Nhớ Về Viện Cũ Năm Xưa

Thụ Nhân Nguyễn Minh Kính

clip_image002Khoảng tháng chạp 2005, Thụ Nhân Lê Đình Thông, được anh chị em Thụ Nhân Paris giao cho trọng trách thực hiện Đặc San Paris 2006, có liên lạc với tôi nhắc viết bài cho đặc san với đề tài về những kỷ niệm, về những ngày xưa thân ái . . . nơi Viện cũ Trường xưa.

Để có chuyện kể với anh chị em Thụ Nhân, tôi phải hồi tưởng về quá khứ là điều tôi thường muốn tránh để được yên tâm. Nhưng để góp sức cùng với anh chị em, tôi phải tự cho mình biệt lệ.

Có thể nói được rằng: Những gì liên hệ đến Viện Đại Học Đà Lạt, đối với tôi, là những hình bóng quen thuộc và thân thương vẫn còn nằm sâu trong tâm khảm. Hầu như không một đường xưa lối cũ nào trong Viện thân yêu đó nhạt nhòa trong ký ức tôi vì tôi đã có cơ duyên ràng buộc với Viện suốt bốn năm trời ở giữa thập niên 60.

Hồi tưởng lại 40 năm về trước, lòng tôi cảm thấy dâng lên niềm cảm xúc rạt rào. Kỷ niệm tuổi học trò dưới mái Viện vẫn in sâu vào tâm trí tôi cho đến ngày hôm nay. Trước hết, tôi xin cám ơn với tất cả lòng tôn kính Quý Thầy Cô đã có công dạy dỗ chúng tôi. Đã 40 năm qua, bao nhiêu kỷ niệm về Viện, về lớp, về Thầy Cô, về bạn hữu hầu như đã nằm yên trong ký ức, ngủ vùi trong dĩ vãng và đang chìm sâu trong quên lãng, nếu có còn chăng thì chỉ là dư âm muộn màng còn rơi rớt lại. Miếng cơm, manh áo, gia đình, con đàn, cháu lũ, ai còn có thể có thời giờ suy nghĩ, ngược thời gian để trở về quá khứ với những giây phút chạnh lòng? Ai còn có đủ thời giờ để đếm đi đếm lại “ai còn ai mất giữa chốn lặng thầm” từ một Viện Đại Học dấu yêu đã bị vùi dập? Biết nói làm sao cho hết tình nghĩa Thầy Cô và tình bằng hữu? Viện cũ Trường xưa đã bị đánh mất từ lâu rồi, từ cái ngày đất nước bị cơn “lụt đại hồng thủy 75” tràn vào. Nhưng còn đây Thầy Cô và bạn hữu. Gặp lại hay liên lạc được với Thầy Cô, bạn hữu như thấy lại được mái Trường xưa. Nếu có một ngày nào đó hết thẩy chúng ta cùng trở về Đà Lạt, chạm tay vào cánh cổng sắt uy nghiêm, sừng sững của Viện Đại Học, đứng nhìn đám mầm non của đất nước đâm chồi nẩy lọc. Đó chẳng phải là niềm hạnh phúc chứa chan mà mỗi một người trong chúng ta hằng mong mỏi hay sao?

Tôi rời Viện đã 38 năm! Suốt thời gian dài nầy tôi đã có dịp về thăm Viện ba lần: lần thứ nhất vào khoảng đầu năm 1969 khi về Viện để dự Lễ Tốt Nghiệp trong bộ quân phục tân binh; lần thứ hai vào đầu năm 1973 khi mới lập gia đình và lần thứ ba vào tháng 06/2005 khi đưa gia đình về thăm Việt Nam sau hơn 30 năm xa xứ, sau bao lần lưỡng lự vì sợ phải nhìn lại cảnh cũ mà thiếu vắng người xưa. Trong dịp nầy, tôi được diễm phúc gặp lại hơn 40 anh chị em Thụ Nhân thuộc 2 khóa 1 và 2 CTKD trong một bữa tiệc giữa năm tại Sài gòn. Tôi cũng đã thực hiện một chuyến về miền Tây để thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn của tuổi thơ. Sau đó, tôi trở về thăm lại Viện xưa trên đường hành hương miền Trung. Nhìn cuộc sống hôm nay tại Đà Lạt, cũng như tại hầu hết các nơi mà tôi có dịp thăm viếng lần nầy, tôi thấy cuộc sống đó không có gì thư thái êm đềm. Mọi người phải bon chen lo từng miếng ăn manh áo hằng ngày. Tôi chứng kiến tận mắt cuộc sống vội vã, chen chút, lộn xộn, bừa bãi của đồng bào tại quê nhà. Tôi có đi viếng hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, thác Pongour, thác Prenn, hồ Xuân Hương, Thủy Tạ, đồi Cù ... nhưng tất cả những nơi đó không còn đẹp và thơ mộng như ngày xưa mà chỉ có hỗn độn và rác rến mà thôi. Vì đến thăm Viện vào mùa hè, nên tôi không thấy cảnh tấp nập sinh viên ra vào. Nhìn chung quanh Viện, tôi cảm nhận được rằng: Vòng rào quanh Viện còn đó, cây cỏ mọc um tùm, nhưng bóng dáng của thế hệ 64- 68 đã tản mác bốn phương trời! Bao nhiêu ước mộng nâng niu ngày xưa bây giờ có khi không còn lấy một dòng lưu bút vì biến cố 75 đã xóa gần hết kỷ niệm mà chúng ta trìu mến! Những người bạn đồng khóa với tôi nay hầu hết đều trên lục tuần, điểm lại thử ai còn ai mất? Chí hướng “dời non lấp biển” đã bị búa rìu thời gian đẽo mòn gần tới gốc! Vốn liếng nghĩa ân chắt chiu mấy mươi năm đã bị trận cuồng phong 75 quét sạch.

