Tiểu Thu
Sau bữa cơm tối, ăn xong chén chè đậu xanh tráng miệng, Liễu Nhu cầm ly nước trà vô phòng tính đọc tiếp cuốn tiểu thuyết đang xem dở dang từ tối hôm qua thì con Lành, đứa ở gái trạc mười ba mười bốn tuổi, từ ngoài chạy vô, mặt mày dớn dác:
- Cô Ba ơi, con mới đi ngang căn “nhà hoang”. Mà kinh khủng lắm...
Con nhỏ nói tới đây thì ngừng lại nuốt nước miếng hai ba lần một cách khó khăn, Liễu Nhu cau mày hỏi:
- Cái gì mà giống như gặp ma vậy hả?
Con Lành gật đầu lia lịa:
- Dạ, chắc là ma thiệt đó cô Ba ơi. Con thấy trong nhà đó có ánh sáng. Mà cái ánh sáng này đi từ chỗ nọ qua chỗ kia nữa. Con hoảng kinh chạy về cho cô Ba hay.
Liễu Nhu cười:
- Làm sao mày biết chắc là ma? Biết đâu mấy đứa chăn trâu, chăn bò ban ngày hái trộm cây trái gì đem giấu trong đó, tối mò tới lấy.
Con Lành lắc đầu:
- Hổng có đâu. Con biết mà. Từ hồi nào tới giờ ai cũng ớn cái nhà đó, đâu có dám vô. Ai cũng sợ oan hồn của ông Hậu bắt..
.Nghe tới đây Liễu Nhu cau mày, chắt lưỡi:
- Nói bậy không hà. Ông Hậu chết mấy chục năm rồi mà có thấy “bắt bớ” gì ai đâu mà cứ đồn. Thiệt tình. Ổng đã bị chết oan mà còn bị mang tiếng oan nữa! Mà hồi nào tới giờ mầy thấy ổng bắt ai chưa?
Con Lành cười lỏn lẻn:
- Dạ, thì tại má con dặn đừng có léo hánh tới căn nhà hoang đó. Ông Hậu linh lắm. Lộn xộn ổng bắt nhẹ thì cũng nóng đầu, nặng thì hộc máu lận!
Liễu Nhu bật cười:
- Mày mới có mười bốn tuổi, còn cô ở đây đã hơn hai chục năm rồi có thấy ổng vật ai hồi nào đâu. Thôi lo đi phụ má mầy dọn dẹp rồi đi ngủ. Đừng có tin nhảm nhí nữa. Cô ra ngồi hoài bên cái ao sen gần hàng rào nhà đó đọc sách mà có thấy ma cỏ gì đâu nà.
Con Lành dạ rồi đi ra. Tuy nói vậy nhưng Liễu Nhu cũng tự hỏi ai mà cả gan trời tối lại dám léo hánh tới cái nhà bỏ hoang cả hai chục năm nay? Nàng tư lự nhìn ngọn đèn ống khói, thả hồn chơi vơi về cái dỉ vãng mờ nhạt như khói sương...Theo lời vú Chín kể lại thì chủ căn nhà đó là ông Hậu. Gia đình ông ta từ mấy đời trước giàu lắm, nhưng truyền đến đời ổng thì chỉ còn chừng trăm mẫu ruộng và căn biệt thự này mà thôi. Ngôi nhà khá bề thế, cách nhà Liễu Nhu độ hai trăm thước. Căn nhà nền đúc nàng đang ở cũng là do ông nội để lại, vì cha của Liễu Nhu là con trai duy nhứt. Hồi còn trẻ, tức là cách đây phải hơn ba mươi năm, ông Hậu và ông Lãng, cha của Liễu Nhu là hai người bạn rất thân. Đồng trang lứa lại học cùng trường. Hai gia đình ngoài điền sản dưới tỉnh, họ đều có nhà trên Sàigòn. Ngoài dịp gặp ở trường, mỗi lần nghỉ hè hai cậu lại gặp nhau ở dưới quê. Năm nào họ cũng không quên rủ thêm một đám bạn về chơi thiệt là tưng bừng... Hai người đều là những thanh niên khôi ngô anh tuấn, nhưng Hậu có phần lôi cuốn hơn ở tài chọc cười rất có duyên. Tưởng rằng