Sợ …

Trần Thị Diệu Tâm

clip_image002Tới phiên tôi trình giấy thông hành. Anh công an ngước lên cầm giấy tờ, lại cúi xuống. Anh ta chăm chú những hàng chữ trong hộ chiếu, theo dõi những gì hiện ra trong chiếc máy vi tính, có lẽ thế. Ai mà biết được anh ta đang làm gì trong cái bàn đóng kín bưng như thế kia. Tôi thụt lùi ở lằn ranh chờ đợi và chú ý.

Da vàng tái, đồng phục xanh màu cứt ngựa, có lẽ sinh ra sau ngày ba mươi tháng tư, lớn lên trong thời Đổi Mới, Cởi Trói, nhưng trông anh ta thiếu chất béo, thiếu chất tươi của tuổi trẻ, lại gầy và có vẻ buồn. Mặc ai chờ cứ việc chờ, ai đợi cứ việc đợi, đây phải làm việc nghiêm túc, không nên vội vã. Tôi nhìn đồng hồ, kim chỉ phút di động đều đặn, anh công an bất động.

Từ ngày qua Tây, mình có viết mấy cái truyện ngắn vớ vẩn, chẳng chửi bới gì ác liệt, thỉnh thoảng ức lòng nói cho vui vậy thôi. Tôi kiểm soát và nhớ lại, tập truyện đầu tiên có mòi xỏ xiên, nhưng nhằm nhò gì, những người khác chửi bạo mà cũng về đây năm lần bảy lượt, có sao đâu. Các anh chị cần phải khai báo thành thật, chúng tôi nắm đủ tất cả lý lịch của anh chị (trong một buổi họp tổ đầu tiên ở phường). Ừ mà, từ lúc viết báo, viết thời sự xứ Tây, thỉnh thoảng mình cũng ca tụng tự do, và mỉa mai họ chứ không sao. Nhưng mình đâu ký tên thật. Chúng tôi biết rõ các hoạt động của anh chị lâu nay (lúc bấy giờ tôi mặc áo bà ba ngồi bệt xuống nền đất ghi chú). Bộ nó biết bút danh của mình sao? Sức mấy! Chúng nó chỉ đánh đòn tâm lý.

Lẫn lộn chập chờn những hình ảnh thời còn là ngụy và thời ra nước ngoài trở thành Việt kiều, tôi chẳng biết mình là loại người nào để có một vị trí khẳng định vào lúc này. Muốn trở thành Việt Kiều Yêu Nước cũng không dễ, phải có tiền hoặc là nhiều bằng cấp. Hai điều kiện này tôi đều zê-rô. Vậy tôi là Việt kiều thứ dỏm, mong gì nước với non.

Tôi lại tự vấn theo kiểu triết học: Tôi là ai? Chị là người đứng bên lề xã hội (lời của anh công an giải thích vị trí của tôi khi tôi bị bắt quả tang đem thuốc tây bán ở chợ trời năm nào). Hiện thời, trong va-li có đem theo mấy cuốn truyện mới mua, có vài trang nham nhở với chính quyền Cộng Sản. Có thể bị ghép vào tội phổ biến sách báo phản động.

Anh công an nhìn lên bâng quơ, tôi giật thót mình. Nghe báo chí nói ở bên Cali, Việt Cộng nằm vùng không thiếu gì, biết đâu có bọn theo dõi các bài báo mình viết đăng bên đó chăng. Khi không nổi hứng mua vé về chơi, đi một mình, về lại nơi mình đã cố gắng đào thoát. Có lẽ đây là một thứ phiêu lưu, vì đời không phiêu lưu thì mất vui.

Chưa chi, tôi dự liệu làm tờ kiểm điểm trong đầu. Nhưng việc gì phải lo thế. Từ lúc ra khỏi nước, tôi trở thành một con người khác, mạnh dạn hẳn lên, cái gì cũng tự lo liệu, đến đâu tôi cũng xi lô xi la với Tây đòi hỏi quyền lợi tỵ nạn, quyền lợi di dân. Cửa công cửa quyền nào tôi cũng pha hết. Việc gì mà sợ kia chứ. Con học bị ở lại lớp vì kém chữ Pháp. Mẹ cũng không khá tiếng Pháp hơn con, nhưng tôi cố xin hội đồng giáo sư khoan thứ cho nó lên lớp kẻo trễ thêm một năm. Trong căn phòng hơn mười vị, chẳng hiểu tôi nói năng ra làm sao, mà cả phòng họp im lặng phăng phắc lắng nghe, nước mắt tôi bỗng dưng ứa ra khi kể lại nỗi khổ cực mười mấy năm với Cộng Sản, làm sao con tôi có thể so bì với điểm chuẩn con người ta ở bên này lâu nay. Thế là được chấp thuận cho con lên lớp ngay. Từ đấy tôi thấy tự tin hơn, mình có thể hoàn tất những việc khó khăn ở ngay xứ sở xa lạ này.

