SỐNG VỚI MA

Trần Văn Bảng

1. Ma Đà Lạt

clip_image002Tôi vừa bước lên tới đầu dốc thì gặp ngay bà Tính là người hàng xóm. Nhìn thấy tôi, bà ta lên tiếng trách ngay:

- Đêm hôm để cho người ta ngủ chứ, làm gì thì làm ban ngày ban mặt, tại sao cứ để đến nửa đêm thì làm rầm rầm, không ai ngủ được.

Tôi thực sự ngỡ ngàng không biết mình đã làm phiền hàng xóm láng giềng cái gì trong đêm khuya khoắt.

- Tôi có làm gì đâu, đêm hôm qua tôi đi ngủ sớm mà.

Bà ta liền giảng giải, giảng giải cũng là cách khuyên răn tôi đừng có làm mất lòng hàng xóm láng giềng trong lúc này mà mang họa vào thân. Vì trong xóm này, bây giờ chỉ còn có tôi và mấy anh em nhà bà thôi là người của chế độ cũ, chồng bà là sĩ quan cảnh sát, tôi thì làm việc tại Tòa Hành Chánh Thị Xã Đà Lạt, kỳ dư những người còn lại trong xóm đều là những người theo chế độ mới cả rồi. Bà Mùa có đứa con gái, trước kia thì nghe nói ‘‘bị VC bắt đi mất tích trong kỳ Tết Mậu Thân’’, nay trở về, nhìn bà con trong xóm bằng nửa con mắt. Còn tên trung sĩ cận vệ của Tỉnh Trưởng Đà Lạt ở cạnh nhà tôi, nay cũng thấy đeo băng đỏ và có vẻ hống hách lắm, thành ra tụi tôi mấy nhà gần nhau, tự cảm thấy mình lẻ loi và phải đề phòng. Bà ta nói:

- Đêm nào anh cũng làm rầm rầm, cả xóm không ai ngủ được. Nhà có mấy cái fut* mà tối nào cũng xếp đi xếp lại, ồn ào quá!

Tôi ậm ừ cho qua chuyện vì nghĩ rằng mình chẳng có làm cái việc ồn ào mà bà ta vừa mới nói, rồi tiếp tục đi ra ngoài mà trong lòng chả biết đi đâu! Đi lên sở làm, thì họ nói về nhà ngồi chờ. Bạn bè thì tứ tán, mỗi đứa một nơi, mà có ghé đến cũng không dám ngồi lâu, sợ bị nghi ngờ. Có vào quán cà phê, thì lâu lâu lại có mấy tên 3O đeo băng đỏ, thỉnh thoảng tông cửa ngó vào làm mình chột dạ. Thôi thì mình đi lang thang vậy, đi hết phố này đến phố khác; vòng hết khu Hòa Bình rồi xuống chợ; hết chợ thì đi vòng bờ hồ…Vậy mà cũng hết ngày. Về nhà, buổi tối đi ngủ cũng quên hẳn cái chuyện làm ồn ào mà bà Tính đã nói với tôi vào buổi sáng, không quan tâm vì tự nghĩ rằng mình có làm gì gây tiếng động đâu.

Sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy thì cũng là lúc bà Tính mở cổng bước vào, chưa kịp chào hỏi, bà đã trách:

- Cái anh này lạ thật, đã nói rồi mà vẫn tính nào tật nấy, vẫn làm ầm ầm cả đêm là nghĩa làm sao?

Biết nói gì bây giờ, tối hôm qua tôi cũng đi ngủ sớm, chắc chắn là không phải tôi gây ra những tiếng động đó. Bị nghi ngờ oan uổng, tôi cũng hơi bực mình bèn trả lời xẵng:

- Chuyện đó do ai làm chứ không phải tôi.

- Không phải anh thì ma làm à!

Quen miệng thì nói vậy thôi, chứ tôi nghĩ rằng bà ta không tin là có ma, cha cố trong nhà thờ chẳng thường dạy dỗ như vậy là gì! Mà bà ta ngày nào chả vào nhà thờ nghe cha giảng? Cha Sở sở tại thường giảng rằng không bao giờ có ma, vì khi linh hồn rời khỏi xác thì sẽ được thiên thần dẫn đi ngay. Chết lành thì được lên Thiên Đàng. Chết dữ thì phải sa Hỏa Ngục. Chỉ có quỷ thôi, thỉnh thoảng Chúa thả ra cho lên trần gian để thử thách loài người.

Bị nghi ngờ một cách oan ức như vậy, tôi tức lắm, quyết phải tìm cho ra manh mối. Tôi quyết không ngủ đêm nay để xem ai là người đã làm ồn ào phiền hà cho cả xóm mà tôi là người bị gán cho là thủ phạm. Tôi uống cà phê, nhặt nhạnh những tờ báo cũ, đọc để khỏi ngủ quên, trong lòng thì nghĩ rằng có kẻ nào đó đã làm như vậy để vu oan cho mình.

