LM Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý (1913-1992)
Tiến Sĩ Giáo Sư
Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt (1970-1975)
Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm
Thời Gian Học Vấn
Cậu Lê Văn Lý sinh ngày 30/5/1913 trong một gia đình nông dân chất phác tại Lệ Thủy, huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Cậu được rửa tội với tên thánh bảo trợ là Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo Dòng Tên nhiệt thành. Lệ Thủy là một làng quê nhỏ bé, cũng là một họ lẻ thuộc giáo xứ Bút Đông, huyện Duy Tiên, một xứ đạo nổi tiếng có nhiều người đi tu, cả nam lẫn nữ, thuộc giáo phận Hà Nội. Ngay từ năm 1920, mới lên bảy tuổi, cậu Lý đã được đưa vào tập tu trong nhà xứ, giáo xứ Trác Bút (Bút Đông).
Khi lên học ở Hà Nội tại trường sư huynh La San, thời thơ ấu, cậu Lý là bạn chơi với cậu Kế. Cậu Kế còn nhớ ở vườn nhãn mênh mông giữa Tp Hà Nội, hay trên sân cát, hai cậu thích giành banh đá chân đá cẳng nhau, với các bạn cùng lứa tuồi, đánh bi, đánh đáo mê mệt. Có khi đám chúng lại rủ rê nhau đi ăn uống, cùng bạn bè vui cười hay cãi vã nhau. Có lúc chúng quên ăn quên ngủ, ban đêm đi lùng bắt dế mèn, bắt ve sầu trên sân cỏ, hóc tường, thân cây cho vào mùng. Khuya đến cả một bản nhạc dế, ve thi nhau kêu rầm rĩ, không thua một khúc nhạc thính phòng. Tiếng nhạc dế đánh thức cả lũ nhạc sĩ tí hon nôn nao thức giấc. (1) (SH Théophane Nguyễn Văn Kế: “Một câu chuyện tình”. Kể truyện theo thơ, 12 đoạn). ĐSFrère Kế, tt. 163-165).
Năm 1928 cậu được nhận vào tu học trong tràng la tinh (tiểu chủng viện) Hoàng Nguyên. Giáo xứ Hoàng Nguyên, thuộc tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây), địa phận Hà Nội. Chỉ hai năm sau cậu được địa phận gửi đi du học theo chủ trương quyết định mới của giáo hội Việt Nam là đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc. Cậu Lý cùng với một số các chú tràng la tinh được gửi đến học tại Saint-Pol-de-Léon, Finistère, miền Bretagne ở Tây Bắc nước Pháp.
Năm 1936, Thầy Lê Văn Lý mãn Tiểu chủng viện, và tiếp tục theo học lên Đại chủng viện ở Issy-les-Moulineaux Paris, do các linh mục thuộc tu đoàn Saint-Sulpice (Xuân Bích) phụ trách. Năm 1941, Thầy được tấn phong linh mục ở nhà thờ Notre Dame de Paris.
Với quá trình là một chủng sinh hiếu học, thông minh và đạo hạnh, có ý chí tiến tới, tân linh mục phấn đấu học tiếp ở Trường Đại Học Paris (Sorbonne) từ năm 1941 đến năm 1948 trong bối cảnh khó khăn của mấy năm thế chiến thứ hai. Linh mục tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương năm 1944, đồng thời tốt nghiệp Nhật Ngữ tại Trường Quốc Gia Ngôn Ngữ Phương Đông Paris (École Nationale des Langues Orientales de Paris). Năm 1946 linh mục sinh viên Lê Văn Lý lại đậu thêm bằng Hoa ngữ tại trường nói trên.
Năm 1948, (có tài liệu ghi 1949, nhưng theo khảo chứng của người viết, thì năm 1948 mới chính xác, vì Luận án tiến sĩ của Linh Mục đã được nhà xuất bản Hương Anh ở Paris in năm 1948), Linh mục đậu văn bằng Tiến sĩ Quốc Gia Văn Chương Pháp, chuyên ngành nghiên cứu Ngữ Học do Giáo Sư André Martinet (1909-1999), thuộc trường Cao Học Thực Hành Paris (École Pratique des Hautes Études de Paris tức là IVème Section de la Sorbonne), bảo trợ.
Cuốn nổi tiếng nhất trong nhiều sách của vị giáo sư ấy xuất bản sau này là: Éléments de linguistique générale, Paris, Armand Colin, 1960. Cuốn này năm 1996 được in tới lần thứ tư và được dịch ra 17 thứ tiếng khác nhau. Ngành ngữ học có hai trường phái nghiên cứu cổ điển và cấu trúc. Ông là người thuộc trường phái cấu trúc có tính cách mạng. Thực sự các phân tích cấu trúc về ngữ học đã tác động mạnh mẽ lên các tư tưởng, nhất là những tư duy của Noam Chomsky về sau trong lãnh vực chính trị và xã hội.
Theo chính Linh Mục có lần nói trong lúc dậy học, khi Ông Hồ Chí Minh sang thăm Pháp khoảng năm 1946, Linh Mục Lê Văn Lý là một sinh viên Việt Nam ưu tú nhận quà tặng khích lệ của ông, vì luận án tiến sĩ về Ngữ Pháp tiếng Việt. Sinh viên Lê Văn Lý chứng tỏ một tinh thần yêu nước nồng nàn, hướng về quê hương dân tộc, khi chọn biên soạn đề tài đó. (2) [Vô danh: Cuộc Đời Giáo Sư Tiến Sĩ Linh Mục Lê Văn Lý, t.314. Kỷ Yếu Hà Nội 2004, t.314]
Thời Gian Phục Vụ
Năm 1950, Linh mục hồi hương Việt Nam, cùng với một số linh mục từng du học như Trần Thanh Khiết, Đinh Lưu Nhân, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Bồng (Thanh Hóa).
Ngay khi về Hà Nội, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng Viện Piô XII Hà Nội cho đến 1954. Tại Hà Nội ngài cũng làm giáo sư giảng dậy tại Trường Sư Phạm Cao Đẳng Hà Nội. Đồng thời ngài cũng làm hiệu trưởng Trường Trung Học Dũng Lạc thuộc giáo xứ nhà thờ lớn Hà Nội.
Ngay trước Hiệp Định Genève, từ năm 1953 Giám Mục Trịnh Như Khuê đã có quyết định cho chuyển Tiểu và Đại Chủng Viện vào Nam. Thế là cùng với nhiều cha giáo chủng viện, năm 1954 ngài di cư vào Sàigòn, tiếp tục làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII ở 223 Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn, sau một thời gian tạm trú ngắn hạn tại khu nhà tiền chế. Khu nhà tôn giường tầng khung sắt tiền chế này được xây cất trên khoảng đất trống của nhà xứ Thánh Jeanne d’Arc ở Ngã Sáu Chợ Lớn, khi đó do Linh Mục Nguyễn Văn Nho làm cha sở.
