Phạm Phong Nhã
Liếc nhìn cái đồng hồ trên tay, hắn tự nhủ còn đến 15 phút nữa mới phải đi lận. Thế là hắn có thêm giờ để trau chuốt cái dung nhan cuối mùa hạ của mình. Mái tóc đang thưa dần. Có lần, hắn đã sửng sốt khi đứa bạn thời thơ ấu, đã thật là lâu không thấy, phiền hà về mái tóc hết còn dày nhưng lại dài chấm vai của hắn, hắn bào chữa: Bao nhiêu năm rồi mà! Bạn hắn chỉ vào cái đầu húi cua rồi hất hàm ra cái điều sao tóc này vẫn ngắn và nhiều? Làm cứ y như thời gian chỉ cho phép mái tóc xanh ngày xưa thêm tiêu, thêm muối chứ nhất định không được dài ra hoặc thưa đi! Những sợi tóc còn lại chỉ rình cơ hội là làm loạn, không chịu đứng vào hàng ngũ. Không có thói quen dùng lược, hắn lùa bàn tay vào mái tóc, dỗ dành những sợi ương ngạnh. Hắn nhìn vào tấm gương một lần nữa rồi dợm bước quay ra cửa thì bị mấy cái vết chân chim ở cuối khoé mắt gọi giật lại, hắn trả lời bằng cách dí sát mặt vào gương rồi vội vã lùi ra xa. Hừ, cái cụ Thời Gian này thật là tai hại! Cụ cứ nhẩn nha làm việc, hết xếp những nếp nhăn bên mép, lại chạy lên cày cái trán hẹp của hắn. Cái trán phẳng phiu ngày nào giờ trông chẳng khác gì một thửa ruộng đầy các luống đất ngay hàng thẳng lối. Đã thế cụ còn mang vết chân chim in trên cát ướt gắn thêm vào cái đuôi mắt hắn. Chả cứ gì là với hắn, cụ lặp lại những động tác trên với hầu hết mọi người. Thỉnh thoảng, vì lơ đãng, cụ cũng bỏ sót vài mạng, nên cái nhận xét không thấy già đi, trông không khác gì ngày xưa… mới còn chỗ đứng. Thống kê số người cụ sơ ý bỏ quên không có bao nhiêu so với con số cụ phải tạm thời cấp giấy triển hạn vì được các phẫu thuật y khoa đứng ra bảo trợ. Với những trường hợp này, cụ chỉ lặng lẽ ghi sổ rồi tặc lưỡi: giờ nhường một bước, sau tiến tới hai hay ba bước cũng chả muộn. Cứ khất đi, mai kia mốt nọ cụ sẽ đòi cả vốn lẫn lời. Mà phân lời của cụ thì cao lắm, đằng thằng thì chỉ có vài nếp nhăn, nợ nần thì sẽ chẳng thua gì quả táo tầu. Cụ Thời Gian áp dụng tối đa quyền lực trên da (da nhăn), má (má hóp lại), tóc (rụng), răng (long) và lưng (lưng còng) nhưng lại tỏ vẻ nương tay với hai con mắt nên khả năng nhìn chỉ hơi kém di và mí mắt chỉ hơi bị sụp.
Ít người tách bạch mắt với các phần bao quanh mắt. Khi nói đến mắt, người ta có thói quen bao gồm không chỉ con ngươi, lòng đen, lòng trắng mà còn các vùng chung quanh mắt: mí mắt, lông nheo, lông mày. Mắt và mí mắt bị gọi lẫn lộn nhưng chẳng có sự hiểu lầm đáng tiếc nào xảy ra cả. Này nhé khi người ta kêu đau mắt, tức là cái phần lòng trắng và lòng đen của người ta có vấn đề, còn mổ mắt chữa các tật của mắt thì chắc chắn con ngươi là cái đích. Nhưng cắt mắt thì lòng trắng, lòng đen hay con ngươi không phải là đối tượng, mí mắt mới chính là mục tiêu bị tấn công. Những lớp mỡ ở mí mắt hễ vừa được bồi lên, chỉ ít lâu sau đã bị dao kéo dàn chào. Có những trường hợp mí mắt bị hỏi thăm không phải là vì nó tích lũy nhiều mỡ mà chỉ vì cái mắt lỡ dại mang hình dáng của một loài rau thơm. Lừng lẫy một thời đấy: Con mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền. Chẳng trăm quan thì đừng, hắn còn các thêm bằng ấy để nhờ quẳng dùm cái lá răm đi cho xa cơ mà. Thế mới biết xấu đẹp không những chỉ tùy người đối diện mà các tiêu chuẩn đẹp xấu còn tùy theo cả thời gian và không gian.
