Từ Thụ Nhân Đến Trị Quốc

Phạm Văn Bân

A. Dẫn nhập:

clip_image002 Với một ít kinh nghiệm về việc dịch ngoại ngữ, tôi nhận thấy dịch là một sáng tác trên một sáng tác. Vì sao biết như vậy? Lý do đơn giản là vì mỗi một thứ tiếng đều có cách riêng để diễn đạt, trong đó cách hành văn, trật tự chữ, và khổ nhất là phải dịch những chữ hoàn toàn đặc sệt, không có chữ tương đương trong các ngôn ngữ khác là các khó khăn - có khi phải đọc hết nội dung của bản văn để tìm ra chữ thích hợp. Người dịch may mắn lắm mới có cơ hội dịch sát từng chữ, đa số đều dịch thoát đi, cốt giữ đúng nghĩa là đã "bằng lòng" rồi.

Dịch tiếng Hán ra hai loại tiếng Hán Việt và Việt là điều thú vị! Người dịch sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn không giống như dịch tiếng Anh hay Pháp. Trong niềm cảm hứng đó, tôi thử dịch hai từ ngữ Thụ Nhân và Trị quốc, và đồng thời nêu ra một số nét căn bản về việc dịch các tiếng Hán, Hán Việt và Việt. Nếu người đọc thấy có gì sơ sót hay sai lầm thì xin tha thứ cho.

Thụ Nhân là một từ ngữ mà quý giáo sư và cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt trước năm 1975 đã và đang chọn làm phương ngôn nhằm phản ánh rõ ràng quan điểm rằng con người cần được trồng - nghĩa là giống như diễn trình trồng một cái cây nào đó, con người cần được đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục cho ngày càng phát triển. Trị Quốc là một "phó sản" xảy ra nhân khi tôi dịch hai chữ Thụ Nhân, đọc thấy hay nên tiện thể dịch luôn.

Hai từ ngữ Thụ Nhân và Trị Quốc xuất phát từ sách Quản Tử, tục truyền gồm 24 quyển có 86 thiên do Quản Trọng [1] viết cách nay khoảng hơn 2.500 năm và hiện vẫn còn lưu truyền. Trải qua một thời gian dài dằng dặc như vậy, sách có thêm nhiều học giả hiệu đính, bổ sung cũng như thất lạc. Ngày nay sách Quản Tử chỉ còn khoảng 74 thiên và có vài bản khác nhau chút ít.

Quản Tử là một cuốn sách có tính cách kinh điển về thuật trị dân, trị nước vào thời đại Xuân Thu và có ảnh hưởng sâu rộng qua nhiều thế kỷ. Rất tiếc là tôi chưa đủ thì giờ để đọc hết cuốn sách quý này do Project Gutenberg [2] thực hiện, chỉ mới đọc qua các thiên sau đây:

- Thiên Thượng Biên Đệ Nhất, gồm các tiết mục: Mục Dân (Chăn Dân), Hữu Quốc Tụng (ca tụng đất nước); Hữu Tứ Duy (bàn về bốn chữ: Lễ, nghĩa, liêm và sỉ); Hữu Tứ Thuận (cách trị dân cho bốn phương được yên vui); Hữu Sĩ Kinh (đạo nghĩa của kẻ sĩ); Hữu Lục Thân Ngũ Pháp (năm pháp luật đối với lục thân).

- Thiên Hình Thế Đệ Nhị: Hình phạt cho tội hình sự.

- Thiên Quyền Tu Đệ Tam: Việc cải cách, sửa đổi về quyền lực - dạy dân, dạy quan cho thành tục.

- Thiên Lập Chánh Đệ Tứ, gồm các tiết mục: Hữu Tam Bổn (ba điều gốc); Hữu Tứ Cố (bốn điều vững chắc, không đổi); Hữu Ngũ Sự (bàn về năm sự việc) v.v. [3]

Từ ngữ "Thụ Nhân" nằm trong một đoạn văn vào khoảng giữa của thiên Quyền Tu Đệ Tam và "Trị Quốc" là một trong các tiết mục của thiên Lập Chánh Đệ Tứ.

