Trong Câu Thơ Cũ

Ác Thiện

Trong những năm học trước 75 có một lần họp nhóm gặp trời mưa, chúng tôi cùng kéo vào thư viện. Cả nhóm ngồi quây quần bên nhau, đứa lấy bài vở ra làm, đứa kiếm đọc những quyển tạp chí, trao đổi với nhau những lời thì thầm cố gắng giữ yên lặng trong thư viện. Tôi đang làm bài tập kế toán, Như Nguyện đọc báo Văn kiếm được trên kệ sách và mang đến cho cả nhóm đọc một bài thơ nói về Đà Lạt của thi sĩ Hoàng Ngọc Tuấn (hay Hoàng Anh Tuấn?). Bài thơ viết theo thể tự do khá dễ thưong và rất hợp tình hợp cảnh mở đầu bằng hai câu:

Đà Lạt mưa nhiều nên Đà Lạt buồn.

Con đường dài nên con đường bị thương.

Như Nguyện là một cô gái xinh đẹp, đã thế lại biết làm thơ và có biệt tài về hội họa, nhưng lúc đó tôi chỉ coi Như Nguyện không khác gì một người bạn trai, có lẽ vì tôi biết Như Nguyện đã có boyfriend đang du học bên Đức và tôi rất tôn trọng người vắng mặt. Ngoài ra có lẽ vì tôi vừa mất một thằng bạn thân có biệt tài về hội họa, học với tôi suốt những năm trung học, sau khi đậu Tú Tài tôi lên đại học còn nó đi lính và tử trận. Tài hội họa của Như Nguyện làm tôi liên tưởng đến người bạn đã khuất và tôi cư xử với Như Nguyện không khác gì với người bạn thân năm xưa của những năm trung học. Có lẽ vì vậy mà tôi cũng được Như Nguyện xem tôi không khác gì một người bạn … gái, dễ dàng kể cho tôi nghe những điều vui buồn trong chuyện tình cảm với chàng boyfriend đang du học. Và những lần đi mua vải may áo dài Như Nguyện thường rủ tôi theo để giúp thêm ý kiến về màu sắc.

Cứ thế đời sinh viên trôi đi, học hành thi cử, có thể gọi là êm ả mặc dù lúc đó chiến cuộc leo thang nhưng tuổi trẻ dường như ít có ý niệm về sự hiểm nguy. Tin tức chiến sự chúng tôi nghe đã quá quen, giờ giới nghiêm chỉ là giờ mạo hiểm để mấy thằng sinh viên nghịch ngợm ra đường lẩn trốn, ẩn núp trong bóng tối và sương mù mỗi khi có xe cảnh sát hay quân cảnh đi qua.

Rồi miền Nam sụp đổ, Cộng Sản tiếp thu Viện Đại Học Đà Lạt, chúng tôi không còn mái trường để trở về sau khi đã bỏ chạy di tản. Đám sinh viên Đà Lạt ngơ ngác kéo nhau đến lầu ba thương xá Tax. Ở đó có những sinh viên nằm vùng và những anh “cách mạng ba mươi” gọi chúng tôi vào hội trường học chánh trị. Phòng học lúc bấy giờ trang trí thật khác xưa, trên tường có treo cờ đỏ sao vàng, cờ Giải Phóng Miền Nam và chân dung con ma nhà họ Hồ, diễn giả là những người tự xưng là nằm vùng, mặt mày xấu xí, ăn nói vô duyên đầy vẻ kiêu căng, tự cao tự đại; ngồi nghe một lát là tôi chịu hết nổi, đứng dậy bước ra. Những cặp mắt gườm gườm của các anh “ba mươi” nhìn tôi kênh dễ sợ. Bước ra khỏi hội trường tôi gặp Như Nguyện và Dương Ngọc Thuận đang đứng ngơ ngác ngoài hành lang. Gặp nhau mừng rỡ được một lát rồi cảm giác lo âu cũng ập trở lại, cả ba đứa chúng tôi đứng dựa lan can nhìn xuống khoảng không bên dưới và nói chuyện bâng quơ, Thuận bùi ngùi hỏi:

- Nguyện nhớ Đà Lạt không?

- Nhớ chứ. Đà Lạt đẹp mà không hiểu sao Đà Lạt buồn quá há?

Và tôi chõ cái miệng vô duyên của tôi vào:

- Đà Lạt mưa nhiều nên Đà Lạt buồn, con đường dài nên con đường bị thương.

- Thiện còn nhớ bài thơ đó sao?

Như Nguyện cười và nói như reo. Tôi quay lại định hỏi Như Nguyện về những câu còn lại của bài thơ thì thấy đôi mắt Như Nguyện đã đỏ hoe và ướt sũng. Tôi còn đang bối rối chưa biết nói gì thì may quá, có một người thứ hai cũng vừa bước ra khỏi hội trường. Đó là Long Méo của khoá 10. Có lẽ anh chàng cũng đã bị mấy ông ba mươi kênh nên đã ra đến cửa mà Long còn quay lại kênh trả rồi mới đi về phía ba đứa chúng tôi và vung tay nói:

- Mẹ kiếp! Thằng Minh Râu nó chơi gác anh em quá. Chịu hết nổi tui ra đây đứng cho bõ ghét.