Lông mày lá liễu mà hết còn con mắt lá răm chia lối chung đường thì có cần phải cắm cái bảng chớ rửa lông mày bên cạnh cái cầu ao không? Khi những con mắt không còn mang hình dáng của lá răm hoặc thường bị dao kéo lui tới thăm viếng thì chúng có còn là những giòng sông, dù không có lưu lượng khủng khiếp, mà vẫn thừa khả năng làm chết người? Mắt em là một giòng sông, hồn anh bơi lặn trong giòng mắt em. Có cái hồn dại khờ nào còn muốn lảng vảng gần những giòng sông mắt này để bị ma da rút chân không? Những con mắt này có còn là nơi để bóng những cây dừa của miền nhiệt đới lả lơi đùa cợt mắt em lả bóng dừa hoang dại? Đón bắt vì sao trời đi lạc, đem ghép thành đôi mắt vạc liêu trai! Khi nơi dung thân của mấy vì sao trời đi lạc này thay đổi hình dáng thì đáy mắt người xưa vẫn thăm thẳm như chiều mưa bãi vắng có vẫn còn chăng là một điều bí ẩn? Liệu nắng có còn muốn ở trọ trong đôi mắt này? Và mưa thì có còn bị nhuốm buồn khi lỡ dại sa vào những đôi mắt u uẩn chiều luân lạc kia?
Lúc nhỏ hắn có vấn đề khi phải tập làm văn. Lớn lên, hình như cũng chưa bao giờ hắn diễn đạt được trôi chảy các ý tưởng của mình khi viết luận. Khi phải bàn về đề tài đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, hắn đã vò đầu, bứt tai, rụng không biết bao nhiêu là sợi tóc mà vẫn không giải thích được. Cửa sổ của tâm hồn? Cửa sổ và cái công dụng của nó thì ai chẳng biết nhưng còn tâm hồn, hắn đoán già đoán non là nội tâm. Hắn đã suy luận là nguyên gánh hàng xén tình cảm với các mặt hàng hỉ, nộ, ái, ố, dục… được bầy ngay ngắn hay dấu diếm đâu đó trong quầy, trên kệ đều được thấy qua đôi mắt một người, y như là khi kiễng chân lên, nhìn qua khung cửa sổ, cho dù là hẹp, người ta cũng sẽ thấy được mọi thứ đồ đạc lỉnh kỉnh của một căn phòng và đôi khi hên, còn thấy nguyên con người của chủ nhà nhìn vào khe song trông anh ốm yếu hom hem. Còn bây giờ, hết là lá răm rồi thì những món hàng của cái gánh hàng xén kia có thay đổi không? Các mặt hàng được bán chạy thuộc loại nộ, ố có vơi bớt không? Những món hàng quý hiếm như rộng lượng, thứ tha, yêu thương có được tồn trữ thêm? Hay vẫn vậy? Và những cái thấy của chủ nhân đứng bên trong khung cửa thì sao? Những cái thấy này có khác trước không? Có vẻ như hắn vẫn bị lúng túng. Dạo trước, hắn chỉ mới thấy mắt em trong mát giòng sâu, đâu đã tìm ra được (anh nhìn chẳng thấy) nhịp cầu bắc qua thì bây giờ, với cái khung của sổ mới này, cái cơ hội để dặn dò đôi mắt ngây tròn của cô bé hàng xóm nhìn cho rõ hắn trước khi cô vào đám đông có nhiều hơn không? Từ được nhìn, được thấy đến giai đoạn trong đôi mắt em, anh là tất cả thì bao nhiêu xa? Hình thể mới của con mắt có làm cho đoạn đường chiến binh này ngắn lại không? Càng ngẫm nghĩ, hắn càng thấy bí. Gặp bất kỳ một loại mắt nào, từ con mắt sắc như là dao cau đến những đôi mắt ấm áp nồng nàn như những ngày hè trên bãi biển hoặc phiền muộn như những hôm có mưa phùn trong cái thành phố miền núi của thuở thơ dại, hắn đều cảm thấy bị