GS TRẦN THANH HIỆP & Lê Đình Thông
Lời giới thiệu: Mấy năm gần đây nhiều nguồn dư luận, ở trong cũng như ở ngoài nước, đều cho rằng hình thành và phát triển một «xã hội dân sự» ở Việt Nam là một trong những bước mở đường dân chủ hóa không thể không có. Thành ngữ xã hội dân sự là thuật ngữ rất mới trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam, được dùng để chuyển tải vào tiếng Việt những thành ngữ tiếng Pháp ‘société civile’ và tiếng Anh ‘civil society’.
Như vậy, để hiểu nội dung khái niệm xã hội dân sự vừa được du nhập này, phải quy chiếu vào hai nguồn gốc Pháp và Anh của nó. Tức là phải khơi ra một con kênh nối liền với một dòng tư tưởng xã hội dân sự, dài trên hơn 2000 năm, bắt đầu - nếu không lùi xa hơn - từ dấu mốc Hy lạp ‘koinomia politikè’của Aristote (384-322 trước CN), băng qua phong cảnh trung cổ, cận đại, có thể tạm dừng lại ở dấu mốc Đức quốc Zivilgesellschaft mang nhãn hiệu J.Habermas - nếu khống muốn tiến xa hơn nữa...Và sẽ thấy mở ra một không gian đối thoại cổ kim, với sự tham dự của nhiều tên tuổi một thời lừng lẫy, tạm kể ra và chưa đủ, như Saint Augustin, Saint Thomas d’Aquin, Bodin, Hobbes, Spinoza, Lockes, Rousseau, Kant, Adam Smith, Hegel, Marx, Gramsci, Carl Smith, Habermas v.v...
Khách du hành quan sát xã hội dân sự, vào thời điểm những năm 2000, thường bỏ thu hoạch đủ loại của mình vào trong ba hành lí có tên gọi rất mode, ‘từ va li’ (mot valise) là societas civilis, société civile và civil socie, để chỉ còn giữ lại một cảm giác đậm nét hậu-tra-vấn không thoả mãn. Đó là sự vắng thiếu của một định nghĩa ổn định, nhất quán và đầy đủ của xã hội dân sự, một danh từ chứa đựng những ngữ nghĩa trái ngược nhau. Khởi đầu, nó là danh xưng của Nhà nước (État), tiếp theo là của một xã hội buôn bán (société marchande) rồi của một xã hội tư sản (société bourgeoise) để sau cùng, của toàn bộ những giá trị chống lại Nhà nước. Nhưng không vì vậy mà người ta nay chỉ coi nó như một hư cấu phi thực tại do trí tưởng tượng sáng chế ra. Thành ngữ xã hội dân sự, trong quá trình hơn hai ngàn năm biến đổi từ đầu sông đến cuối sông, đã trở thành một huyền thoại (hiểu theo nghĩa hiện đại do nhà ngôn ngữ R. Barthès đề xuất), không đúng, không sai, mà chức năng được giao phó là «biến lịch sử thành tự nhiên» tức là lưu truyền một cách tự nhiên di sản của lịch sử. Và người ta không ngần ngại viết lại lịch sử cho nó, làm cho nó trở thành một hệ thống giá trị biểu tượng tập thể, dựa vào những biện minh vay mượn nơi những tác giả cổ điển về xã hội dân sự.
Theo lô gích biến đổi phức tạp này, xã hội dân sự của thiên niên kỷ thứ ba đang viết cho nó những trang sử mới. Của một công cụ phê bình Nhà nước, tố cáo và lên án không khoan nhượng những lạm quyền của Nhà nước để uốn nắn Nhà nước. Với ba đặc trưng là được bổ sung về mặt khái niệm, được triển khai trong thực tiễn thay vì trong trừu tượng và được toàn cầu hóa.
