Những Cao Thủ Đại Học Đà Lạt

Nguyễn ĐứcTrọng

clip_image002

Phi Lộ : Bài viết này chỉ để có dịp nhắc lại những bạn cũ, đàn anh, đàn chị cùng trường cùng Viện Đại Học Đà Lạt mà tôi có dịp quen biết, hoặc nghe danh qua những buổi trà dư tửu hậu chứ không phải để đề cao hay hạ uy tín một ai. Hi vọng sẽ đem lại vài phút giây vui cười cho tất cả khi nhớ đến những người bạn chung. Quý vị và các bạn nào lỡ không thấy tên mình được nhắc đến, không có nghĩa là quý vị là những "thấp thủ" trong Viện Đại Học Đà Lạt đâu, mà chỉ vì những ngày ở Đà Lạt tôi ít khi đi học, chỉ lo đi chơi, và nay lại định cư chốn hẻo lánh nên không biết đến quý vị mà thôi. Rất mong sau khi đọc bài này, tôi sẽ nhận được nhiều tin tức, câu chuyện bổ túc để danh sách các "cao thủ" của chúng ta được phong phú hơn, nhất là từ các Thụ Nhân còn ở Việt Nam, hoặc ít sinh hoạt trên các diễn đàn cựu sinh viên Đà Lạt. Những sai sót là do lỗi ở trí nhớ kém của tôi, mong các bạn cứ cười nhưng hãy bỏ qua cho lỗi lầm này. Những tên được trình bày theo thứ tự abc.

Phạm Văn Bân CTKD-7: Bạn bè cùng khóa thường gọi anh là Jean Bân Belmondo, nhưng nay anh lại có thêm biệt hiệu mới là Thầy Đồ Bân sau nhiều năm bỏ công tự học, anh đã thông thạo tiếng Hoa không kém gì người Hoa chính cống. Anh đã cống hiến cho chúng ta nhiều bài nghiên cứu công phu về người Hoa tại Việt Nam, cũng như nhiều đề tài thú vị khác về lịch sử, xã hội, âm nhạc, v.v. Là một người năng động, anh có mặt trong hầu hết những sinh hoạt của TN từ hải ngoại đến quê nhà.

Nguyễn Tường Cẩm CTKD-1: Đồng chủ nhân của quán cà phê nổi tiếng một thời, quán T2, với anh Nguyễn Lập Chí. Anh đã ròng rã nhiều năm thu thập tài liệu và hình ảnh để hoàn tất đặc san kỷ niệm cho Khóa 1 Chánh Trị Kinh Doanh, khóa đầu tiên của trường Chánh Trị Kinh Doanh và cũng đông nhất, trên một ngàn người. Hiện định cư tại Maryland. Mấy năm trước anh bị “light stroke” nhưng đã vượt qua được và hồi phục.

Nguyễn Đình Cận CTKD-1: Tự anh Hai Cận. Anh đã từng đại diện cho phái đoàn lực sĩ VDH Đà Lạt trong những lần họp mặt liên viện. Tài của anh không dừng ở các môn thể thao, mà còn lan qua bộ môn xì phé, và nhảy đầm. Ai không tin hôm nào thử đua tài "dance all night" với anh Cận xem sao?

Trần Quang Cảnh CTKD-1: Tự Cảnh Hù, bạn bè thường đùa và gọi anh là “Cao Đài Giáo Chủ” tại hải ngọai. Hiện đã về hưu. Anh cùng chị Kim Thoàn CTKD-1, một cây vọng cổ của Thụ Nhân, dọn về vùng nắng ấm Nam Cali sau bao năm cầm cự với cái lạnh của vùng thủ đô Washington DC.

Trần Văn Chang K1: Người lúc nào cũng muốn đóng góp, trả lại đời những gì mình đã thu nhập, nhất là từ trường mẹ Đà Lạt. Làm việc cho IBM từ Việt Nam qua đến Mỹ, anh đã tổ chức các khóa dạy về điện toán dành riêng cho TN từ những ngày đầu tị nạn, giúp nhiều người tìm được việc làm trong ngành này. Cũng như anh Tô Minh Toàn, anh là sáng lập viên của Quỹ Học Bổng trở thành DUACT hiện nay. Anh đã về hưu non từ mấy năm nay, nhưng ngồi yên không nổi nên đi làm trở lại cho vui.

