Thụ Nhân Âu Châu Đón Chào Bình Minh 2007

Lê Thị Hảo

Tết Việt Nam, mùa của sum vầy, của tình bằng hữu, nghĩa thầy trò. Ngày trước ở Việt Nam, quân nhân công chức đều được nghỉ mấy ngày Tết để về quê ăn Tết cùng gia đình, hàng họ. Có người mang vải vóc, nồi niêu, vật dụng cần thiết trong nhà, cả bánh mì cho bà con ở miền đồng ruộng xa xôi. Ăn Tết xong, lúc trở về Saigon, lại tay xách nách mang bao nhiêu thứ bánh trái, tặng phẩm của vùng quê, dù lúc ấy làng mạc xóm thôn vẫn bị việt cộng quấy phá, cuộc sống khó khăn.

Cũng những ngày xa xưa ấy, học sinh tiểu học và trung học luôn luôn tổ chức «đãi thầy» ngày Tết. Chúng tôi hái hoa «công chúa» rải theo cạnh bàn, trang hoàng cho một buổi tiệc trà có bánh ngọt, nước uống. Thầy sẽ nhắn nhủ đôi lời khuyên đám học trò. Còn học trò cứ mỗi năm lại rời lớp cũ, để lại sau lưng mấy trò học yếu hơn, hoặc chẳng may thi trượt.

Lên đại học, hoàn cảnh đổi khác, không còn buổi tiệc trà «đãi thầy» nữa. Thế nhưng tình nghĩa thầy trò không vì thế mà phai nhạt, có khi lại thắm thiết hơn trong một phạm vi thu hẹp, vào những dịp hội họp, hàn huyên. Dù hiện nay «cuống rún đã chia lìa». Chúng ta đã bị bật ra khỏi gốc rễ quê hương, hồn Do Thái lang thang vất vưởng xứ người đã 32 năm! …

Năm nay, theo truyền thống, cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu tổ chức ăn Tết, đãi thầy cô và bầu cử ban chấp hành mới. Từ mấy năm nay, thầy cô Trần Văn Ngô vẫn ưu ái cho chúng tôi mượn địa điểm quán «Le Palanquin» (cái kiệu) để bày tiệc đầu năm.Có đủ bánh chưng, bánh tét, thịt kho, nộm, xôi, mứt, giò, trái cây, thức uống … Phía giáo sư có thầy Vũ Quốc Thúc, thầy cô Vương Văn Bắc, thầy cô Nguyễn Phú Đức, thầy cô Trần Văn Ngô. Cựu sinh viên Chánh Trị Kinh Doanh cư ngụ ở Paris và phụ cận hiện diện khá đông đủ. Đến từ phương xa có anh chị Dương Tấn Hải (Marseille) anh Nguyễn Tấn Bữu (Bỉ) và anh Thạch Lai Kim (Đức). Bên văn khoa có Nguyễn Minh Khôi. Như mọi năm, các bạn học cũ Yersin Đà Lạt cũng đến mừng xuân với chúng tôi. Trên bàn có hoa tươi, trong phòng ăn tiếng nói cười giòn tan rộn rã.

Người thầy cũng là người anh

Thầy Thúc trông rất tráng kiện, dáng đi mạnh mẽ, tiếng nói sang sảng. Thầy đọc thơ cổ dịch từ chữ Hán sang chữ Việt, và bình thơ thật tuyệt vời. Thầy Bắc năm nay khỏe hơn năm ngoái. Khi nói chuyện, mắt thầy long lanh, giọng nói lôi cuốn. Ngày xưa, thầy dạy suốt hai giờ liên tiếp, sinh viên ngồi nghe say mê không bỏ sót một lời nào.Mỗi lần nghe thầy nói «ít lời» nhắn nhủ trong những buổi gặp gỡ học trò như thế này, tôi thường thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc nghèn nghẹn, rung động, bồi hồi muốn khóc.

Năm nay vắng mặt thầy Trần Thanh Hiệp. Cô đã qua đời sau một thời gian dài nằm bệnh. Chính thầy tự tay chăm sóc, lo thức ăn cho cô. Thầy Hiệp dáng gầy, mảnh khảnh giọng nói hùng hồn. Thầy là người dấn thân, gắn bó cho đại cuộc. Thời tuổi trẻ, thầy là một nhà thơ tự do trong nhóm Sáng Tạo cùng với Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh… Năm 1990, trước khi ấn hành tập thơ «Buồn Xưa Bây Giờ», tôi có đưa bản thảo cho thầy Hiệp xem và nhờ thầy viết Tựa. Lúc ất thầy đang làm chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, tôi là một thành viên, được thầy xem như là em gái. Thầy lưu ý tôi nên tránh dùng sáo ngữ. Đó là một lời khuyên quí giá mà tôi ghi khắc trong lòng.