Xã hội dân sự đang bắt đầu trở thành mối quan tâm lớn trong cuộc vận động dân chủ hoá Việt Nam hiện nay. Trong cuộc hành trình thám sát khái niệm xã hội dân sự nhập cảng tự phương Tây, người Việt Nam bỗng gặp được một ngạc nhiên rất thích thú khi khám phá thấy rằng đó không phải là điều «cũ người mới ta», mà trái lại, «cũ ta mới người»! Qua cơ cấu xã thôn tự trị, có thể nói rằng định chế xã hội dân sự đã có ở Việt Nam từ thời xưa, nhưng với tên gọi khác. «Dân» ở Việt Nam chính là thứ mà phương Tây gọi là «xã hội dân sự». Cách đây trên hai thế kỷ, Hegel đã nói rằng xã hội dân sự là bước quá độ từ gia đình tiến lên quốc gia. Sau Hegel, Karl Marx đã diễn tả và tu chỉnh ý kiến này của Hegel thành quan điểm coi xã hội dân sự là hạ tầng cơ sở của quốc gia. Ở Việt Nam dân là «thuyền» để chở vua và triều đình. Tới một lúc nào đó, dân không muốn chở nữa thì lật thuyền. Hegel và Karl Marx không nói điều gì mới lạ hơn. Về mặt thực tiễn, người Việt Nam đã nhuần nhuyễn với cơ chế xã hội dân sự. Có điều cơ chế này ở Việt Nam hãy còn đơn giản, điều này dễ hiểu, vì kinh tế Việt Nam chưa qua khỏi giai đoạn nông nghiệp lúa nước. Ngoài ra, người Việt Nam cũng còn thiếu kinh nghiệm của một cuộc sống ở ngoài địa bàn quốc gia nghĩa là trong môi trường quốc tế. Nhưng 30 năm tị nạn cộng sản đã là cơ hội cho người Việt Nam thực tập và hoàn mỹ cơ chế xã hội dân sự trên những cơ sở mới. Người Việt tị nạn ở hải ngoại không phải là «công dân» thống thuộc Nhà nưiớc xã hội chủ nghĩa; người Việt tị nạn mang quốc tịch các nước tiếp cư cũng không hẳn là người nước ngoài đối với Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì họ thuộc sắc tộc thiểu số được các nước tiếp cư này nhìn nhận. Vậy người Việt tị nạn ở nước ngoài đã họp với những người Việt ở trong nước thành một «xã hội dân sự Việt Nam». Khi bộ phận ở nước ngoài của xã hội dân sự này chỉ trích, thậm chí đòi chuyển hoá chế độ độc tài ở trong nước, nó có thể bị nhà cầm quyền độc tài này coi là thù địch, là phản động nhưng sự cáo buộc bừa bãi này không thể làm thay đổi được ý nghĩa chính trị và pháp lý chính đáng của cuộc vận động dân chủ hoá đó. Dân chủ và Văn minh, những giá trị phổ biến của nhân loại, đã phó dữ (a) cho người Việt ở nước ngoài quyền can thiệp này. Quyền của họ, nếu không hơn thì cũng không thể kém quyền của không ít những tổ chức phi chính phủ - thành tố của một xã hội dân sự quốc gia nào đó - đang đòi nhân quyền cho người Việt Nam như Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Nhà Tự do (Freedom House) v.v…
Làm mới lại cơ chế xã hội dân sự ở Việt Nam để mở rộng và đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ hoá Việt Nam, đó là một thách đố mà tình thế đã đặt ra cho mọi lực lượng dân chủ cả ở trong lẫn ở ngoài nước. Cần phải có một ý thức mới và đúng đắn về xã hội dân sự để chấp nhận sự thách đố này.
Bài chuyên khảo «Xã hội dân sự Việt Nam và xã hội dân sự quốc tế» là một công trình nghiên cứu chung, gồm có hai phần, của Lê Đình Thông và Trần Thanh Hiệp. Dưới đây là phần đầu, (Phần A) do Lê Đình Thông viết, với một cách nhìn khai phá để phản ánh, trong những giới hạn của thực tế, thực trạng còm cõi của xã hội dân sự (hiểu theo nghĩa rộng) đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng trong vòng kìm kẹp của Nhà nước toàn trị. Phần sau, (Phần B) dưới tựa đề «Xã hội dân sự quốc tế», sẽ do Trần Thanh Hiệp viết.