Năm 1957, Ngài được mời tham dự Hội Nghị Khoa Học Thái Bình Dương của nhiều nhà ngữ học quốc tế tại Bangkok, Thái Lan. Cùng đi với ngài, có GS Nguyễn Quang Trình, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục, GS Nguyễn Đình Hòa. Chính thời gian này, khi các nhà ngữ học Việt Nam trở về Việt Nam có GS Mỹ David Thomas được mời sang thăm, một thỏa ước hợp tác về nghiên cứu ngữ học ở Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Giáo Dục Việt Nam và Viện Chuyên Cứu Ngữ Học Mùa Hè (Summer Institute of Linguistics – SIL), thuộc Trường Đại Học tiểu bang North Dakota, Hoa Kỳ. Thực sự, thỏa ước này chỉ được ký kết ngày 13/5/1964, dưới thời của Bộ Trưởng Giáo Dục Bùi Tường Huân và GS Pittman, R.S. (3) [Huân, Bùi Tường và Pittman, R.S.: Bản thỏa hiệp giữa Bộ Quốc Gia Giáo Dục (VNCH) và Viện Chuyên Khảo Ngữ Học Mùa Hè (SIL) thuộc Viện Đại Học North Dakota (USA), ký ngày 13.5.1964, tại Sàigòn.]
Năm 1958, ngài được mời làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse (nhiều người quen gọi đơn giản là chủng viện Luro) ở đường Cường Để (đường Luro cũ), Sàigòn, trong chiều hướng chuẩn bị địa phương hóa theo giáo luật các giáo phận di cư từ Bắc vĩ tuyến 17 vào miền Nam Việt Nam.
Năm 1960, ngài bắt đầu được mời làm giáo sư Trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn và Huế.
Đến năm 1966, ngài được bổ nhiệm làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, đồng thời kiêm nhiệm Khoa Trưởng Trường Đại Học Văn Khoa.
Năm 1970 đến 1975, ngài chính thức làm Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, kế thừa Linh Mục Viện Trưởng tiền nhiệm Simon Nguyễn Văn Lập (1961-1970) hồi hưu.
Từ năm 1975 đến năm 1980, ngài làm giáo sư cả Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn.
Khoảng năm 1978-79, người viết có cơ hội tiếp xúc với GS Phạm Huy Thông khi đó làm Viện Trưởng Viện Khảo Cổ tại Hà Nội đi công tác tại Sàigòn, sau một thời gian bị chế độ miền Nam tống xuất qua cầu Hiền Lương ra phía Bắc vĩ tuyến 17. Người viết thuật lại câu truyện với Linh mục Lê Văn Lý. Ngay lúc đó, Linh mục ngỏ ý muốn gặp lại người bạn thân từ hồi còn là sinh viên cùng học tại Viện Đại Học Paris.
Nhân một chuyến công tác khác tại miền Nam ở Viện Khoa Học Xã Hội Sàigòn, qua sắp đặt của người viết, GS Phạm Huy Thông đến thăm Linh Mục Lê Văn Lý tại Tiểu Chủng Viện ở số 6 đường Cường Để Sàigòn. Thời gian đó Linh Mục bị chứng bệnh lạ có lẽ do nhiễm độc gan, nổi mề đay, tróc da khắp người, ngứa ngáy khó chịu. Linh Mục liền xin thu xếp hẹn gặp, qua trung gian GS Phạm Huy Thông, với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng tại Hà Nội để trình bày vấn đề. Linh Mục Lê Văn Lý ngay sau đó được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng chấp thuận ký giấy cho xuất ngoại qua Pháp chữa bệnh.
Năm 1980, Lm Lê Văn Lý chính thức lên máy bay rời Việt Nam đi Paris. Nhưng trong một lá thư hiếm hoi từ Paris gửi cho người viết, ngài cho biết khó thích ứng với đời sống tại Paris đã thay đổi quá nhiều so với hơn ba mươi năm trước, khi ngài còn tu học và sinh sống tại Pháp. Vì thế Linh Mục xin chuyển sang Mỹ. Trước khi đi Mỹ, ngài gặp được Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, cũng là cựu giáo sư trong Trường Đại Học Đà Lạt, và một số thân nhân, và cựu phụ giảng Đại Học Đà Lạt được Viện gửi đi du học Pháp trước 30/4/1975.
Ở Mỹ từ năm 1983, ngài được mời đến cư trú và hưu dưỡng tại Dòng Đồng Công ở Carthage tiểu bang Missouri. Đáp lại lời mời, ngài đến ngụ tại Nhà Hưu Dòng Đồng Công cho đến khi ngài qua đời ngày 3/10/1992 tại đó. Dòng Đồng Công vốn cộng tác với Viện Đại Học Đà Lạt khá chặt chẽ trước 30/4/1975. Khi đến thăm Nhà Hưu Dòng Đồng Công ở Carthage MO tháng 7/2004 nhân Đại Hội Thánh Mẫu hằng năm, người viết còn thấy ghi trên một tấm biển trong hành lang thông báo hay lưu niệm về các vị giáo sĩ hưu dưỡng còn sống hay đã quá cố.
Về Linh Mục Lê Văn Lý, có dòng chữ sau: “Nhập Nhà Hưu” (ĐồngCông tại Carthage MO ngày) “11/04/83”, “rời” (nhà hưu ngày) “18/08/85” (nhưng không ghi ngày đi đâu và ngày trở lại Dòng Đồng Công mà ghi “RIP” (qua đời ngày) “3.10.1992, an táng tại Springfield, MO”. Trên tấm biển đó cũng ghi ngày đến Nhà Hưu Đồng Công và ngày qua đời của một số giáo sĩ nổi tiếng khác [như TGM “Ngô Đình Thục 25-2-84, RIP 12-12-84; LM Lương kim Định 12-5-91, RIP 25-3-97; LM Cao Văn Luận 18-9-84, RIP 19-7-97”]. Trong thời gian cư trú tại Mỹ, ngài cũng đến thăm nhiều nơi, trong đó có vùng Washington DC, nơi gia đình GS Phó Bá Long cư ngụ, và New Orleans, LA, nơi cư trú của LM Nguyễn Việt Anh, từng là cựu giáo sư Anh Văn Viện Đại Học Đà Lạt. Khi đó cha NV Anh là Tổng Phụ Trách Dòng Tận Hiến tại Hoa Kỳ, đang ở vùng Versailles.
Khi đôi bạn Lý và Kế lớn lên, mỗi người mỗi ngả thi nhau học hành, người theo ngữ học, người đeo đuổi nghề sư phạm, nhưng đến thời trung niên hai người lại cùng có cơ hội làm việc với nhau ở môi trường Viện Đại Học Đà Lạt. Khi Cộng Sản đến, hai người đều chạy về Sàigòn, Sư Huynh mở lớp dậy nhạc kiếm sống, rồi theo dòng người nhốn nháo vượt biên, Sư Huynh cũng đi, Cha Lý bị kẹt lại, nhưng cuối cùng họ cùng gặp nhau khi đến Pháp. Qua Mỹ đôi bạn già thường trò chuyện đủ thứ qua điện thoại. (3) (Một câu chuyện tình. DS SHKế, t. 163-165)
Mầy dòng bút ký sau đây của một giáo sư ngữ học đồng nghiệp của cha có thể hình dung vài hình ảnh hiếm hoi cuối đời cha:
“Nhưng cơ duyên trò chuyện lâu nhất của chúng tôi là tại Hoa Kì, tháng 8 năm 1983, khi tôi lái xe từ Carbondale, Illinois tới thăm Ngài ở tu viện Dòng Đồng Công Carthage, tiểu bang Missouri, và nghe Ngài thuyết giảng nhân dịp lễ khánh thành Đài Mẹ và Công Trường Hòa Bình tại nơi đó…”
"Hàng năm Cha cũng đáp lời thăm hỏi nhân dịp Tết Ta, Tết Tây. Nhưng bức thư của Cha đầu năm 1992, với nét bút quen thuộc, đã làm cho tôi lo ngại nhiều về tình trạng sức khoẻ của Cha. Cha cho biết Cha "không có gì thay đổi trong đời sống, vẫn hưu dưỡng trong Nhà Dòng, chỉ có thêm tuổi: 79 tuổi rồi, lại có đủ những dấu chỉ của một ông già: tóc bạc, răng long, mắt mờ, chân chậm. Tệ hơn cả là đôi mắt. Từ hai năm nay, tôi mang hai chứng bệnh đau mắt nguy hiểm nhất của người già là glaucoma và cataract. Đã giải phẫu bốn lần rồi mà vẫn cứ mờ. Do đó mà mặc dầu có một số dự án nghiên cứu thêm về tiếng Việt, cũng đành phải gác bên cạnh." Thực là đáng tiếc cho học giới Việt Nam khi những công trình lớp sau của Linh Mục Lê Văn Lý chưa được phổ biến cho đàn em, đàn con, đàn cháu mà Ngài đã bỏ ra đi về nước Chúa!” (4) (Nguyễn Đình Hòa: Lời nói đầu. Đặc San Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, tt.ix-xi, 1993 Đặc San Khóa 7 CTKD (12/2005), t.17).