Bầu Ban Chấp Hành Thụ Nhân Âu Châu Nhiệm Kỳ 2007 – 2009

Hội Thụ Nhân Âu Châu có điểm đặc biệt là có nhiều người từng giử chức chủ tịch nhiều lần. Lạ hơn nửa là khi dứt nhiệm kỳ chủ tịch của mình rồi, các bạn ấy vẫn sinh hoạt và luôn sát cánh với chủ tịch mới trong mọi hoạt động. Cuộc bầu phiếu kín diễn ra trong không khí vui vẻ, ồn ào như … giờ tan học.

Sau đây là kết quả:

Chủ tịch : Trần Văn Bảng

Phó chủ tịch :- Lưu Văn Dân

- Mai Văn Thái

Tổng thư ký : Lê Thị Hảo

Thủ quỹ : Nguyễn Ngọc Thương

Quý thầy lần luợt bày tỏ cảm tưởng vui mừng khi thấy chúng tôi không ai bỏ cuộc, không ai trốn tránh trách nhiệm.

Trong không khi trầm lặng hoài niệm về trường cũ thầy xưa, xót xa cho cuộc loạn ly kẻ còn người mất, tiếng của người thầy kính yêu vang lên: dù có sao chăng nữa, dù có ai tìm cách gây chia rẽ, xáo trộn trong hàng ngũ chúng ta, hãy nên ráng sức thắt chặt tình thân hữu với nhau, đó làm làm tròn ý nghĩa kính thầy yêu bạn. Phần văn nghệ tiếp diễn gồm đồng ca (tất cả mọi người cùng hát) hợp ca và đơn ca. Vẫn những khuôn mặt thân quen, những giọng hát vượt thời gian và nụ cười độc đáo của anh Lưu Văn Dân.

Tờ Đặc San

Kỳ này, không may Đặc San không thể ra mắt như dự trù vì thiếu thợ «xếp bài vở để lên khuôn». Nhân dịp có nhiều anh chị em từ phương xa về họp mặt Tết hôm ấy, trong lúc hàn huyên, Đặc San Âu Châu cũng là một đề tài để anh chị em bàn bạc, thế là anh Dương Tấn Hải (đến từ miền nam nước Pháp) tình nguyện nhận «xếp bài vở để lên khuôn» với sự giúp đở của anh Thạch Lai Kim (từ bên Đức sang) để lo cho tờ Đặc San có số phận long đong này.

Ý nguyện của ban chấp hành là tìm mọi cách để tờ Đặc San được thành hình trước sự mong đợi của quí thầy, quí bạn, sự chậm trễ này không do lỗi của chủ bút hay bất cứ một ai «muốn ôm hết» như có người đã nói tới tai anh em ở Houston (Texas) mà tôi đã được nghe kể lại. Báo ra chậm một chút thế mà lại hay. Tờ báo lại thêm phong phú, tươi mới. Anh Thông nói đây là duyên Trời. Vì chúng ta nhận thêm nhiều bài có tính cách thời sự và giá trị tài liệu thật đặc sắc.

Trung thành với lý tưởng tự do dân chủ đã được học ở ghế nhà trường, được trui rèn bởi biết bao kinh nghiệm máu xương giữa quốc gia và cộng sản, chúng ta có quyền lựa chọn một bình minh ngời sáng trên quê hương khi chế độ cộng sản phi nhân bản không còn đất đứng, chứ không phải một “bình minh giả hiệu” như mấy kẻ trở cờ mà chúng ta thấy xuất hiện không biết xấu hổ ngay trong hàng ngũ cựu sinh viên Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt.

Xin chân thành cám tạ quí thầy, quí bằng hữu trong và ngoài Thụ Nhân Âu Châu đã khuyến khích, giúp đỡ để tờ Đặc San được hình thành. Ước mong tờ báo tâm huyết này sẽ được quí thầy, quí bạn đón nhận nồng hậu, thiết tha.

Và xin trân trọng, với niềm quí mến sâu xa, kính chúc quí thầy cô và quí bạn nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào và an khang thịnh vượng.