Trần Thanh Hiệp
Phần A: Xã Hội Dân Sự Việt Nam
Sử gia La Mã Tite-Live thuật lại câu chuyện cứu nước của nông dân Cincinnatus. Sau khi chiến thắng quân Éques và Volsques, Cincinnatus từ bỏ danh vọng, trở về với lưỡi cầy nhà nông. Sau Tuyên ngôn Độc lập (1776), một nhóm sĩ quan Pháp, Mỹ thành lập Câu lạc bộ Cincinnati nhằm cổ võ sự tham gia của người dân vào xã hội dân sự. Sau này, tổng thống Mỹ J.-F. Kennedy đề cao xã hội dân sự qua câu nói thời danh: Bạn đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho bạn, nhưng bạn có thể đóng góp gì cho đất nước.
Câu chuyện nông dân Cincinnatus trong cổ sử La Mã cho thấy ngoài tính thời sự, xã hội dân sự còn mang chiều dầy lịch sử. Ngoài các thuật ngữ thông dụng trong các ngôn ngữ tây phương như société civile (tiếng Pháp), civil society (Anh-Mỹ), Zivilgesellschaft (tiếng Đức), sociedad civil (Tây Ban Nha), còn phải kể đến thuật ngữ tương đương trong ngôn ngữ các nước vừa chuyển sang dân chủ đa nguyên, hoặc trên đường dân chủ hóa như: Grajdanskoie obchestvo (Nga), obcanska spolecnost (Tiệp), al mytama al madan (Ả rập), sivil toplum (Thổ nhĩ kỳ) v.v. Các ngôn ngữ nói chung chuyển dịch thuật ngữ koinonìa politikè của Aristote. Sau này, Thánh Augustin dùng chữ societas terrestra hoặc Gilles de Rome: Societas civilis. Thuật ngữ Xã hội dân sự ngày nay có sắc thái riêng biệt.
Văn phòng chấp hành của SMSI (Sommet Mondial de la Société de l’Information) họp tại Tunis từ 16 đến 18-11-2005 định nghĩa ‘‘xã hội dân sự bao gồm các thực thể hợp pháp mang tính quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, khác với các chính phủ (liên bang) và các tổ chức quốc tế.’’ (La société civile comprend l’ensemble des entités légales à caractère national, régional ou international autres que les gouvernements fédéraux ou les organisations internationales). Định nghĩa này chỉ đúng đối với các xã hội dân sự tại các nước dân chủ pháp trị, hoàn toàn không thích hợp đối với trường hợp Việt Nam. Việt Nam hiện có các thực thể không hợp pháp nhưng không phải vì thế mà không có xã hội dân sự. Theo Dominique Colas, ‘‘xã hội dân sự chỉ định đời sống xã hội có tổ chức theo trình tự riêng, nhất là các hội đoàn, nhằm bảo đảm tính năng động về kinh tế, văn hóa và chính trị’’.1 Định nghĩa này vẫn chưa thích hợp với Việt Nam, vì xã hội dân sự trong nước biểu hiện đời sống xã hội không có tổ chức (inorganisée), tự phát (spontanée). François Rangeon đưa ra một định nghĩa khác: ‘‘Xã hội dân sự gợi lại toàn bộ các giá trị tích cực: Độc lập, có trách nhiệm, các cá nhân tự giải quyết các vấn đề của chính họ. Nhờ khía cạnh tập thể, họ thoát khỏi những hiểm nguy của chủ nghĩa cá nhân, hướng đến sự liên đới. Nhờ khía cạnh dân sự, xã hội dân sự thoát khỏi giám hộ của Nhà nước, đồng thời thoát khỏi các giá trị tình cảm chủ quan’’. Định nghĩa này thích hợp với Việt Nam hơn, vì giải phóng sự giám hộ của Nhà nuớc (émancipation de la tutelle étatique).
Bài chuyên khảo sau đây sẽ lần lượt đề cập đến xã hội dân sự Việt Nam đi song song với xã hội dân sự quốc tế.
