Sao Vàng Bảng Đỏ

Thái Nguyên

Tôi về thăm lại Quê Hương đúng vào mùa Giáng Sinh năm 1995, mùa dễ chịu nhất của Saigon thân thương, thoát được cái nóng hừng hực của mùa hè. Vợ và hai con tôi đã về trước tôi khoảng hai tuần, nhưng cả gia đình dự trù sẽ trở lại Nhật chung chuyến bay sau Tết Tây một ngày.

Trưa ngày hôm sau, sau khi đã ghé Chùa Già Lam thăm viếng di cốt song thân, tôi mượn xe đứa cháu để đi thăm vài bạn bè. Người bạn đầu tiên tôi nghĩ đến là Nguyễn Anh Oanh, cùng Khoá 3, thường được gọi thân mật là Chủ Tịch SCIPÉCO (Science Politique & Économique), một Nhóm Thân Hữu thuộc Khoá 3 do Oanh sáng lập và làm Trưởng Nhóm (Chủ Tịch) cho đến hôm nay và mãi mãi.

Nhóm Scipéco được thành lập khoảng tháng 10/1966, ngoài CT Nguyễn Anh Oanh ra tôi nhớ còn có Trần Thị Anh Đào (Bắc Cali., em gái Anh Trần Văn Lưu aka AHDN), Nguyễn Lục (sau này là phu quân của Anh Đào, đã mất tại Bắc Cali, sau khi đến Mỹ khoảng hơn một năm), Phùng Năng Quán (VA), Lê Thị Kim Trâm (Dallas,TX), Lê Thúy Lan (France), Hoàng Trọng Kim (VN), Phạm Văn Lưu (Úc), Phạm Văn Chương (Úc), Vũ Văn Kim (VN), Lương Quan Thạch và chị Lương Chánh Nghĩa (VN), Nguyễn Nhân Đạo (sau du học Đức và mất liên lạc), Nguyễn Thị Thu Quyên (Bắc Cali.), Nguyễn Văn Thuần (VN) v.v.
Ngoài trao đổi về học tập, thảo luận, Nhóm còn tổ chức những buổi picnic, cắm trại, du ngoạn, party khá vui vẻ, bổ ích. Mặc dầu Nhóm Scipéco không tạo được tiếng vang hay thành tích đáng kể như một số hội đoàn khác thuộc VĐH Dalat, nhưng đối với bản thân tôi, Nhóm Scipéco đã để lại nhiều kỷ niệm thật đẹp về tình Bạn và tình Người, nhất là đã đóng góp xứng đáng vào phương châm Trồng Người (Thụ Nhân) của ngôi Trường Mẹ.

Nhà Oanh nằm trên đường Trương Tấn Bửu, quận Phú Nhuận, lúc trước là một tiệm may áo dài khá nổi tiếng nhưng sau tháng Tư ’75, áo dài trở thành một thứ xa xí phẩm nên phải trả môn bài. Trước ngày về nước tôi nghe bạn bè đồng khoá, đa số ở Mỹ, đã tổ chức quyên góp tài vật gởi về trợ giúp gia đình Oanh qua cơn ngặt nghèo.

Đường xá Saigon nói chung đã được nới rộng hơn xưa, lề đường đã được nhà nước ra lệnh giải toả mà hầu như không gặp sự phản kháng nào. Mấy chữ “chuyên chính vô sản” đã tạo thành cơn ác mộng triền miên đối với dân chúng Sài Thành. Cửa nhà Oanh chỉ khép hờ, thoáng nhìn vô tôi thấy Lan, vợ Oanh (nghe nói cũng là một TN) đang ngồi làm khuy áo dài, bên cạnh là một bé trai khoảng 5, 6 tuổi đang ngồi học bài. Nghe tiếng gõ cửa Lan bước ra. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu, Lan lịch sự mời tôi vô nhà và lên tiếng gọi chồng. Oanh vội vã bước ra và hai chúng tôi siết chặt tay nhau qua màn lệ mỏng, Oanh còn khéo nhắc: ”Phải bắt tay trái mới đúng chứ Thái, tui còn nhớ hồi mình ở Đà Lạt ông sinh hoạt trong hướng đạo mà”. Oanh vẫn gầy ốm, có thể nói là gầy ốm hơn cả thời gian học ở Đà Lạt, cặp mắt sâu càng thấy sâu hơn với thể trọng chưa đến bốn mươi ký lô. Đang tâm sự thì Lan mang nước ra mời, tôi hỏi thăm về tình trạng con cái của hai bạn và có lì xì mấy cháu chút quà. Tôi thắc mắc về công việc của đôi bạn, đặc biệt vì ban nãy thấy Lan đang làm khuy nút chiếc áo dài, thì ra Lan “làm chui”, tức lén lút lãnh may hàng cho những khách quen, dĩ nhiên công việc chỉ có tính cách tạm bợ, tùy tiện. Còn Oanh thì không còn làm thợ hớt tóc nữa, hiện Oanh đang phụ kế toán sổ sách cho vợ chồng Thạch-Cúc (Lương Quan Thạch K3 và Nguyễn Thị Cúc K7), cả hai đã thông cảm hoàn cảnh khó khăn của gia đình Oanh nên ra tay giúp đỡ.