Người bạn đồng nghiệp văn chương, GS Nguyễn Khắc Hoạch, lại bảy tỏ một cảm nhận riêng biệt rất thâm thúy:
“Từ Pháp sang Mỹ, Cha Lý dừng chân ở tiểu bang Missouri, giữa những cánh đồng Trung Tây, lúa bắp bạt ngàn. Nỗi quạnh hiu của chuỗi ngày cuối đời được vơi dịu phần nào bằng những kỷ niệm thân thương của một khung trời từ nay hoàn toàn xa cách. Một buổi chiều tĩnh lặng. Không phải để đọc sách, vì mắt kém đã từ lâu gần như vĩnh biệt ánh sáng, mà, thường lệ, là để tĩnh tâm, suy niệm, trở về với chính bản thân. Người phụ tá lên gõ cửa phòng mời Cha xuống dùng bữa tối thì thấy ông đã bất động từ lâu! Lặng lẽ, bình thản ra đi như những vị thiền sư mà cổ sử và truyền thuyết nhân gian đã kể lại cuộc đời. Cái chết nhẹ như một hạt bụi bay về cõi vô cùng. Về nơi không còn những tranh chấp ý thức hệ, những dị biệt tôn giáo, những vật lộn thương đau của cuộc sống!” (5) (Nguyễn Khắc Hoạch: Hiền nhân nhật viễn. Đặc San Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, t. 9-11, 1993. Đặc San Khóa 7 CTKD (12/2005), t.22.).
Người môn sinh yêu dấu Phạm Văn Hải như đồng nhịp thở linh thiêng với người sắp đi vào cõi vĩnh hằng quay lại mấy thước phim giã biệt thế gian của người vẫn coi mọi sự trên đời là giả trá:
“Cha Lý đã sẵn sàng từ lâu. Nhất là những năm ở Dòng Đồng công, Carthage, Missouri. Trưa Thứ bảy, ngày mồng 3 tháng 10 năm 1992, như thường lệ, Cha xuống nhà ăn. Nhưng chỉ một lúc sau, lấy cớ mệt, bỏ lên phòng riêng. Bữa tối, không thấy Cha. Lên tìm, mới biết Chúa đã gọi Cha về. Nhìn nét mặt hiền hòa bình thản của Cha, có thể đoán Cha chết dễ dàng, êm ái”.
Chứng từ sau cùng về cái chết của Cha Lê Văn Lý có thể là của Cha Trần Điển, người bạn cùng ở nhà hưu với Cha Lý. Sau này, cha Điền thuật lại cho Tạ Duy Phong như sau:
“Thường lệ như mọi ngày chúng tôi cùng sánh vai đi dạo quanh công viên Dòng Đồng Công trước khi ăn trưa và tối khoảng một giờ. Đến giờ ăn trưa, hai chúng tôi bước đến cửa nhà ăn thì bỗng nhiên cha Lý nói với tôi: ‘Thưa cha, con cảm thấy trong người hơi mệt nhưng không đói. Con muốn vào phòng nằm nghỉ một chút.’ Đến bốn giờ chiều hôm ấy, tôi vẫn chưa thấy cha Lý bước ra khỏi phòng như thường lệ. Sinh nghi, tôi bèn kêu mấy Thầy phụ trách đến phòng Cha Lý gõ cửa xem sao. Gõ mãi cũng không thấy ngài lên tiếng. Biết là có chuyện chẳng lành, mọi người tìm cách cùng nhau lấy chìa khóa phụ mở cửa phòng cha Lý, đồng thời vội kêu ngay 911 đến cấp cứu. Sau khi mở được khóa, thì mấy thầy hết sức đẩy cánh cửa mà vẫn không mở vào trong được. Loay hoay khoảng 10 phút sau, thì một thầy cũng cố lách vào phòng qua khe cửa, thì ôi thôi, thi thể cha đã nằm sấp chắn ngang cánh cửa phía trong. Ai nấy bồi hồi xúc động! Đoàn xe ambulance tới nơi lúc 4.30 chiều.Tiến hành xét nghiệm ngay, bác sĩ cho biết cha Lý “passed away” khoảng 2:15 xế chiều. Vì di chứng glaucoma (nhãn áp) và cataract (cườm võng mạc), nên có thể ngài vào phòng khóa trái cửa, mất sức, không thấy gì nữa và bị vấp té ngay. Cha trải qua cơn hôn mê sau khoảng hai giờ trước khi tim ngừng đập”.(6) (Tạ Duy Phong nói lại với người viết lúc 10.45 pm ngày 18/5/2006.5 qua điện thoại từ Houston TX lên Dayton, Ohio)
“Thân xác Cha Lý về với lòng đất ngày Thứ bảy, mồng 10 tháng 10 năm 1992. Nghi lễ tiễn đưa chẳng khác gì cuộc đời của Cha. Có lúc cũng trang trọng (với nhiều linh mục đồng tế trong thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Springfield, Missouri). Có lúc cũng lẻ loi (như khi mọi người tản mát ra về, cỗ áo quan đặt trên miệng huyệt chờ người tới chôn).
Lúc ấy tôi nghĩ tới những lần tới thăm thầy ở văn phòng Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt, mỗi người một cuốn sách. Tiễn đưa Cha gồm hầu hết những tu sĩ Dòng Đồng công (Carthage, Missouri). Còn lại là mấy người bạn cũ, mấy người con nuôi, dăm ba người họ hàng thân thích và học trò của Cha. Người hiền, nếp sống đơn sơ, lúc về quê cũng âm thầm. Không vương vấn, không bịn rịn; để lại lòng người ở lại nỗi bâng khuâng tiếc nuối nhẹ nhàng.” (7) (Phạm Văn Hải, Thầy Tôi: Linh Mục Lê Văn Lý, Đặc san Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, p. 4-8, 1993. Đặc San Khóa 7 CTKD (2005), t. 21).
Sự Nghiệp Giáo Dục
Như đã trình bày trong phần thân thế, sự nghiệp chính yếu của LM Lê Văn Lý là học vấn và giảng dậy. Nhưng môn ngài thường phụ trách ở chủng viện là dậy sinh ngữ. Hai sinh ngữ chính ngài phụ trách là Anh Văn và Pháp Văn.