Tôi mở túi xách, kín đáo nhìn xấp tiền lẻ mang theo, định lượng phải chuồi bao nhiêu để thoát khỏi sự khó dễ của công an, nếu xảy ra. Tôi không biết xảy ra cái gì, nhưng chắc chắn không tốt. Cũng không bao nhiêu, mặt mũi non choẹt thế kia, chắc chưa biết ham tiền. Nhưng chuồi sao cho kín đáo, không bị người khác, công an bên cạnh thấy. Đáng lý ngay lúc đầu mình bỏ tờ 10 euro trong sổ thông hành là tiện, anh ta mở, cho tay gấp lấy dấu vào áo. Tôi sẽ được ra khỏi phi trường nhanh hơn. Đứng đây lâu, ngại bỏ mẹ.

Nhưng gần 20 năm xa xứ, tôi quên hành vi chuồi tiền. Mình là một đứa ngu ngốc. Một tờ mười đồng, khỏi phải ưu tư chột dạ, khỏi kiểm điểm lục soát quá khứ, hiện tại. Chỉ cái việc đứng như trời trồng hồi hộp chờ cái gật đầu cho phép bước vào nội địa, cũng héo gan thắt ruột.

Cái chi chớ cái màn chuồi tiền, tôi sành mười câu vọng cổ, chứ không phải sáu câu. Nhưng lâu nay bên Tây, không có dịp mà ca. Sao hồi nãy, thằng Tây trước tôi được xét nhanh thế.

Lát nữa mình phải cúi đầu cám ơn anh ta chứ, hay là mỉm cười duyên đây? Thôi bà ơi, bà già khú đế rồi nhé, cười duyên chẳng ai mê, đây chỉ mê có tiền. Nhưng nhỡ anh công an mới ra trường, có người yêu bỏ anh lấy Việt kiều, thù Việt kiều, mình lại mang tội hối lộ vì đem tài liệu cấm, thì bỏ mẹ đời tôi.

Cứ thế tôi lan man nghĩ chuyện này tới chuyện nọ. Nghĩ đến cái xấu nhất sẽ xảy ra (kinh nghiệm của thời sống với Cộng Sản), tôi sẵn sàng đưa địa chỉ ông anh chồng ở đây, dù bực mình, chắc anh ấy phải lo cứu gỡ cho cô em dâu mới đến Hà Nội lần đầu chứ. Tại sao nghĩ đến những điều xui xẻo như vậy. Không biết không sợ, càng biết càng sợ.

Nhưng, may mắn làm sao, tôi thật là người có phúc, vì ăn ngay ở lành, không làm điều gian ác, tôi không hề lừa gạt tiền bạc ai, ông Trời có mắt, do đó anh công an gật đầu đưa giấy thông hành cho tôi đi qua khỏi cửa khẩu kiểm soát, lấy hành lý ra về. Linh hồn tôi bay bổng thênh thang, và thấy mình đúng là một người Việt Nam đích thực, chân chính. Tôi cầm lấy sổ thông hành màu nâu, lẹ làng bước khỏi. Quên luôn lời cám ơn anh công an.

Vài ngày ở Hà Nội, trong một căn nhà khang trang ngay phố. Người nhà dặn dò tôi, đi đâu cô đừng nói là từ bên Pháp mới về nhé, cứ bảo ở trong Nam ra chơi lần đầu. Tôi thấm mệt. Tại sao chị lại lo lắng như thế. Chị sợ nếu biết, họ sẽ tha hồ chém tôi thẳng tay giá cả. Thì lâu lâu cho họ có được thêm chút tiền mà chị. Chị không trả lời. Dù không nói gì với một ai, nhưng cái gì tôi cũng mua đắt gấp đôi.