B. Thụ Nhân:

Hán tự:

一 年 之 計, 莫 如 樹 穀;十 年 之 計 , 莫 如 樹 木;終 身 之 計,莫 如 樹 人。一 樹 一 穫 者,穀也;一 樹 十 穫 者,木 也;一 樹 百 穫 者,人 也。

Hán Việt:

Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.

Việt ngữ:

Kế của một năm, không gì bằng trồng lúa; kế của mười năm, không gì bằng trồng cây; kế của trọn đời, không gì bằng trồng người. Cái gì trồng một cho kết quả một, tức là trồng lúa; cái gì trồng một cho kết quả mười, tức là trồng cây; cái gì trồng một cho kết quả một trăm, tức là trồng người.

Nhận xét:

1. Thể văn:

Toàn thể sách Quản Tử viết theo thể văn xuôi. Từ ngữ "Thụ Nhân" xuất hiện ở hai câu Hán tự nêu trên nhưng có nơi trình bày thành sáu dòng như dưới đây:

Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc;

Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc;

Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.

Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã;

Nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã;

Nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.

Làm như trên, tuy ý văn không đổi nhưng sẽ có thể khiến người đọc lầm tưởng đó là thể văn vần và làm mất ấn tượng của phong cách hành văn rất thông dụng ngày xưa (biền văn, bát cổ, v.v.). Cần ghi nhận ở đây là vế "Chung thân chi kế" có nơi đọc là "Bách niên chi kế". Đây có thể là trường hợp tam sao, thất bản, hoặc do ai đó đọc cho thuận miệng, hoặc nguyên bản là như vậy. Không thể quyết đoán được đúng hay sai. Tuy nhiên, tôi chọn chữ "Chung thân" của bản Project Gutenberg vì xét thấy có lý về ý nghĩa và nhất là không trùng với chữ "bách" ở vế cuối.

2. Cú đậu:

Cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, cổ nhân Trung quốc - thí dụ như Quản Trọng - nghĩ sao thì viết vậy, không có các quy ước về các dấu chấm câu (punctuation marks). Dấu phẩy, chấm phẩy và chấm (khoen tròn) là do người bây giờ thêm vào. Ngày xưa, bài văn xuôi chữ Hán viết một mạch, chỉ thấy chữ và chữ mà thôi. Khi học, người ta đọc bài văn thật lớn và phải biết khi nào ngừng tạm (gọi là đậu [4], bây giờ biểu thị bằng dấu phẩy) và khi nào ngừng hẳn để dứt mạch câu văn (gọi là cú [5], bây giờ biểu thị bằng dấu chấm). Cú sai, đậu bậy hầu chắc sẽ làm sai nghĩa bài văn! Đây là vấn đề thường gây ra tranh cãi, nhất là khi dịch các sách Phật từ chữ Hán.

3. Tự loại:

Ngày xưa, người Trung quốc chưa có ngữ pháp (còn gọi là văn phạm). Dần dần hình thành một hệ thống ngữ pháp Hán ngữ [6], trong đó chữ Hán không được chia thành tự loại rõ ràng như tiếng Pháp hoặc Anh mà chỉ chia ra hai loại: hư tự và thực tự. Thực tự là chữ tự nó đã có nghĩa, trong khi hư tự là chữ không có nghĩa rõ ràng khi đứng một mình. Thí dụ: Danh từ, động từ và tĩnh từ là thực tự, ngoài ra tất cả đều là hư tự. Trong thực tế, việc phân chia thực tự và hư tự không mấy hữu ích bởi vì cách sử dụng chữ Hán rất uyển chuyển, tùy theo vai trò trong câu mà một chữ có thể là hư tự hay thực tự, và nếu phân tích theo cách phân loại Anh, Pháp ngữ thì tùy theo nghĩa của chữ Hán trong câu mà xác định chữ đó là chủ từ, túc từ, danh từ hay động từ, v.v.