I - Xã Hội Dân Sự Việt Nam
1.1. TỔNG QUAN VỀ XÃ HỘI DÂN SỰ:
Phần dẫn nhập trên đây gồm ba định nghĩa khác nhau. Tiếp cận này gợi ý xã hội dân sự Việt Nam nên được xem xét một cách biện chứng: Luận đề, phản đề và hợp đề.
1.1.1. TÍNH PHỔ BIẾN CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ:
Ngoài các định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, Dominique Colas và François Rangeon, còn một định nghĩa khác nói lên tính phổ biến của xã hội dân sự, trích từ các sách chuyên luận chính trị học: Xã hội dân sự là toàn thể các quan hệ giữa các cá nhân, các cấu trúc gia đình, xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo được triển khai trong một xã hội nào đó, ở ngoài khuôn khổ cũng như ngoài sự can thiệp của Nhà nuớc. Xã hội dân sự là những gì còn lại sau khi Nhà nước ‘‘phủi tay’’. Theo Franck Trentmann, trong xã hội tây phương, khái niệm ‘‘xã hội dân sự’’ phát triển trong khuôn khổ lịch sử tư tưởng tách biệt giữa Nhà nước và xã hội vào thế kỷ XVII. XVIII. Các công trình nghiên cứu về giai cấp trung lưu và các hiệp hội tại Đức và Anh đi đến kết luận: Sự yếu kém của chủ nghĩa tự do phát sinh từ sự yếu kém của giai cấp trung lưu khiến chủ nghĩa độc tài, độc đảng có cơ hội phát sinh. Vẫn theo Trentmann, bürgerliche Gesellschaft trong tiếng Đức chỉ định những người xuất thân từ giai cấp trung lưu. Ngoài ra, các hiệp hội (Vereine) cũng đóng vai trò quyết định trong việc hình thành xã hội dân sự. Theo Alexis de Tocqueville, từ khi còn đi học, việc tự lực cánh sinh thể hiện qua các trò chơi học đường: Các học sinh tự định luật chơi, phạt những ai có lỗi. Xã hội dân sự theo cùng cách thức với trò chơi học đường. (…). Trong thời đại hiện nay, quyền tự do lập hội là đảm bảo cần thiết chống lại chuyên chính. (…) Đa số người Âu tìm thấy trong hiệp hội một vũ khí để thử lửa trên trường đời. (…) Một hiệp hội chính là một đạo quân (Une association, c’est une armée) 2. Luật ngày 1-7-1901 của nước Pháp về hợp đồng lập hội (contrat d’association) quy định: Hiệp hội là một hợp đồng do hai hoặc nhiều người cùng nhau chia sẻ các hiểu biết, hoạt động có mục đích khác hơn là chia lợi nhuận. Vì vậy, các hội đoàn lập trong khuôn khổ Luật 1901 được gọi chung là hội có mục đích vô vụ lợi (association à but non-lucratif). Một thế kỷ sau (2001), nước Pháp có 800.000 hiệp hội, mỗi năm có thêm 60.000 hội mới. Tính phổ biến của xã hội dân sự phải chăng chỉ là một viễn tượng chưa thể thực hiện được đối với trường hợp Việt Nam?
1.1.2. XÃ HỘI CÔNG LẬP
Theo Liên Hiệp Quốc: Xã hội dân sự bao gồm các thực thể hợp pháp mang tính quốc gia, Nếu ta theo định nghĩa này thì các thực thể hợp pháp ở Việt Nam là gì, có cơ cấu ra sao?
Theo Hiến pháp 1992, ‘‘Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân’’. Mặt trận được coi là ‘‘bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta hiện nay’’. Tổ chức thành viên của Mặt trận gồm 31 ‘‘thực thể hợp pháp’’: Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam, Liên Hiệp các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, Liên Hiệp các Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Nam, Hội Liên Lạc các người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Hội Y Dược Học Việt Nam, Liên Hiệp các Tổ Chức Hữu Nghị Việt Nam, Liên Minh các Hợp Tác Xã Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Đông Y Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Châm cứu Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Kế hoạch hóa gia đình, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội người Cao tuổi Việt Nam, các Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam.