Tôi dấu béng chuyện tôi viết văn viết báo, điều tôi thường hãnh diện với bạn bè bên Tây (vì không có nghề nghiệp chuyên môn nào, nên xin mượn hai chữ nhà văn làm nghề nghiệp cho lé con mắt). Sau khi ra cuốn sách đầu tiên, người ta gọi tôi là nhà văn. Tôi cảm động và ngượng ngùng sung sướng lắm. Nhưng bây giờ, khi nghe họ giới thiệu mình như thế, tôi cảm thấy họ chế nhạo, vì có khi mình viết ba xạo, chứ văn viếc gì. (Nhưng bài này tôi viết đúng như cảm xúc thật của tôi, xin qúy độc giả hãy tin như thế). Tôi hay bị chứng dị ứng nó hành hạ, người ta dị ứng với lá với hoa, mình dị ứng với rất nhiều thứ trong đời, thuốc nào cũng không chữa khỏi. Vậy mà từ lúc viết lăng nhăng, bệnh bớt nhiều.

Gia đình tôi ở Hà Nội là những công bộc của nhà nước ta, ai nấy đều không ưa loại người viết lách. Nhất là người viết ở nước ngoài về, ưa bày chuyện. Họ cũng sợ những điều tôi hỏi, nên tôi không muốn hỏi. Ngày và đêm tiếng còi xe réo lên liên tục không ngưng nghỉ, bóp còi là một hiện tượng đặc thù của Việt Nam, từ Bắc vào Nam. (Bên Tây mỗi khi có đòan xe đám cưới, họ mới nhấn còi để chia vui với khách qua đường). Nơi quê hương này, âm vang tiếng còi xe xuyên suốt cả một chiều dài lịch sử nước ta. Cho nên sá gì chiều dài của những ngày đêm tôi ở Hà Nội, Sài Gòn. Nếu lái xe mà không bóp còi, thì xem như đời mình vô nghĩa. Bóp còi là tín hiệu của sự sống, của sự tồn tại, của sự hiện diện ngày hôm nay, trong giây phút này đây. Bóp còi là một cái tôi, không bóp còi là tôi mất tiêu, là tôi chết. Tôi bóp còi, vậy tôi hiện hữu. Sau khi suy nghĩ về tiếng còi xe như thế, tôi mới thông cảm cái hành động bóp còi liên tục, liên tu bất tận suốt ngày đêm của dân ta.

Tuy nhiên những ngày đầu tôi sợ, cứ giật mình liên tục, nghĩ mình sắp bị xe tông. Chẳng lẽ đời tôi bị hai lần xe tông sao. Lấy chồng hai lần còn lành lặn, chứ xe tông qua lần thứ hai thì bộ xương sườn của tôi sẽ nát bấy. Mỗi lần đi qua đường, thấy tôi co người tránh, họ bảo cứ đi liều.

Tuy nhiên có một thứ âm thanh êm ái nhẹ nhàng lắm:

- Cốm đây, ai ăn cốm Vòng đây?

Tiếng rao trong trẻo thoát ra giữa những huyên náo ban mai, làm người đang ngái ngủ chợt mở mắt, lắng tai nghe ngóng. Chị bán cốm hẳn là duyên dáng, còn trẻ. Tiếng rao lướt qua nhanh, chiếc xe đạp hàng cốm đi xa. Giọng rao như đánh thức lại lời nói ngọt ngào êm ái năm xửa năm xưa.

- Em như cốm xanh.

Câu nói của nhà tôi dạo nào mới quen nhau khi tôi mặc áo luạ màu xanh non. Sao dạo ấy nhà tôi nói năng thơ mộng thế nhỉ. Sau mấy mươi năm vợ chồng, cốm xanh nay thành cơm nguội khô, ăn vô gãy răng giả.