Đêm đã khuya, tôi kiên nhẫn chờ đợi. Cây kim đồng hồ nhích dần. Mười giờ, rồi mười một giờ, rồi mười hai giờ thiếu năm, sắp đến cái giờ mà bà ta nói là…giờ tôi quậy. Trời đêm Đà Lạt thật yên tĩnh. Không một tíếng động, dù là nhỏ. Những tiếng rao hàng về khuya cũng không còn, có lẽ vì trong lúc giao thời, người ta sợ không dám làm ăn khuya khoắt nữa. Chỉ có tiếng chó sủa đâu đó ở mãi tận ấp Ánh Sáng, rồi bỗng nhiên im bặt. Đang mơ mơ màng màng, thì bỗng một tiếng động thật lớn, nghe «rầm» từ góc sân làm tôi bật dậy. Nó không giống như tiếng đạn pháo, mà như là có ai quăng một vật gì nặng lắm từ trên cao xuống nền xi măng. Sau đó là tiếng động do sự va chạm thật mạnh của những cái fut rỗng gây ra. Toàn thân tôi run lên lật bật, chân tay lẩy bẩy, đầu óc hình như là khô cứng, mồ hôi toát ra, tóc tai chắc là đã dựng ngược lên. Tôi không biết phải làm thế nào, chỉ ngồi co ro trên giường để nghe tim đập thình thình, trong khi tiếng động vẫn cứ tiếp tục. Nếu như lúc này mà có thêm được ai nữa thì thật là đại phúc, đàng này tôi lại chỉ có một mình, chẳng biết cầu cứu ai. Tôi nghĩ ngay đến câu nói vô tình của bà Tính ‘‘Anh không làm thì ma làm à?’’ Đúng rồi! Chỉ có ma làm thôi. Từ từ, chừng mươi lăm phút sau tôi mới bình tĩnh lại được. Cớ sao lại sợ ma? Có lẽ tại lâu rồi không ngủ với ma nên bây giờ đâm ra sợ mà thôi, chứ trong thời kỳ đi đánh giặc, tôi đã từng ngủ chung với xác chết đồng đội trong lòng xe thiết giáp nhiều lần, những khi tản thương đêm không kịp. Có lần thằng bạn là đại úy Các còn hiện về nhắn tin cho bồ nó. Nó hiện về đúng y như cái xác chết của nó đang nằm bên cạnh tôi, chỉ còn một nửa cái đầu, máu me be bét. Hồi đó thấy những cảnh như vậy mà tôi không sợ, thì nay, hà cớ gì, bây giờ chỉ nghe tiếng động lại sợ, trong khi mình chưa biết mặt mũi con ma bây giờ như thế nào. Biết đâu nó lại hiền lành cũng nên. Sau khi đã nghĩ được như vậy, tôi cảm thấy bớt sợ. Tôi lấy hết can đảm bước xuống đất, để ra chỗ cánh cửa, nhìn qua lỗ khóa xem sự thể bên ngoài như thế nào, mà trong lòng cũng chưa dám nghĩ là ra để mở cửa.

Khoảng cách giữa cái giường tôi nằm và mặt đất chỉ chừng bốn tấc, vậy mà phải mất độ chừng hơn mười phút tôi mới đặt chân xuống đến nơi. Bàn chân cứ sắp chạm đất thì tôi lại rút lên, rút lên rồi lại từ từ bỏ xuống, rồi lại rút lên, trong khi tiếng động bên ngoài vẫn tiếp tục đều đều, khi nhanh khi chậm, thỉnh thoảng ngưng một chút rối lại tiếp tục, khi mạnh khi yếu, nó vẫn còn đấy. Nếu cứ tiếp tục ầm ầm như thế này thì ngày mai sẽ lại bị trách móc, có thể còn bị tù tội vì phá làng phá xóm nữa. Thời buổi này, cái tóc cái tội, ai mà biết được. Nghĩ đến tù tội, tự nhiên cái sự sợ ma của tôi bị giáng xuống hàng thứ yếu, vì trong họ nhà tôi có đến hàng chục chú bác anh em chết vì tù tội trong trại Lý Bá Sơ, hoặc được tha về ít lâu sau thì chết. Được nghe kể lại, tôi thấy nếu bị lâm vào cảnh tù tội thì còn đáng sợ hơn con ma này nhiều. Giống như khi nhận được lệnh khai hỏa, không chần chừ gì nữa, tôi bỏ nhanh chân xuống đất. Nhưng lạ thay! Khi chân tôi vừa chạm đất thì tiếng động bên ngoài im bặt. Thế là tôi thắng. Tinh thần tương đối bình tĩnh, tôi bước dần ra tới cửa. Tôi mạnh bạo nhìn qua lỗ khoá thì chẳng thấy gì, bên ngoài vẫn tối đen như mực, trời khuya quá rồi, chắc cũng gần một giờ sáng. Đà Lạt vốn dĩ đã thanh vắng, đêm hôm khuya khoắt lại càng thanh vắng thêm, tạo nên cái vẻ rờn rợn liêu trai, ma quái, huống chi chính tôi bây giờ đang kề cận với ma thì cái thanh vắng ấy lại làm tăng thêm sự hãi hùng. Đứng đợi một lúc, không thấy động tĩnh gì, lần lượt tôi đi khóa lại cửa ra vào, cửa hông, cửa kính, khoá chặt chẽ hết trong âm thầm và bủn rủn. Bây giờ nhớ lại, thấy cái hành động khóa cửa thật là tiếu lâm! Ma nó từ dưới lòng đất hiện ra, đi xuyên đất, xuyên tường còn được thì xá gì mấy cái cửa bằng gỗ! Tôi lên giường nằm lại, vừa lo vừa sợ. Nếu bây giờ nó tông cửa bước vào thì làm sao đây? Hoặc nó thè cái lưỡi lửa vào mặt tôi, liệu tôi có còn là tôi nữa không? Hay là chết ngất một mình?