Trong thực tế, Mặt trận Tổ quốc là do Nhà nước bảo hộ. Các thành viện đều là các cán bộ ăn lương. Cơ cấu của Mặt trận gồm cả Đảng Cộng sản Việt Nam và các Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Theo điều 4 Hiến pháp ngày 15-4-1992: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là bản tuyên ngôn chuyên chính chống lại xã hội dân sự. Theo luận điểm của Marx: Xã hội dân sự phát triển được là nhờ giai cấp tư sản.3 Mặt trận Tổ quốc bao gồm Quân đội và Công an là công cụ đàn áp xã hội dân sự. Tóm lại, Mặt trận Tổ chức, cơ sở chính trị của chính quyền trong nước, tuy tập hợp các thực thể hợp pháp (theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc), thực chất chỉ là một xã hội dân sự công lập, đối lập với xã hội dân sự đích thực.
1.1.3. XÃ HỘI NÔNG NGHIỆP
Trong Vietnam Démocratie (Février 2000), sau khi đặt câu hỏi: Tại sao hệ thống cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa sụp đổ? (Pourquoi le système communiste en Chine et au Vietnam ne s’est-il pas encore effondré?) , tác giả Nguyễn Cao Quyền giải thích: Về câu hỏi này, có nhiều câu trả lời được đưa ra, nhưng vẫn chưa đủ sức thuyết phục, có lẽ bởi vì các câu trả lời không tập trung và không phải là đối tượng một phân tích rộng lớn. Sự phân tích đòi hỏi một khái nhiệm trung gian: Khái niệm về một Xã hội dân sự. (…) Sau khi phân tích các nước Đông Âu sẵn có xã hội dân sự khá phát triển, tác giả cho rằng Trung Quốc và Việt Nam là các xã hội nông nghiệp chậm tiến. Ánh sáng dân chủ chưa bao giờ soi sáng tận tầng lớp nông dân còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo Khổng, tin tuyệt đối vào thuyết định mệnh. (…) Thật đáng tiếc vì Việt Nam là một nước chậm tiến, bởi vậy các tổ chức của xã hội dân sự chưa thành hình. 4
Nghi vấn này đã được sáng tỏ. Từ 1999 đến nay, nông dân Trung Quốc nhiều lần phản kháng các cán bộ địa phương cưỡng chiếm đất đai. Chỉ đơn cử vài tin tức thời sự: Báo La Grande Époque ra ngày 20-8-2005 đưa tin 800 nông dân vây 2 xe chở công an tại làng Đại Thạch (Dashi) thuộc tỉnh Quảng Đông. Nông dân Đại Thạch phê phán công an đàn áp nông dân: Họ còn tệ hơn bọn côn đồ. (Ils sont pires que des bandits).5 Ngày 13-9-2005, đài RFI loan tin công an bắt giữ 50 nông dân tại làng Thái Thạch (Quảng Đông) vì cáo giác cán bộ địa phưong tham nhũng, trưng thu đất đai trái phép bán cho công ty xây dựng. Nông dân Việt Nam chiếm 75% dân số hoạt động cũng có hành động tương tự. Từ 1999 đến 2002, nông dân Hạ Vi thuộc tỉnh Hà Tây biểu tình phản đối chính quyền cưỡng đoạt đất đai. Nông dân lật đổ chính quyền Hạ Vi rồi tự làm luật lệ, tự thu thuế. Tháng 11-2002, công an Hà Nội tăng viện thẳng tay đàn áp phong trào nông dân tỉnh Hà Tây.
