Rèn Luyện Tính Cương Nghị

Ai Cơ Hoàng Thịnh

Viết cho chủ đề “Hãy Mãi Trẻ Trung, Tự Tin & Yêu Đời”

Vì truyền thống “nam trọng, nữ khinh” trong đại gia đình, cộng thêm hậu quả “trai thiếu, gái thừa” do bao năm chinh chiến của đất nước, thế hệ mẹ tôi và tôi hầu như không hề biết đến hai chữ cương nghị. Hai mỹ từ ấy hầu như đã được dành riêng để ca ngợi phái nam mà thôi.

Thú thật rằng, nhờ vượt biên sang được đến nước Úc, tôi chẳng những trốn thoát khỏi chế độ Cộng sản tàn độc, mà còn tránh được chế độ gia trưởng bất công nữa.

Quyền bình đẳng của con người - không phân biệt màu da, tôn giáo, phái tính, ... - được tôn trọng và bảo vệ nơi xứ sở thực sự tự do, dân chủ này. Trong tiến trình “hội nhập nếp sống mới” và “nhập gia tùy tục”, tôi đã dần dà làm quen và ý thức được tầm mức quan trọng của tính cương nghị. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy cần rèn luyện cho mình đức tính vô cùng hữu ích này.

Trong bài này, tôi xin chia sẻ một số điểm cơ bản, thiết thực về tính cương nghị mà tôi đã học hỏi và đúc kết được từ những buổi hội thảo với người Úc và từ các nguồn thông tin, sách báo.

Trắc Nghiệm Xem Mình Có Cương Nghị Không?

Trước hết, để tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ cương nghị, bạn hãy thử tự hỏi:

  1. Khi bị ai đối xử bất công, bạn có tìm cách tỏ cho người ấy biết cảm nghĩ thật của mình không?
  2. Những lúc cần, bạn có thể tự quyết định mọi việc, chứ không nhất thiết phải tuỳ thuộc, dựa dẫm vào người khác?
  3. Bạn có tránh được thói nặng lời chỉ trích/ phê phán người khác?
  4. Đang xếp hàng, bỗng bị ai đó ngang nhiên lấn vào phía trước, bạn có lên tiếng phản đối?
  5. Bạn có luôn tự tin về khả năng nhận định, phán xét của mình?
  6. Bạn có yêu cầu mọi người trong gia đình san sẻ đều công việc nhà với mình?
  7. Bạn có giữ được sự tự chủ và tính trầm tĩnh trong khi tranh luận?
  8. Khi bị người bán hàng khéo léo thuyết phục mời chào một món đồ bạn không cần đến, bạn có dứt khoát từ chối?
  9. Tại nhà hàng, thấy người khách tới sau mình được phục vụ trước, bạn có lên tiếng thắc mắc?
  10. Trong các cuộc hội họp, bạn có tích cực góp ý?

Nếu tất cả các câu trả lời đều là “Dĩ nhiên!” hoặc “Có chứ!”, thì bạn đã là một người cương nghị, không cần đọc tiếp bài này nữa. Còn nếu đa số các câu trả lời là “Đôi khi” hoặc “Còn tùy", thì không khéo bạn là người thụ độngcả nể, cả đời sẽ chịu thiệt thòi, đau khổ một cách oan uổng mất thôi! Các bạn ơi, thay vì đổ tội oan cho “số phận” và “số kiếp đàn bà”, để rồi thúc thủ, xin các bạn hãy tự cứu giúp mình bằng cách tham dự các buổi hội thảo về tính cương nghị như thế này và hãy quyết tâm áp dụng những gì mình lãnh hội được vào đời sống hàng ngày.

Những Nguyên Tắc Của Tính Cương Nghị

  1. Bày tỏ cảm nghĩ trung thực của mình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mà KHÔNG xúc phạm đến người khác.
  2. Không bao giờ cho phép mình “giận mất khôn” trong khi tranh cãi.
  3. Nếu đối tượng bất lịch sự, lỗ mãng, mình không bắt chước hoặc chịu ảnh hưởng thái độ và ngôn ngữ đáng chê đó. Nói khác đi, mình không đốp chát lại mà điềm đạm nói: “Cảm ơn sự góp ý của bạn. Tuy nhiên, tôi không thích cách góp ý ấy. Khi nào bạn bình tĩnh lại, chúng ta sẽ nói chuyện tiếp.”
  4. Nếu đối tượng tỏ ra không biết điều, mình tuyệt đối không buộc tội hay báng bổ họ, để khỏi gây thù chuốc oán một cách vô ích. Chỉ thẳng thắn nói cho họ biết mình đã bị phiền nhiễu thế nào vì sự không biết điều của họ. Các câu nói nên bắt đầu bằng chủ từ “Tôi” thay vì “Bạn”.
  5. Nếu đối tượng dài dòng kể lể kêu nài hoặc dùng áp lực tình cảm ép bạn làm một việc ngoài ý muốn, bạn cần bày tỏ sự thông cảm hoàn cảnh đáng tội nghiệp, song vẫn giữ vững lập trường của chính mình. Nếu cần, hãy lặp đi lặp lại nhiều lần câu : “Tôi thông cảm hoàn cảnh khó khăn của bạn lắm. Nhưng rất tiếc lần này tôi không thể giúp bạn được, vì …”
  6. Trong khi rèn luyện tính cương nghị, mình đừng hy vọng thay đổi được cá tính của đối tượng, mà chỉ mong tự giúp mình biết tích cực đối phó với các tình huống khó khăn.
  7. Khi gặp người say hay người tâm trí bất thường, hãy tránh xa thay vì… thực tập bài học cương nghị!
  8. Khi gặp chuyện tranh chấp, cần nghĩ ra những giải pháp ổn thoả, không chạm tự ái của đôi bên.