3.1. Chữ chi:

Chữ chi nghĩa là của, thường có thể bỏ đi cho câu văn được gọn gàng. Thí dụ: "Nhất niên chi kế" nghĩa là: "Kế của một năm"; hay "Nhất niên kế" nghĩa là "Kế một năm". Nguyên chữ Hán đã có trước khi có giấy và máy in cho nên việc ghi chép một chữ rất khó khăn; rồi từ cái khó này mà xảy ra hiện tượng giản tự hoặc nuốt chữ (nói chung là tỉnh lược, ẩn dụng hay khuyết dụng). Thí dụ:

- Nhân chi tâm (lòng của người) thì ẩn chữ chi: nhân tâm (lòng người),

- nhân chi khẩu (miệng của người): nhân khẩu (miệng người),

- nhân chi lực (sức của người): nhân lực (sức người),

- nhân chi tài (tài của người): nhân tài (tài người).

Trong các thí dụ ở trên, không nên viện cớ cách nói Việt Nam mà đảo ngược trật tự chữ thành tâm nhân, khẩu nhân, lực nhân, tài nhân, v.v.

3.2. Chữ mạc:

Chữ mạc nghĩa là tuyệt nhiên không, không ai, không gì bằng, thường làm chủ từ. Thí dụ:

- Mạc như thụ cốc: không gì bằng trồng lúa.

- Dưỡng tâm, mạc thiện ư quả dục (Mạnh Tử - Tận tâm) [7]: Nuôi tâm, không gì bằng ít dục vọng.

- Nhân mạc bất ẩm thực dã, tiển năng tri vị dã (Trung Dung) [8]: Con người không ai không ăn uống, nhưng ít ai biết nổi mùi vị.

3.3. Chữ giả:

a. Chữ giả là một đại danh từ (pronoun), có nghĩa là người ấy, cái ấy. Thí dụ: "Nhất thụ nhất hoạch giả" nghĩa là: "Cái gì trồng một cho kết quả một".

Giả làm chủ từ cho động từ thụ. Nếu không muốn nhấn mạnh, có thể viết: "Nhất thụ nhất hoạch" nghĩa là: "Trồng một cho kết quả một".

b. Chữ giả giúp cấu tạo thành một danh từ (noun), có nghĩa là người. Thí dụ: Học giả, trí giả, thức giả, khán giả, độc giả, thính giả [9]

- Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu (Luận ngữ- Tử hãn) [10] : Người hiểu biết thì không còn gì để nghi ngờ, người có lòng nhân thì không còn gì để lo.

3.4. Chữ dã :

Chữ là một tiếng có thể đặt ở đầu hay cuối câu và dùng để giúp giải nghĩa hay khẳng định nghĩa cho một chữ, một vế trong câu hoặc một câu. "Dã" có nghĩa là vậy, tức là, như là.

- Nhân giả, nhân dã [11] : Có lòng nhân, tức là người vậy.

- Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã: Cái gì trồng một cho kết quả một, tức là trồng lúa; cái gì trồng một cho kết quả mười, tức là trồng cây; cái gì trồng một cho kết quả một trăm, tức là trồng người.

- Cổ nhân bỉnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã (Lý Bạch) [12] : Người xưa cầm đuốc đi chơi ban đêm, lấy làm có lý vậy (vì đời người như phù du sớm nở, tối tàn).

*

* *

C. Trị quốc:

Hán tự:

治 國 [13]
凡 治 國 之 道,必 先 富 民。民 富 則 易 治 也,民 貧 則 難 治 也。奚 以 知 其 然 也? 民 富 則 安 鄉 重 家; 安 鄉 重 家 則敬 上 畏 罪 ; 敬 上 畏 罪 則 易 治 也。民 貧 則 危 鄉 輕 家,危 鄉 輕 家 則 敢 陵 上 犯 禁,陵 上 犯 禁 則 難 治 也。故 治國 常 富,而 亂 國 常 貧。是 以 善 為 國 者,必 先 富 民,然 後 治 之。

Hán Việt:

Trị Quốc

Phàm trị quốc chi đạo, tất tiên phú dân. Dân phú tắc dịch trị dã, dân bần tắc nan trị dã. Hề dĩ tri kỳ nhiên dã? Dân phú tắc an hương trọng gia; an hương trọng gia tắc kính thượng úy tội; kính thượng úy tội tắc dịch trị dã. Dân bần tắc nguy hương khinh gia; nguy hương khinh gia tắc cảm lăng thượng phạm cấm; lăng thượng phạm cấm tắc nan trị dã. Cố trị quốc thường phú, nhi loạn quốc thường bần. Thị dĩ thiện vi quốc giả, tất tiên phú dân, nhiên hậu trị chi.

