Hoàng Thịnh
Vancouver 19/2/2006.
Hồi còn đang tỵ nạn ở đảo Galang, tôi đã được nghe về ấm áp và đẹp đẽ của Vancouver. Tôi có viết trong đơn xin đi định cư là muốn về Vancouver. Vậy mà Phái đoàn Di trú của Canada đưa tôi về Winnipeg.
Tôi đến Winnipeg vào tháng 4, vẫn còn là mùa đông, tuyết vẫn còn trắng trên đường phố. Cơn gió lạnh –30oC của miền đồng bằng Canada làm tôi muốn té ngửa ra đàng sau. Thảo nào dân tỵ nạn Việt nam gọi là “Winibad”. Bị cái weather shock quá mạnh, tôi vội vàng gọi điện thoại cho anh bạn ở Toronto, xin anh gởi tiền xe cho tôi đi về Toronto. Tôi chỉ có thể cầu cứu anh, vì tôi không quen biết ai ở Vancouver. Sau khi anh đồng ý giúp, tôi đi đến Sở Di Trú Winnipeg xin phép cho tôi chuyển về Toronto. Tôi cố thủ trong phòng khách sạn, không dám ra đường (hồi đó chính quyền thành phố Winnipeg cho dân tỵ nạn mới đến được ở khách sạn cho đến khi tìm được nhà thuê), chờ đợi money order của anh bạn. Chờ một tuần thì money order đến. Thế là tôi chạy về Toronto, chưa kịp lãnh đồng tiền trợ cấp nào, chưa kịp nhìn rõ thành phố Wininipeg.
Những năm sau đó sống ở Toronto, thành phố lớn nhất của Canada, tôi kết luận rằng Toronto vui, kinh tế mạnh, nhưng vẫn còn quá lạnh với tôi, dù rằng nó không lạnh như Winnipeg. Vẫn có những ngày mùa đông ở Toronto xuống đến –20oC. Chuyến đi chơi Vancouver 2 tuần mùa hè 1989 đã khẳng định niềm ước vọng năm xưa vẫn là chính đáng, và giấc mơ Toronto sống lại mãnh liệt. Thế là năm 1994, sau khi bị layoff, tôi và vợ con cuốn gói về Vancouver. Có thể nói đó là một cái layoff mà tôi không thấy buồn.
Về đến Vancouver, tôi nhận ra rằng cuối cùng thì cuộc đời tôi mới có một bến bờ ổn định, nhất là sau khi tôi bắt được permanent job với chính phủ liên bang. Ở Toronto, phần vì tôi chỉ làm hợp đồng với chính phủ, phần vì mùa đông quá lạnh, mùa hè quá nóng, tôi vẫn còn cảm giác tạm dung tạm trú của người lưu vong mất nước.
Vancouver quả là một ngoại lệ, một thành phố trời thương của Canada. Đối với dân chúng thế giới, ấn tượng về Canada là xứ sở của mùa đông băng giá, lạnh cóng người. Đúng vậy, ngoại trừ miền bờ biển Tây Nam, nơi có Vancouver. Dòng nước nóng ngầm của Thái bình Dương từ Mexico chẩy lên khiến cho Vancouver của Canada và Seattle của Mỹ vào mùa đông ẩm ướt chứ không giá băng. Nhiệt độ ban ngày bình thường của những tháng mùa đông là từ 5 đến 10oC. Mỗi lần có tuyết rơi là trẻ em vui mừng kích động, bởi vì không dễ có tuyết rơi ở Vancouver, và có thì cũng tan một vài ngày sau. Mùa hè của Vancouver rất mát mẻ dễ chịu, cũng do tác dụng điều hòa của biển, trung bình không quá 25oC. Đúng đầu tháng 3 là hoa anh đào nở rộ. Vancouver trồng được cây cọ (palm) của California và chuối Nhật Bản, do đó có biệt danh là Lotus Land, xứ Hoa Sen. Do khí hậu ôn hòa, dân Vancouver là dân hoạt động thể thao nhiều nhất Canada.
Ngoài khí hậu ôn hòa, phong cảnh của Vancouver rất đẹp, rất đa dạng. Không có nhiều thành phố lớn trên thế giới mà có đầy đủ núi cao, biển rộng, sông dài, rừng sâu, hồ lớn nhỏ, thác cao thấp, đảo nhấp nhô, đồng bằng xanh tươi … như Vancouver. Do đó, giá nhà của Vancouver cao nhất Canada. Nhưng nếu so sánh với những thành phố hàng đầu của Mỹ, Úc, Âu Châu thì nhà cửa Vancouver vẫn còn rẻ hơn.
Như mọi sự trên cõi đời đều bất thập toàn, Vancouver có khuyết điểm là mưa nhiều vào mùa đông. Những cơn mưa phùn lê thê, có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, khiến cho nhiều người có thể bị depressed. Nhưng hãy so sánh: depressed vì mưa vẫn còn tốt hơn depressed vì tuyết băng. Điều cần nói ở đây là cơ thể con người thích ứng với môi trường sau một thời gian dài sinh sống. Dân Vancouver quen với shower như dân Đà Lạt và Huế quen với mưa phùn. Nhìn vào mặt tích cực, mưa nhiều làm cho thành phố sạch sẽ và đem lại màu xanh vĩnh cửu cho thành phố, vì cây cối xanh tốt quanh năm.
Những ngày mưa gió ướt át, tôi hay ra ngồi uống cà phê Starbucks, nhìn ra núi xa, nhìn những hàng thông, và tự nhủ rằng cuối cùng thì đời tôi cũng có hạnh phúc và cũng an cư lạc nghiệp, dù là muộn màng. Tôi được may mắn sống ở thành phố đáng sống nhất trên thế giới như quốc tế công nhận, có việc làm vững chắc, có vợ hiền, con ngoan. Chẳng những tôi đạt giấc mơ hồi còn ở đảo Galang mà tôi còn đạt giấc mơ hồi còn là sinh viên ở quê nhà: tôi đã từng mơ sẽ làm việc ở Saigon nhưng về hưu ở Đà Lạt. Với núi đồi, rừng thông, hồ lặng, thác reo, đừơng dốc … đây chẳng phải là Đà Lạt phương Tây hay sao? Có ai đó đã nói rằng: “Home is where your happiness is”.
Cũng có thể lúc về hưu, tôi sẽ về sống ở Đà Lạt nửa năm và sống ở Vancouver nửa năm. Âu cũng là phần thưởng cho kẻ di dân, một kiểng hai quê.