Nguyễn Lập Chí CTKD-1: Tự Chí Mè Phủ. Sáng lập viên đoàn Thanh Niên Thiện Chí Đà Lạt. Cùng anh Nguyễn Tường Cẩm CTKD-1 lập quán cà phê T2 nổi tiếng tại khu Bùi Thị Xuân ngày nào. Mất trên đường vượt biển vì dám chê "thiên đường xã hội chủ nghĩa" do Bác và con cháu lập ra tại Việt Nam.

Nguyễn Khánh Chúc CTKD1: Về phái nam, anh Chúc có lẽ là người duy nhất giật ba mảnh bằng cử nhân cùng lúc về Chánh Trị, Kinh Doanh và Văn Khoa. Thật không hổ danh với cái học danh “mọt sách” do bạn bè đặt ra trong những ngày cắp sách đến trường. Đối nghịch với cái tên anh “Thông nhà thờ” cùng ở Pháp, anh được anh em tặng cho biệt hiệu “Chúc thầy chùa”. Ba anh Khánh Chúc, Văn Dân, Đình Thông đều là cựu Chủ Tịch của Hội Ái Hữu Viện Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu.

Bùi Mạnh Cường CTKD-5: Người "ăn to nói lớn” nhất trong các diễn đàn Đà Lạt. Sau thời gian vẫy vùng trên thương trường từ khai thuế qua ngân hàng đến nhà hàng, nay anh lui một bước về nghề nghiệp, nhưng lại tiến thêm một bước về nghệ thuật chụp ảnh. Anh đã chịu khó lặn lội đến nhiều nơi để săn ảnh, và nhân đó cho chúng ta những bài tường thuật lý thú bên lề chuyến đi.

Nguyễn Đức Cường CTKD-7: Tự “cụ lang Cường”. Anh tốt nghiệp về Đông Y và hành nghề tại Nam Cali.

Thật đúng với câu "thùng rỗng kêu to", các bạn trên diễn đàn thường chỉ nghe tiếng của "lang băm Nguyễn Đức Trọng”, chứ hiếm khi nghe được tiếng của cụ lang Cường về những vấn đề y học. Những khi rảnh rỗi, cụ lang Cường viết nhạc và đem lời ca của mình để ca tụng tình yêu, và tình người. Thiên hạ biết đến ca nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường nhiều hơn là cái nghề đông y của anh, mặc dù anh chữa rất mát tay.

Lưu Văn Dân CTKD-1: Tự Dân Dzệ vì hay tếu qua những câu chuyện chuyên bằng những mẫu tự abcd, nổi tiếng nhất là bài "Giáo Dziên Dzià Dê Dzợ Dân Dzệ". Anh là một trong những cánh chim đầu đàn của Thụ Nhân Paris, Pháp quốc, luôn thấy xuất hiện trong những hội hè, và tiếp đón quý vị giáo sư và bạn bè từ phương xa có dịp ghé thăm Kinh Đô Ánh Sáng Paris. Ai muốn học những bước Be-Bop thì nhớ nhờ anh Dân chỉ dẫn nghe, ca sĩ Khánh Ly đã từng nhắc đến anh trong những bài tâm tình của cô về những ngày khởi đầu nghiệp cầm ca tại các vũ trường ở Đà Lạt.

Phạm Đình Đắc CTKD-5: Tự Dacco, anh có lẽ là Thụ Nhân bay nhiều nhất. Một phần do công việc, một phần thích du lịch. Nhờ đó chúng ta có dịp thưởng thức các bộ hình ảnh đặc sắc của anh từ Việt Nam, cho đến Âu Châu, Mỹ Châu. Hiện điều khiển diễn đàn DA-LIST do anh thành lập trong sinh hoạt giữa các thân hữu Thụ Nhân.

Trần Văn Đại CTKD-1: Dáng dấp nhỏ con, nhưng tiếng nói thì sang sảng, làm Phụ Khảo môn Thông Đạt tại Trường Chánh Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, cựu Trưởng Phòng Báo Chí Bộ Lao Động, và cũng là nhà thơ Trần Đại. Mất tích trên đường vượt biển khi đi tìm “địa ngục tư bản".