Việt ngữ:

Trị Quốc

Tất cả đường lối trị quốc trước hết ắt phải dân giàu. Dân giàu thì dễ trị, dân nghèo thì khó trị. Vì sao biết như vậy? Dân giàu thì yên ổn xóm làng, biết quý gia đình; làng yên, quý gia đình thì kính vua sợ tội; kính vua sợ tội thì dễ trị. Dân nghèo thì nguy cho làng, xem nhẹ gia đình; làng nguy, xem nhẹ gia đình thì dám lấn vua, phạm luật cấm; lấn vua, phạm cấm thì khó trị. Bởi vậy nước được trị thì thường giàu, mà nước bị loạn thì thường nghèo. Đấy chính là lấy điều tốt để tạo nước, trước hết ắt phải dân giàu, sau đó mới là trị quốc.

Nhận xét:

- Tiêu đề Trị quốc nghĩa là cai quản nước (trị là động từ, quốc là danh từ) nhưng trong vế "Cố trị quốc thường phú, nhi loạn quốc thường bần" thì trị quốc nghĩa là nước được trị thì thường giàu, mà nước bị loạn thì thường nghèo (trị là tĩnh từ, quốc là danh từ)

- Lăng: Lấn, hiếp. Thượng: Ở phía trên; ngày xưa gọi vua là thượng (chúa thượng).

- Các chữ "trị quốc, nguy" không cần dịch vì đã thông dụng, coi như tiếng Việt.

D. Kết luận:

Dịch cổ văn khá khó vì nhiều chữ đã "chết" mà ngay cả người Trung quốc có trình độ Đại Học chưa hẳn đã đọc và hiểu được! Họ cho rằng ai sử dụng được các chữ "chi, hồ, giả, dã, dĩ, yên, tai" trong văn chương thì đó là một tú tài [14] giỏi :

Chi, hồ, giả, dã, dĩ, yên, tai

Dụng đắc thành chương, hảo tú tài.

之 乎 者 也 已 焉 哉,

用 得 成 章 好 秀 才.

Điều cần lưu ý khi dịch là trật tự chữ (word order) giữa tiếng Hán Việt và Việt trái ngược nhau. Thí dụ: Tiếng "bạch mã" là tiếng Hán Việt, tĩnh từ bạch (trắng) luôn luôn đứng trước danh từ mã (ngựa). Trật tự tiếng Việt không nói "trắng ngựa" mà nói "ngựa trắng." Nếu đảo ngược trật tự ngữ pháp Hán ngữ để nói theo cách nói Việt Nam thì có ba trường hợp xảy ra:

Hình ảnh lớp học ngày xưa

a. Tiếng đảo trở nên vô nghĩa hoặc tối nghĩa:

Thí dụ: Tương quan, quan trọng, cơ quan, cơ thể, thời cơ, hiếu danh, hiếu sắc, hý kịch, hý trường, phương diện, phương pháp, phương trình, cảnh sát, nho sĩ, hải cảng, hải quân, hải phận, hành khách, du khách, khách sáo, nhan sắc, nhan đề, thanh lâu, cao lâu, đa cảm, đa đoan, đa nghi, ưng thuận, nhàn nhã, thiếu phụ, sản phụ, quả phụ, sơn cước, sơn dân, chế độ, báo cáo, cáo phó, nguyên cáo, bị cáo, duy vật, duy tâm, thương hàn, tử thương, ngoại thương, nội thương, bản chất, nhiệm vụ, đảm nhiệm, quyền lực, phục dịch, tai hại, quan niệm, chánh phạm, tòng phạm, tương đối, tuyệt đối, toàn quyền, tư bản, vong bản, bản ngã, lợi dụng, cố chấp, cố thủ, v.v.