Cái món ăn tôi thường ao ước nhất khi được đến Hà Nội là món Bún Ốc, đàn bà ai chả mê bún ốc. Riêng tôi cái gì có bún là mê. Tôi hỏi thăm cửa hàng bún ốc nào ngon nhất, người ta đưa tôi tới một quán bên vệ đường, vừa bẩn vừa chật hẹp, nhưng các cô các bà đông nghẹt. Hẳn là ngon. Tôi khoái ngồi ăn ở những quán xập xệ bình dân. Nồi ốc bưu béo ngậy sôi sùng sục, hấp dẫn đáo để, tôi bắt chước gọi ốc ăn chấm riêng. Ăn được vài miếng, tôi lo đứng dậy trả tiền, chưa thưởng thức hết vị ngon, vì bị các cô chen lấn giành chỗ. Mùi ốc luộc thoang thoảng mùi bùn tanh. Về nhà, lại được ăn món đậu phụ làng Mơ chấm mắm tôm ngon tuyệt. Các thứ tuyệt hảo ấy trộn lẫn nhau, trở thành đòan lính vi khuẩn đánh thuê tấn công ruột gan tôi dữ dội. Tôi phải kháng chiến suốt mười ngày tiêu chảy. Cho đến mãi bây giờ, nghĩ đến các món bún ốc, mắm tôm, tôi rùng mình , tay chân lạnh.

Hôm ở Sàigòn, có bà bác mời tới nhà ăn cơm trưa. Nhà ở trong ngõ hẻm quanh co, trước đây căn nhà rất mát, nay bị thụt lùi và che lấp do những tầng lầu. Tiếng động chát chúa dội từ bức tường bên cạnh. Bác phân trần, nhà bên cạnh lại lên lầu nữa, họ làm từ sáng cho đến đêm để tranh thủ. Bác phải khiếu nại ở phường chứ, ban đêm cho hàng xóm nghỉ ngơi. Mình thấp cổ bé miệng nói ai nghe. Đang ăn, bỗng nghe tiếng đổ xuống một viên gạch ở trước nhà. Con chó con đang nằm ngoài sân kêu oẳng lên một tiếng, chạy biến vào gầm bàn run lập cập. Gia chủ chạy ra la ơi ớí, này mấy chú đừng làm ăn bừa bãi thế nhé, gạch rơi xuống có ngày đè chết người ta. Không thấy ai trả lời, bác vào nhà ăn tiếp, lại phân trần. Cháu biết không, báo chí vừa đăng tin có một gia đình ban đêm đang ngủ, bỗng dưng bị đè chết vì nhà bên cạnh đang xây cất, đập phá làm sụp xuống mái nhà người ta.

Tôi kín đáo nhìn lên trần nhà, ăn vội hơn. Chưa kịp ăn món tráng miệng chè hạt sen tươi, tôi xin kiếu từ vì phải ra bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu. Đến bến tàu, còn sớm hơn một giờ, tàu cánh ngầm chưa cập bến. Nhưng ngồi chờ nơi đây, dễ chịu và an ninh hơn ở nhà bà bác. Biết đâu đang ăn, có khi gạch ngói ập xuống, u đầu vỡ trán, đời tàn trong ngõ hẹp, bảo hiểm không đền tiền.

Tôi chẳng hiểu tại sao loại tàu chở khách này có tên gọi như thế, nghe nói nó chạy nhanh, bớt nửa thời gian của xe đò từ Sàigòn–Vũng Tàu. Đa số hành khách là người đi công tác việc nước, hay du khách nước ngoài, giá cả khá cao. Để tránh việc di chuyển trên quãng đường xa bằng xe hơi, tôi đi tàu biển cho an toàn.

Khi tàu cánh ngầm đưa tôi ra đến cửa biển, tàu tròng trành ngừng lại tắt máy. Mọi người thắc mắc, 15 phút sau cô hướng dẫn nói vào máy, có sự cố kỹ thuật, xin qúy khách vui lòng chờ đợi. Chờ hơn mười lăm phút nữa, máy lại nói, tàu không thể sửa chữa được, qúy vị sẽ chuyển qua tàu khác, chúng tôi đã gọi. Chờ tàu khác đến cứu cũng mất gần 20 phút, nếu đi xe đò đến sớm hơn. Tàu cánh ngầm tiếp tục tròng trành trên sóng. May chiều nay không có gió lớn, một người nói. Không sao, mình không thể chết trên biển, mình biết bơi. Tôi nhìn chiếc phao cấp cứu, chắc chắn không đủ cho mỗi người một cái. Mấy chiếc phao chỉ để trang trí cho vui mắt. Bây giờ tôi có thể định nghĩa tên gọi tàu cánh ngầm: là tàu có máy móc hỏng ngầm bên dưới. Vì tôi mua luôn vé khứ hồi cho chắc ăn (giống như ở bên Tây) nên khi về cũng phải đi cánh ngầm. Chiếc phao cấp cứu hình tròn xoáy vòng trong hai con mắt buồn ngủ.