Trong khi tìm hiểu và tập luyện cho mình tính cương nghị, tôi nhiều lần bắt gặp 3 hình ảnh rất dễ bị lẫn lộn với nhau: cương nghị, thụ độnghay gây hấn

Phân Biệt : Cương Nghị, Thụ Động Và Gây Hấn

Mười ví dụ cụ thể sau đây sẽ minh hoạ được những khác biệt rõ rệt giữa ba cá tính cương nghị, thụ độnghay gây hấn.

1. Con bé út nhà tôi khóc bù lu bù loa vì không được mời dự một bữa tiệc sinh nhật mà nó rất thích, tôi phải làm sao?

  1. Mềm lòng, điện thọai đến người mở tiệc, xin phép cho con mình đến dự.
  2. Mắng nhiếc con: “Thật không biết xấu hổ! Không được mời, đã nhục lắm rồi, lại còn khóc lóc van xin người ta cho mình vác mặt tới đó, cho thiên hạ cười thúi đầu hay sao?”
  3. Bảo con rằng chủ tiệc có thể vì những lý do riêng, không tiện mời quá đông người. Cũng nhân dịp này dạy con biết tự trọng.

2. Một người bạn, cùng sinh họat với tôi trong một hội đoàn, cứ ép tôi phải tình nguyện nhận lãnh thêm nhiều việc của hội. Mệt mỏi quá, tôi làm sao bây giờ?

  1. Lẳng lặng tìm cớ rút lui khỏi hội.
  2. Nói thẳng với bạn là mình hết chịu nổi áp lực & sự “xỏ mũi” của bạn.
  3. Tự nhủ dù không chiều theo bạn, mình không có lỗi gì cả và đưa vấn đề phân công phân nhiệm ra bàn luận thỏa đáng trong Hội.

3. Con gái tôi chơi thân với bé Lan trong lớp của cháu. Tôi và mẹ của bé Lan hàng ngày đưa đón con đi học, thường gặp nhau, vui vẻ trò chuyện và trở nên thân thiết. Thời gian sau này, không hiểu sao mẹ của bé Lan bỗng có ý lảng tránh tôi, tôi phải làm sao?

  1. Buồn rầu, ngạc nhiên nhưng chặc lưỡi làm lơ, đóan mò, hoặc dò hỏi hai cháu và những người khác để tìm ra nguyên nhân.
  2. Tự ái, bực mình, tỏ thái độ cao ngạo, bất cần. Có khi tin theo lời đồn thổi, xúi bậy, gây hấn và biến bạn thành thù.
  3. Chờ lúc không có mặt ai, nhất là hai cháu, tiến đến nhã nhặn nói với bạn: “Tôi có làm gì xúc phạm đến bạn không? Nếu có, xin bạn hiểu rằng đó chỉ là vô tình thôi, vì tôi thâm tâm tôi luôn quí trọng tình bạn tốt đẹp giữa chúng ta và giữa hai bé. Tôi rất muốn được biết mình có gây nên sự hiểu lầm nào không và phải làm gì để duy trì mối giao hảo của tất cả chúng ta”.

4. Con trai tôi lỡ làm bạn nó đau. Nó biết nó hoàn toàn có lỗi, nhưng nhất định không chịu xin lỗi. Tôi phải làm sao?

  1. Thay mặt con, xin lỗi bạn nó. Rồi buồn giận không thèm nhìn đến con nữa.
  2. La hét, đánh mắng con. Cúp tiền quà. Phạt không cho coi TV/ chơi games điện tử/ dùng internet/... mà không cắt nghĩa cho con hiểu về “hậu quả việc mình làm” và “trách nhiệm với kẻ khác”.
  3. Nhắc nhở con: “Chính mẹ cũng vẫn thành thật và dịu dàng xin lỗi con mỗi khi mẹ sai, thì vấn đề chính ở đây là sự hành xử đàng hoàng chứ không phải là sự tự ái vô lý, phải không?”