b. Tiếng đảo sinh ra nghĩa khác:

Thí dụ: bộ hạ và hạ bộ, quả nhân và nhân quả, phạm tội và tội phạm, tận lực và lực tận, khách quan và quan khách, hiếu sự và sự hiếu, vi phạm và phạm vi, thực hiện và hiện thực, chiến tranh và tranh chiến, sĩ tử và tử sĩ, công lao và lao công, thủ hạ và hạ thủ, v.v.

c. Tiếng đảo vẫn giữ nguyên nghĩa:

Thí dụ: Đông phương, Tây phương, sắc tướng, thương tổn, thương cảm, quyền uy, lợi ích, lợi hại, lợi danh, ân ái, ân oán, cầu nguyện, ước nguyện, hư thực, đấu tranh, trang nghiêm, phần mộ, phản bội, tạ từ, luận đàm, luật pháp, kết cấu, biến cải, trang điểm, ưu điểm, nhược điểm, thần thánh, hao tổn, độc kế, tàn bạo, tra khảo, vinh quang, thánh kinh, v.v.

Tiếng Hán chiếm một khối lượng rất quan trọng trong tiếng Việt, ước tính trên 80%, được đọc lệch âm, gọi là tiếng Hán Việt. Đây là một thứ tiếng lạ lùng vì tuy xuất phát từ tiếng Hán nhưng người Trung quốc không thể nghe và hiểu được, cũng như người Việt không học thì khó mà hiểu nghĩa; thí dụ: Khốn nạn, tương kính như tân. Tất nhiên, trong trường hợp tiếng Hán Việt trở thành tiếng Việt (Việt hóa) do được sử dụng lâu đời, đã phổ thông thì không nhất thiết phải dùng tiếng Việt để giải nghĩa hoặc dịch hoặc tra về gốc (tầm nguyên); thí dụ: Lịch sử, văn hóa, nhân chủng học, hương hoa, du lịch, bình an, mưu kế, nha sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ, và vô số tiếng Hán Việt mà hầu hết người Việt rất sính dùng để đặt tên cho con cái. Điều thú vị là khi tách ra từng tiếng Hán Việt, người Việt có thể hiểu nghĩa nhưng khi gộp chung vào một câu văn thì trở nên khó hiểu cho đúng nghĩa bởi vì chữ Việt viết kiểu biểu âm (không biểu nghĩa như chữ Hán), bởi vì câu văn Hán Việt mang theo cấu trúc ngữ pháp của tiếng Hán, bởi vì khổ nạn có tính chất căn bản của hiện tượng đồng âm, dị nghĩa, và bởi vì sự lẫn lộn giữa tiếng Hán Việt và Việt trong tiếng nói của người Việt Nam.

Thí dụ:

Hán tự:

坐 禪 論 [15]

夫 學 道 之 人, 維 求 見 性。雖 受 其 一 切 淨 戒 而 無 坐 禪 則 定 力 不 生。定 力 不 生 則 妄 念不 滅 , 而 欲 見 性 者 不 亦 難 乎 ? 釋 迦 文 佛 入 于 雪 山, 端 坐 六 年 , 鵲 巢 于 頂 上 , 草 穿 于 薛 , 身 心 自 若。子 基 隱 几 而 坐 [16] , 形 如枯 木 , 心 似 死 灰。顏 回 坐 忘 , 揮 肢 體 , 黜 聰 明 , 離 愚 智 , 同 於 大 道。

Hán Việt :

Tọa Thiền Luận

Phù học đạo chi nhân, duy cầu kiến tính. Tuy thụ kỳ nhất thiết tịnh giới nhi vô tọa thiền tắc định lực bất sinh. Định lực bất sinh tắc vọng niệm bất diệt, nhi dục kiến tính giả bất diệc nan hồ? Thích Ca Văn Phật nhập vu Tuyết sơn, đoan tọa lục niên, thước sào vu đỉnh thượng, thảo xuyên vu bệ, thân tâm tự nhược. Tử Cơ ẩn kỷ nhi tọa, hình như khô mộc, tâm tự tử hôi. Nhan Hồi tọa vong, huy chi thể, truất thông minh, ly ngu trí, đồng ư đại đạo.