Oanh lôi tôi ra con hẻm cạnh nhà để giới thiệu “nghề cũ” của mình. Thì ra Oanh lợi dụng ngay tấm vách của đường hẻm để “kinh bang tế thế”, chỉ cần đóng hai cây đinh móc vô vách tường, xong kéo tấm tent nhà binh, hai đầu kia là hai cây tre là có ngay một “barber shop” bình dân: Hớt, Tỉa, Cạo, Ráy Tai, đủ bốn món ăn chơi, chỉ thiếu món Gội. Ngày nắng ráo thì không sao, gặp cơn mưa rào thì Khách Chủ phải chạy trốn vô nhà chờ mưa tạnh. Oanh kể có mấy lần mưa giông kéo tới bất ngờ, tấm tent (nóc tiệm) bị hất tung cả Khách lẫn Chủ ướt như chuột.

Tuy chỉ có hai tuần lễ ở Saigon, nhưng Oanh và tôi đã đi uống cà phê với nhau 4, 5 lần, đó là chưa kể bữa ăn đồ biển khá thịnh soạn do vợ chồng Thạch-Cúc đãi ở Nhà Hàng Nha-Trang. Hôm đó ngoài ba gia đình còn có sự hiện diện của chị Nghĩa, chị của Thạch, từ Mỹ Tho bay lên Saigon góp mặt. Oanh tuy ốm nhom nhưng tình trạng sức khoẻ khá tốt. Điều đáng ngạc nhiên là khi Oanh tiết lộ: “Sở dĩ tôi có được sức khoẻ khá tốt như vầy là nhờ ngồi Thiền”. Ngạc nhiên vì từ thuở nhỏ Oanh đã theo học trường đạo, ngày ngày thấm nhuần giáo lý Đấng Ki Tô, bây giờ lại say sưa thuyết giảng về Thiền.

Oanh hỏi tôi về Thiền Tông (Zen) của Nhật Bản. Oanh tâm sự tiếp:
…Tôi đã được một anh bạn đi cải tạo chung giới thiệu về Thiền Tông. Sau khi cải tạo về tôi tìm đọc thêm nhiều sách vở về Thiền, và chính nhờ tập ngồi Thiền mỗi ngày tinh thần tôi mới an định trở lại.

Thế rồi mọi việc có Hợp tất phải có Tan, ngày chia tay đã đến. Mặc dầu ngày hôm trước tôi đã đến để chào tạm biệt Oanh-Lan, khoảng vài giờ trước khi ra phi trường về lại xứ Phù Tang, Oanh lù lù hiện ra và ngỏ ý muốn tiễn gia đình tôi ở sân bay, nhưng vì thân nhân đưa tiễn quá đông, chiếc xe thuê Hàng Không VN ba chục chỗ ngồi không thấm thía so với nhu cầu, mấy đứa cháu phải đèo nhau bằng xe gắn máy. Tôi đang định nhờ đứa cháu gọi bằng cậu chở Oanh thì không biết có phải nhờ “ngộ” lời Phật dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” hay sao mà Oanh khoát tay từ chối, viện cớ phải về nhà có chút việc. Khi tiễn tôi ra cửa, đang bắt tay nhau bất ngờ Oanh rút cây viết Bic trên túi áo viết thẳng vào lòng bàn tay tôi bốn chữ hoa “SAO VÀNG BẢNG ĐỎ” và ghé nói thầm vào tai tôi: “Đây là sách lược của phe ta, không thắng họ bằng võ lực được, phải thắng bằng kinh tế. Cứ đọc ngược lại sẽ hiểu. Cho tôi gởi lời thăm tất cả bạn bè hải ngoại nha”.

Ngồi trên phi cơ miệng tôi cứ lập đi lập lại “SANG GIÀU BỎ ĐẢNG, SANG GIÀU BỎ ĐẢNG,..”
Trở lại Nhật được khoảng ba hôm thì nhận được email của người chị vợ báo tin Oanh mất, nội dung chỉ võn vẹn: “…Nghe chị Oanh kể là ảnh leo lên mái nhà để sửa lại cái máng xối bị lệch, rủi trợt chân té từ trên mái nhà xuống. Gia đình sẽ đến phúng điếu.” (đầu Tháng Giêng 1996)
Giờ đây đã gần mười năm từ ngày Oanh từ giã cuộc chơi, giã từ mọi nghiệp chướng, phiền não của dòng đời nghiệt ngã, nhưng sao trong lòng tôi vẫn cứ nghe nao nao thắc mắc: “Phải chăng trước khi lìa đời người bạn hiền đã để lại một lời tiên tri?!”

Canada, Thu 2005