Giảng Dậy Sinh Ngữ ở Chủng Viện
Lm Mai Xuân Hậu ghi lại những kỷ niệm êm đềm ngày tháng đôi bạn chung sống trong Tiểu chủng Viện Piô XII với Linh mục Lê văn Lý tại Hà Nội:
“Phở Hà Đông. Chúng tôi, các Cha giáo cũng tạo những phút giải trí cho chính mình. Không kể những cuộc đi dã ngoại với các chú, cùng đá banh, cùng chơi bóng rổ hay quần vợt, cha Lê Văn Lý và tôi trở nên đôi bạn thân, rất thân là đàng khác nhờ hương vị phở Hà Đông. Mỗi ngày, sau hai giờ học chiều, cha Lý và tôi, mỗi người một xe môtô, nổ máy, vòng con đường Cầu Giấy, cuối Ngã Tư Sở vào Hà Đông, vào tiệm phở mỗi người một tô, đỡ đói đỡ mệt. Ngày thì phở xào, ngày thì phở nước, một tô thôi, rồi về chủng viện. Hai người bạn cho đi xe chậm chậm nổ máy nho nhỏ, trao đổi mấy câu truyện tầm phào tếu! Tếu! Kịp giờ viếng Chúa rồi cơm tối vui vẻ trẻ trung!” (8) (Chúa Gọi, sđd., t.48).
Về thời kỳ ngài còn giảng dậy cho các chủng sinh ở bậc trung học, Lương văn Thanh nhớ lại:
“Nói tới cha Lê Văn Lý, tôi còn nhớ khi tôi vào chủng viện năm 1957, thì lúc đó cha đang dậy các lớp Đệ Nhất và tôi cũng nghe nói cha dang dậy tại Đại Học Văn Khoa. Mỗi lần tình cờ đi ngang qua lớp học của cha và cũng có khi cố ý nghe lén qua cánh cửa, thấy cha hùng hồn giảng bài, tôi thấy phục cha vô cùng. Hồi đó lớp tôi là lớp bét nhất trường, thấy các anh trưởng tràng là đã cảm phục rồi huống hồ là thầy của những anh trưởng tràng.
Cũng năm đó cha được mời tham dự Hội nghị Khoa Học Thái Bình Dương tại Vọng Các.
Năm sau, cha được Tòa Giám Mục Sài gòn bổ nhiệm vế Đại Chủng Viện Cường Để. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy vào khoảng ba giờ chiều, lớp chúng tôi đang học thì được lệnh tập trung tất cả vào lớp đệ IV để đưa tiễn cha Lê Văn Lý. Khi tới nơi, thì tôi đã thấy các lớp đã tập họp đông đủ. Cha Giám đốc và các cha giáo cũng đã có mặt ở đó. Buổi tiễn đưa diễn ra thật ngắn ngủi. Cha Giám Đốc lúc bấy giờ là cha Mai, sau này là cố Giám Mục Ban Mê Thuột mấy lần lấy khăn chậm nước mặt, cha Lý cũng khóc và tất cả chúng tôi đều rưng rưng lệ. Ấy thế mới biết tình đồng nghiệp, tình thẩy trò thắm thiết biết bao. Từ buổi tiễn đưa hôm đó, tôi không còn dịp nào được gặp cha nữa.”(8) (Lương Văn Thanh, Kỷ Yếu Hà Nội 2004, bài đd., t. 312)
Khi cha Lý làm Viện Trưởng, vấn đề gai góc ngài phải ứng xử khó khăn trước hết có lẽ là ổn định tình hình nam sinh viên nghịch ngợm quậy phá khi cư trú tại các học xá trong khuôn viên của Viện. Năm 1971, ngài hoán chuyển Nam sinh viên ở trong Đại học xá thuộc khuôn viên Viện với Nữ sinh viên đang ở tại Ký túc xá đường Trương Vĩnh Ký. Nhưng khi cho nữ sinh viên vào cư ngụ trong khuôn viên Viện, thì lại xảy ra chuyện nữ sinh viên còn rắc rối hơn. Có thể là sinh viên muốn thách thức cha Viện Trưởng mới khi chuyển tiếp trách nhiệm.
Trong học xá nữ có mấy sinh viên gây rối loạn, cha Viện Trưởng điều tra, rồi cho mời cô Tiên, nữ sinh viên cầm đầu nhóm ấy, lên họp với Hội Đồng Giáo Sư để nghe phân tích sự việc và các ý kiến. Cuối cùng cha Viện Trưởng mới lấy quyết định để răn đe và nêu gương cho mọi người, là đuổi cô ra khỏi viện và không phát bằng cuối năm. Cô nữ sinh viến ấy lầm lì không nói gì, chỉ căm chịu, nhưng khi về phòng, cô uống luôn thuốc độc tự tử, mép xùi bọt, hôn mê.
Cha Viện Trưởng lập tức cho người đưa cô ra bệnh viện cấp cứu. Khi xảy ra biến cố, thì lúc ấy Sư Huynh Kế không có mặt. Sáng hôm sau cha Viện Trưởng tìm gặp Sư Huynh và bàn cách ứng xử thế nào. Sư Huynh vào bệnh viện, thăm hỏi bệnh tình của cô và khuyên cô hãy uống thuốc giả độc yên tâm học hành, và hứa cuối năm cô sẽ được chấm đậu. Sư Huynh thầm lặng cầu nguyện cho cô, đồng thời trao cho cô một ảnh tượng Đức Mẹ. (9) (Một câu truyện tình, đdt, tt. 163-165)
Giảng Dậy Chuyên Ngành Ngữ Học ở Bậc Đại Học
Nhưng ở Đại Học, ngành chuyên môn của ngài là giảng dậy ngữ học. Những sinh viên làm luận án cao học ngữ học với ngài thì nhiều, nhưng chúng tôi chỉ ghi nhận ba trường hơp khá riêng biệt là ba sinh viên Nguyễn Hưng, Phạm Hữu Lai, và Nguyễn Ngọc Giao.
Sinh viên Nguyễn Hưng là một linh mục sinh viên được thụ huấn với LM Lê Văn Lý ở Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn có lẽ chuyên về lịch sử ngữ pháp tiếng Việt cũng du học và tốt nghiệp Tiến sĩ tại Paris.
Sinh viên Phạm Hữu Lai cũng đi theo con đường của thầy dậy Lê Văn Lý, lúc đó đang giảng dậy ngôn ngữ học ở Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Sau khi gia nhập Dòng Tên, tu sĩ Phạm Hữu Lai được cử sang học tại Paris, chính tu sĩ này cũng chọn giáo sư André Martinet làm người hướng dẫn luận án tiến sĩ như sinh viên Lê Văn Lý trước kia.
Riêng sinh viên Nguyễn Ngọc Giao, sinh viên Trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt, làm luận văn nghiên cứu ngữ học dưới sự bảo trợ của Linh Mục Giáo sư Lê Văn Lý, về tiếng Kơhô trong vùng Cao Nguyên Lâm Đồng. Nguyễn Ngọc Giao có tặng người viết một ấn bản in rônêô của bản Luận án Cao Học này.
Khi giảng dậy đại học, giáo sư linh mục Lê Văn Lý biểu lộ một khối óc thông minh nhưng có một thái độ, một tư cách nghiêm chỉnh đến độ khắt khe. Ngài có phong cách giống như thầy dậy André Martinet của mình. Cha hay nói với Sư Huynh Théophane: “Có trăm sinh viên, mình hăng say dạy. Nhưng có một sinh viên, mình cũng vui lòng dạy. Chẳng có ma nào đến, mình ngồi chơi xơi nước”. (10) (Một câu chuyên tình, đdt, tt. 163-165).