dòng đời cứ êm ả trôi, không ngờ giông tố tới khi hai chàng trai cùng yêu một cô gái. Cẩm Vân là bạn thân với Lệ Anh, cô em họ của Hậu. Nhà cô dưới chợ Sa Đéc, nhưng hai cô quen nhau khi học chung trường nữ công Mỹ Ngọc. Một lần qua chơi nhà Lệ Anh, Cẩm Vân gặp cả hai chàng. Cái nước da trắng như sữa đọng, cặp mắt tròn, đen lóng lánh và nụ cười tươi ơi là tươi của Cẩm Vân khiến hai trái tim sôi nổi kia phải thổn thức, rụng rời. Nhường đâu thì nhường chớ trên chốn tình trường, mạnh ai nấy chạy để tới đích. Tức nhiên là Hậu chiếm thượng phong, vì ngoài cái tài chọc cười duyên dáng, chàng còn có vũ khí lợi hại mà Lãng không có. Đó là cô em họ của chàng ta. Những lời ong tiếng ve cứ rót hoài vô lỗ tai có ngày cũng phải có kết quả mỹ mãn. Cuối cùng Cẩm Vân về làm vợ Hậu. Tuy ôm mối hận thấu xương nhưng ngoài mặt Lãng vẫn tươi cười như không. Vừa hận vì mất người mình yêu, vừa bị tổn thương tự ái. Xưa nay chàng vẫn tự hào là nhà mình giàu hơn, mình thông minh hơn, học giỏi hơn “thằng” Hậu, vậy mà Cẩm Vân lại chọn nó!? Mất mặt bầu cua quá trời!
Lập gia đình rồi Hậu về quê trông coi ruộng nương, vườn tược phụ cho song thân, bên cạnh người vợ yêu xinh đẹp. Nhưng chỉ một năm sau cha chàng qua đời vì bịnh tim. Từ đây Hậu phải thay cha quản trị mọi việc.
Bị thua đậm trên chốn tình trường, Lãng đâm ra xao lãng việc học hành. Tệ hơn nữa lại hay theo đám bạn xấu đi nhậu nhẹt, bài bạc lung tung. Hậu quả là ông bà thân sinh của chàng phải ra tiền trả một món nợ khá lớn và bắt chàng về quê cưới vợ để lo làm ăn. Ông bà có tuổi rồi, đã đến lúc Lãng phải gánh vác việc nhà phụ cho cha. Lãng đành bấm bụng nghe lời.
Sau khi đi coi mắt vài đám, chàng bằng lòng cưới cô Mai là con gái một ông Cai Tổng bên Long Xuyên. Mai tuy nhan sắc không bì được với Cẩm Vân, nhưng cũng thuộc loại trung bình và là một người con gái rất thùy mị, nết na. Vả lại món hồi môn cũng đủ nặng ký để cái cán cân phải nghiêng về phía nàng.
Vợ chồng Hậu ẵm thằng con trai gần đầy năm, trắng trẻo, mập mạp, giống Hậu như đúc đến chúc mừng Lãng. Nhìn cái hình tượng “gái một con trông mòn con mắt” của Cẩm Vân, mối hận trong lòng Lãng càng ngùn ngụt như lửa chế thêm dầu. Nhưng có thấm vào đâu khi một lần về chơi bên vợ, chàng tình cờ khám phá ra Mai chỉ là con một nàng hầu của ông Cai Tổng. Nhưng ván đã đóng thuyền, huống chi chuyện này đổ bể, chỉ mang tiếng cho gia đình của chàng mà thôi. Đã không yêu, bây giờ cái tình của Lãng đối với Mai càng lạt lẽo. Lãng coi vợ như một cái máy đẻ và có người hầu hạ sớm hôm cho cha mẹ. Mai biết thân nên cũng cắn răng chịu đựng những lần chồng đi sớm về khuya. Mỗi lần Lãng thua nơi sòng bạc hoặc trong trường gà, Mai lặng thinh không một lời than trách.