Mai Kim Đỉnh CTKD1: Nổi tiếng với biệt danh “Tư Liệt”, có lẽ vì ngày xưa anh mê học bài quá, bỏ quên chuyện theo đuổi mấy chị nên …. được bị mấy chị tặng cho danh hiệu này? Biệt danh Tư Liệt nay có lẽ không còn trúng nữa sau khi anh lập gia đình cùng chị Mộng Vân và có một cháu trai là Vân Đỉnh. Hiện anh đang cư ngụ tại thành phố nhỏ gần Thủ Đô sương mù London và thường xuyên góp tiếng nói với đài BBC của Anh quốc, đài RFI của Pháp qua những mục bình luận về những đề tài về kinh tế. Hy vọng anh sẽ tìm được thời giờ rảnh để lâu lâu viết những đoản văn vui, chuyện phiếm cho tất cả cùng thưởng thức.

Nguyễn Vân Đông VK 1970: Hiện là linh mục chánh xứ Thăng Thiên, Pleiku, VN. Người đứng đầu công cuộc giúp đỡ đồng bào thiểu số bị phung cùi ở Pleiku và Kontum, những người dường như đã bị chính quyền CSVN bỏ rơi. Linh mục Đông và chương trình giúp đỡ người thiểu số được nhiều người biết qua Bài Giảng Mùa Chay tại Vương Cung Thánh Đường Sài gòn, cũng như nghĩa trang dành cho các thai nhi bị cha mẹ bỏ rơi, nghe nói rất linh thiêng cho những ai thành tâm cầu nguyện.

Nguyễn Thành Đức CTKD-1: Tự Năm Râu mặc dù rất ít khi thấy anh để râu. Bạn bè thường biết đến anh qua những email đùa giỡn bằng cách thay đổi từ chữ N qua L và ngược lại, từ TR qua CH, v.v. Nghe nói anh đã được thầy Trần Long và Frère Kế yêu quí hỏi thăm sức khỏe về chuyện này, nhưng vì máu tếu đã thấm tới xương nên chưa bỏ được. Anh sáng lập diễn đàn Đà Lạt - Thông Reo dành riêng cho bạn bè cùng Viện Đại Học Đà Lạt và thân hữu. Hiện làm "ngự lâm pháo thủ" bảo vệ công nương Lệ Thu của thành Atlanta, Georgia.

Nguyễn Hương Giang CTKD-1: Làm phụ khảo về kế toán cùng thời với anh Mai Kim Đỉnh và Trần Đại. Có hiểu biết sâu xa về toán. Qua tới Hoa Kỳ thì giỏi thêm về thiền và khí công, nhưng rất ít khi có mặt trong những lần gặp gỡ bạn bè. Hi vọng trong tương lai gần, anh sẽ tái xuất giang hồ và chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm của anh về thiền và khí công.

Kha Tư Giáo CTKD-1: Con người cao lớn đẹp trai và có tính khí kiên cường không chịu khuất phục những áp chế. Sau biến cố năm 75 quân cán chánh miền Nam trong đó có anh và nhiều bạn cùng Trường cùng Viện đã bị bắt cầm tù. Riêng anh đã bị cai tù CS Việt Nam xử tử trong trại tù cải tạo.

Vũ Mạnh Hải CTKD-8: Có lẽ anh là người Việt Nam đầu tiên đá banh (soccer) cho một hội nhà nghề. Đó là hội banh của thành phố Vancouver, Canada vào những năm 1977-78. Nay dù đã đi vào số tuổi 50, anh vẫn còn nhiều phong độ. Ngoài việc làm thường trực, anh còn là trưởng một ban nhạc đi "show" liên miên. Anh còn được bạn bè tặng cho danh hiệu "lão bạng sinh châu" sau khi chị vừa sinh cho anh cháu bé thứ hai năm 2004, sau cháu thứ nhất cách đây hai năm.