Tôi quen với khoá 10 cũng khá nhiều nhưng chưa bao giờ nghe tới tên Minh Râu nào nên tôi hỏi:

- Minh Râu là thằng nào vậy?

- Đó đó, Minh Râu là cái thằng đó đó.

Nhìn theo hướng tay Long chỉ, chúng tôi bật cười vì đó là tấm hình chân dung của Hồ Chí Minh. Long Méo của khoá 10 quả là một tay chọc cười rất có duyên. Có anh chàng này nhập bọn là buồn mấy cũng hết buồn. Chúng tôi nói chuyện, cười đùa một hồi lâu, chẳng ai muốn vào trong hội trường nghe mấy anh nằm vùng nói dai, nói dài, nói dở, mà chỉ toàn là……nói dối nên chào nhau đi về.

Như Nguyện cho biết ngày hôm sau sẽ về lại Nha Trang.

Khoảng một tháng sau tôi ra Nha Trang thăm Nga (bà xã tôi bây giờ). Ngủ nhờ nhà Nguyễn Minh Điện ở đường Quốc Lộ 1. Sáng sáng tôi đi bộ ra biển. Lội bì bõm đến khoảng 9, 10 giờ sáng thì Nga đạp xe mang đồ ăn đến “thăm nuôi” tôi ngoài bãi biển. Sau đó hai đứa tôi ngồi với nhau hoặc chở nhau đi lang thang khắp thành phố Nha Trang.

Tôi có được một tuần hạnh phúc trong một xã hội đầy sợ hãi và lo âu. Nghe Điện kể lác đác đây đó trong thành phố Nha Trang đã có vài người trẻ tuổi tự tử vì tuyệt vọng. Buổi tối ngày cuối cùng trước khi về lại Sài Gòn tôi mới sực nhớ đến bạn bè. Ra đến Nha Trang mà không đi thăm bạn bè ở Nha Trang thì bậy quá. Tôi mượn chiếc xe đạp của Điện, từ Quốc Lộ 1 chạy ra phố, quẹo mặt vào Trần Quý Cáp thăm Tuyết Nhung, rồi từ Trần Quý Cáp chạy đến Phước Hải, quẹo vô Khổng Tử thăm Lê Văn Hải, rồi chạy tới Trịnh Phong thăm Trần Bá Thăng. Chặng cuối là chạy ra biển quẹo vô đường Yersin tới thăm Như Nguyện.

Má của Như Nguyện ra mở cổng, bác nói:

- Cả tuần lễ nay Như Nguyện nó ở trong phòng khoá cửa, chẳng chịu gặp ai, cũng chẳng ra ăn cơm nữa.

Nghe vậy tôi đã định chào bác đi về nhưng bác lại nói tiếp:

- Hay là … Cháu vào đây cho bác nhờ chút.

Tôi theo má của Như Nguyện vào nhà. Bác mở tủ lấy một hộp bánh biscuit đưa cho tôi và nói:

- Cháu ở xa đến thăm biết đâu Như Nguyện nó nể mà chịu gặp cháu. Hay là cháu thử cầm hộp bánh này vô biểu nó ăn giùm bác.

Rồi bác dắt tôi đến trước cửa phòng Như Nguyện, im lặng chỉ tay vào hộp bánh tôi đang cầm, khẽ gật đầu rồi bỏ đi về hướng bếp. Gia đình Nhu Nguyện là người Huế, rất khó. Quen Như Nguyện đã mấy năm, mỗi lần đến chơi tôi chỉ nói chuyện với Như Nguyện trong vườn, trong phòng khách chứ đời nào dám bén mảng tới cửa phòng của Như Nguyện. Nay má của Như Nguyện lại dắt tôi đến thì tôi biết bác đang lo và việc bác nhờ đối với bác quan trọng thế nào. Tôi gõ cửa.

- Ai đó?

- Thiện đây Nguyện.

- Có ai ở ngoài đó với Thiện không?

- Không có ai hết. Chỉ có một mình Thiện thôi.

Như Nguyện mở cửa và vui vẻ hỏi:

- Đi đâu mà mặt mũi đỏ như con tôm luộc vậy?