Những lần đi chơi Lãng đều rủ Hậu đi theo. Từ chối vài lần thì cũng phải “nể mặt” một lần. Từ từ thành thói quen. Hơn nữa ở nhà quê không nhiều thú tiêu khiển. Vợ chồng đi ra đi vô đụng mặt hoài cũng phát nhàm. Vì vậy chuyện đi chơi với bạn cũng là bình thường. Mà cái nghề cờ bạc rất dễ nghiện. Càng thua càng lậm. Cẩm Vân hết sức can gián chồng. Nhưng Hậu ở nhà được ít hôm thì cảm thấy bứt rứt, tay chân ngứa ngáy và bao nhiêu lời hứa với vợ đều như nước đổ lá khoai! Hơn nữa đàn ông rất kỵ bị bạn bè ngạo là theo đạo thờ bà. Cẩm Vân có kiếm Lãng để năn nỉ đừng rủ Hậu đi cờ bạc nữa thì Lãng làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Trời ơi, vậy là chị đổ oan cho tôi. Thằng Hậu đủ lớn, đủ khôn để biết mình làm cái gì. Nó không muốn thì ai mà ép được phải không?
Nhìn Cẩm Vân quay đi với gương mặt buồn rầu, tuyệt vọng Lãng không dấu được nụ cười mãn nguyện, tuy trong lòng có hơi áy náy một chút. Ai biết được trong thâm tâm Lãng đang nghĩ gì?
Mai đã sanh cho chàng một thằng con trai rất dễ thương. Nhưng đứa con cũng không làm Lãng yêu vợ thêm lên. Từ ngày có thằng nhỏ Mai cũng cảm thấy đời bớt vô vị. Vú Chín vô làm cho gia đình này từ khi thằng Đức ra đời, vì vậy vú biết rất nhiều chuyện xưa để kể cho Liễu Nhu nghe sau này. Nàng ra đời sau thằng anh tới 4 năm và hai năm sau, khi khai hoa nở nhụy thằng Út thì người vợ, người mẹ tội nghiệp này đã vĩnh viễn giã từ cái thế giới chỉ đem nhiều muộn phiền tới cho mình. Mai sanh rồi bị làm băng ào ào mà Lãng thì không biết đang ngồi trong sòng bạc nào nữa. Khi chàng ta về tới nhà thì đã quá muộn, chỉ còn kịp vuốt cặp mắt người vợ bất hạnh của mình. Sau khi bị ông bà già chưởi cho một trận vuốt mặt
không kịp, Lãng cũng cố gắng ở nhà một thời gian coi như ăn năn hối lỗi.
Phần Hậu thì như con ngựa bất kham, con chim sổ lồng sau khi mẹ qua đời vì bịnh thương hàn. Trong sòng bạc cũng như trong trường gà, chàng không còn bị gò bó như trước. Hậu cáp độ những món tiền lớn khiến thiên hạ phải sầm xì. Chàng nghĩ phải có gan mới hòng thắng lớn. Nhưng mấy ai làm giàu với nghề cờ bạc ngoài những tên cờ gian bạc lận? Những mẫu ruộng màu mỡ cứ lần lượt sang tay người khác. Cẩm Vân khuyên mãi cũng chán, nên để mặc Hậu muốn làm gì thì làm, nhưng cô nhứt quyết không sanh thêm cho Hậu đứa con nào khác ngoài thằng Tú. Có lẽ nàng sợ cho cái tương lai không có vẻ gì xán lạn của mình!
