Mấy hôm sau Lãng cho người đem một số tiền lớn tới đưa cho Cẩm Vân, viện cớ giúp mẹ con cô trong lúc này, nhưng bị nàng cương quyết chối từ. Lãng còn đang chưa biết tính sao thì nghe tin Cẩm Vân muốn bán luôn năm mẫu đất còn sót lại. Lãng mừng lắm vội lòn tiền nhờ người em bà con đứng ra mua giùm. Cẩm Vân bán đất xong xuôi thì một thời gian sau trở về bên Sa Đéc luôn. Căn nhà đóng cửa bỏ không. Thằng Tú năm đó mới 7 tuổi. Trong những giấc mơ, thỉnh thoảng khuôn mặt chết chóc kinh hoàng của ba nó lại hiện về khiến nó sợ đến toát mồ hôi. Ở Sa Đéc đâu được nửa năm thì Cẩm Vân dẫn con theo người chị họ lên Nam Vang phụ coi sóc cái tiệm vải rất lớn của bả. Vài năm sau nàng tái giá với một người khách trú giàu sụ trên đó. Trước khi đi Nam Vang, Cẩm Vân có ý muốn bán căn biệt thự, nhưng cái chết không bình thường của Hậu và những lời đồn đải từ miệng con nhỏ ở khiến ai cũng sợ, không dám mua. Mẹ con Cẩm Vân từ ngày đó cũng không bao giờ đặt chân trở lại căn nhà xưa.
Càng ngày ngôi nhà càng hoang vu với cỏ dại mọc lan tràn. Cây cối không được xén tỉa nên mặc sức chen vai thích cánh, càng làm tăng thêm vẻ âm u cho khu vườn khá rộng. Chỉ có gia đình Lệ Anh là còn dám vô đây hái trái cây, tuy rằng mấy năm sau này, cô đã dọn hẳn xuống chợ tỉnh mở tiệm may, hàng ngày chỉ có lũ chim chóc, dơi, chuột vãng lai đùa giỡn thoải mái. Qua mấy mươi năm phơi mình với gió sương, mặt tiền ngôi nhà phủ đầy rêu phong khiến nó có vẻ già nua, bịnh hoạn...
Vậy mà bữa nay con Lành nói có ánh đèn trong căn nhà đó. Chắc chắn là có điều gì là lạ đây. Liễu Nhu đứng lên vươn vai ngáp dài, sửa soạn đi ngủ, tự nhủ chuyện gì thì cũng để ngày mai hẵng hay.
Sau một đêm ngon giấc, Liễu Nhu đã quên mất cái chuyện con Lành kể tối qua vì nàng vốn không tin chuyện ma cỏ gì hết. Dù sao nàng cũng là một cô gái tân học. Sau khi mẹ mất, anh em cô sống rất hạnh phúc với bà nội, cha và vú Chín. Còn quá nhỏ nên kỷ niệm của người mẹ quá cố không sâu đậm lắm trong lòng mấy đứa nhỏ. Vú kể sau cái thảm kịch của ông Hậu, cha cô hối hận lắm, nhứt định từ giã ông thần đỏ đen để săn sóc mẹ già và ba đứa con thơ dại. Khi thằng Đức tới tuổi vào trung học, ông Lãng cho cậu lên Sàigòn với cặp vợ chồng người làm thân tín. Riêng ông thì đi đi về về, vì còn phải trông nom ruộng vườn dưới quê. Sau đó Liễu Nhu và thằng Út cũng lần lượt lên theo. Thấy Sài gòn càng ngày càng phồn thịnh, ông Lãng bán một mớ ruộng đem tiền lên mở một tiệm bán vật liệu xây cất, rất thành công. Lúc đó ông đã tái giá với một cô giáo lỡ thời, sanh thêm một đứa con gái. Tình trạng mẹ ghẻ con chồng không thích hợp với Liễu Nhu nên sau khi trợt vỏ chuối mảnh bằng Thành Chung, cô lấy cớ không thích học nữa, về quê phụng dưỡng bà nội.
Cái cảnh “nhìn lên thì chẳng bằng ai, mà nhìn xuống thì chẳng có ai bằng mình” của cô cũng ngặt lắm. Bao nhiêu công tử vườn tới rắp ranh bắn sẻ cô đều cho de hết, nên bây giờ đã hăm hai cái xuân xanh rồi mà vẫn phòng không chiếc bóng. Bà nội hay vú Chín có cằn nhằn thì nàng lại nũng nịu “Bộ bà nội hổng muốn nuôi con nữa hả?” là bà lại thở dài, ra trước bàn thờ ...tụng kinh tiếp! Nói đúng ra căn nhà có Liễu Nhu cũng vui hẳn lên. Bà nội thì già, tối ngày lo lần chuỗi niệm Phật. Vú Chín có tuổi rồi cũng đâm ra biếng nói biếng cười. Má con con Lành tối ngày lúc thúc làm việc dưới bếp.
Nếu không có Liễu Nhu với những tiếng cười ròn rã của cô thì căn nhà rộng minh mông này chẳng khác gì cái nhà mồ!