chinh phục. Hắn cứ loay hoay không biết những đôi mắt ấy nhìn như thế nào và thấy những gì? Hắn lan man nghĩ tới cái nhìn của hắn. Có bao giờ mắt hắn đã nhìn ra sự việc như sự việc xuất hiện trước mắt? Nếu có thì tại sao củ ấu thì tròn mà quả bồ hòn lại bị thấy là méo xẹo? Trai ba mươi tuổi còn xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Ơ kìa, tại sao cùng thì là ba mươi mà người thì đang có cả một tương lai chờ trước mặt, người thì sắp sửa dọn vào viện dưỡng lão? Trong những trường hợp này thì rõ ràng là công việc ghi nhận của các tế bào hình que, hình nón của mắt đã bị tình cảm hoặc những khuôn, những thước của xã hội lấn lướt. Chắc bồ hòn chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt? Bây giờ với khung cửa sổ mới, hắn có nhìn được xa, thấy được rộng hơn không? Hắn có còn bị hướng dẫn bởi những định kiến để chỉ thấy mỗi cái cảnh ngựa anh đi trước võng nàng theo sau mà cuống quýt chạy theo cái bút cái nghiên thay vì nhận thức được rằng có nhiều thành công trong đời sống không cần tới bằng cấp? Khi mắt mang hình thể mới thì cái tầm nhìn gần, nhìn xa có thay đổi như khi độ cong của thủy tinh thể bị đổi thay? Cái nhìn về những gì thu nhặt được trong những ngày tháng cũ thì sao? Cái thấy về những hình ảnh trong quá khứ, bị bỏ bừa bỏ bãi trong những xó xỉnh của tâm hồn từ bao lâu nay, gặp ngày có mây xám, mưa bụi, tự động dắt nhau ra đứng bên trong khung cửa sổ, thì hình như không đổi. Hắn cẩn thận gạt đi lớp bụi mỏng trên tấm kính của khung cửa, thế là không gian khựng lại, thời gian giật lùi đến hàng bao nhiêu năm, cái con bé tóc demi-garcon mặc áo bà ba cùng với mấy đứa bạn, thường đi về hướng giảng đường Hội Hữu như đang đứng trước mặt, che khuất ngay cái người thiếu phụ lưng còng, đội nón lá vừa gặp lại.
Cái ngần ngại giữa hai người đứng tuổi bị đánh tan đi và thế là rộn rã tiếng cười, câu nói. Đâu cần phải quen lung mới nhìn ra đặng! Vào những ngày hè oi ả, một cơn gió rất nhẹ từ biển thổi về cũng thừa sức mở toang cánh cửa khu ký ức, khiến hắn thấy lại những ngày bất chợt được nghỉ học, cùng lũ bạn ù té ra biển, chạy chơi trên cát, nghịch nước hoặc khi đã lớn hơn một chút, thay vì nghịch nước, tụi hắn lại thẫn thờ ngắm dấu chân mình để lại trên cát, ngập nước biển lúc sóng ập vào, nông dần rồi nhòa đi khi sóng rút ra xa. Có lần người bạn lớn nhất trong lớp buột miệng vết chân trên cát như mối tình đầu, tuy sâu nhưng cũng dễ phai. Mãi sau, hắn mới ngộ được điều này. Thỉnh thoảng trong khi chia động từ tôi ngắm tôi trên vách, hắn đã thất thần kêu ầm lên là hương đồng gió nội bay đi hết rồi, sao khác quá thế này? Lôi thôi quá cái nhà ông Nguyễn Bính tân thời này, bay hết đâu nào? Chỉ hơi khác chút xíu thôi đó mà. Rõ ràng là cái tâm hắn vẫn chưa chấp nhận ngay được cái mới, dù cái mới đến rất từ từ và ngay trong hắn. Mà khi nhìn bằng cái tâm thì hắn có thoát khỏi những ước lệ? Tôi giỏi! Cái gì dính đến tôi chả nhất! Nhưng mà cỏ nhà hàng xóm thì vẫn xanh hơn. Đen à?