Có những lần nhìn bộ mặt đờ đẫn, thất thần của chồng sau một đêm sát phạt, Cẩm Vân tự hỏi không biết có phải cùng một người mà nàng đã yêu thương, tin cậy đến độ trao gởi cả cuộc đời của mình chăng? Cái hạnh phúc tưởng chừng như đã nắm bắt được trong tay ngờ đâu chỉ là ảo vọng. Trong vòng sáu bảy năm thôi mà sao đời người có nhiều đổi thay tới như vậy?! Bây giờ nàng mới biết cái uy vũ của ông thần đỏ đen. Nó bỏ xa cái tình vợ chồng, tình phụ tử. Vợ đẹp con khôn gì cũng thua mấy con bài! Ở nhà thì cứ lờ đờ như đom đóm đực, nhưng trong trường gà hay trong sòng bài họ lại tràn trề sức sống. Cặp mắt người nào cũng sáng quắc, chiếu những tia nhìn như muốn xoi thủng cái bí mật trên những quân bài của địch thủ. Hình như họ chỉ thật sự “sống” ở những chỗ đó và những giây phút cực kỳ kích thích đó mà thôi.
Lãng cũng chơi nhưng không cay cú và mạnh tay như Hậu. Nhứt là sau khi vợ qua đời, nhìn mấy đứa con thơ thiếu mẹ, Lãng cũng cảm thấy bứt rứt, xốn xang và ít đi hơn trước. Hai người đàn ông vẫn qua lại bình thường, nhưng Cẩm Vân thì hầu như tránh mặt Lãng. Nàng cho rằng chính Lãng đã dẫn dắt Hậu vào con đường đam mê cờ bạc. Lãng biết nhưng chỉ cười một cách bí hiểm! Trên đời thiếu gì người dễ tha thứ nhưng không bao giờ quên!
Cho tới một ngày, cái ngày kinh hoàng nhứt trong cuộc đời của Cẩm Vân. Từ khi Hậu lậm vào vòng cờ bạc, Cẩm Vân dọn căn phòng cũ của cha mẹ chồng cho Hậu ngủ. Thằng Tú ngủ chung phòng với mẹ. Hôm đó bữa cơm trưa đã dọn rồi mà mãi vẫn không thấy chồng ra ăn, Cẩm Vân sai con vô kêu. Tiếng thét kinh hoàng của thằng Tú khiến mẹ nó thất kinh hồn vía, vội vàng chạy vô phòng của Hậu. Cái cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến Cẩm Vân khựng lại như bị trời trồng, miệng há hốc, kêu không nên lời. Hậu ngồi trên ghế, hai tay buông thõng, đầu nghẽo trên mặt bàn, cặp mắt trợn trừng trắng dã, một dòng máu đen kịt rỉ ra nơi khóe miệng. Định thần lại Cẩm Vân kéo vội thằng Tú ra nhà ngoài, sai con nhỏ ở chạy kêu cô Lệ Anh qua tức thời. Thằng Tú lúc này mới úp mặt vào lòng mẹ khóc nức nở. Cẩm Vân mắt vẫn ráo hoảnh, nhìn vào khoảng không, tâm tư rối loạn như không biết mình đang chiêm bao hay đang ở ngoài thực tại? Cho tới khi tiếng hỏi đầy vẻ lo lắng của cô em chồng mới khiến nàng sực tỉnh. Cẩm Vân không trả lới chỉ kéo tay Lệ Anh đi vô buồng sau khi đã giao thằng Tú cho con nhỏ ở. Lệ Anh cũng không ngăn được tiếng kêu trời thảng thốt khi thấy cảnh tượng trước mắt. Nhưng cô còn bình tĩnh hơn Cẩm Vân nên bước lại gần thi thể của Hậu. Chợt thấy lá thơ trên bàn, Lệ Anh run rẩy cầm lên đưa cho chị dâu. Té ra là lá thơ tuyệt mạng của Hậu... Tối hôm qua khi những đồng bạc cuối cùng dứt áo ra đi, Hậu thất thểu về nhà. Một mình ngồi trong phòng vắng, tiếng cười đắc thắng của những kẻ được bạc còn văng vẳng bên tai, Hậu ôn lại quãng đời sau này của mình, rồi cảm thấy cái tội đối với vợ con tày trời quá, con người của mình đáng ghê tởm quá, nước sông nước biển nào có thể gội sạch đây? Cả cái cơ nghiệp hàng trăm mẫu ruộng thượng đẳng ông bà để lại bây giờ ở đâu? Mặt mũi nào nhìn thấy vợ con nữa? Rồi như trong cơn mộng du, Hậu đã pha thuốc chuột vào ly sữa để kết liễu đời mình. Chàng cầu xin vợ con thứ lỗi và mong rằng sau này Cẩm Vân sẽ gặp người xứng đáng hơn chàng...