Giáo trình ngữ học của Giáo sư Lê Văn Lý chủ yếu là khai triển phương pháp phân tích cấu trúc ngữ học mà giáo sư phát hiện và áp dụng sáng tạo vào cấu trúc tiếng Việt. GS André Martinet ở Sorbonne là người đề xuất và áp dụng sáng kiến phương pháp mới này. Đặc điểm của trường phái Martinet là chủ thuyết cấu trúc trong nghiên cứu ngữ pháp.
Công trình ngữ học của Linh Mục GS Lê Văn Lý có ảnh hưởng lớn lao trong giới học giả ngữ học và sinh viên ngữ học mà ngài giảng dậy. Các sách ngữ pháp cổ điển (văn phạm), kể cả trong tiếng Việt, đều có xu hướng viết theo khuôn mẫu ngôn ngữ Ấn Âu, trên nền tảng La Ngữ, từ thời Platon (427-347 trước Công nguyên) đến trường phái Port Royal (Port Royal Logic thế kỷ 17). Mãi đến khi Noam Chomsky, một nhà ngữ học Hoa Kỳ mới, làm xong luận án tiến sĩ “Transformational Analysis” ở Trường Đại Học Pennsylvania năm 1955, chiều hướng lý luận cấu trúc thuyết mới được xác định rõ hơn trong nghiên cứu ngữ học (11) (Logical Structure of Linguistic Theory. MIT Humanities Library. Microfilm. 1955. Syntactic Structures. The Hague: Mouton, 1957. Reprint. Berlin and New York, 1985).
Nói đến nhà ngữ học Lê Văn Lý, tôi nhớ có nhiều lần ngài kể câu chuyện một người Pháp học tiếng Việt đã dịch câu Le chien qui aboie là “con chó người sủa”, và ngài châm biếm nói thêm “con chó người xơi chân tôi!” Cha hay dùng mấy chữ trong một câu và khi thay đổi vị trí chữ nào trong câu ấy, thì câu nói có thể có rất nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn như thí dụ này:
Một câu nói có năm ngữ âm. Mỗi ngữ âm lần lượt đứng đầu câu, có thể có 8 câu có nghĩa khác nhau. Như thế có thế có 5x8 =40 câu khác nhau. Đây là ý nghĩa của một số câu đã hoán chuyển ngữ âm:
Biểu Hoán Chuyển Vị Trí Các Từ Ngữ Trong Câu
Tiếng Việt(1) | Tiếng Pháp(2) | Tiếng Anh(3) |
Nó đến, không bảo sao | Il vient, mais il ne dit rien | He comes, but does not say why |
Nó đến bảo: không sao | Il vient dire que ca ne fait rien | He comes to say that it's all right. |
Nó bảo: sao không đến? | Il dit: Pourquoi ne pas venir? | He said: why not to come? |
Nó đến bảo: sao không? | Il est venu dire: Pourquoi pas? | He came to say: why not? |
Nó bảo, đến không sao | Il dit: Si vous venez, ca ne fait rien | He said: if you come, it is all right. |
Nó bảo:không đến sao? | Il dit : Ne venez-vous pas? | He said: don't you come? |
Nó không bảo, sao đến? | Il n’a pas dit , pourquoi venir? | He didn't say, why to come? |
Nó không bảo đến sao? | N’a-t-il-pas dit de venir? | Didn't he say to come? |
Nó không đến bảo sao? | N’est-il pas venu vous le dire? | Didn't he come to tell it to you? |
Bảo nó sao không đến? | Dites-lui pourquoi il n’est pas venu ? | Tell him why he didn't come. |
Bảonó:đến không sao | Dites-lui: S’il vient , ca ne fait rien | Tell him: it's all right to come |
Bảo sao nó không đến? | Dites pourquoi il n’est pas venu? | Tell me why he did not come? |
Bảo nó đến, sao không? | Dites-lui de venir, pourquoi pas? | Why not tell him to come? |
Bảo nó không đến sao? | Vous dites qu’il ne vient pas? | You said he did not come? |
Bảo không, sao nó đến? | On a dit non, pourquoi est-il venu? | He was said: no, why did he come? |
Bảo sao? Nó đến không? | Qu’est-ce que vous dites ? Est-ce qu’il vient ? | What did you say? Is he coming? |
Không bảo, sao nó đến? | On ne l’a pas dit, pourquoi est-il venu? | Why did he come? He was not told to. |
Không đến bảo nó sao? | N’êtes-vous pas venu le lui dire? | Didn't you come and tell him? |
Không sao, bảo nó đến. | Ca ne fait rien , dites-lui de venir | It is all right, tell him to come. |
Không bảo nó đến sao? | Ne lui avez-vous pas dit de venir? | Haven't you told him to come? |
Không đến, bảo nó sao? | On ne vient pas, qu’est-ce qu’on lui dit? | We won't come, what are we going to say? |
Không đến, nó bảo sao? | On ne vient pas, qu’est-ce qu’il dit ? | We don't come, what does he say? |
Đến bảo nó không sao. | Allez lui dire que ca ne fait rien | Go and tell him it doesn't make any difference |
Đến không? Bảo nó sao? | ce qu’on vient? Qu’est-ce qu’on va lui dire? | Are we coming? What are we going to say? |
Đến không? Nó bảo sao? | Est-ce qu’on vient? Qu’est-ce qu’il dit? | Are we coming? What did he say? |
Đến, sao không bảo nó? | Tu viens, pourquoi ne le lui as-tu pas dit? | You come, why didn't you tell him? |
Đến bảo nó: sao không? | Va lui dire: Pourquoi pas? | Come and tell him: why not? |
Đến, sao nó không bảo? | Vous venez, pourquoi ne l’a-t-il pas dit? | You come, why didn't he say so? |
Đến, sao nó bảo không? | Vous venez, pourquoi a-il-dit que vous ne viendriez pas? | You come, why he says that you didn't? |
Đến, nó không bảo sao? | On vient, et il ne dit rien? | We came, and he didn't say anything? |
Đến, sao bảo nó không? | Vous venez, pourquoi lui avez-vous dit le contraire? | You came, why did he tell you the contrary? |
Sao nó bảo khõng đến? | Pourquoi dit-il qu’il ne viendrait pas? | Why did he say that he would not come? |
Sao bảo nó không đến? | Pourquoi dites-vous qu’il ne viendrait pas ? | Why did you say he would not come ? |
Sao không bảo nó đến? | Pourquoi ne lui avez-vous pas dit de venir ? | Why didn’t you tell him to come ? |
Sao không đến bảo nó? | Pourquoi n’êtes-vous pas venu le lui dire ? | Why didn’t you come to tell him ? |
Sao nó không bảo đến? | Pourquoi ne vous a-t-il pas dit de venir? | Why didn’t he tell you to come ? |
Sao? Đến bảo nó không? | Alors, est-ce qu’on vient le lui dire? | How about to come and tell him ? |
Đến, nó bảo không sao. | Venez, il dit que ca ne fait rien | Come, he said it doesn't make any difference. |
Sao? Bảo nó đến không? | Alors, lui avez-vous dit de venir? | What! Have you told him to come ? |
Nó đến, sao không bảo? | Il est venu, pourquoi ne l’avez-vous pas dit ? | He came, why didn’t you tell that ? |
(12) (Nguyễn Đăng Liêm, The Vietnamese Spoken Language Bản dịch tiếng Anh Le Parler Vietnamien. Sàigòn, Southeast Asia Regional English Program, SEAREP, 1970. Đặc san Khóa 7 CTKD (12/2005), t.14).