Trong cuộc sống tha hương, với nỗi buồn viễn xứ, những khắc khoải năm canh, cùng những vật lộn trong cuộc sống, có những lúc chúng ta đối diện với chính mình để hồi tưởng những kỷ niệm vui buồn của tuổi học trò “ăn chưa no, lo chưa tới”, thì lòng mình dâng lên một tình cảm nao nao. Dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi về Đà Lạt là Viện Đại Học, nơi mà tôi xem như là một phần của đời sống mình, trong đó có nhà nguyện, có giảng đường, có thư viện, có đại học xá, có bạn hữu, có đại gia đình của bao nhiêu thế hệ, tuy không cùng một huyết thống nhưng có chung nghĩa anh chị em, có tình bằnh hữu, có chung một điểm tựa và một hình ảnh thân thương. Có đúng lắm không khi tôi cho rằng Viện Đại Học Đà Lạt ngày xưa và tôi là đôi tình nhân vì nơi đó là tổ ấm của tôi ở tuổi học trò, là nơi để tôi nhớ về trong những ngày xa cách: suốt bốn năm ở Viện, tôi có quá nhiều kỷ niệm vui buồn. Tôi nhớ đến những khi lội bộ với bạn bè từ Viện ra chợ để xem ciné hay để đến thưởng thức những bát phở hoặc những tô miến gà nóng hổi ở quán Cô Bảo bên hông rạp hát Hòa Bình hay ra quán Thủy Tạ hoặc cà phê Tùng nhăm nhi ly cà phê. Tôi nhớ đến những lúc sinh hoạt hay cắm trại với Đoàn Thân Hữu Cần Thơ, với Đoàn Sinh Viên Công Giáo, ... và còn nhiều, nhiều nữa. . .

Ngày xưa đã thật sự qua rồi, nhưng những kỷ niệm đẹp không bao giờ xóa nhòa trong tôi. Những kỷ niệm đó, nếu ta ví nó là thứ gạo quý, thì “Đặc San Thụ Nhân Paris” quả thật là một loại men tốt, tác động vào đó làm dậy lên một thứ rượu vô giá, bổ dưỡng mà mỗi người trong chúng ta, khi uống vào sẽ cảm thấy ngọt ngào, thơm tho, ngây ngất lạ thường và làm cho chúng ta quên hết những điều phiền toái trong cuộc sống hiện tại. Người đời thường chúc cho nhau được sống trăm tuồi, nhưng có mấy ai sống được trăm tuổi? Thử hỏi, hiện giờ chúng ta sống với cái gì để cho tâm hồn được thoải mái, nếu không phải là với những kỷ niệm đẹp của thời xa xưa ấy? Kỷ niệm nơi Viện xưa, tình nghĩa thầy trò, liên đới bằng hữu là những sợi dây vô hình nối kết chúng ta với nhau. Mỗi chúng ta đều có nhu cầu tìm về những tình cảm chân thật mà cuộc sống của thế giới tân tiến ngày hôm nay đã khiến ta vô tình lãng quên. Chúng ta đã có với nhau: từ những cuộc họp mặt ở địa phương đến những kỳ hội ngộ khắp nơi trên thế giới, hay qua những đặc san, kỷ yếu, hoặc trên mạng lưới điện toán. Xin cố cùng nhau ghi nhận và gìn giữ, trân quý nó.

Nhìn lại những việc làm trong bao năm qua, từ quốc nội ra hải ngoại, tôi nghĩ một số không nhỏ các anh chị em Thụ Nhân đã hết lòng nối kết những vòng tay để giữ chút cội nguồn, bảo tồn gốc rễ. Đó có phải chăng tình thương, sự cảm thông hòa vào bóng dáng của một thành phố thơ mộng, hiền hòa, một Viện Đại Học xưa là sự kết hợp không rời với quê hương đã nghìn trùng xa cách? Giảng đường ngày xưa vẫn còn đó, tuy Viện có cũ kỹ nhưng thân thương vẫn còn đó; bằng hữu năm xưa kẻ mất người còn, nhưng hễ nhớ nhau, gặp lại nhau là cảm nhận được một tình thương vô vị lợi và sự cảm thông sâu sắc thể hiện dọc theo cuộc sống của mỗi người, có khi vui tươi như những đóa hoa, có khi cảm động như những dòng lệ.

Vòng tay, ánh mắt, nụ cười trong những lần gặp gỡ là chất keo sơn gắn liền chúng ta với nhau hơn. Cho dù thời gian có qua, nụ cười có thể kém tươi hơn trước, mái tóc có thể điểm sương hơn nhiều, nhưng tình Thụ Nhân vẫn còn đó.

Tôi xin cám ơn tất cả, xin đa tạ những tấm chân tình . . .

Mùa Đông San Diego 2006