Tôi kéo mền trùm kín đầu, hy vọng nó đừng có vào. Khi xưa trong lòng xe thiết giáp . . . còn có người này người kia, có chuyện gì mình còn kêu cứu được. Giờ đây, trong ngôi nhà vắng ngắt này, chỉ có một mình tôi. Ma mà hiện lên thì biết kêu cứu ai? Lúc nẫy, tôi lấy hết can đảm làm một cú để chân xuống đất, và bước gần cửa cho nó ra vẻ, chứ thực sự tôi vẫn còn run. Tôi nhắm mắt nằm im trong cái sự run ấy, hy vọng sẽ ngủ quên đi, hy vọng nó đã bỏ đi.

Thế nhưng không, con ma đó nó vẫn không tha, không để yên cho tôi ngủ trong lo sợ. Chừng l5 phút sau khi bước chân lên giường, thì tiếng vang dội ầm ầm từ bên ngoài lại lọt vào nhà nghe chói tai, rợn óc. Thế là nó chưa bỏ đi, nó vẫn còn đây, nó vẫn còn muốn phá tôi.

Phải làm sao bây giờ, tôi cũng chẳng biết phải làm sao. Chỉ biết nằm run thôi, tim đập thình thình như trống đánh vỡ đê. Làm như chất can đảm, dũng cảm trong người tôi đã cạn kiệt, không còn một tý nào, nhất là trong lúc này, vừa mới chạy hụt hơi trở về sau ngày 3O-4, tinh thần suy sụp đến thậm tệ trước sự đổi đời mà mình là nạn nhân. Chợt tôi nhớ lời mẹ tôi, khi gặp ma quỷ thì làm dấu Thánh Giá. Thế là lùng bùng trong mền, tôi múa lia lịa. Mặc dù không tin lắm, nhưng ở vào trường hợp này cứ múa đại, may ra được, bằng không cũng chẳng mất gì. Chính vì quá chú tâm vào cái việc làm dấu Thánh Giá mà tôi đã quên được cái tiếng động bên ngoài, lúc này, tiếng động vẫn còn, nhưng âm thanh khi lớn khi nhỏ, chứ không dữ dội như lúc ban đầu. Điều này giúp tôi quên đi sự sợ hãi, bớt run rẩy. Để đánh tan cái hiện tại rợn tóc gáy này, tôi biết cầu cứu ai bây giờ, chỉ có mẹ tôi thôi, hy vọng mẹ tôi sẽ giúp tôi thoát khỏi cơn hoạn nạn ghê gớm này. Tôi thầm kêu tên mẹ tôi và nằm nhớ lại cái khoảng thời gian thanh bình tôi đã sống trong căn nhà này với cha mẹ tôi.

Cha mẹ tôi đi di cư vì sợ ở lại Việt Cộng sẽ không cho đi Đạo. Cha mẹ tôi rất ngoan đạo, nhất là mẹ tôi, nhiều khi xách giỏ đi chợ thì theo thói quen cụ lại không tới chợ mà lại bước vào nhà thờ, nơi mà chỉ vài giờ trước đây, cụ vừa xem lễ buổi sáng. Trong nhà thờ chẳng còn ai, vậy mà cụ cũng ráng nán lại để cầu xin van nài, năn nỉ với Chúa, xin xỏ dăm ba điều. Không xin thì làm sao Chúa biết mà cho, Chúa không cho thì làm sao chúng mày có được ngày hôm nay, Cụ nói như vậy và tin chắc như vậy. Lạy Chúa tôi! Chúa cho cái kiểu này thì chết con rồi! Cả nước VNCH cũng như mẹ tôi cầu xin Chúa cho nước Việt được thanh bình trong tay Chúa, dưới sự quan phòng của Chúa, thế mà Chúa lại để cho kẻ phủ nhận Chúa, những kẻ vô thần chống lại Chúa chiến thắng thì con không hiểu nổi.