Phải chăng đó là một hình ảnh thú vị trong nghiên cứu ngữ học tiếng Việt phong phú, muôn hình vạn trạng mà nhiều ngôn ngữ phương Tây không thể có được. Chính cách cấu trúc đó là một đặc tính cho thấy tâm hồn người Việt vừa đơn giản vừa huyền bí, uyển chuyển khó lường?
Cuộc đời sinh viên của cha Lê Văn Lý đã diễn ra như hình ảnh biết bao sinh viên khác, từng du học ở Trường Đại Học Sorbonne, Paris:
“Tôi lan man nhớ lại tu viện Issy-les-Moulineaux ở ngoại ô phía Nam Paris, đến giảng đường L. Liard của Sorbonne, nơi các nhà ... chuẩn tiến sĩ, tứ bề thụ địch, vẫn cố hóa giải những mũi tên bay từ các vị thầy khả kính, nhưng khó tính và tỉ mỉ như mẹ chồng. Những nơi chốn Cha Lý từng đi qua trước tôi, và chắc đã để lại nhiều kỷ niệm. Đặc biệt là những bài giảng khô khan, nhưng súc tích của Martinet, Bruneau, Fouché ... Và những cuốn sách đã mòn cả trang bìa của De Saussure hay Vendryès trong thư viện Đại học Paris, đường St. Jacques ... Sàigòn và Đại học Văn khoa. Vẫn tấm áo chùng đen, đôi dép da. Vẫn vóc hình tương đối cao lớn, khuôn mặt hồng hào, khỏe mạnh. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, đầm ấm, tia mắt trung thực, hiền từ, chinh phục được lòng tin và sự kính nể của người đối thoại. Vẫn cái phần tích cực nhất trong tâm hồn người dân đồng quê vùng châu thổ miền Bắc. Chân chất, cần cù, bình dị, nhân ái ...” (13) (Nguyễn Khắc Hoạch: Hiền nhân nhật viễn. DS Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, tt. 9-11, 1993. Đặc San Khóa 7 CTKD (12/2005), t.22)
Sự nghiệp tu hành, giáo dục và chuyên khảo ngữ học của Gíao Sư LM Lê Văn Lý được GS Nguyễn Đình Hòa tóm thuật cô đọng trong Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam như sau: “Cha Lê Văn Lý, một nhà giáo dục kiệt xuất, một nhà ngữ học độc đáo, một vị linh mục đầy lòng nhân áí đối với bạn đồng nghiệp và đối với học trò.” (14) (Nguyễn Đình Hòa, Lời Nói Đầu, Đặc san Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, p. ix - xi, 1993, và Đặc San Khoá 7 Chính Trị Kinh Doanh (12/2005), t.16-18, và dẫn theo Lương văn Thanh, Sđd, t. 313).
Trung Tâm Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục ở Sài gòn năm 1968 đã chuyển dịch và ấn hành những nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt chủ yếu từ trong Luận Án Tiến Sĩ Quốc Gia “Le Parler Vietnamien” của ngài sang tiếng Việt mang tên là “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam”. Cuốn sách này sau đó được tái bản nhiều lần. GS Nguyễn Đăng Liêm, nhà ngữ học khác sau đó đã chuyển từ nguyên bản tiếng Pháp Luận án Le Parler Vietnamien sang tiếng Anh The Vietnamese Spoken Language. Sài gòn, Southeast Asia Regional English Program, SEAREP, 1970. Và Đặc San Dòng Việt đã in trong phần Phụ lục: The Vietnamese Spoken Language by Dr. Lê Văn Lý, Second Part: The Functional Morphological Structure. Translated from French by Nguyễn Đăng Liêm (15) (Nguyễn Đình Hòa: Lời nói đầu. Đặc San Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, t.ix-xi, 1993. Đặc San Khóa 7 CTKD (12/2005), t.16) .
Trong cuộc đời Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt cũng có những kỷ niệm đặc biệt không hẳn liên hệ đến môi trường VĐHĐL cũng thấy xuất hiện thật đậm đà:
“Năm 1972, khi tôi xuất Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, Cha đã dành cho tôi một căn phòng trong khuôn viên của Viện, đối diện với sân Tennis. Dẫy nhà này gồm bốn căn. Tôi được Cha cho ở căn thứ ba. Căn thứ nhất là nhà của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương. Căn thứ hai của gia đình Giáo sư Phó Khoa trưởng Chánh Trị Kinh Doanh, Ngô Đình Long, và căn thứ tư là gia đình của chú Hộ. Gia đình Giáo sư Ngô Đình Long có hai cô con gái. Nếu tôi nhớ không lầm thì hai cô nương của giáo sư cũng ở tuổi học trò. Lúc đó ngoài chức Phó Khoa trưởng CTKD, Giáo sư Ngô Đình Long còn là Giám Đốc Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt. Gia đình chú thím Hộ có bốn người con, hai trai và hai gái. Các con của chú thím Hộ đều bé cả. Có lẽ bé gái lớn của chú thím chắc mới học mẫu giáo. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, tôi sang nhà chú thím để ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Thỉnh thoảng, tôi có dịp được thưởng thức tiếng đàn piano của cô con gái Giáo sư Ngô Đình Long. Cha đã lo cho tôi từ miếng ăn đến chỗ ở. Suốt thời gian tôi ở Viện Đại học Đà Lạt, hình như tôi chẳng bao giờ ghé văn phòng của Cha bao giờ. Tôi chỉ ngồi trên xe viện nhìn qua vào một ngày thứ Bảy khi bác Hưng đến rước Cha về nhà nghỉ mát ở Liên Khương.” (16) (Nguyễn Phúc: Những kỷ niệm với Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý. Puyallup, Seattle 30/9/2005, DS, t.23. Chú thích: Có thể tác giả bút ký này nhớ lầm thời điểm, vì năm 1972, gia đình người viết đã lên ở tại căn phòng bên cạnh GS Nguyễn Khắc Dương, và GS Ngô Đình Long đã không còn ở trong căn nhà nào trong dãy nhà này!)
Tôn Vinh Linh Mục Giáo Sư Viện Trưởng Lê Văn Lý
Hai tuần sau khi Linh Mục Phanxicô Xaviê qua đời tại Nhà Hưu Dòng Đồng Công ở Carthage, MO, thì 10 giờ 45 sáng ngày 17/10/1992, nhiều thân hữu, giáo sư và sinh viên, đã tập trung đến Câu Lạc Bộ Hội Văn Hóa Việt Mỹ ở Nam California để tổ chức Lễ Tưởng Niệm cố Giáo Sư LM Lê Văn Lý.
Hiện diện tại hội trường hôm đó, dù mọi người đều rất bận rộn ở Mỹ, có GS Nguyễn Khắc Hoạch, nguyên khoa trưởng Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, GS Nguyễn Đình Hòa, Tiến sĩ Ngữ Học, GS Lê Văn, GS Lưu Trung Khảo, Ông Nguyễn Đình Cường, Ông Lê Đình Điểu. GS Lưu Trung Khảo lúc đó đang là Chủ Tịch Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam. Trong hàng ngũ các giáo sư, người ta chú ý đến Linh Mục Vũ Đình Trác, giảng dậy bộ môn Việt ngữ tại Trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt, một tu sĩ duy nhất có mặt hôm ấy.
