Những Cao Thủ Đại Học Đà Lạt (tiếp theo)

Trần Văn Lưu CTKD-1: Bạn bè đặt cho biệt danh là Lưu Suyễn, nhưng bây giờ thì hết hẳn rồi. Thời học trên Đà Lạt, anh nổi tiếng trong ban nhạc Léviathan với các anh khóa 1 như Trần Ngọc Phong, tự Phong Râu hay còn gọi là Phong Rỗ, Lưu Văn Dân, Trần Trọng Chung. Anh và chị hiện ngụ tại San Diego, tu theo pháp môn Quán Âm của cô Thanh Hải, và đã ăn chay trường từ hơn 10 năm nay, nên có thêm một tên nữa là "anh Hai đậu nành".
Trương Thị Ngọc Mai CTKD-9: Biệt danh Cô 9 Sàigòn, chị là đầu cầu liên lạc giữa Thụ Nhân hải ngoại và trong nước. Với nhiệt tâm và tận tình với bạn bè, chị có mặt hầu hết trong mọi sinh hoạt của Thụ Nhân tại quê nhà.
Võ Thị Quỳnh Mai CTKD-7: Tự nhận mình với biệt danh Người Cá, chị hiện ngụ tại Đan Mạch. Rất hăng say và đầy nhiệt tình trong việc nối liền tình đồng môn, cũng như trong những công tác từ thiện.
Nguyễn Đức Nam CTKD-4: Tinh hoa phát xuất từ ngày còn mài đũng quần ở Chu Văn An, anh được biết nhiều về những phóng sự và truyện về thế giới tuổi trẻ Việt Nam vào thập niên 1960. Hiện trông coi nguyệt san Kỷ Nguyên Mới xuất bản tại Hoa Thịnh Đốn, thành viên của Văn Bút Miền Đông, nổi tiếng "bầu show" trong việc tổ chức các chương trình văn nghệ tại địa phương.
Nguyễn Văn Năm VK 1967-71: Biệt danh Năm Lửa là do bạn bè đặt cho anh do tính "reglo" của anh, nổi tiếng qua việc tổ chức thành công TN-2004 tại Houston, Texas, và trợ giúp đồng bào nạn nhân bão Katrina tháng 9/2005. Những ngày trước 1975, các bạn hẳn không quên khuôn mặt anh qua chức vụ Phụ Tá Giám Đốc Sinh Viên Vụ.
Nguyễn Bạch Ngọc CTKD-4: Mặc dù đọc tên thấy trắng tinh, nhưng da anh đen dzòn nên bạn bè đặt hổn danh la Ngọc Đen. Anh lại chọn (hay bà con đặt cho) là "Đen Thui", nói lái thành "Đui Then". Hiện ngụ tại Nha Trang, Việt Nam, sinh hoạt thường xuyên trên diễn đàn cựu sinh viên Đà Lạt. Anh rất nhiệt tình và hăng say trong các công tác cứu trợ bạn bè TN bên Việt Nam, cũng như tham gia tổ chức những buổi họp mặt nhằm thắt chặt tình đồng môn.
Hoàng Ngọc Phan CTKD-2: Trước 75 nổi tiếng với bút hiệu Hà Túc Đạo trên các nhật báo ở miền Nam. Sau 75 bị tù cải tạo, qua Hoa Kỳ tiếp tục làm báo Dân Tộc ở San Jose, CA vào đầu thập niên 1980. Thập niên 1990, đã về Việt Nam mở trường dạy tiếng Anh. Nhờ trường mang tên “Việt Mỹ” nên rất thành công, thừa thắng anh tiến tới mở thêm hệ thống trường dạy sinh ngữ và cả dạy nghề tại nhiều tỉnh thành ở miền Nam. Con trai của anh là võ sĩ Lê Cung nổi tiếng trong môn Kick Boxing.
Tạ Duy Phong CTKD-1: Tự chọn cho mình biệt danh là Phong Râu. Nhưng để khỏi lầm với anh Phong Râu chính cống ở San Jose, nên thêm chữ Texas. Anh nổi tiếng qua các bài viết về lịch sử thành lập Viện Đại Học Đà Lạt nên cũng có biệt danh là “sử gia của Viện”. Anh sinh hoạt rất hăng say trên các diễn đàn Thụ Nhân, một cây sưu tầm nhạc, cũng như trong những hoạt động từ thiện qua việc cứu trợ đồng bào nạn lụt vừa qua tại Louisana và Texas.
