhau thì giúp đỡ nhau, khuyến khích nhau, nâng đỡ trao đổi kinh nghiệm với nhau mà thôi. Do đó thi cử tôi cho là phản triết học, chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ. Các đề thi của tôi thường chỉ để thăm dò ‘‘chất triết’’ nơi thí sinh, hơn là kiểm tra vốn liếng tích lũy, nên tôi thường cho điểm khá rộng. Trái lại, vào khẩu vấn, tôi mang tiếng là xoay rất ác. Thực sự là vì sinh viên đông, trong niên học ít có dịp gặp từng người, nhân dịp khẩu vấn, tôi hỏi cho đến khi biết được mức cao nhất của thí sinh, hầu hết cứ câu cuối là kẹt, nên họ tưởng là sẽ rớt, nhưng vẫn có lúc tôi cho đến 15, 16 trên 20. Tôi nhân dịp khẩu vấn để tìm phát hiện tài năng và tiếp tục góp phần bồi dưỡng họ.

Càng ngày tôi càng được các vị trong Hội đồng Quản lý Viện Đại học tín nhiệm, rồi vào dịp các linh mục Nghiêm và Đỉnh từ chức, sau khi kiếm người thay thế không ai nhận lời, tôi tiếp tục nhận chức vụ Trưởng ban Triết học và quyền Khoa trưởng khoa Văn. Sở dĩ tôi đươc giao cho giữ các chức vụ ấy, mặc dù về bằng cấp tôi chỉ có cái Cử nhân là vì một mặt tôi sống gần như các tu sĩ, tiếp cận các linh mục và tu sĩ; một mặt tôn chỉ là giáo dân, dễ tiếp cận với các giáo sư bên ngoài; cũng có phần vì tôi có được cái tính ôn hòa, vui vẻ dễ tạo được sự hài hòa giữa đời sống bạn hữu, thày trò, trên dưới; dễ dàn xếp những vụ đối kháng căng thẳng nội bộ. Do đó trong nội bộ Viện Đại học Đà Lạt cũng như trong sự tiếp xúc với các tổ chức khác, như các Viện Đại học Huế, Saigon, với các dòng, các đại chủng viện có gởi tu sĩ và chủng sinh đến học, tôi thường có sự tới lui giao tiếp hài hòa, đôi lúc đóng vai trò trung gian. Tuy học vị của tôi chẳng có là bao, nhưng dần dần có một vị trí nào đó trong giới đại học.

Mặc dầu vậy, nay xét kỹ lại, tôi vẫn thấy tôi không thực sự xem đó như là sứ mạng thực sự của mình, tuy vẫn làm việc hết mình, soạn bài kỹ, giảng dạy tận tâm, trên giao cho việc gì, ai cần giúp đỡ gì, bất cứ mặt nào, từ việc xin hoãn dịch, cho sinh viên mượn tiền ghi danh, cho đến việc tiếp xúc với chính quyền và giáo quyền, tôi đều làm hết sức lực mình để giúp đỡ và phục vụ; nhưng chiều sâu tâm hồn thì vẫn thấy lạc lõng. Sự tận tâm vẫn có đối với từng việc đưa đến chỗ không tự mình vạch ra một ý đồ, một chương trình kế hoạch nào với tư cách như đó là sự nghiệp đời mình hướng về một mục đích rõ rệt. Do đó, tôi không để lại một công trình nào cả. Chăm chú từng việc một, có thể nói là gặp gì làm nấy, làm hết mình, nhưng xong việc là thôi, rồi sang việc khác, như kẻ phục dịch bảo gì làm nấy, chứ không có thái độ tự mình làm việc do mình vạch ra theo một dự kiến duy nhất liên tục nào cả. Tận tụy nhưng tài tử, cần mẫn nhưng lung tung lang tang, lại còn cái việc hay lê tết ngoài vỉa hè, các quán cà phê, gặp ai cũng chuyện trò, cũng ăn cũng uống, cũng ngủ nghỉ, cả ở bến xe, nhà bếp, khach sạn, lân la với đủ hạng người, kể cả cao bồi, hành khất và gái giang hồ, bất chấp mọi quy định thói thường của xã hội. Ai cũng có thể mời vào tạm trú vài đêm trong phòng mình, nhưng cũng không chủ trương giúp đỡ ai dài hạn: tôi tự xem như gốc cây quán trọ bên đường, khách bộ hành mệt mỏi nghỉ tạm rồi lại ra đi, có khi không bao giờ trở lại. Nói chung, tôi có tâm tư của kẻ lữ hành giữa những kẻ cùng lữ hành, như chưa tìm đâu là chỗ ở, việc làm của mình cả, và cứ như là kẻ nghĩ rằng ngày nào đó lại nhổ lều đi cắm nơi khác.