Trong Le pouvoir des sans-pouvoirs, Vaclav Havel cho rằng: Hoạt động của các phong trào đối kháng (mouvements dissidents) phục vụ cho sự thật, hoạt động này trở thành hoạt động bảo vệ cá nhân và quyền được sống tự do chính đáng, bảo vệ các nhân quyền và đấu tranh để luật pháp được tôn trọng; giai đoạn kế tiếp mà Vaclav Benda trình bầy như là sự phát triển của các ‘‘cơ cấu song hành’’ (structures parallèles)’’.4
Các cơ cấu song hành phát sinh tại các nước Đông Âu và tại Việt Nam hiện nay đều là các thực thể của xã hội dân sự, song hành với xã hội công lập. Cơ cấu song hành này là tiền đề của cuộc cách mạng nhung (sametova revoluce), diễn ra tại Tiệp Khắc từ 16-11-1989 đến 29-12-1989.
2.1. SỰ XUẤT HIỆN XÃ HỘI DÂN SỰ VIỆT NAM:
Jürgen Habermas cho rằng: Trái với Karl Marx và chủ nghĩa mác xít, xã hội dân sự không bao gồm kinh tế điều tiết bởi thị thường lao động, thị trường tiền tệ theo quy định của dân luật. Ngược lại, phần cốt lõi định chế (coeur institutionnel) từ nay được thành lập bởi các nhóm và các hiệp hội phi Nhà nước và phi kinh tế, trên cơ sở tự nguyện.5 Jacques Garello cũng nhận định: Xã hội dân sự thực sự gồm các đơn vị căn bản của xã hội: Gia đình, doanh nghiệp, hiệp hội (các thực thể thực sự này không nhận được tài trợ, không do sáng kiến hoặc là công cụ (remorque) của Nhà nước.6
Các nhóm và các hội phi Nhà nước (non étatique), phi kinh tế (non économique) tập hợp trên cơ sở tự nguyện bao gồm các cơ cấu gia đình, xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo và chính trị, xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Các thực thể này là những cánh én đầu mùa của xã hội dân sự Việt Nam.
Các tập hợp tự phát này đều không có quy chế hiệp hội vì ở Việt Nam chưa có quyền tự do lập hội. Ngày 2-9-2001, Ông Phạm Quế Dương ngụ tại 37 Lý Nam Đế - Hà Nội và Ông Trần Khuê ngụ tại 296 Nguyễn Trãi - Thành phố Hồ Chí Minh gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đơn xin thành lập ‘‘Hội Nhân dân Việt Nam chống tham nhũng’’. Trong đơn ghi rõ tôn chỉ, mục đích và tổ chức của Hội. Nhà nước đã không đáp ứng yêu cầu chính đáng của hai công dân Phạm Quế Dương và Trần Khuê. Sự việc này một mặt chứng tỏ nhân dân trong nước có nhu cầu lập hội; mặt khác cho thấy các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc Hội vi phạm Hiến pháp 1992 công nhận quyền tự do lập hội.
Vì Nhà nước không thi hành đúng quy định lập hội ghi trong hiến pháp (cũng như các quy định khác về các quyền công dân), ngoài các tổ chức Giáo hội (Giáo hội Phật giáo, Giáo hội Công giáo, Giáo hội Tin lành, Tòa thánh Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo v.v.), các thực thể độc lập ở Việt Nam hiện nay phần lớn đều lấy tên là câu lạc bộ (club). Xin đơn cử một số câu lạc bộ, sắp theo từng lãnh vực:
Văn hóa: Câu lạc bộ văn hóa, Câu lạc bộ sách, Câu lạc bộ những người yêu thơ
Y tế: Câu lạc bộ Y học, Câu lạc bộ Tìm hiểu sức khoẻ
Giáo dục: Câu lạc bộ sinh viên
Thể dục Thể thao: Câu lạc bộ bóng đá, Câu lạc bộ cổ động viên bóng đá, Câu lạc bộ võ thuật
Phụ nữ, Gia đình: Câu lạc bộ Phụ nữ, Câu lạc bộ bạn trăm năm, Câu lạc bộ làm quen trên mạng
Giải trí: Câu lạc bộ nhiếp ảnh, Câu lạc bộ âm nhạc, Câu lạc bộ tem hữu nghị, Câu lạc bộ du thuyền
Nông nghiệp: Câu lạc bộ nhà nông trẻ
Tin học: Câu lạc bộ tin học
Chính tri: Câu lạc bộ Dân chủ Việt Nam
Các câu lạc bộ đều hoạt động trên mạng. Chính hệ thống internet tạo điều kiện hình thành xã hội dân sự và đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa trong nước. Theo Pierre Chambat, ‘‘Kỹ thuật Thông tin và Truyền thông (TIC) được sử dụng nhằm cung ứng một diễn đàn trong chốc lát, để tổ chức đấu tranh và chuẩn bị sự xuất hiện các hoạt động đấu tranh trong không gian truyền thông công cộng.’’ 7 Xã hội dân sự vừa xuất hiện, song hành với xã hội công lập ở Việt Nam, mau chóng trở thành diễn đàn chính trị, với việc phổ biến:
Ø Các bài thuyết trình: Thuyết trình của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trước bộ Chính trị.