Tôi không trả lời, tôi đang bận quan sát cái thế giới riêng tư của Như Nguyện mà dù đã quen biết Như Nguyện nhiều năm tôi vẫn chưa hề biết đến. Trên thế gian này có khoảng không gian nào kỳ lạ và nhiều nữ tính bằng căn phòng của một cô gái? Tôi để ý ngay đến những bức tranh treo trên tường do chính tay Như Nguyện vẽ. Tôi đi một vòng vừa ngắm tranh vừa trầm trồ khen ngợi. Đến một bức tranh nhỏ nhưng có những pattern và texture rất lạ. Như Nguyện không vẽ bằng sơn dầu hay màu nước mà bằng những tờ giấy báo được xé ra và dán lên bức tranh. Đây là bức tranh tôi thích nhất, nhưng tôi không khen mà lại nghĩ ra một trò chọc cười mới. Tôi dán mũi vào bức tranh, cố gắng đọc các hàng chữ trên những mành giấy báo xé nhỏ. Mảnh này dán chồng lên mảnh kia, câu nọ xọ câu kia thành những câu ngây ngô tức cười, thỉnh thoảng tôi lại bịa thêm một chữ cho thành những câu tiếu lâm làm Như Nguyện cười chảy nước mắt. Thấy Như Nguyện đang vui, tôi khui hộp bánh và mời Như Nguyện cùng ăn. Vừa ăn bánh, tôi vừa hỏi chuyện vì sao Như Nguyện lại khóa cửa ở trong phòng suốt tuần lễ qua, nhưng Như Nguyện bảo tôi đừng lo, lâu lâu cô nàng nổi sùng lên một chút vậy thôi. Nghe vậy tôi cũng yên tâm, vả lại tôi đã thấy Như Nguyện cười và đùa giỡn rất tự nhiên nên cho rằng bạn tôi đã hết buồn. Rồi tôi nghĩ rằng trời lúc đó đã khuya, tôi lại ở lâu trong phòng riêng của một cô gái như thế coi bộ không tiện nên tôi đứng dậy từ giã Như Nguyện để đi về. Như Nguyện hỏi:

- Thiện có đủ tiền đi đường không?

- Vừa đủ một cái vé xe đò và một bữa cơm, Nguyện khỏi lo.

Nhưng Như Nguyện lại mở ngăn kéo lấy ra một xấp tiền đưa cho tôi. Dĩ nhiên là tôi lắc đầu quầy quậy, dấu hai tay sau lưng không cầm lấy số tiền. Như Nguyện nhét tiền vào túi áo tôi lại lấy ra trả lại và để trên bàn. Như Nguyện có vẻ không vui nhưng không ép tôi lấy tiền nữa, tiễn tôi ra cửa rồi lại trở vào phòng khoá cửa. Ra ngoài tôi kiếm má của Như Nguyện cho bác biết Như Nguyện đã ăn bánh và tôi đã để hộp bánh trong phòng cho Như Nguyện. Cả bác và tôi đều không ngờ rằng tôi đã là người cuối cùng trò chuyện với Như Nguyện trước khi Như Nguyện quyên sinh.

Sau này khi đã sống bên Úc được ít lâu tôi được đọc một quyển sách nhan đề ‘Youth Committing Suicide’ mới thấy rằng thật ra Như Nguyện đã có những dấu hiệu muốn tự tử nhưng tôi đã không đủ tinh tế để nhận ra. Theo quyển sách này nếu biết trước một người có ý định tự tử thì mình có thể khuyên can người đó từ bỏ ý định này một cách dễ dàng. Và tôi là thằng ngu đã không biết khuyên bạn mình từ bỏ ý định quyên sinh. Biết sao bây giờ, ngày Như Nguyện chết thì sinh nhật thứ 21 của tôi chỉ mới trôi qua được vài tuần, tôi còn quá trẻ để có những kinh nghiệm nhận biết ý định quyên sinh của người khác.

Tháng Bảy năm 2005 tôi trở về Việt Nam. Căn nhà cũ của Như Nguyện đã trở thành một cơ quan nhà nước có treo huy hiệu của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Tôi lên Đà Lạt gặp lại một số bạn khoá 9 năm xưa như Thế, Hưng, Đông, Bảo Bườn, Bửu Nghi. Tôi nhận ra rằng mấy đứa khoá 9 chúng tôi cuộc đời đứa nào cũng đã vẽ thành một con đường thật dài với thật nhiều những vết thương. Mái tóc bồng bềnh của Bảo Bườn đã ngả sang màu muối tiêu nhưng khi leo lên yên xe thì Bảo Bườn vẫn còn là một easy rider như cái thuở hippy 30 năm trước. Lúc Bảo Bườn chở tôi trên chiếc motor bike của hắn, Đông cũng phóng xe chạy theo. Ba anh hippy già trên hai chiếc motor bikes đi trong cơn mưa Đà Lạt, Bảo Bườn lạng xe cũng còn ác lắm. Tôi ngồi sau cứ thấy Bảo Bườn nghiêng sang trái là tôi nghiêng sang trái. Thấy hắn nghiêng sang phải là tôi nghiêng sang phải. Tôi cảm thấy như tôi nhỏ lại, thành đứa bé con đong đưa trên chiếc võng, bay bổng trong tiếng ru của tình bạn. Và cơn mưa Đà Lạt dường như cũng văng vẳng ngân nga:

Đà Lạt mưa nhiều nên Đà Lạt buồn.

Con đường dài nên con đường bị thương.

01/01/2006.