Dương Tấn Hải CTKD-1: Tự Kiến Lửa, anh quả là "người hùng" của khóa 1 sau loạt bài gặp ma của anh đăng trên các đặc san Thụ Nhân. Anh hiện đang điều hành diễn đàn Đà Lạt - Thông Reo, dành riêng cho cựu sinh viên Đà Lạt và thân hữu ở hải ngoại. Có lẽ do mộng hải hồ trong người, anh đã chọn Marseille, Pháp làm nơi cư trú để chiều chiều có thể nhìn những cánh buồm và con tàu xa xa cho đỡ ghiền.

Phan Trọng Hân CTKD-11 : Thật là tuổi trẻ tài cao trong nhóm, bên cạnh công việc sở, việc nhà, anh không quản ngại công sức đóng góp trong tập thể Thụ Nhân Đà Lạt qua vai trò điều hành viên của diễn đàn Thụ Nhân (TNIC), thành viên ban chấp hành Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Đà Lạt tại Houston, Texas. Bên cạnh đó, anh cũng hiện diện trong những sinh hoạt cộng đồng ở Texas. Nghe nói anh hoạt động nhiều và hăng say như vậy là do sự hỗ trợ của bà xã anh là chị Thanh Hương CTKD-10.

Đỗ Thị Vân Hạnh CTKD-6 : Nổi tiếng là con người năng nổ, một nữ “Mạnh Thường Quân” của Thụ Nhân trong mọi công cuộc đóng góp từ thiện. Đã lấy bằng CPA rất sớm và hoạt động trong ngành tài chính, kế toán và địa ốc tại Bắc Cali. Lòng nhân đạo hay giúp người của chị đã ảnh hưởng nhiều đến mọi người chung quanh, và ngay cả trong gia đình của chị.

Nguyễn Xuân Hoàng VK 1964-68 (?): Giáo sư Triết và là nhà văn được biết nhiều trước năm 1975. Một thời là Chủ Tịch Văn Bút VN. Truyện hay được nhắc đến là "Người đi trên mây.". Ngày trước anh làm chủ bút cho tờ báo Việt Mercury, phát hành tại San Jose từ năm 1999-2005. Chị NXH cũng là một TN-A, chị Diệu Trữ, được biết đến nhiếu qua bút hiệu Trương Gia Vy, giữ mục trả lời thư bạn đọc của nguyệt san Văn do anh Hoàng làm chủ nhiệm. Chi Diệu Trữ Trương Gia Vy là một trong Ngũ Long Công Chúa của phân khoa Chính Trị Xã Hội, khóa 1, 1972-75.

Đinh Hùng CTKD2: Hình như anh là tác giả bài “Ăn mày tình ái” thì phải. Lần đầu tiên tôi được nghe bài này là do anh điều khiển quý anh chị Thụ Nhân đồng ca trong dịp trở về thăm trường xưa năm 1971. Anh cũng là người đi tiên phong trong việc phát triển những quảng cáo thương mại từ những “slide” thành các đoạn phim ngắn qua hãng AFC (Advertising Film Company) do anh thành lập trước năm 1975. Nghe nói anh đang “enjoy” đời sống với tiệm ăn của anh ở một góc phố Paris nào đó.

Trần Thị Mộng Hương CTKD-5: Là một trong ba người điều hành diễn đàn TNIC (Thụ Nhân Internet Club). Nhờ chị chúng ta được gia tăng quân số chủ lực với sự hợp tác của ông xã chị là ca sĩ Đoàn Chính. Mặc dù bận rộn với nghề nghiệp và gia đình, anh chị vẫn sinh hoạt đều đặn trong đoàn Hưng Ca Việt Nam, và trong các đại hội, sinh hoạt của cựu sinh viên Đà Lạt.

Nguyễn Thị Diệu Hương CTKD-10: Cũng là ca nhạc sĩ Diệu Hương, đã ra vài CD với những bài nhạc do chị sáng tác như Phiến Đá Sầu, Vì Đó Là Em, Đà Lạt Trong Niềm Nhớ, v.v. Riêng bài "Mình Ơi" đã tạo cho tôi một xúc cảm đặc biệt.