Ø Thư: Thư của Giáo sư Nguyễn Thiện Tâm gửi dân chúng Việt Nam, những lá thư của nhà cách mạng lão thành Phạm Văn Sô gửi bộ Chính trị.
Ø Nhận định: Nhận định của của nhà văn Hoàng Tiến về bức thư của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhận định của Ông Hoàng Minh Chính v.v.
Trong số các thành viên của xã hội dân sự Việt Nam, đáng lưu ý hơn cả là Câu lạc bộ Dân chủ Việt Nam. Câu lạc bộ này phát tán nhiều ý kiến xây dựng dân chủ, chống bất công, tham nhũng. Ngoài ra, từ năm 2001 đến nay (9-2005), Câu lạc bộ Sinh viên cũng rất quan tâm đến tình hình chính trị và xã hội trong nước. Số diện thư trao đổi trung bình từ 5.000 đến 10.000 một tháng.
Sau cùng, ngày 15-6-2005, Ông Nguyễn Hoàng Long chính thức thành lập Đảng Dân chủ Nhân dân ngay tại Việt Nam (không ghi rõ thành phố nào). Đảng Dân chủ Nhân dân tuyên cáo với ‘‘toàn thể đồng bào trong và ngoài nước’’: ‘‘Dân tộc Việt Nam đang đứng trước một lựa chọn sinh tử.’’ Điện thư số 48 ngày 10-7-2005 của Câu lạc bộ Dân chủ Việt Nam đăng toàn văn Tuyên ngôn cũng như Thư giải thích của tập hợp chính trị mới mẻ này**. Các hoạt động trên cho thấy sự xuất hiện của xã hội dân sự ở trong nước, song hành với «xã hội dân sự công lập». Đó là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đa nguyên hóa xã hội dân sự, từng bước phá vỡ cơ cấu «xã hội quốc doanh» do Đảng Cộng sản và tổ chức ngoại vi của Đảng là Mặt trận Tổ quốc độc quyền nắm giữ. Có thể đánh giá xã hội dân sự (song hành) ở Việt Nam dựa trên chỉ số xã hội dân sự (indice de la société civile) lược trình sau đây.
2.2. CHỈ SỐ XÃ HỘI DÂN SỰ VIỆT NAM
Các nhà chính trị học có khuynh hướng phân biệt hai khái niệm: Chính quyền (gouvernement) và tự quản (gouvernance). Thuật ngữ ‘‘gouvernance’’ xuất hiện năm 1987, được sử dụng trong môn quản trị kinh doanh tại các nước Anh-Mỹ nhằm chỉ định toàn thể các nguyên tắc: Nguyên tắc quyết định, nguyên tắc thông tin và nguyên tắc kiểm tra cho phép những người có quyền lợi và các đối tác của một định chế xem xét các quyền lợi liên hệ có được tôn trọng không; tiếng nói của họ ảnh hưởng đến việc điều hành doanh nghiệp ra sao. Sau này, Ủy ban Âu châu dùng khái niệm này để thẩm định xem các nước thứ ba tiếp nhận viện trợ của Liên Hiệp có dân chủ không, đặc biệt là các nước Đông Âu chưa phải là thành viên Liên Hiệp Âu châu và các nước phía Nam như Việt Nam. Pierre Rosanvallon còn dùng thuật ngữ tự quản (autogestion)8. Chúng tôi tạm dịch gouvernance là tự quản nhằm lưu ý khía cạnh quản trị (gestion) và tự trị (autonomie) của xã hội dân sự.