5. Khi thấy con bị bạn cùng trường/ lớp bắt nạt, tôi lo buồn và thật tình không biết làm sao. Đến mức nào thì tôi nên can thiệp?

  1. Tự nhủ :”Ở trường lớp nào cũng có cảnh này thôi!” và không làm gì hết.
  2. Lên tiếng răn đe đứa kia trước. Rình rập theo dõi. Mong sẽ nhào vô bênh con đúng lúc.
  3. Với thái độ chân tình hợp tác, tỏ sự lo ngại với thày cô giáo và nói chuyện với cha mẹ đứa kia một cách điềm tĩnh. Lịch sự xin lỗi nếu chính con làm điều chi không phải. Cũng nhân dịp này dạy con biết cách tự ứng xử, đối phó với các tình huống khó khăn. Chẳng hạn, ân cần hỏi chuyện con, giúp con thổ lộ tình cảm và ý nghĩ. Bảo con thử viết một lá thư cho đứa kia, nói hết ra những gì mà nó không thích đứa kia làm cho nó. Nhấn mạnh với con đây là dịp để giải tỏa bực bội, lo âu cho nó chứ không phải để trả thù.

6. Đúng lúc bạn có việc quan trọng cần đi gấp thì chuông điện thoại reo. Đó là điện thoại của một người thân đang có chuyện buồn, cần tâm sự với bạn. Bạn sẽ:

a. Vừa chịu đựng trọn cuộc tỉ tê vừa đau khổ vì công việc bị lỡ dở hoặc lo lắng nghĩ đến bao người đang sốt ruột, bực bội ngóng chờ mình. Không dám hé lộ tâm trạng mình cho người ở đầu dây bên kia biết. Cứ phải giả vờ vâng dạ tỏ ý chăm chú lắng nghe dù lòng dạ đang rối bời, không tiếp nhận được gì. Băn khoăn tìm cách cắt đứt cuộc điện đàm mà cứ sợ bị trách là bất lịch sự hoặc vô tình.

b. Bực bội nói: “Trời ơi! Sao lại nhè đúng lúc tôi đang vội mà gọi vậy nè! Trễ giờ họp của tôi rồi! Thôi tôi cúp nha!”

c. Từ tốn nói: “Ô, mừng quá, được nghe tiếng nói của bạn! Bây giờ tôi có chuyện gấp quá, phải đi cho kịp. Hễ xong việc là tôi sẽ gọi cho bạn ngay. Khỏang ... giờ, được không? Mình sẽ thỏai mái và có thật nhiều thì giờ để tâm sự với nhau, bạn nhé!”

7. Một người quen năn nỉ bạn trông giùm đứa con nhỏ, bạn sẽ trả lời:

a. “Tôi đã tính làm một việc khác vào chiều nay. Nhưng thôi được, chị cứ đem cháu lại đây.”

b. “Sao cứ nhè tui mà sai hoài vậy? Không nhớ bữa đó tui kẹt quá, nhờ cậy một chút, thì chị viện đủ cớ để thoái thác sao? Tui ngu gì để chị lợi dụng chớ! Chưa kể là con chị phá như quỷ, không ai chịu nổi. Đừng hòng tui giữ thằng tiểu yêu đó cho chị!”

c. “Tôi hiểu là nếu chị đi lo công việc mà phải đem cháu theo thì rất bất tiện. Nhưng tôi đã phải thu xếp mãi mới có được buổi chiều nay cho một việc riêng. Rất tiếc tôi không thể giúp chị được.”

8. Bạn muốn mời ai đó đến dự tiệc sinh nhật của mình. Bạn tự nhủ:

  1. “Chẳng biết người ấy có nhận lời không nhỉ? Chắc là không đâu! Như vậy thật đáng xấu hổ cho mình! Tốt hơn hết, đừng mời là xong!”
  2. “Mình mời ai, người ấy phải nhận lời mới được. Bằng không, sẽ chẳng còn bạn bè gì nữa cả!”
  3. “Người ấy có thể từ chối vì bận việc gì đó. Nhưng, ta cứ thử mời xem sao. Đừng vội đoán trước.”

9. Ai đó phạm một lỗi lầm, làm ảnh hưởng tới bạn. Bạn sẽ phản ứng như sau:

a. Giữ im lặng. Bằng mọi giá, cố tránh sự đối đầu, căng thẳng, xung đột. Hy sinh chịu đựng, dồn nén mọi cảm xúc. Chấp nhận sự an bình giả tạo, “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tự an ủi bằng câu : “Ông bà đã dạy ta ‘chín bỏ làm mười’ kia mà!”.

b. Chống nạnh, xỉa xói : “Đồ ngu xuẩn, vô dụng, chỉ biết ăn hại! Có vậy mà cũng làm không nên thân! Từ nay thì tui tránh xa!”

c. Uống một ly nước lạnh hoặc ra ngoài hít không khí trong lành. Khi bình tĩnh lại, gọi người ấy đến, bảo : “Thôi, dù sao chuyện cũng lỡ xẩy ra rồi. Ai chẳng có lúc sai. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm cách sửa chữa lại và đồng thời rút tỉa kinh nghiệm cho những lần sau.”