Và rồi đến ngày trở về lại Pháp, tại sân bay Tân Sơn Nhất, anh công an kiểm soát giấy thông hành, thiếu mất tờ giấy khai hải quan. Tôi không nhớ nó nằm ở góc nào trong va-li, bây giờ làm sao lục tìm. Anh công an bắt đầu khó dễ. Chỉ còn một mình tôi cuối cùng. Tờ mười đồng âu kim chuồi nhanh, thôi xin anh làm cho tờ khác. Âu kim màu tươi hơn mỹ kim (vì cao giá hơn), do đó anh công an không cần nói thêm lời nào nữa. Ngó trước ngó sau, anh ta cúi xuống làm lại giúp tôi ghi chú lẹ làng. Tôi nhớ có lần ở phi trường Los Angeles, cũng quên như thế, nhưng người kiểm soát không làm khó. Tôi là người rất cẩn thận, có thể nhớ từng chi tiết nhỏ nhặt về chuyện không đâu, nhưng chuyện cần nhớ thì lại quên. Nhà tôi nói, tại cẩn thận quá nó thế đấy.

Qua khỏi thủ tục kiểm soát đầu tiên, đến trạm đóng thuế ra khỏi nước (thuế gì kỳ cục thế không biết) bằng đô la. Rồi lại trạm kiểm soát khác, mấy cô công an nhìn giấy tờ, hỏi tôi về Sàigòn ở đâu. Rắc rối thêm, hai cô chứ không phải một, cùng nhìn vào giấy thông hành và tờ khai hải quan mới. Tờ khai khi đến đâu? Tôi nói bỏ quên trong hành lý gửi đi rồi. Hai cô đồng phục cứt ngựa nhìn nhau. Tôi thấy lạnh, không biết lôi thôi gì nữa đây. Chị từ đâu về? Bộ không thấy thông hành Pháp hay sao mà hỏi lôi thôi (câu này tôi chỉ dám nói thầm). Nếu chuồi tiền thì bao nhiêu, tôi thấm mệt vì phải suy nghĩ như thế, lỡ có một cô không chịu thì sao, sẽ cho rằng tôi gian lận điều gì đó. Tôi phải đứng khá lâu ở trạm kiểm soát này chờ được xử lý. Đi ra chứ đi vào đâu mà khó thế. Lại bị hỏi, tờ giấy mới này ai khai cho chị? Tôi nói người làm việc ở dưới kia.

Thêm mấy phút hai cô do dự. Tôi moi hai tờ giấy, mỗi cô 10 đô la (rẻ hơn hai tờ 10 âu kim, tôi tính toán hơn thiệt), định chuồi. Nhưng may mắn làm sao, như đã nói, tôi là người không hề làm điều gian ác, trời đất cũng có mắt đặt để, có phúc có phần, tôi không cần phải tốn tiền. Hai cô gật đầu cho tôi bước ra cánh cửa. Tôi cười cám ơn, nhét tiền vào ví ngay. Cánh cửa ập một tiếng mạnh sau lưng, hồn viá tôi nhập vào thể xác.

Qua khỏi Hải Môn Quan là xem như thoát khỏi biên giới Việt Nam. Người ngồi ở phòng trong kia là người trong sạch, không tỳ vết gian lận. Tôi ôm cái xắc tay thở phào, vừa mệt vưà ngán ngẩm. Mấy ngày ở Sài Gòn , tim tôi đập loạn xạ, đi đâu cũng hãi. Ở đây lâu có ngày e đứng tim, vỡ mạch máu.

Vẫn cứ sợ, vẫn cứ lo. Ngồi chờ máy bay, sốt ruột nhìn đồng hồ mãi. Tôi tìm đứng ở vị trí đầu tiên vào máy bay, khi lọt vào trong, thấy an toàn lạ lùng. Cảm giác này tôi đã gặp cách đây hai chục năm, cũng tại nơi phi trường này, ngày ra đi. Tôi tưởng với thời gian ấy, mọi cảm xúc đều tàn phai. Vâng, có nhiều tàn phai trong tâm hồn khi trở lại đây, nhưng nỗi sợ luôn luôn tươi máu.

clip_image004