Xã hội dân sự đóng vai trò càng ngày càng quan trọng trong việc quản trị và phát triển. Đó là phương thức duy nhất giúp đất nước thoát ra khỏi sự nghèo nàn lạc hậu về cả kinh tế lẫn chính trị. Vấn đề đặt ra là dựa trên tiêu chuẩn nào để có thể đánh giá một xã hội dân sự. Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Dân sự Đại học Luân Đôn đã đề nghị bốn chiều của xã hội dân sự, có hình dạng giống như viên kim cương:
Ø Cơ cấu: Xã hội dân sự được cấu tạo ra sao? Quan hệ mang tính cá nhân hay tổ chức; kích thước, tính năng động của xã hội này; xã hội dân sự có khả năng đại diện như thế nào?
Ø Môi trường xã hội: Xã hội dân sự phát sinh trong khuôn khổ chính trị, xã hội kinh tế, pháp luât ra sao? Các khuôn khổ này là động cơ hay là cản lực cho sự phát triển xã hội dân sự?
Ø Giá trị: Xã hội dân sự làm thăng tiến các giá trị xã hội tích cực?
Ø Tác động: Xã hội dân sự tác động như thế nào? Có đạt được mục tiêu giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị, đồng thời đóng góp vào phúc lợi chung hay không?
Xã hội dân sự Việt Nam hiện nay song hành với xã hội công lập. Khuôn khổ pháp luật nói chung không thuận lợi. Vì vậy, bốn chiều của viên kim cương xã hội dân sự Việt Nam đều rất hao mòn. Nhưng không vì thế mà viên kim cương xã hội dân sự Việt Nam không sáng tỏ. Tác động của xã hội dân sự rất quan trọng, nhất là trong một nước phân hóa như Việt Nam. Bà Gillian Robinson, giám đốc UNU-INCORE cho rằng: Trong một xã hội phân hóa, vai trò của Nhà nước còn giới hạn và thường phải đặt lại vấn đề. Vì vậy, xã hội dân sự có thể đóng vai trò rộng lớn nhằm làm giảm bớt sự phân hóa và tránh được những hiệu quả của tình trạng chia rẽ này.’’
Nhận định này đúng cho trường hợp Bắc Ái Nhĩ Lan và Việt Nam. Khung cảnh này cho thấy xã hội dân sự quốc tế là dự phóng của xã hội dân sự Việt Nam vậy./.
1 Dominique COLAS, Dictionnaire de la pensée politique, Paris, Larousse-Bordas, 1997.
2 Alexis de TOCQUEVILLE, De la démocratie en Amérique, Paris, Gallimard, coll. Folio, Histoire, 1986.
3 Karl MARX, L’Idéologie allemande, Paris, Éditions sociales, 1965.
4 Vaclav HAVEL, Essais politiques, Paris, Calmann Lévy-Seuil, 1989.
5 Jürgen HABERMAS, Droit et démocratie, Entre faits et normes, Paris, Gallimard, 1997.
6 Jacques GARELLO, Émergence de la société civile. Bài tham luận trong khuôn khổ Đại học Hè (Université d’Été).
7 Pierre CHAMBAT, ‘‘La démocratie assistée par ordinateur’’. Cahiers politiques. Centre de Recherche et d’Études politiques, Paris, février 2000.
8 Pierre ROSANVALLON, L’âge de l’autogestion, Paris, Seuil, coll. Points, 1976.
** Ngươi viết không đi sâu vào nguồn gốc đích thực của «Đảng» này mà chỉ căn cứ vào chức năng xã hội ngoại biểu khách quan của nó để coi nó như là một thành tố của xã hội dân sự không công lập.
xem tiếp phần B: Xã Hội Dân Sự Quốc Tế