Biết bao nhiêu thứ tình cảm xung đột dữ dội trong lòng Cẩm Vân: Yêu hay hận. Thương hay ghét? Nàng chỉ biết là với tấm nhan sắc trời cho đáng lẽ cuộc đời mình phải sung sướng lắm, ai ngờ đâu ông trời lại chơi khăm, dun dủi nàng gặp Hậu! Trời xanh ghen gái má hồng chăng?
Một tay Lệ Anh lo đám tang cho Hậu, Cẩm Vân cứ lơ lơ lửng lửng như người mất hồn. Nàng từ chối không gặp những người bạn cờ bạc của chồng. Trong khi xảy ra chuyện tày trời này thì Lãng đang ở trên Sàigòn, đến chừng nghe tin vội vã tới chia buồn với Cẩm Vân. Trong bộ tang phục màu đen, đôi mắt u hoài, làn da trắng xanh xao càng tăng thêm nét đẹp liêu trai của nàng khiến con tim của Lãng đang ngủ yên bỗng bàng hoàng thức dậy. Cẩm Vân yên lặng nghe Lãng nói những lời chia buồn với một giọng điệu đầy vẻ chân thành. Cuối cùng nàng ngước lên, cặp mắt bỗng sáng rực nhìn sâu vào mắt Lãng:
- Bây giờ chắc anh hài lòng rồi phải không?
Câu hỏi khiến Lãng choáng váng. Chàng ấp úng:
- Tại sao chị lại hỏi tôi câu này? Cẩm Vân nhìn khuôn mặt đầy bối rối của Lãng, cười gằn:
- Anh cần phải hỏi tôi nữa hay sao? Mấy năm dài tôi đã có đủ thời gian để suy nghĩ. Mà thôi tất cả đã qua rồi, nhắc lại cũng vô ích. Cám ơn anh đã tới chia buồn với chúng tôi.
Nói xong Cẩm Vân đứng lên tỏ ý muốn tiễn khách. Trên đường về, lòng Lãng xao động mạnh vì câu hỏi của Cẩm Vân. Không ngờ. Phải, không ngờ Cẩm Vân lại tinh ý đến như vậy. Nhưng nói có Trời làm chứng, Lãng không bao giờ mong muốn cái chết của Hậu. Điều đó xảy ra ngoài dự tính của chàng. Bỗng dưng Lãng thấy mình quá sức bỉ ổi. Chỉ để thỏa mãn lòng thù hận mà chàng đã vô tình đẩy Hậu vào chỗ chết. Để Cẩm Vân mất chồng và thằng Tú mất cha. Nhưng nói có trời làm chứng, thâm ý của Lãng là muốn Hậu tán gia bại sản, vợ chồng con cái phải sống trong cảnh bần cùng mà thôi. Có ngờ đâu...!