Trước năm 75, kể từ ngày được trở về Đà Lạt làm việc, chiều nào tôi cũng ghé vào nhà thờ, cho mẹ tôi thấy mặt để cụ vui lòng. Tôi nhớ, có một lần vào dịp Mùa Chay, không hiểu vì lý do gì đó mà tôi không ghé nhà thờ được để ngắm Đàng Thánh Giá. Thế là tối về, cụ bắt tôi phải ngắm bù. Tôi thưa tôi không thuộc, cụ bảo cứ ngắm, mà trong nhà chỉ còn hai mẹ con, ba tôi đã về Sàigòn. Cụ bắt đầu ngay. Những kinh thông thường thì tôi còn nhớ lõm bõm, tới khi bước vào Mười bốn Đàng Thánh Giá thì tôi chỉ còn ú ớ đọc theo. Mười bốn Đàng Thánh Giá là l4 bài kinh tả l4 cảnh khổ của Chúa trên đường lên núi chịu đóng đinh, bắt đầu từ cảnh thứ nhất là khi Chúa bị đem ra xét xử, cho đến cảnh thứ l4 là cảnh liệm xác Chúa trong mồ, trong đó có tả cảnh Chúa ngã xuống đất ba lần trong ba giai đọan khác nhau. Trong Kinh thì gọi 14 cảnh trên là 14 Nơi Thương Khó. Bắt đầu là Nơi thứ Nhất, Nơi thứ hai . . . . Đức tin thì nhiều nhưng mẹ tôi thuộc loại con chiên chỉ biết thuộc lòng. Thông thường, một chầu kinh dẫu có dài như vậy cũng chỉ phải đọc trong khoảng 45 phút, đàng này hai mẹ con đọc cả tiếng đồng hồ rồi mà vẫn còn đang ở khúc giữa, có nhiều khi lại trở về khúc ban đầu, tức là Nơi thứ ba Chúa ngã xuống đất lần thứ nhất. Không sao, mẹ tôi tiếp tục đọc, tôi tiếp tục theo từ Nơi thứ bốn, thứ năm . . . đến Nơi thứ 9, sắp đến Nơi thứ 10 là cảnh Chúa bị lột áo và 11 là đóng đinh rồi. Từ đây đến Nơi thứ 14 là cảnh kết thúc cũng không xa lắm. Nhưng không hiểu luần quần làm sao mà mẹ tôi lại đọc trở lại cái nơi Chúa bị ngã xuống đất lần thứ hai. Thế rồi, tiếp theo Nơi thứ 7 thì phải là Nơi thứ 8, Nơi thứ 9, thứ 10, rồi tuần tự như tiến, đến Nơi thứ 14 là xong. Nhưng, lại nhưng nữa, mẹ tôi lại trở về cái Nơi mà Chúa bị ngã xuống đất lần thứ nhất. Bỗng tôi nghe cụ nói nhỏ như than thở ‘‘lại ngã’’, rồi cụ khoát tay bảo tôi ‘‘thôi dẹp, không đọc nữa’’. Thật tội nghiệp cho Chúa của tôi, ở nhà thờ, Chúa chỉ vác Thánh giá khoảng nửa giờ và chỉ ngã xuống đất có ba lần là tới. Đàng này, vì mẹ tôi kinh kệ chẳng thuộc mà bắt Chúa phải vác Thánh giá đi vòng vòng cả hơn một tiếng đồng hồ, và ngã lên ngã xuống không biết bao nhiêu là lần để rồi cũng chẳng đến được nơi chịu đóng đinh mà chuộc tội cho thiên hạ! Giá như có ba tôi ở nhà, chắc chắn sẽ bị la. Nhưng nếu có ba tôi, thì đã có Sách Kinh, sách của cụ thì để trong tủ kia, tôi không đọc được sách chữ Nho.

Tiếng động bên ngoài đã nhỏ dần và im đi hồi nào tôi cũng không hay và chính tôi bị thiếp đi lúc nào tôi cũng không nhớ cho đến sáng hôm sau thức dậy trong sự hồi hộp, và nhớ đến thì vẫn còn run.

Sáng hôm sau, chính tôi là người chạy đến nhà bà Tính, để nói cho bả biết là cái tiếng động ầm ầm hàng đêm ấy là do MA làm. Bả trố mắt nhìn tôi, nhất định không tin vì bả tin lời cha cố lắm. Tối hôm đó tôi đành phải lên ngồi trên nhà bà Tính cho tới giờ nó quậy. Đương nhiên khi ở nhà bà Tính ban đêm, tôi không dám quên chuyện phải trình báo cho Trưởng Ban Vận Động Cách Mạng biết (danh xưng khi ấy là thế, chưa có tên Tổ Dân phố). Ở nhà bà Tính đông người nên nỗi sợ của tôi hầu như biến đi hết. Tôi bình tĩnh lắm. Và đúng nửa khuya thì nó quậy thật

Cảnh tượng cũng giống y như tối hôm qua, tôi nghe quen rồi nên không mấy quan tâm, nhưng những người trong gia đình bà Tính thì chú ý theo dõi ghê gớm lắm. Trước đây họ cũng nghe nhưng nghĩ là tôi làm nên họ chỉ phiền hà thôi. Nay ma làm thì họ theo dõi từng tý một. Bả còn kêu cả mấy đứa con còn đang ngủ dậy mà nghe. Vậy là tôi đã giải tỏa được nỗi oan cho tôi. Đến khoảng 2 giờ sáng thì không còn nghe một tiếng động nào nữa. Chắc là nó đã bỏ đi.