10. Hôm nay, một đồng nghiệp đi ngang mặt mà không chào bạn. Bạn nghĩ:

  1. “Chắc chị ấy giận mình. Không biết mình đã vô tình làm gì sai quấy, khiến chị ấy hiểu lầm?”
  2. “Không chào đây thì đây khỏi mất công chào lại! Cái mặt kên kên thấy mà ghét! Giỏi giang gì cho cam!”
  3. “Chắc chị ấy đang bận suy nghĩ nên không nhìn thấy mình đó thôi. Lần sau gặp lại, mình thử chào trước xem sao.”

Đọc tới đây, có lẽ bạn đã nhận ra rằng những câu a biểu lộ phản ứng của người thụ động ; câu b biểu lộ phản ứng của người hay gây hấn ; câu c biểu lộ phản ứng của người cương nghị.

Người thụ động thường bị người khác lấn lướt. Họ cứ âm thầm nín nhịn, đè nén mọi uất ức, khổ đau, thất vọng. Sức khoẻ tinh thần và thể chất của họ vì thế tiêu hao, suy sụp dần… Rồi sẽ đến lúc tức nước vỡ bờ, cơn giận nổ bùng, thì bao công trình gìn giữ tình cảm trước đó cũng bằng không!

Người hay gây hấn thường huỵch toẹt, bốp chát, nói thẳng ý mình, không đếm xỉa gì đến tâm tư, nhu cầu và quyền lợi của người nghe. Họ thích hạ nhục và khống chế người khác. Nói cho cùng, sở dĩ họ có hành vi ngôn ngữ tiêu cực, kém cỏi và chủ bại như thế là vì trong thâm tâm họ thiếu tự tin, thiếu tự trọng và đầy mặc cảm. Loại người này thường tự làm khổ chính mình trước khi làm buồn phiền người khác. Nếu không tìm cách thoát khỏi vòng luẩn quẩn do mâu thuẫn nội tâm gây ra, nếu không sửa đổi cách hành xử của mình, họ sẽ ngày càng cay cú, hận đời, đau khổ, tuyệt vọng và rất cô đơn.

Người cương nghị hành xử có lý có tình. Họ thành thật, thẳng thắn chứ không sỗ sàng, ác ý. Họ thông cảm, hiểu biết, chứ không vu khoát, hẹp hòi. Họ tự tin, tự trọng, chứ không tránh né, khuất tất. Họ biết lựa lời, lựa lúc, chứ không ào ạt, bất chấp. Họ không ăn hiếp, làm buồn lòng ai, nhưng cũng không để ai ăn hiếp, làm mình buồn.

Không phải cứ cương nghị là luôn luôn thắng đối phương. Đôi khi thiện chí cũng đụng phải bức tường đá. Tuy nhiên, người cương nghị luôn hài lòng về những nỗ lực mình đã bỏ ra, chứ không phải ấm ức, ân hận rằng mình đã bó tay chịu trận.

Cần thời gian lâu dài và sự bền chí để ta tập được tính cương nghị. Quả là không dễ dàng chút nào. Song bù lại, phần thưởng vô giá sẽ chờ đón ta. Đó là, thân tâm thoải mái, an bình. Đó là sự nể trọng của mọi người đối với nhân cách ta. Và đó là, lòng thành thực quý mến của mọi người dành cho ta.

Cương Nghị Với Con Cái

Ngay cả đối với con cái, chúng ta cũng cần thực hành tính cương nghị. Trẻ sẽ chới với nếu không có được sự cố vấn cần thiết của cha mẹ và sẽ cảm thấy bất an nếu không có sự bảo vệ của kỷ cương gia đình, học đường và xã hội.

Nhiều bạn trẻ đã tâm sự với tôi rằng: “Khi gặp những quyết định khó khăn, em đã rất cần ý kiến của cha mẹ. Phải công nhận là cha mẹ em thường có lý. Mà cả những lần cha mẹ không có lý, em cũng thầm cảm ơn cha mẹ đã bỏ tâm huyết, thì giờ tranh luận với em, giúp em thấy rõ ngọn ngành của vấn đề.”

Có bậc cha mẹ cho là sẽ “mất uy” với con cái nếu cứ phải cắt nghĩa dài dòng tại sao mình quyết định thế này, chứ không phải thế kia. Thực ra, những cuộc bàn luận cởi mở chỉ có thể cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà thôi.

15/8/2007