Việt ngữ:

Bàn về Ngồi Thiền

Người học đạo chỉ cốt thấy được bản tính. Tuy chịu tất cả mọi tịnh giới mà không ngồi thiền thì định lực không sinh. Định lực không sinh thì ý nghĩ sai lầm không diệt được, thế mà lại muốn thấy bản tính chẳng cũng khó sao? Thích Ca Văn Phật đi vào Tuyết sơn, ngồi ngay ngắn trong sáu năm, chim bồ các làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế mà thân tâm vẫn bình thản. Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, lòng như tro nguội. Nhan Hồi ngồi quên, chân tay rời rã, gạt bỏ sáng suốt, lìa xa cả ngu lẫn khôn để hòa chung với đạo lớn./.

Phạm Văn Bân

范 文 彬


[1] Quản Trọng 管 仲 tên thật là Di Ngô (夷 吾, không biết năm sinh, mất năm 645 trước Tây lịch). Ông là người khởi xướng phái Pháp Gia, chủ trương dùng pháp luật để cải cách chánh trị và trị nước, trị dân, làm đến chức Tướng Quốc (tức Tể Tướng -Prime Minister) cho Tề Hoàn Công (齊 桓 公) thuộc thời đại Xuân Thu.

[2] Nếu biết đọc chữ Hán, người ta có thể làm như sau để đọc được nguyên bản:

Đầu tiên, bắt buộc phải cho chạy software chữ Hán trên máy PC. Xong dùng bộ máy sưu tầm Google trên internet, đánh chữ: http://www.gutenberg.org/etext/7367 để vào Project Gutenberg EBook. Kéo con chuột xuống khung hình của dòng 2, Size 85 KB, bấm vào chữ mirror. Kế đó, chọn US San Francisco, California, bấm vào dòng chữ: ftp://ftp.archive.org/pub/etext/etext05/8guan10.zip để hạ tải sách. Đây là bổn sách do Yingta Pan thực hiện.

[3] Thượng Biên Đệ Nhất 上 編 第 一, Mục Dân 牧 民, Hữu Quốc Tụng 右 國 頌; Hữu Tứ Duy 右 四 維: lễ 禮, nghĩa 義, liêm 廉 và sỉ 恥; Hữu Tứ Thuận 右 四 順; Hữu Sĩ Kinh 右 士 經; Hữu Lục Thân Ngũ Pháp 右 六 親 五 法. Thiên Hình Thế Đệ Nhị 形 勢 第 二 Thiên Quyền Tu Đệ Tam 權 修 第 三 Thiên Lập Chánh Đệ Tứ 立 政 第 四, Hữu Tam Bổn 右 三 本; Hữu Tứ Cố 右 四 固; Hữu Ngũ Sự 右 五 事.

[4] đậu

[5]

[6] hán ngữ ngữ pháp 漢 語 語 法

[7] 養 心, 莫 善 於 裹 欲.

[8] 人 莫 不 飲 食 也, 鮮 能 知 味 也.

[9] 學 者, 知 者, 識 者, 看 者, 讀 者, 聽 者.

[10] 知 者 不 惑, 仁 者 不 憂.

[11] 仁 者, 人 也.

[12] 古 人 秉 燭 夜 遊 , 良 有 以 也.

[13] Quản Trọng, Quản Tử, Thiên Lập Chánh Đệ Tứ 立 政 第 四, mục Trị Quốc

[14] Tú tài: Học vị dưới Cử nhân một bậc. Tú tài là người đã đậu kỳ thi hương.

[15] Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông 1218-1277), Khóa hư lục, Tọa thiền luận, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Thơ Văn Lý Trần, Tập II, 1988, trang 87.

[16] Có bản ghi: Tử Cơ ẩn kỷ nhi ngọa 子 基 隱 几 而 臥. Dùng chữ ngọa (nằm) thì đúng hơn là dùng chữ tọa.