Trần Ngọc Phong CTKD-1: Biệt hiệu từ rất lâu của anh là Phong Râu, nhưng để phân biệt với anh Tạ Duy Phong cùng khóa 1 CTKD, và thiếu tá Phong, tiểu đoàn trinh sát 302 của Đà Lạt, vì người nào cũng để râu mép, anh em đôi khi gọi đùa anh là Phong Rỗ do việc anh bị rỗ hoa trên mặt. Nhưng gọi một cách văn nghệ hơn là Phong Rock! Anh nổi tiếng với ban nhạc thời sinh viên ở Đà Lạt là Léviathan, và qua bài hát “Cúc cù ru cù rú Pa lố ma”. Anh rất chí tình với anh em, và mặc dù đã trải qua một cơn tai biến mạch máu não, anh vẫn đến với anh em bè bạn trong những buổi họp mặt của Thụ Nhân như đại hội TN-2002 tại San Jose, đại hội TN-2004 tại Houston, Texas, v.v.
Hứa Hữu Phước CTKD-6: Hiện cư ngụ và làm việc tại New York, và là một chứng nhân của ngày tàn khốc 9-11-2001 tại New York. Ít khi nào thấy anh vắng mặt trong những đóng góp giúp đỡ bạn bè, và đồng bào khốn khổ tại quê hương VN. Mỗi khi nhận e-mail của anh với lối trích dẫn tràng giang đại hải, ai cũng sợ.
Nguyễn Đức Quang CTKD-1: Người ốm, cao, còn có hỗn danh Quang Du Ca hay Quang Sơn Tây. Một trong những sáng lập viên Phong Trào Du Ca VN, tiền thân của Phong Trào Hưng Ca hiện nay. Anh nổi tiếng với bài hát "Vì tôi là linh mục". Không biết anh có bị Frere Kế dũa lần nào chưa? Anh hiện chủ trương nhật báo Viễn Đông Kinh Tế tại thủ đô tị nạn VN Little Sài Gòn thì phải. Khóa 1 còn có nhiều anh mang tên giống anh như anh Nguyễn Đức Quang, biệt hiệu là Già Cơ, hay Quang Hà Nội ngụ tại Seattle, Washington, v.v.
Phạm Ngọc Quỳnh CTKD-1: Tuy có hỗn danh là Quỳnh Việt Cộng, nhưng những bài viết, lời phát biểu của anh thì ngược lại mang tánh chống cộng 100%. Những emails anh Quỳnh gởi lên diễn đàn TNIC thường khiến cho nhiều người không quen nhức đầu, chóng mặt nếu nội công không vững. Hiện có hai phe đang dằng co trong việc nên xếp anh vào hàng triết nhân hay là quái nhân.
Nguyễn Hùng Sơn CTKD-5: Tự Sơn Mông Cổ. Tôi không nghĩ là anh chỉ sơn có "mông và cổ" mà thôi, trái lại anh sơn đủ mọi thứ, mà thứ nào cũng tuyệt vời cả. Những bức họa của anh là những tuyệt tác, nhất là những hình ảnh về Việt Nam, về Đà Lạt. Những đóng góp cho Thụ Nhân trong những lần họp mặt, đại hội về nghệ thuật, trang hoàng hầu như đều có bàn tay của anh. Anh cũng làm những bài thơ thật ướt át, thật dễ thương.
Trần Thị Diệu Tâm CTKD2: Lấy tên làm bút hiệu, chị đã xuất bản vài quyển sách viết theo hình thức tâm tình, và được khá nhiều độc giả ái mộ, nhứt là phái nữ. Hiện chị giữ mục “Lá Thư Paris” trên bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong. Ông xã chị là giáo sư Phạm Kế Viêm nổi tiếng về toán tại Đà Lạt, cũng như Sàigòn, và cũng nổi tiếng là giáo sư đẹp trai.
Nguyễn Minh Tâm VK 1974-75: Một nhà thơ nữ trẻ tuổi của các diễn đàn Đà Lạt với bút hiệu Miên Du. Hiện chị phụ trách chương trình Hải Ngoại Thi Ca hàng tuần trên đài Radio Vietnam. Chị có biệt tài làm thơ xướng họa thật nhanh và rất chỉnh.
Nguyễn Huỳnh Tân CTKD-1: Là sáng lập viên của Hội Ái Hữu Kappa Delta tại VĐH Đà Lạt. Nhìn thấy sự cẩn thận và chín chắn nơi anh, anh em đã đồng thanh đề cử anh đứng ra điều hành DUACT, một cơ quan từ thiện do cựu sinh viên Đà Lạt thành lập, ở chức vụ chủ tịch. Anh và quý anh chị trong ban điều hành DUACT đã hành động nhanh chóng, qua những việc cấp học bổng cho các con em Thụ Nhân, công tác cứu trợ đồng bào VN sau các cơn bão Katrina, Wilma, v.v.
