Pháp Luân

nhiều tác giả

1

Lê Đình Thông

Hồi chân ướt chân ráo mới lên Đà Lạt, tôi ở trong đại học xá, ngày nào cũng đi ngang con đường có bánh xe pháp luân làm bằng đá trên cao. Có lần tôi leo tận nơi, thấy bên cạnh có tấm bảng ghi bánh xe này là của các anh chị sinh viên Đại Học Sư Phạm Huế tặng Viện Đại Học Đà Lạt. Tôi nghĩ bụng các anh chị phải vất vả lắm mới ‘‘lăn’’ nổi bánh xe từ Đại Học Sư Phạm Huế đến trụ ở chốn này. Nếu tôi nhớ không lầm, Đại Học Sư Phạm Huế ở đâu cầu Trường Tiền, phía Đập Đá dẫn đến thôn Vĩ Dạ. Mỗi khi nhớ lại ngôi trường cũ tôi đều nhớ đến bánh xe Pháp Luân. Trong tập sách Tưởng Niệm Cha Lập, tôi có nói qua về bánh xe này.

Pháp Luân là chữ nhà Phật, dịch từ chữ Phạn ‘‘Dharmacakra’’. Theo Hòa thượng Thích Minh Châu, ‘‘bánh xe lăn tới đâu, cỏ phiền não và mê hoặc bị diệt sạch đến đấy’’. Phật dạy rằng mọi sự đều là vô thường, nếu bám chặt chỉ thêm khổ đau. Vì vậy trong trong một bài tụng mới có câu: ‘‘Là do tâm nguyện đại từ bi, cái ngài chuyển luân pháp vô thượng’’.

Ý nghĩa nguyên thủy của Pháp Luân khi còn ‘‘tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương’’ là ‘‘Dharmacakra’’. Khi lăn đến Đại học Đà Lạt, bánh xe Pháp Luân mang thêm ý nghĩa bánh xe khoa học (roue de la science). Bánh xe tri thức chuyển hóa trong các bộ môn, không khi nào chịu đứng yên một chỗ. Vai trò của đại học là thăng tiến hiểu biết (progression des savoirs), truyền đạt tri thức (transmission des savoirs). Cả hai công việc này đều là động cả. Vì vậy bánh xe đại học quay đều, nhanh chậm tùy nơi tùy lúc.

Đến lúc tuổi về chiều, tôi chợt nhớ lại bánh xe Pháp Luân năm xưa. Như vậy là thời gian lăn lóc từ lâu lắm rồi. Bánh xe Pháp Luân tượng hình cho thời gian trôi chảy như vần thơ Lý Bạch:

Biết chăng ai! Sông Hoàng hà ngọn nước tại lưng trời, tuôn đến bể khôn vời lại được.

Biết chăng nữa! Đài gương mái tóc bạc, sớm như tơ mà tối đã như gương

(Quân bất kiến, Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Quân bất kiến, cao đường minh kính bi bạch phát. Triêu như thanh ty mộ thành tuyết)

君不见黄河之水天上来,

奔流到海不复回!

君不见高堂明镜悲白发,

朝如青丝暮成雪!

Thời gian của Lý Bạch là sông là bể. Thời gian đại học là bánh xe Pháp Luân. Tuy cũng ‘‘bất phục hồi’’, nhưng lặng lẽ như núi đồi Đà Lạt, chuyển hóa đến nay là ngót nửa thế kỷ. Trong mười năm cuối thế kỷ trước (1990), Robert Jordan viết ‘‘Wheel of time’’, thời gian quay hoài như bánh xe Pháp Luân, như ‘‘Thơ sầu rụng’’ của Lưu Trọng Lư, xin chép tặng các bạn học năm xưa thay cho đoạn kết bài Pháp Luân của nhiếu tác giả: Mỗi người chắp một đoạn làm thành một vòng tròn Pháp Luân đại học.

Vừng trăng từ độ lên ngôi,

Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.

Để tóc vướng vần thơ sầu rụng

Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.

Năm năm tiếng lụa xe đều,

Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.

Nhẹ bàn tay, nhẹ cánh tay,

Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.

Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,

Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh.


Xem tiếp pháp luân 2