Mọi nghi ngờ coi như đã giải quyết xong. Tôi phải đi về. Bên ngoài trời tối đen như mực, ớn quá! Thấy tôi chần chừ, bà Tính bảo ông chồng cùng đi theo xuống nhà với tôi. Nhưng lượt về ông ta lại đi một mình, ổng tỏ vẻ ngần ngại nên cuối cùng cả hai ông bà cùng đi để lượt về khỏi sợ. Còn lại trong nhà có một mình, nhưng tôi không sợ lắm vì nghĩ là nó đã bỏ đi rồi, và chung quanh đã có người biết chuyện, có gì tôi sẽ la lên. Nằm gọn trong mền phủ kín cả đầu, vừa múa lia lịa để làm dấu Thánh Giá, vừa nghĩ cách đối phó. Đối phó thế nào đây khi nó vô hình? Suy nghĩ suốt một đêm mà không tìm ra được cách nào khả dĩ chấp nhận được! Đành chịu thua.

Hai ngày trôi qua mà vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào, trong khi nó vẫn quậy đều đều.

Cuối cùng đành phải liều. Trong tình trạng gần như hoàn toàn thất vọng sau cái ngày 30 tháng Tư hãi hùng. Chạy không thoát đành phải trở về quê cũ chờ ngày xét xử. Trước sau gì thì mình cũng sẽ được ở trong tầng đầu Địa ngục thôi. Đời còn gì nữa đâu mà níu kéo!

Chẳng may có chết vì ma làm thì có lẽ còn đỡ tủi thân hơn chết vì người đồng chủng. Có khi chết lại sướng hơn là sống trong tình trạng này! Do đó tôi quyết định tìm cách gặp nó. Hy vọng khi đối đầu với nó, may ra, nó lại giúp mình tìm ra cách sống trong những ngày buồn nản còn lại này. Biết đâu, nhờ liên lạc được với Cõi Âm mà tôi có thể làm những chuyện kinh thiên động địa, để giải cứu cho một dân tộc đang bị đọa đày! Nhiều thày bùa thày ngải đã sống nhờ ma quỷ đó thôi! Thế là một liều ba bảy cũng liều. Tôi chuẩn bị tinh thần, đồ đạc để gặp nó. Tôi bắc một ngọn đèn điện ngay chỗ để mấy cái fut, để khi có tiếng động là bật công tắc đèn lên ngay để xem mặt mũi con ma ra làm sao. Đây là mấy cái fut lúc nào cũng đầy nước dự trữ phòng khi bị cúp nước bất thường. Thế mà nó lăn, nó đẩy, tiếng kêu to như những fut rỗng vậy. Thế mới lạ! Trong nhà, thì tôi kê cái ghế sát ngay lỗ khóa của cái cửa hông. Xong xuôi, gần đến giờ nó quậy, tôi ra ghế ngồi chờ, chân không dám chạm đất, vì kinh nghiệm cho biết mỗi khi chân chạm đất là nó không quậy nữa. Tuy đã quyết chí là liều một phen nhưng vẫn hồi hộp và sợ. Bỗng có một tiếng động thật mạnh làm như có ai nhảy từ trên cao xuống, sau đó là tiếng động của những cái fut bị lăn qua lăn lại. Tôi giật bắn cả người, tim đập thình thình, chân tay bủn rủn. Nhưng đã lỡ đâm lao thì phải theo lao. Tiếng fut lăn vẫn đều đều. Cố gắng định thần lại, tôi ghé mắt vào lỗ khóa và thật nhanh, tôi bật công tắc đèn . . . . . Nhưng dưới ánh sáng đèn điện, tôi không thấy có một bóng ma nào cả, và cả tiếng động cũng ngưng. Tôi tắt đèn ráng ngồi chờ. Chừng 15 phút sau nó lại tái diễn trò cũ. Bật đèn lên cũng lại chẳng thấy gì! Lạ quá, thế này là thế nào, không hiểu nổi! Làm đi làm lại ba bốn lần như vậy thì không thấy gì nữa. Tôi lên giường nằm ngủ. Đồng hồ chỉ đúng 2 giờ sáng. Như vậy là nó chỉ quậy trong khoảng từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng, giống như mọi lần.