Ăn sáng xong, Liễu Nhu xách cái giỏ trong có cuốn tiểu thuyết đang đọc dở dang tối hôm qua, mớ bông băng, ve thuốc đỏ và mấy cái bánh ít trần ăn sáng còn dư lại. Cô thong thả đi vòng ra sau hè, băng qua vườn xoài, đi thẳng ra hướng lộ mới. Buổi sáng không khí còn mát rượi, trong veo. Những chùm bông xoài vàng óng phe phẩy trong gió mai, tỏa hương thơm nhè nhẹ theo bước chân của Liễu Nhu. Nàng mỉm cười khi tưởng tượng ra nét mặt đau khổ của thằng Hưng lát nữa đây, khi nhìn thấy nàng bày bông băng ra. Tới trước cửa căn nhà lá của thím hai Lầu, Liễu Nhu lên tiếng:
- Chị Hai ơi, có nhà không?
Một thiếu phụ trạc ba mươi tuổi, ốm nhom, mặc cái áo túi bằng vải ú bông cũ rích, mặt mày đen đúa từ trong nhà hấp tấp bước ra, miệng cười đưa hàm răng hô chìa:
- Cô Ba mới tới.
- Sao, thằng Hưng khá không chị? Nhu hỏi người đàn bà.
- Dạ, nhờ cô băng bó thuốc mấy bữa nay mà thằng ôn hoàng dịch vật đó đêm rồi ngủ yên, bớt rên rỉ!
Nghe chị ta rủa thằng con khiến Liễu Nhu bật cười. Mà cái thằng liến khỉ thiệt. Dám theo tụi trẻ lén vô ăn cắp sa bô chê trong vườn nhà ông Hương Sư Nhiên, bị người giữ vườn xịt chó rượt cắn. Nó mới tám tuổi, nhỏ nhứt trong đám, chạy không kịp bị con chó táp một miếng vô bắp chuối. May mà không sâu lắm. Nghe tiếng nó la, tụi kia quay lại đuổi con chó rồi dìu nó chạy thục mạng, vì sợ bỏ nó lại, rủi bị người nhà ông Sư Nhiên bắt được, nó khai ra thì chết cả đám.
Thím hai Lầu góa chồng từ khi thằng Hưng mới lên ba tuổi. Nghèo rớt mồng tơi, tối ngày mắc đi nhổ cỏ mướn, đi cấy, đi gặt hoặc làm bất cứ chuyện gì người ta mướn thím. Vì vậy thằng Hưng ở nhà cứ thoải mái “tự lực cánh sinh”. Mỗi sáng trước khi đi làm (nếu có người mướn) má nó nấu sẵn một ơ cơm. Trách cá vụn kho quẹt mặn quéo lưỡi, hoặc ơ mắm kho, khi thì tô ba khía để sẵn bên cạnh, nó cứ tự động bới ăn khi đói bụng. Ở nhà một mình buồn, nó thường nhập bọn với tụi thằng Ban ngoài vàm. Khi đi bắn chim, khi đi tát vũng, bắt cá về cho má nó nấu ăn.
Hôm rồi không biết trời xui đất khiến gì mà nó lại theo tụi này đi hái trộm sa bô chê! Mấy đứa kia thấy thằng Hưng bị thương sợ lắm nhưng đâu biết làm sao, chỉ dẫn nó về bỏ đó, rồi mạnh đứa nào đứa nấy lủi về nhà trốn biệt. Thằng Hưng cắn răng chịu đau, không dám than với má nó lời nào. Thím Hai đi làm về mệt cũng lo ăn qua quít rồi đi ngủ đâu có dòm tới thằng con. Bữa sau đi nhổ cỏ trên đất bà Cả Phương về trời đã chạng vạng. Bước vô nhà không thấy thằng Hưng đốt cây đèn trứng vịt như mọi hôm, thím Hai lấy làm lạ cất tiếng kêu Hưng ơi Hưng hỡi mà trong nhà vẫn im lặng như tờ. Thím tức mình tưởng nó đi chơi chưa về nên rủa thầm trong bụng. Nào ngờ khi đốt được đèn lên thì thấy thằng Hưng nằm chình ình trên chiếc chõng tre. Lấy làm lạ, thím bước lại định kêu nó dậy, nhưng lay hoài mà vẫn không mở mắt, chỉ ú ớ. Rờ đầu thấy nóng như lửa, thím hoảng kinh cắm đầu chạy một mạch tới nhà Liễu Nhu cầu cứu. Vì trong làng này không ai còn lạ cái tánh hay thương người của cô. Mỗi lần ông Lãng từ Sàigòn về thế nào cũng phải đem cho con gái nào thuốc Aspirin, nào thuốc Dagénan. Những người nghèo trong làng đều đã từng thọ ơn của của cô Ba. Đối với Liễu Nhu đây chỉ là chuyện tự nhiên. Rất giản dị, người ta cần thì nàng giúp. Vui vẻ, sung sướng mà giúp.
xem tiếp phần 3