Nguyễn Văn Thái CTKD-3: Tự Thái Sushi, do anh em chọc anh mà thôi. Anh có tên Nhật là Yasushi Takasaki trong những ngày gia đình anh chị định cư bên ấy, trước khi dời qua Vancouver, Canada. Anh tinh thông về bói toán và tử vi nên giúp đỡ cho nhiều người Việt Nam bên Vancouver mỗi khi cần đến sự cố vấn của anh.
Lương Thiện CTKD-9: Tự Đạo Xiêm, do anh làm việc và đóng đô tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Đối lại giọng văn của anh Nguyễn-Mạnh-Tùng, những bài viết của anh, rặt giọng Nam Kỳ, khiến chúng ta cứ tưởng như đang lạc về miền đồng bằng sông Cửu Long. Anh hăng hái chẳng kém ai trong những lần giúp đỡ bạn bè trong cơn hoạn nạn, và sẵn sàng cung cấp tin tức cho ai muốn ghé thăm xứ Thái với chùa vàng và cung điện vua chúa.
Hoàng Thịnh CTKD-7: Người hùng Việt Nam "cô đơn" ở thành phố Vancouver, Canada. Anh đã rửa nhục cho người Việt Nam khi lặn lội gõ cửa khắp các toà báo, đài phát thanh, truyền hình cơ quan công quyền để bênh vực cho cộng đồng Việt Nam đã bị đối xử bất công - mỗi khi có một ai phạm tội đều bị nêu đích danh là Việt Nam, trong khi các sắc dân khác lại không bị như vậy.
Bùi Thị Anh Thơ CTKD-4: Một trong những hoa khôi của khóa 4-CTKD và đóng góp hăng say trong các công tác lạc quyên, cứu trợ như gây quỹ cho DUACT, giúp đỡ nạn nhân bão lụt, giúp đỡ đồng môn khi bệnh tật, v.v. Chị luôn luôn ủng hộ hầu như tất cả những sinh hoạt của Thụ Nhân nam Cali. Những bạn bè đồng môn từ xa tới đều được chị tổ chức tiếp đãi nồng nhiệt.
Lâm Kim Thoa CTKD-9: Là nữ lưu nhưng chị hoạt động hăng say chẳng kém chi các đấng mày râu qua những năm là thành viên trong ban điều hành hội ái hữu TN-Vancouver, và vừa qua chị chịu trách nhiệm tổ chức đại hội TN toàn thế giới rất thành công tại thành phố Vancouver, Canada vào tháng 7, 2006. Các bạn chắc đã có cơ hội gặp gỡ chị và đồng môn trong dịp này.
Lê Đình Thông CTKD1: Người có công vận động với Toà Thánh La Mã phong chức Đức Ông cho linh mục Nguyễn Văn Lập, cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt. Trước năm 1975, anh có viết báo với bút hiệu “Độc Thủ”. Chữ “độc” ở đây có nghĩa là độc đáo, chứ không phải là “duy nhất” tức là người một tay, hay “độc địa” nghe các bạn. Khi tị nạn qua Pháp, anh đã siêng năng trở lại lớp học và giật được hai mảnh bằng tiến sĩ về Kinh Tế và Luật ở Sorbonne, rồi đi dạy luôn.
Vũ Văn Thượng CTKD3: Có biệt danh là "Thượng Fulro", trước kia tôi cứ ngỡ là ngày xưa anh phải đen lắm nên mới được bạn bè âu yếm tặng cho danh hiệu này. Nhưng sau biết rõ lý do: năm đầu tiên anh lên học ở Đà Lạt 1966-1967, có phong trào nổi dậy của người Thượng, nên anh bị mang hỗn danh ghê gớm này. Anh có mặt trong hầu hết những đạc san Thụ Nhân trên toàn thế giới. Không những đóng góp bài vở, anh còn cộng tác trong ban biên tập để lo phần sửa chữa và in ấn. Anh lại càng được bạn bè Thụ Nhân năm châu biết đến sau khi bị một nữ chúa Ả Rập và băng đảng trấn lột ở Gare du Nord sau chuyến viếng thăm anh Mai Kim Đỉnh từ London trở về. Số anh coi bộ có duyên với "Thổ phỉ", nên vào cuối tháng 10 - 2005, anh và cô con gái lại bị tụi nó sách nhiễu lúc từ Paris về gần đến nhà.