Chương trình lễ Tưởng Niệm khởi đầu đúng 11 giờ 15, với lễ chào quốc kỳ uy nghiêm, tưởng niệm các chiến sĩ văn hóa đã hy sinh vì chiến đấu cho nền tự do dân tộc. Sau đó là GS Lưu Trung Khảo tiến lên khán đài trịnh trọng ôn lại những trang tiểu sử xán lạn về cuộc sống tu hành cùng sự nghiệp học vấn và giáo dục của cố GS LM Lê Văn Lý. Bài diễn văn tưởng niệm vừa dứt, lần lượt từng người, từ GS Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Khắc Hoạch, Linh Mục Vũ Đình Trác, đến các thành viên khác, đều chia sẻ nhưng kỷ niệm mượt mà nhưng cảm động, có khi cá nhân riêng biệt, với mọi người có mặt về vị GS LM quá cố, từ khi còn là sinh viên cùng học tại Trường Đại Học Sorbonne, Paris, hay cùng làm việc tại môi trường đại học ở Việt Nam, hay liên hệ giao tế với cố LM Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, và những ngày tháng nghỉ hưu tại Nhà Hưu Dòng Đồng Công ở [1900 Grand Ave., Carthage, MO 648-3500. Tel (417) 358-7787]. Sau cùng là lời chia sẻ đầy tri ân của một đại diện môn sinh của cha nơi trường đại học.
Mọi người ngỏ lời tưởng niệm đều tôn vinh một con người tu hành chân chính, thể hiện những đức tính nhân bản như đơn sơ, khiêm nhường, hiền lành thương người bằng cách tha thứ và giúp đỡ vật chất khi cần. Bốn mươi năm giảng dậy cũng là bốn mười năm đào tạo không biết bao nhiều thế hệ môn sinh thành nhân hữu ích cho giáo hội và đất nước. Ngài lưu ý đặc biệt giúp đỡ mọi người, người thân, người giúp việc, sinh viên,… lúc còn ở trong nước cũng như khi đã ra khỏi nước, khi còn làm việc cũng như lúc hồi hưu. Ngài dành giụm, chắt chiu và gửi về nước giúp đỡ nhiều người từ Pháp hay Mỹ từ sau năm 1980 đến khi qua đời.
Người đồng nghiệp với cha Lê Văn Lý GS Nguyễn Đình Hòa đã muốn tỏ lòng trọng kính vị học giả ngôn ngữ ngay lúc cha còn sống, nhưng:
"Từ lâu, vài người chúng tôi vẫn có ý ấn hành một tuyển tập tôn vinh và mừng thọ bát tuần cha Lê Văn Lý…. Dự định chưa kịp thực hiện thì được tin buồn Cha đột ngột qua đời. Thành thử tuyển tập này mà quý vị cầm trong tay lại là một luận tập để bạn đồng nghiệp cũ và sinh viên cũ tưởng niệm một nhà trí thức Việt Nam đã quá cố. Chủ đề tập luận văn này là Ngôn Ngữ và Văn Tự Việt Nam.” (17) (Nguyễn Đình Hòa: Lời nói đầu. Đặc San Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, tt.ix-xi, 1993. Đặc San Khóa 7 CTKD, t. 16)
Ở Việt Nam, khi được tin Linh Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý qua đời, vào tháng 11/1992, một Thánh Lễ cầu hồn cũng được tổ chức tại Nhà Thờ Ngã Sáu Chợ Lớn. Đông đảo thân nhân trong họ hàng của người quá cố ở Việt Nam và các thân hữu, linh mục, tu sĩ, giáo sư, cựu sinh viên khác, trong đó có mặt người viết. Khoảng ba trăm người đã tham dự buổi lễ do Giám Mục Nguyễn Văn Trâm, GM Phó Địa Phận Xuân Lộc, cựu môn sinh của ngài khi ở chủng viện Sàigòn, chủ tế với khoảng hơn 50 linh mục đồng tế. Suốt buổi lễ, mọi người ngậm ngùi thương tiếc trước di ảnh của vị linh mục giáo sư một lòng tiếp nối công trình Thụ Nhân truyền thống từ nhiều chủng viện cho đến giảng đường đại học trên khắp nước nói chung và cuối cùng cách riêng ở Viện Đại Học Đà Lạt. Nhưng đối với người Kitô, thì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” trong niềm tin cùng sống lại vĩnh cửu với Đức Kitô!
Chứng Từ Sống Thay Cho Lời Kết
Các bạn cùng lớp và người viết được thụ huấn về tiếng Anh với LM GS Lê Văn Lý, từ những năm đầu tiên bậc trung học ở Tiếu Chủng Viện Piô XII ở Hà Nội liên tục đến lớp Đệ Tam cũng tại TCV ấy ở 223, Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn, qua giáo trình L’Anglais Vivant, Collection Beige, Nhà Nathan, Pháp. Thời gian thụ huấn đó kéo dài từ 1952 đến 1956. Người viết nhận thấy GSLM Lê Văn Lý là một con người điềm đạm, tận tụy và thụ hưởng trọn vẹn những gì được phép theo nhận thức tu hành Công giáo thuần thành của cha, nhưng không bao giờ để lòng dính bén bất cứ ai hay thứ gì. Ngài thường hay nói“Giả trá!” vừa tủm tỉm cười. Ngay sau này khi có cơ hội cộng tác với ngài trên Viện Đại Học Đà Lạt từ cuối năm 1971 đến trước 30/4/1975, ngài vẫn luôn nói câu này khi đứng trước tất cả nhưng biến cố vinh hoa trần thế. Có lúc ngài còn thêm: “Giả trá! Vanitas, Vanitas Vanitatum et Omnia Vanitas!”.
Người viết, trước sau từ 1952 đến 1958, được ngài giáo dục liên tục hay chung sống trong chủng viện. Thêm nữa, từ 1971 đến 1975, được cộng tác với ngài ở môi trường Đại Học Công giáo. Và cuối cùng, chia sẻ với những ngày gian khổ tủi nhục trong nước từ 1975-80 và góp phần nhỏ bé giúp ngài đạt nguyện vọng ra khỏi nước.
Vì thế, người viết dám khẳng định (có thể chủ quan) Cha giáo Lê Văn Lý là một nhà giáo dục đôn hậu tận tụy hơn là một nhà lãnh đạo quyền biến có uy lực thuyết phục. Ngài là một học giả uyên thâm hơn là một nhà quản trị hữu hiệu giàu tài năng. Ngài là một vị chân tu, dù không tránh được những bóng tối do bản tính tự nhiên của con người, hơn là một Viện Trưởng Viện Đại Học khéo léo.
Tính cách đó được thể hiện trong ứng xử của ngài với con người muôn vẻ và công việc bề bộn của trách nhiệm trong những hoàn cảnh éo le, phức tạp. Nhớ lại sự nghiệp cuộc đời có phần lẫm liệt vinh quang đã qua của GSLM Lê Văn Lý, người viết muốn chọn câu châm ngôn “Sic Transit Gloria Mundi” để tâm niệm và định nghĩa về ngài, một bậc thầy và người hợp tác đáng kính yêu.
Dayton, OH ngày 24/4/2006.2 ĐHN
Một số tài liệu tham khảo
Phạm Văn Bân K7 CTKD: Tiếng Ghép Đồng Nghĩa Trong Ngôn Ngữ Việt Nam. (Kính dâng cha Viện Trưởng Lê Văn Lý). Đặc San Khóa 7 CTKD (12/2005) PDF (8-15). [ĐSKD7, tt. 209-216].