Đêm hôm sau cũng xẩy ra y như vậy, nhưng tôi tỉnh táo hơn, tôi còn âm thầm cầu cho nó hiện hình để tôi xin xỏ một vài điều. Nhưng vô ích, nó chẳng hiện hình hiện bóng chi cả. Ngoài tôi và gia đình bà Tính, hình như trong xóm không gia đình nào nghe thấy tiếng ồn ào, vì không thấy ai than phiền chi cả. Có lẽ nó muốn cho ai nghe thì người ấy được nghe. Sự sợ hãi, kinh hoàng đã giảm đi nhiều, nhưng nếu cứ như thế này mãi thì cũng ăn không ngon ngủ không yên. Tôi muốn tìm sự yên tĩnh. Tôi xuống nhà ông chú dưới Tùng Nghĩa và ngủ lại dưới đó hai đêm. Tôi đem chuyện này kể cho ông nghe. Chưa hết câu chuyện thì ông đã nghiêm nghị phán rằng ‘‘Anh còn có Đạo nữa hay không?’’. Biết có giải thích, ổng cũng không tin. Tôi đành nín thinh.

Chẳng ngờ mươi ngày sau, ông có việc phải khai báo với công an về vấn đề gì đó nên phải ngủ đêm tại nhà tôi. Chuyện ma nhát, tôi cũng đã quen rồi nên trước l2 giờ khuya thì tôi đã ngủ. Bỗng ông đánh thức tôi dậy và hỏi ‘‘Đ.M. Cái gì đó mày?’’. Tôi bèn trả lời là cái chuyện tôi nói với ông hôm trước đó. Ông biểu ngày mai phải xin cha đến làm phép nhà. Tôi vâng dạ cho qua, chứ thực ra tôi cũng không tin tưởng lắm. Tôi biết cha đến làm phép nhà tức là cha đọc kinh cầu nguyện và rảy nước phép. Thay vì mời cha thì tôi tự động đến nhà thờ múc một chai nước phép về và tự rảy lấy. Thật là hiệu nghiệm! Tối hôm đó nó cũng đến nhưng nó không quậy được nữa! Làm như nó cố xô mấy cái fut nhưng không xô nổi. Vẫn còn tiếng động nhưng rất nhỏ, cục cà cục kịch, phải lắng tai mới nghe thấy. Thế là nó đã bị thua. Nhưng tôi lại lo nếu nó không quậy được ở ngoài, lỡ nó mò vào trong nhà thì sao? Suy diễn từ các sự kiện mới xẩy ra, tôi đã tìm ra được giải pháp là lấy nước phép rảy khắp nhà trước khi đi ngủ. Vậy là tôi yên tâm, mặc dù bên ngoài luôn luôn có ma, nhưng tôi đã có thuốc tiên rồi. Nó chẳng làm gì được tôi.

Chuyện ma cỏ vừa tạm yên thì lại gặp chuyện mấy chú bộ đội, ngày nào cũng lảng vảng trước ngõ, có khi còn xồng xộc vào nhà giả bộ hỏi thăm trò chuyện vớ vẩn rồi đánh tiếng là tiêu chuẩn nhà của nhà nước cộng sản, mỗi người chỉ được 4 mét vuông. Tôi lo sốt vó. Thật là may, tôi lang thang lên chỗ làm, gặp ông bạn vừa bị đuổi ra khỏi cư xá, đang cần nhà. Chúng tôi thỏa thuận với nhau rất nhanh chóng vì hai bên đều có lợi. Tôi bán nhà với bất cứ giá nào, vì đang cần người đến ở chung cho đỡ sợ, lại tránh được cảnh ở chung với bộ đội, trước sau gì thì cũng mất, gỡ được đồng nào hay đồng ấy; người mua nhà thì chưa thấy nhà đã bằng lòng vì cần kíp quá, ở lỳ ra thì sợ nó gán tội chống lại chính sách của chúng nó, sẽ bị bỏ tù. Tôi không hề đề cập đến chuyện ma cỏ, nói ra sợ ông bà dãn ra thi nguy hiểm!

Hai ngày sau, ông bà ta dọn đến ở liền. Căn nhà hình chữ L, ông bà ở ba gian phần dọc, nơi có để mấy cái fut nước; tôi còn lại ba gian phần ngang. Không biết chừng, ma đã giúp tôi không phải sống chung với bộ đội mà sống với vợ chồng ông bà này cũng nên. Từ đó tôi chẳng những không sợ mà còn biết ơn và muốn thân thiết với ma. Cho đến một hôm, khoảng chừng l0 giờ tối, tôi vẫn còn thức và rất tỉnh, bỗng tôi nghe tiếng bà Chiếu (người mới dọn đến) vừa chạy từ trong nhà ra vừa nói:

- ‘‘Dạ thưa anh, chờ một chút, em mở cho’’.

Bà ta mở cửa ra, nhưng lạ thay, không thấy ai cả. Bà bèn hỏi tôi là, có thấy ông anh của bà đang làm việc ở dưới Bảo Lộc về không, bà nói là: rõ ràng vừa nghe người anh gọi cửa, vậy mà sao khi mở cửa thì không thấy đâu hết. Tôi biết chắc là con ma này nó nhát bà ta, nhưng không dám nói. Căn nhà này chung quanh rào kẽm gai như trại lính, cổng sắt, tối đến là khóa chặt, ai mà chui vào được. Cảnh này diễn đi diễn lại với bà Chiếu nhiều lần. Bà Chiếu vẫn không hề biết gì về chuyện căn nhà này có ma, nên sau khi mở cửa mà không thấy ông anh của bà, bà chỉ than là quái lạ, rồi trở vô ngủ nghỉ bình thường.