Nguyễn Văn Huy CTKD-8: Tự Huy Chủ Tịch, là do anh được anh chị em khóa 8-CTKD bầu làm chủ tịch năm Sưu Khảo, kiêm chủ tịch trường CTKD và toàn Viện Đại Học Đà Lạt, nhưng chưa kịp bàn giao cho đàn em thì đã phải chạy làng. Vượt biển và định cư ở Pháp, anh đi học lại lấy tiến sĩ Dân Tộc Học và dạy ở đại học Paris. Anh đã cho xuất bản nhiều sách nghiên cứu về chính trị, và về Việt Nam. Hiện là chủ bút nguyệt san Thông Luận.

Nguyễn Khanh VK 1973-75: Cũng là nữ thi sĩ Tiêu Sa, là một cây viết nồng cốt trên những đặc san và diễn đàn Đà Lạt, cũng như sự góp mặt thường xuyên của chị trong những sinh hoạt của TN Texas. Thơ chị nhẹ nhàng, và tràn đầy tình thương yêu giữa con người với nhau.

Mai Kim KH 1958-59: Là dân Khoa Học nhưng lại được mọi người biết đến qua những tập truyện ngắn với những kết cục thật bất ngờ. Anh còn là một cầu thủ đá banh trong hội tuyển của hãng thuốc mà anh làm việc, 25 năm. Hiện đã về hưu và sinh sống tại Little Saigon. Lâu lâu nhớ sân cỏ anh lại ra quân trong đội Lão Tướng VN tại đây.

Lê Thanh Kim CTKD-6 : Một trong những Thụ Nhân lấy được mảnh bằng CPA sớm nhất trên đất Mỹ, hiện cư ngụ tại Nam Cali và chuyên phụ trách các công tác thiện nguyện nhằm xoa dịu vết thương đau của người khác. Anh đã cộng tác với cô Ngô Đình Long (Trâm Anh) tổ chức thành công trong việc gây quỹ cho DUACT những năm vừa qua.

Lê Văn Lạc KH-1958-59: Anh được biết đến nhiều nhất khi làm Hội Trưởng Hội Ái Hữu Vô Vi tại Mỹ, cũng như giúp phổ biến pháp Thiền Vô Vi đến cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại qua việc in và tặng không những sách và băng giảng giải về thiền, cũng như phương pháp tập luyện.

Quản Mỹ Lan SPVK 1966-70: Đây là người đẹp Bùi Thị Xuân ngày nào, và được bạn bè thương mến tặng cho danh hiệu "cô giáo trường làng". Nhờ "cô giáo" mà chúng ta có thêm "thầy giáo" Phạm Ngọc Lân trong các sinh hoạt Thụ Nhân với ngón đàn guitar solo tuyệt vời. Sau thời gian từ Paris qua Cali sinh sống, anh chị đã quyết định quay trở về tái định cư ở miền Nam nước Pháp, bên bờ Địa Trung Hải. Hàng năm chị và một số bạn bè như chị Anh Thơ, Tiêu Sa, Lương Thiện vv...lại đứng ra quyên góp cho chương trình cứu trợ đồng bào thiểu số bị cùi và tật nguyền ở cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Trần Văn Lương VK 1967-71: Được anh em thương tặng cho biệt danh là Cụ Đồ Lương vì có sở học thâm sâu trong cả hai ngôn ngữ Hán - Việt. Trước 1975, anh là Tham Vụ cho Bộ Ngoại Giao, ngày ấy anh đã nói năm thứ tiếng, đến nay không biết có thêm ngôn ngữ mới nào không? Khi qua Mỹ, anh trở lại học về ngành khoa học và lấy MS về Electronic, rồi Ph.D. về Computer, và làm việc cho hãng máy bay Boeing. “Bà Hàng Xóm” của anh là cô giáo khả ái Phong Nhã (TN-A VK) của Bùi Thị Xuân thuở trước. Anh chị hiện ngụ tại Orange City, Nam Cali. Chị ít thấy xuất hiện vì mải lo cho các nhóm hướng đạo tại Nam Cali, nhưng chúng ta thường gặp anh qua các bài thơ thâm thúy về thiền, đạo học, hay tình yêu quê hương, v.v. Bút hiệu anh hay xài là Cóc Thiền, Phi Dã Thiền Sư.

xem tiếp phần 2