Phạm Văn Bân K7 CTKD (Santa Ana, California): Vài Nhận Xét Trong Việc Dịch Chữ Hán. Đặc San Khóa 7 CTKD (12/2005) PDF (1-7). [ĐSKD7, tt. 202-208].
Mậu Hải (Mai Xuân Hậu): Chúa Gọi. Hồi Ký. Kỷ Niệm 50 năm Linh Mục và Thượng Thọ Bát Tuần LM Inhaxiô Mai Xuân Hậu (30/5/2003). Sàigòn, Lưu hành nội bộ, 97 trang vi tính, font 10.
Phạm Văn Hải: Thầy Tôi: Linh Mục Lê Văn Lý. Đặc San Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, t. 4-8, 1993. Đặc San Khóa 7, Chánh Trị Kinh Doanh (2005), ĐSKD7, tt.18-21.
Nguyễn Đình Hòa: Lời Nói Đầu. Đặc San Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, 9.ix-xi, 1993 ĐSKD7, tt.16-18.
Nguyễn Khắc Hoạch: Hiền Nhân Nhật Viễn. Đặc San Dòng Việt, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, t. 9-11, 1993. ĐSKD7, t.21-22.
Lê Văn Lý: Le Parler Vietnamien. Esquisse d’une grammaire vietnamienne. Paris, Hương Anh, 1948.
Lê Văn Lý: The Vietnamese Spoken Language (Le Parler Vietnamien, bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Đăng Liêm. Sài gòn, Southeast Asia Regional English Program, SEAREP ấn hành, 1970 [Đặc San Dòng Việt, Phụ lục: The Vietnamese Spoken Language by Dr. Lê Văn Lý, Second Part: The Functional Morphological Structure. Translated from French by Nguyễn Đăng Liêm]
Đỗ Hữu Nghiêm, Một Khung Trời Tiểu Chủng Viện Hà Nội. HCM, Hồi Ký 2002, 35t, A4, font 13 vi tính. Tái bản, 2003, 53t, A4, font 14 vi tính.
Đỗ Hữu Nghiêm: “Những Ngày Hè Du Ngoạn Cao Nguyên (Viện Đại Học Đà Lạt)”. Hồi ký “Cảm Nghiệm Dòng Dời”. Sàigòn, 2002-2003, chưa xuất bản.
Nguyễn Phúc: Những kỷ niệm với Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý. Puyallup, Seattle, 30/9/2005, DSKD7, tt.22-27.
Lương Văn Thanh: Lễ Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Tiến Sĩ Linh Mục Lê Văn Lý, tt.312-313, trong cuốn Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội: Kỷ Yếu Hà Nội 2004. Mười Lăm Năm Thành Lập Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội Nam California (1988-2003). USA, NV printing (7775 Westminster Ave., Wesminster, CA 92683), 340tr, A5.
Thế Tâm (Nguyễn Khắc Dương): Quia Dilexit Humilatem Meam. Hồi Ký. Đà Lạt, Một Nhóm cựu sinh viên Đà Lạt ấn hành (lưu hành nội bộ), 248t, 14x25cm, vi tinh font 12.
Vô danh: Cuộc Đời Giáo Sư Tiến Sĩ Linh Mục Lê Văn Lý, t.314. Kỷ Yếu Hà Nội 2004, trong cuốn Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội: Kỷ Yếu Hà Nội 2004. Mười Lăm Năm Thành Lập Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội Nam California (1988-2003). USA, NV printing (7775 Westminster Ave., Wesminster, CA 92683), 340tr, A5.
Ban Điều Hành Hội Ái Hữu Thụ Nhân Viện Đại Học Đà Lạt Nam California: Đặc San Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế (ĐSSHKế). “Frère Kế, Thụ Nhân và một đời hiến dâng cho giáo dục.”. California, USA (12/2003), 183 t., pdf., in font 12
Tạ Duy Phong phỏng vấn SH T. Kế ngày 10-14/10/1994 tại St Mary’s College f California, PO Box 5150, Maraga, CA 94575: Sự Việc Đã Qua, Những gì đã qua ĐSSHKế (12/2003), t. 148-155.
Nhớ lại cảnh cũ người xưa: Đại Học Đà Lạt, ĐSSHKế (12/2003), t. 156-158.
Một câu chuyện tình. (Frère Kế thi vị hóa câu truyện thời ấu thơ với cha Lê Văn Lý), ĐSSHKế (12/2003), t. 163-165
Johnny Kieu MBA, Theo Ánh Sao Mai, ĐSSHKế (12/2003), t. 170-174.
Phạm Văn Bân: Kinh nghiệm nuôi thỏ với Frère Kế, ĐSSHKế (12/2003), t. 179-180 8/2002, Cali
Mục lục, Frère Kế, Thụ Nhân và một đời hiến dâng cho giáo dục ĐSSHKế (12/2003), t. 183.
Tạ Duy Phong: Linh Mục Viện Trưởng Lê Văn Lý. Bản thảo vi tính 21 trang, font VNI. 9, chuyển theo attachment từ Houston, TX: ----- Original Message -----, From: duyphong ta To: nghiem@woh.rr.com , Sent: Thursday, May 18, 2006 7:57 PM; Subject: Linh Muc Vien Truong Le Van Ly: Than The & Su Nghiep.
Lê Văn Lý: Le Parler Vietnamien. Sa Structure Phonologique & Morphologique Fonctionnelle. Esquisse d’une Grammaire Vietnamienne. Việt Nam Đàm Thoại (Hán Việt). Thư Viện Trường Đại Học Sorbonne, số thư mục 7455, 240 trang.
Bố Cục Luận Án
Avant Propos (1t.).
Tableau Des Phonèmes Vietnamiens (2t.).
Introduction (1t.).
Partie I: La Structure Phonologique (tt.17–128).
Partie II: La Structure Morphologique Fonctionnelle (tt.129–235)
Bibliographie
Table De Matières.(2t)
[Tiếng nói Việt Nam. Cấu Trúc Ngữ Âm & Hình Thái Chức Năng của tiếng Việt.
(Phác Thảo Ngữ Pháp Việt Nam).
(Biểu Liệt Kê Các Âm Vị Tiếng Việt) (2t.).
Phần Một & Phần Hai . Thư Tịch) (1t.). Mục Lục (2t.)]
Chú thích. Đây mới chỉ là cái nhìn sơ thảo còn nhiều khuyết nhược điểm và thiếu các chi tiết liên quan đến từng phân khoa, các vị khoa trưởng và giáo sư, cũng như nhiều viên chức và các dự án kế hoạch của mỗi đơn vị và tổ chức hoạt động sinh viên, các sự kiện đáng chú ý và có ý nghĩa. Chúng tôi xin thỉnh ý của từng người trong gia đình Thụ Nhân Viện Đại Học Đà Lạt để bài khảo luận được đấy đủ và phản ánh trung thực hơn. Xin cám ơn toàn thể các thân hữu Thụ Nhân.
Người viết: Đỗ Hữu Nghiêm.
Dayton, OH, ngày 2/5/2006.3 – 5/5/2006.6. ĐHN có bổ sung thêm từ ngày 16/5/2006.3 và 18/5/2006.5 đến 23//5/2006.3;
Oakland, CA ĐHN ghi lưu ngày 27/8/2006.CN.