Nguyễn Phi Tiến CTKD-3 : Lâu lâu mới thấy anh xuất hiện trên các diễn đàn Đà Lạt, nhưng nhờ có anh mà chúng ta có thêm nhân tài, đó là chị Tiến, Hoàng Thịnh. Chị được biết nhiều trong cộng đồng Việt Nam, và cộng đồng giáo dục nói chung của nước Úc khi được chọn làm nhà giáo của tiểu bang, rồi đến liên bang. Sự đóng góp của chị về giáo dục quá lớn nên không ai muốn chị về hưu, vì khó tìm ra người thay thế. Chúng ta biết đến chị nhiều nhất qua những bài thơ đầy tình người dưới bút hiệu Ai Cơ, tức là "Ai đấy". Dân học Gia Long không ai là không biết chị Ai Cơ - Hoàng Thịnh.
Phạm Mạnh Tiến CTKD-5: Tự Tiến Kèn, vì có tài thổi kèn saxo chẳng kém gì dân chuyên nghiệp. Đa tài và đa cảm, những bài viết của anh trong mục "Một thoáng suy tư" hay các bức ảnh nghệ thuật của anh đều được bạn bè tấm tắc thưởng ngoạn. Chẳng cứ trong sinh hoạt TN, các hội đoàn bên ngoài cũng đều muốn có sự công tác của anh.
Nguyễn Thị Ngọc Tịnh CTKD-10: Từng đứng ra tổ chức hai buổi họp mặt Đà Lạt Sương Mờ vào năm 1998, và 2001 cho bạn bè TN khắp nơi về thăm thủ đô Washington DC, khi chị đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch TN-HTD. Hiện làm giám đốc cho một ngân hàng do người Việt Nam thành lập tại Nam Cali.
Tô Minh Toàn CTKD-6: Một nhà thể thao và hoạt động xã hội không biết mệt trong nhiều năm qua. Nhìn anh cứ tưởng chàng trai mới ngoài ba mươi. Một trong những sáng lập viên của diễn đàn internet Thụ Nhân, Quỹ Học Bổng Thụ Nhân, và của DUACT. Anh đã đem sinh khí đến các hoạt động của Thụ Nhân từ tổ chức đại hội, họp mặt thường niên những dịp lễ lớn, các trại hè, đón tiếp thầy cô, bè bạn, v.v.
Trần Trí CTKD-4: Do sự hăng say và thành công trong việc cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Katrina, và Wilma, bạn bè đã ưu ái tặng anh biệt danh "Tướng Trí" để ghi nhớ những đóng góp của anh trong những công tác từ thiện và chúng ta cùng được hưởng ké tiếng thơm. Anh đã không ngại việc phụng sự khi chấp nhận sự đề cử của anh em vào ban chấp hành Hội Ái Hữu Thụ Nhân Houston nhiệm kỳ 06-07.
Hàng Trọng CTKD-5: Nổi tiếng ăn to nói lớn từ những ngày còn ở mái trường Đà Lạt. Tài “búa” của anh không chỉ ở môn bóng chuyền, mà còn trên diễn đàn Thụ Nhân. Có lẽ anh là người cung cấp khách hàng nhiều nhất cho chủ tiệm "vá gáo" Nguyễn Mạnh Tùng.
Nguyễn Đức Trọng CTKD-8: Được bạn bè tặng cho biệt hiệu là Trọng Râu dù ít khi nào anh để râu. Ngoài ra, anh còn được biết đến qua nhãn hiệu "lang băm" sau những loạt bài về y học, thiền, thể dục, cùng với những bài du ký ghi lại các chuyến giang hồ vặt của anh. Anh nổi tiếng là tay chịu khó đi du lịch. (BBT viết thêmJ) Cái hay của anh là sau mỗi chuyến đi chơi với “cô hàng xóm Thanh Đan”, anh đều viết những bản tường trình chi tiết rất hấp dẫn, khiến nhiều người cũng muốn khăn gói lên đường. Và có lẽ do dáng người hơi “có da có thịt” nên anh cũng hay nghiên cứu về những phương pháp giữ gìn sức khoẻ, về thuốc men ăn uống sao cho khoẻ mạnh mà không bị mập! Những bài viết của anh NDT luôn luôn được dón nhận nồng nhiệt.