Đến một bữa kia, bà nói với tôi:

- ‘‘Anh là người đồng hay là gỗ đá? Tại sao giữa đêm khuya mà tắm nước lạnh ào ào! Tắm nước lạnh giữa đêm khuya gì lâu gần cả tiếng đồng hồ?’’.

Tôi lại phải nói vòng vòng cho qua. Nhưng rồi chẳng may, cũng có thể là may.

Khoảng gần một tháng sau, bà mẹ của bà Chiến từ Hà Nội vào thăm. Cái đêm cuối cùng trước khi ra về, bà lão 80 này thấy một người đến vén mùng lên hỏi cụ rằng:

- ‘‘Ngày mai cụ về Bắc, phần cơm của cụ ai ăn?’’.

Sau khi nghe cụ kể như vậy thì tôi đã biết được gốc gác của vấn đề. Đây là những con ma đói, cô hồn các đảng, sống lây lất từ thời kỳ Pháp thuộc, vì khu đất nhà tôi ở phía sau Thư Viện Đà Lạt, ngày xưa còn hoang vu, gần đồn cảnh sát của Tây, những người bị tình nghi thường bị đem ra đó bắn bỏ, chết vô tội vạ, không kêu cứu ai được! Hèn chi mà cũng tại nơi này, mấy năm về trước, khi anh em tôi lập đàn cầu cơ là cơ giáng ngay, nhiều khi chưa đọc hết lời khấn nguyện là cơ đã nhúc nhích. Chắc là con ma này đây. Ngày đó tôi đã cám ơn nó vì nó đã giúp tôi biết được một số chuyện của những người đã khuất. Bây giờ biết được là nó đang còn ở đây và bị đói, nên trong mỗi bữa ăn, tôi luôn luôn lấy thêm một cái chén và một đôi đũa, tôi ăn như thế nào thì tôi cũng gắp đủ vào bát cơm bấy nhiêu và trinh trọng nói rằng:

-‘‘Xin mời Ông xơi, giúp được tôi cái gì thì giúp, đừng phá tôi, tội nghiệp’’.

Chờ chừng vài phút, ý chừng ông . . . ma đã ăn xong, tôi mới bắt đầu ăn, cả phần cơm của tôi và phần cơm của ông. Chén cơm cúng và chén cơm thường, tôi nghiệm thấy không có gì khác nhau. Lần đầu tiên ăn chén cơm cúng, cũng thấy nhờn nhợn, thế nhưng ở vào thời điểm đó, gạo nước khan hiếm, bỏ thì tiếc, hơn nữa sợ . . . ông phật lòng, nên cũng phải lấy hết can đảm mà ăn như chén cơm bình thường, riết rồi cũng quen. Kết quả rõ rệt là ông không quậy nữa, nhưng cũng chẳng giúp gì cho những điều mong ước của tôi. Đời sống ngày càng khó khăn và tù túng, nhiều khi bực tức quá, tôi trách ông là tôi nuôi ông mà ông chả giúp gì cả! Ông tệ quá! Ông không trả lời, nhưng lúc đó, tôi tin chắc ông ma vẫn còn quanh quẩn đâu đây, cho đến ngày tôi đi ở tù.

2. Ma Saìgòn

Ra tù được khoảng một năm thì bà xã tôi chuẩn bị bể bầu. Ở chung với anh chị thì không tiện, nên tôi đi thuê nhà. Vác cái bụng bầu đi đến đâu người ta cũng từ chối. Người ta kiêng cữ sao đó theo cái quan niệm ‘‘sinh dữ tử lành’’. Nhưng cuối cùng cũng thuê được một căn gác gỗ của một cặp vợ chồng trẻ cũng chuẩn bị đi sanh, bỏ trống không biết từ bao giờ mà đầy bụi bặm.

Căn gác chỉ có vách bằng gỗ, phía nhìn ra ngoài trời thì có vải nylon để che, không có cửa sổ, phía giáp với nhà bên cạnh thì ngăn bằng giây kẽm gai. Thật là tồi tệ. Nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, có được là quý rồi. Phải chuẩn bị ngay để đón đứa con đầu lòng.