Bất hảo! Nâu? Vai u thịt bắp! Vàng? không có tinh thần đoàn kết, hai người trở lên là phải có hai hội ... Nếu không có cái đuôi gà, những cái lúm đồng tiền thì đẹp thế nào được! Cái nhìn từ tâm của hắn vẫn vắng mặt cái khoan dung độ lượng có lẽ vì những món hàng nộ, ố xem chừng đã chẳng chịu biến mất theo hình dạng cũ của con mắt. Hắn vẫn hậm hực với những người giỏi hơn hắn. Lúc nào hắn cũng tìm ra dịp để chê bai: mặn quá, nhạt quá. Hắn nhìn cái thằng đi bên cạnh cố nhân của hắn bằng nửa con mắt: kém mình đủ mọi thứ! Hắn không thấy bạn bè của hắn thành công là vì tài, vì sức của họ. Chẳng qua là chúng gặp may! Còn hắn thì cứ bị xui nên mới ra nông nỗi. Hắn đã có cặp mắt hai mí, hắn đã hết cận thị, nhưng còn cái thấy xa, thấy gần của hắn thì sao? Sau nhiều bận tôi ngồi tôi nhìn lại tôi, hắn chán nản kết luận: những cái thấy của đôi mắt mới này in tuồng vẫn như cũ. Hắn bước ra khỏi nhà. Cái nóng của buổi trưa hè ập vào mặt, cái chói chang của nắng trải dài trên con đường làm hắn phải hin mắt. Hắn lục tìm cái kính mát. Lập tức, cái nắng dịu lại, con đường hình như bớt dài. Hắn lạ lẫm với cái cảm giác này. Bản chất sự vật đâu có thay đổi. Chỉ có cặp mắt hắn đã thu nhận sự việc một cách khác hơn qua cái kính. Hắn gật gù cái kính thế mà được việc. Từ rày, chắc chắn hắn phải cần đến kính. Nhưng loại kính nào đây? Cái kính thuở ấu thơ đã đánh tan cái ngỡ ngàng giữa hai người đứng tuổi, sau một thời gian dài không gặp chăng? Kính nào làm cái già nua nơi những người bạn xa xưa hốt nhiên nhòa đi, chỉ còn lại hình ảnh mấy đứa nhỏ chạy chơi trong sân trường? Cái kính đen hình như là nơi cái lòng đố kỵ của hắn phát sinh. Để coi, nếu bỏ cái kính này đi thì cái thấy của hắn sẽ không còn là do cái tôi đáng ghét chắn lối, cái ta khó chịu cản đường? Còn cái kính nào sẽ giúp hắn gạt được cái chủ quan sang một bên khi nhìn sự vật? Giúp hắn phán đoán công bằng? Khiến hắn bỏ được cái ác cảm đối với người? Quăng đi được những suy diễn đóng khung trong cái nhãn quan hẹp hòi của hắn? Giúp nhận ra được điều tích cực trong những cái tiêu cực? Như thế thì có phải là hắn đang tự lừa dối mình và lừa dối người? Vậy là hắn hèn, không dám đương đầu với sự thật sao? Hắn có đang bắt chước loài đà điểu, vùi đầu trong cát? Trực diện với vấn đề là điều quan trọng nhưng có cần thiết để chỉ vạch ra hoặc thấy rặt những cái xấu? Cần gì phải chẻ sợi tóc làm tư, làm tám? Ngẫm nghĩ mãi, hắn tìm ra được một điều là hình dáng của những khuôn mắt không ảnh hưởng gì đến cái thấy của hắn. Dưới bất cứ một hình dạng nào, cái nhìn của mắt cũng chỉ phản ảnh cái nhìn từ nội tâm. Hắn muốn từ bỏ sự thấy chỉ canh vào cái tâm không mấy rộng lượng, cái nhìn không biết đến bao dung của hắn. Mà kính thì nhiều loại quá. Làm thế nào bây giờ? Hắn lại bối rối. Hắn đành nuôi hy vọng lúc nào có hoàn cảnh, sẽ đi điều chỉnh cái độ cong trong tâm để mắt hắn, dù không mang kính mà vẫn có thể là một trong những đôi mắt trần gian, nhìn nhau để che bớt lo âu, nhìn lại nhau để vỗ về muôn yêu dấu...
Lại có điều để phải ước ao. Đến khổ!
California
Viết cho March 5th, 2006