Nguyễn Ngọc Trọng CTKD-8: Được bàn dân thiên hạ biết đến nhiều nhất qua nhạc phẩm "Buồn vương màu áo." Tuy nhiên tôi lại thích bài "Chiều Winnipeg" hơn. Anh là em ruột của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn, đồng thời cũng là một MC nổi tiếng hiện nay trong những chương trình ca nhạc của Thúy Nga Paris.
Nguyễn Văn Trọng CTKD-1: Cũng là nhạc sĩ Anh Việt với nhạc phẩm nổi tiếng "Bến cũ". Anh cũng là một trong những sĩ quan cao cấp khi theo học tại Đà Lạt. Người có cấp bực cao nhất trong quân đội ghi danh học Trường Chánh Trị Kinh Doanh là Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, lúc đó là Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Ngày ấy anh Trọng đã là đại tá và là Cục Trưởng Cục Quân Cụ, xếp của mấy anh Nguyễn Đức Nam CTKD-4, Quách Ngọc Vương K3,
Huỳnh Trung Trực CTKD-1: Hiện đứng đầu ban điều hành diễn đàn cựu sinh viên Đà Lạt rộng lớn nhất là TNIC, cùng chị Đoàn Mộng Hương CTKD-5, và anh Phan Trọng Hân CTKD-11. Anh được bạn bè yêu mến qua những bài viết dí dỏm, tin tức chính xác. Hình như anh là sáng lập viên và là chủ tịch của hội Thanh Niên Sinh Viên Công Giáo Đà Lạt thì phải. Anh hiện kiêm luôn chức Chủ Tịch Ban Đại Diện TN-HTD, nhiệm kỳ 2007-mãn đời!
Bùi Thị Trường CTKD-3: Một thời giữ chức Chủ Tịch Hội Thụ Nhân Bắc Cali. Là chị của tài tử Đơn Dương nổi tiếng trong phim Mê Thảo, mới được Việt Cộng thả ra cho qua Mỹ. Hai đứa con của chị cũng có nòi phim ảnh, và đã cho trình diện cộng đồng VN hai cuốn phim Việt Nam khá nổi tiếng là Four Seasons và Green Dragon.
Nguyễn Mạnh Tùng Cao Học CTKD 1974: Kiêm chủ tiệm "vá gáo." Cái tên này có sau những ngày sóng gió trên các diễn đàn Đà Lạt, khi anh chọc là có ai bị vỡ đầu thì anh tình nguyện vá dùm. Đôi lúc quá hăng say, anh cũng vướng phải búa tạ. Anh có lối viết độc đáo với giọng văn rặt nòi Bắc Kỳ, đọc lên nhiều lúc cười muốn chết. Hiện anh và chị, Chung Bích Phượng, đang trông coi đài truyền hình Sài Gòn TV ở Nam Cali.
Nhan Ánh Xuân CTKD-2, VK 1965-69: Chị là phái nữ đầu tiên đã theo học và ra trường cùng lúc ba ngành khác nhau là Chánh Trị, Kinh Doanh và Văn Khoa tại VDH Đà Lạt. Chị đã không ngừng ở đây mà còn tiếp tục lấy nốt bằng MBA ở Mỹ, dù đang lúc có bầu cô con gái cưng. Theo chị cho biết thì dù tốt nghiệp về thương mại nhưng chị lại chẳng được làm việc trực tiếp trong ngành. Riêng bạn bè đều công nhận là dù nhỏ người, những nhận xét của chị rất ư là đáng nể. Về thơ, những bài chị làm cũng chẳng nhường bước các cao thủ nào trong làng thơ Thụ Nhân.
Châu Tuấn Xuyên CTKD-1: Ngoài biệt hiệu "Trần Long II" hay “Con Rơi của Thầy” vì trông anh rất giống giáo sư Trần Long, cựu Khoa Trưởng CTKD, VDH Đà Lạt, 1964-71, anh còn được bạn bè tặng cho biệt hiệu "ông bầu" do tính đam mê thể thao, cũng như qua việc tổ chức đại hội thể thao Thụ Nhân tại Austin vào năm 2001. Lúc sinh hoạt trên diễn đàn DA-LIST, anh lại chọn biệt hiệu Bạch Mao Sư Vương cho mình.

Hi vọng các bạn đọc xong đến đây đều cười xòa, và ban thực hiện đặc san Thụ Nhân kỳ tới cho phép tôi viết tiếp về những bạn bè chung của chúng ta. Riêng tôi cần chạy đi tìm bác Nguyễn Mạnh Tùng nhờ vá gáo giùm.