Thằng nhỏ về sống trong căn gác này, ngày đầu tiên rất là êm ả, cả ban ngày lẫn ban đêm, nhưng kể từ đêm thứ hai và những đêm sau đó thì nó bắt đầu khóc và chỉ khóc từ khoảng 9 giờ đến 2 giờ sáng. Lúc đầu thì nghĩ là nó yếu ớt, vì cha là gốc mì củ. Trong những tháng năm trong cảnh tù cộng sản, ăn uống chỉ toàn bo bo hay khoai mì. Như vậy sinh ra đứa con yếu đuối, cho nên nó khóc. Nhưng sau quan sát kỹ, thì thấy nó khóc không giống những đứa trẻ bình thường. Nó khóc vì sợ, sợ một cái gì đó mà mình không nhìn thấy. Đặc biệt là hai con mắt, lúc bình thường thì tròn vo, thật dễ thương, vậy mà khi nó khóc thì trợn trừng và trắng bệch, nhìn vào thấy sợ. Đó là con mắt của một người mất hồn, thất thần, của một người điên . . . Nhìn nó khóc mà xót cả ruột! Theo lời khuyên của bạn bè, của bà con lối xóm, dẫn đến hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, rốt cuộc cũng đâu hoàn đấy! Ban ngày thì yên ổn bình thường. Cứ đến 9 giờ tối là nó khóc, nó sợ. Mãi thật lâu, tôi mới liên tưởng đến chuyện ma Đà Lạt, có thể nó bị ma nhát chứ khóc bình thường thì tại sao nét mặt nó lại hoảng sợ như vậy! Tôi âm thầm đi lên nhà thờ Ba Chuông ở ngay đầu ngõ, lấy một chai nước phép, đem về rảy khắp nhà. Đúng là bệnh quỷ có thuốc tiên; bệnh ma thì có thuốc Chúa. Đêm hôm đó thằng nhỏ nhà tôi hết khóc. Nhưng con bé ở dưới nhà, sinh sau thằng nhỏ nhà tôi vài tuần, lại bắt đầu khóc y như thằng nhỏ nhà tôi, cũng từ khoảng 9 giờ tối là bắt đầu. Vợ chồng chủ nhà hỏi làm sao mà con tôi hết khóc. Tôi nói thật, là tôi nghi nhà này có ma nên tôi lấy nước phép về rảy thì hết. Khi đó vợ chồng chủ nhà mới thú thật là căn gác từ lâu không có ai thuê cũng vì cớ ấy.

Họ nói rằng con Thủy ở nhà bên cạnh tự tử sau khi sanh có vài tháng, có lẽ nhớ con nên tối nào nó cũng về thăm con, nó đứng ở căn gác bên cạnh nhìn sang bên này luôn, những người thuê nhà trước đây gặp hoài, họ sợ nên họ bỏ đi, không ai ở được lâu, nên căn gác này bỏ trống bụi bặm là như vậy. Hôm sau, vợ chồng chủ nhà mời thầy bùa thầy pháp gì đó về gõ mõ tụng kinh thì con nhỏ cũng hết khóc. Hai đứa nhỏ hết khóc, tức là con Thủy không chọc hoặc dọa nạt nữa, nhưng vì một phần thương nhớ con của nó, một phần vì nhà nó ở đây và nó chết cũng ở đây nên nó vẫn còn quanh quẩn ở đây chứ nó không có bỏ đi.

Sau khi mọi chuyện đã rõ như ban ngày, tôi là người thuê nhà đã biết là có ma mà tôi không sợ, không trả lại nhà cho chủ, cả chủ nhà lẫn hàng xóm không ai còn dấu diếm chuyện ma cỏ nữa. Họ kể rằng nó thường xuyên về trên căn gác, là nơi nó tự tử, bên cạnh cái võng của con nó mới hơn một tháng tuổi. Bà bán sôi thì cho biết bả gặp nó hoài vào lúc bả dọn hàng khi trời chưa sáng. Có khi nó còn ngáng chân cho bả té nhào cùng gánh xôi. Vì là chỗ hàng xóm, bà bán xôi biết nó từ khi còn nhỏ nên bà ta không sợ, bà còn chửi nó um sùm. Thông thường thì nó hay ngồi trên cây mận, hái trái ăn như hồi nó còn nhỏ hay leo lên ăn như vậy, nó còn lấy trái mận liệng xuống thúng sôi của bà nữa. Chuyện hàng xóm kể lại thì nhiều lắm, nhớ không hết, thường là những chuyện xẩy ra đã lâu.

Có lẽ bị rảy nước phép ở tầng trên, bị thày pháp yểm bùa ở tầng dưới, nên nó không dám vào trong nhà nữa. Thành ra hai đứa nhỏ đã hết khóc. Tuy nhiên nó vẫn quanh quẩn chung quanh nhà của nó. Một hôm, có một cậu nhỏ cháu của vợ chồng chủ nhà từ Cần Thơ lên chơi, được sắp xếp cho nằm ngủ gần cửa sổ. Sáng dậy, cậu ta gặp tôi và ngạc nhiên hỏi sao con gái Sàigòn dạn quá. Người ta nằm ngủ ở trong nhà mà đứng ở ngoài cửa sổ rủ đi chơi, rủ đi xem phim, đi ăn nhậu nữa giữa lúc đêm khuya, và hứa là sẽ bao hết. Nghe cậu ta kể lại, tôi biết ngay là con Thủy nó hiện về.

Paris 19-11-O5

Ghi chú (BBT):

Fut: thùng sắt lớn, dung tích 200 lít, thường dùng để đựng nước